221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
927358
BA MƯƠI THÁNG TƯ và sứ mệnh tiếp nối
1
Article
null
BA MƯƠI THÁNG TƯ và sứ mệnh tiếp nối
,

(VietNamNet) - Trách nhiệm thống nhất Tổ quốc, thế hệ đi trước đã hoàn thành. Tìm một chủ thuyết phát triển cho dân tộc trong thế kỷ mới, để đưa đất nước tới tương lai một quốc gia hùng cường, là trách nhiệm còn để ngỏ cho thế hệ hôm nay.

mung304.jpg
30/4/2007. Ba mươi hai năm sau khi đất nước hòa bình, thống nhất. Dù không là 35 hay 40 năm để có lễ kỷ niệm hoành tráng như 2 năm về trước nhưng ngày ba mươi tháng tư năm 2007 vẫn là một khoảnh khắc đặc biệt.

"Ngày vui như trong đêm mơ. Qua hết rồi những năm thương đau.
Xa bao nhiêu năm ta mới gặp nhau. Vui sao nước mắt lại trào..
."

Giai điệu của ngày toàn thắng, cũng là ngày đoàn tụ, với những ai đã từng trải nghiệm qua năm tháng chiến tranh đều lắng đọng nhiều cảm xúc. Cái giá của hoà bình, độc lập và thống nhất đã được đánh đổi bằng sinh mạng của hàng triệu người Việt Nam, bằng sự hi sinh thầm lặng của hàng triệu người khác.

Ba mươi năm của sự chia ly, bởi chiến tranh là mất mát, thậm chí là hy sinh, nay kết quả là khoảnh khắc đất nước hoà bình, non sông nối liền một dải. Với mỗi người VN, dù ở phía bên này hay phía bên kia, nếu đã sẵn một tinh thần dân tộc, thì đều thấu  hiểu ý nghĩa của ngày thống nhất.

Vị tướng của Việt Nam Cộng hoà, nhân vật số 3 một thời chỉ đứng sau Thiệu - Kỳ, ông Nguyễn Hữu Có nhớ lại cảm xúc ngày 30 tháng 4 năm 1975: "Đêm đó, nỗi lo trong tôi gần như không còn. Đêm hòa bình thật sự, cả thành phố sáng đèn, không tiếng súng, lại còn nghe “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn phát trên sóng phát thanh. Tôi tin vào những điều tốt đẹp".

Nghe ca khúc mừng thống nhất đất nước trên VietNamNet

mung30-4.jpg
 

(VietNamNet) -
Mời quý vị trở lại không khí hào hùng, đoàn tụ qua những nhạc phẩm mừng chiến thắng 30/4, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hành trình 64 năm kể từ ngày Nguyễn Ái Quốc rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước cuối cùng cũng đã kết thúc khi hòa bình, độc lập đã thực sự trở lại trên mảnh đất hình chữ S, sau quá nhiều chia cắt và đổ máu.

Sứ mệnh thống nhất đất nước đã hoàn thành, thế hệ đi trước đã tự hào mà trao lại cho thế hệ đi sau sứ mệnh kế tiếp: đưa Việt Nam vươn dậy mạnh mẽ tới tương lai của một quốc gia hùng cường như giấc mơ đã được xác tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thế nhưng, nhìn lại 32 năm đó, thế hệ hôm nay khó có thể tự bằng lòng. Trong 32 năm đó chúng ta đã làm được những gì?

So với chính mình, chúng ta đã đi được một đoạn đường dài. Một đất nước đổ nát sau chiến tranh, qua hai mươi năm đổi mới đã tự tin hội nhập với thế giới, trở thành một thành viên bình đẳng trên sân chơi chung của kinh tế toàn cầu.

Nhưng so với người, chúng ta đã chậm bước, đến mức giữa chúng ta và ngay những người láng giềng của chúng ta, mà quả thật ngày trước chúng ta không thật sự nể trọng lắm có một khoảng cách mà cho đến bây giờ vẫn chưa thể nào thu hẹp lại.

Và nếu như theo phân tích của tiến sĩ Vũ Minh Khương, “Cho dù bối cảnh phát triển trong mấy thập kỷ tới vẫn tiếp tục thuận lợi như hiện nay, Việt Nam sẽ vẫn ở mức phát triển thấp so với khu vực và thế giới. Như vậy, vào năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm Quốc khánh và 70 năm ngày thống nhất đất nước, Việt Nam vẫn chưa thoát hẳn cảnh nghèo nàn lạc hậu (giống như Mexico, Malaysia, hay Thái lan hiện nay); đồng thời sẽ phải chịu thêm mặc cảm tủi nhục vì vị thế thấp kém của đất nước so với Trung Quốc và các nước phát triển, cùng sự xót xa, nuối tiếc về những cơ hội vô giá mà thế hệ hôm nay đã bỏ qua".

Đột phá để phát triển hơn lúc nào hết đang là đòi hỏi bức thiết của thời cuộc và của lòng người.

Nhưng đột phá không bắt đầu từ cố gắng sửa đổi một vài thủ tục hành chính, hay biện pháp đốc thúc quyết liệt một số dự án trọng điểm mà phải khởi đầu từ triết lý phát triển.

Một chủ thuyết đúng của dân tộc trong thế kỷ XXI sẽ mở ra một cục diện mới, có sức khai phóng mạnh mẽ cho công cuộc phát triển của đất nước. Và khi đã tìm ra một chủ thuyết đúng, hẳn sẽ giúp chúng ta bớt băn khoăn, ưu tư với câu hỏi chúng ta đang đi nhanh quá hay chậm quá.

Chủ thuyết phát triển đó không tách rời mà là sự kế thừa và nối tiếp chủ thuyết và con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn cho dân tộc trong thế kỷ XX. Nhưng trong một thế giới đầy biến động và thay đổi đến chóng mặt như hiện nay, hơn lúc nào hết, chúng ta cần trả lời đầy đủ cho câu hỏi: Chúng ta đang đứng ở đâu, trong một thế giới như thế nào và chúng ta có thể chọn hướng đi nào nhanh nhất, phù hợp sức mình nhất?

Thực tiễn thế giới đang cho thấy những quốc gia nhỏ, yếu, với xuất phát điểm thấp hoàn toàn có thể đi tắt, vượt lên, bắt kịp với các nước phát triển khác nếu quốc gia đó tìm ra cho mình một chủ thuyết phát triển phù hợp nhất cùng với nỗ lực phi thường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ.

Đó là bài học của một dân tộc Hàn Quốc từng nghèo khó, thậm chí chết đói trong những năm 50 khi bước ra khỏi cuộc chiến, chỉ trong vòng chưa đầy 40 năm từ khi thực hiện công nghiệp hoá, họ đã đứng vào hàng ngũ các nước công nghiệp phát triển (OECD). Và nay, họ đang quyết liệt thực hiện chiến lược cường quốc nhằm đạt trình độ khoa học công nghệ của 7 cường quốc hàng đầu thế giới vào năm 2025.

Vì vậy, nhớ về ngày 30/4 để xác tín lại tinh thần, hoài bão và khát vọng của cả một dân tộc đồng tâm những năm xưa đương đầu với gian khó, hy sinh, để người Việt trong và ngoài nước cùng hợp lực cho công cuộc phát triển của dân tộc trong thế kỷ XXI.

Hai năm sau kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất, 30/4/2007, đất nước đang đứng trước cơ hội có một không hai, như chính các nhà lãnh đạo từng khẳng định, để hoàn thành sứ mệnh còn lại: thống nhất lòng người, tiến tới đoàn kết, hoà hợp dân tộc thực sự, cả bên trong và bên ngoài, cùng đưa đất nước vượt lên một bước mới để Việt Nam có thể bắt kịp với thiên hạ.

Trong câu chuyện của mình, một trí thức Việt kiều, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng có kể rằng, rất nhiều người Việt trẻ ở hải ngoại đã tới tìm ông với mong muốn tìm một cách thức đóng góp cho đất nước bất chấp sự ngăn cản của cha ông họ vì không vượt qua được những mặc cảm quá khứ.

Đối với những người Việt, dù ở phía bên này hay bên kia, dù khác biệt về chính kiến, nhưng nếu đã mang trong mình dòng máu Việt, tinh thần Việt thì khát vọng cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam hùng cường mãi luôn là đồng vọng, Giáo sư Hưng nói.

Trong một cuộc trò chuyện trước thềm ngày Quốc lễ 30 tháng Tư năm nay, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói rằng, trong nhiều cuộc gặp gỡ với giới trí thức, nhân sỹ người Việt ở nước ngoài ông đã cảm nhận được rất rõ "tâm nguyện tha thiết của anh em muốn được đóng góp một phần trí tuệ vào công cuộc phát triển của đất nước".

“Đừng chậm trễ nữa. Đừng chần chừ nữa. Đừng để tâm huyết của cả xã hội nguội lạnh. Nếu để điều này xảy ra, chúng ta sẽ tiếp tục phải trả giá”, đó là thông điệp mà nhà lãnh đạo trưởng thành từ chiến tranh này muốn nhắn gửi nhân ngày 30/4.

Thế hệ hôm nay đã biết tự hào về những hy sinh để làm nên chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 của thế hệ trước. Liệu những người Việt Nam của 30 năm sau nữa sẽ được hãnh diện về lòng quả cảm và những nỗ lực phi thường mà thế hệ hôm nay sẽ xiết chặt hàng ngũ để làm nên một nước Việt Nam hùng cường hay họ sẽ phải hổ thẹn, tủi nhục về vị thế yếu kém của dân tộc trong cộng đồng thế giới và xót xa nuối tiếc về những cơ hội vô giá mà thế hệ cha anh họ đã bỏ qua? 

Trách nhiệm thống nhất Tổ quốc, thế hệ đi trước đã hoàn thành. Trách nhiệm bảo vệ  hoà bình và đưa đất nước Việt Nam trở nên giàu mạnh, như mong muốn của Hồ Chủ tịch? - câu trả lời đó phụ thuộc vào những hành động của thế hệ hôm nay.

  • Minh Anh

Cùng VietNamNet chia sẻ cảm xúc 30/4:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,