221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
921594
TP.HCM: Nhiều lo ngại về cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân
1
Article
null
TP.HCM: Nhiều lo ngại về cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân
,

(VietNamNet) - MTTQ TP.HCM đã tổ chức lấy ý kiến của một số nhân sỹ, trí thức về vấn đề cổ phần hóa bệnh viện, trường học lớn, trong đó có bệnh viện Bình Dân, vào ngày 13/4.

BinhDan
Bệnh viện Bình Dân đang được hiện đại hóa, nhưng liệu có chỗ cho người nghèo? (ảnh: T.T)
Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định bàn giao tài sản cố định (nhà - vật trên đất) cho Bệnh viện Bình Dân trực thuộc Sở Y tế để thực hiện thí điểm cổ phần hóa, gồm: nhà số 371 đường Điện Biên Phủ (phường 4, quận 3) diện tích đất 11.727,9m2 và nhà số 408-416-428 đường Điện Biên Phủ (phường 11, quận 10) diện tích đất 2.110,6m2.

Việc cổ phần hóa được giới chức trách TP.HCM giải thích là theo chủ trương chung của Trung ương, nhằm thu hút vốn, đầu tư mạnh vào trang thiết bị, để chữa bệnh nhanh hơn, giải tỏa sự quá tải.

"Liệu việc cổ phần hóa sẽ khiến các bệnh viện bớt quá tải? Hay là bớt quá tải do viện phí tăng quá cao khiến bệnh nhân nghèo đổ sang các bệnh viện khác. Cũng không thể nói, tư nhân hóa thì sẽ chống được tham nhũng, vì tham nhũng nảy sinh do cách quản lý kém. Hơn nữa, theo đề án cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân, Nhà nước vẫn nắm 60% cổ phần" - Ông Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, băn khoăn.

Theo dự thảo đề án cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân, Nhà nước sẽ giữ cổ phần chi phối 60%, cán bộ cứ một năm công tác được mua 100 cổ phần ưu đãi với giá bằng 60% giá đấu bình quân ra bên ngoài, nhà đầu tư chiến lược nắm tối đa 20% và phần còn lại (tối thiểu 20%) được đem đấu giá.

Một nữ nhân sỹ từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cho rằng: Đối với bệnh viện, trường học, xã hội hóa để kêu huy động nguồn lực thì nên, nhưng cổ phần hóa thì không nên. Việc cổ phần hóa bệnh viện dễ dẫn đến kinh doanh trên sức khỏe, tính mạng người dân. Hơn nữa khi hạch toán theo thị trường, viện phí sẽ tăng lên và người nghèo sẽ càng gặp khó khăn. Điều này trái với bản chất của xã hội VN: chăm lo cho người nghèo.

Có phần ngược lại với ý kiến trên khi đồng ý với chủ trương cổ phần hóa, nhưng có ý kiến cho rằng: Quá trình cổ phần hóa cần có các văn bản pháp lý chi tiết, cần có sự giám sát chặt chẽ để tránh việc tài sản của Nhà nước bị thất thoát do định giá quá thấp.

Bác sỹ Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc bệnh viện Bình Dân, tỏ ra lạc quan về viện phí khi hứa hẹn, trong điều kiện trang thiết bị được cải thiện, thời gian chữa bệnh diễn ra nhanh, có thể chữa cho nhiều người hơn, lợi nhuận sẽ cao hơn, từ đó, viện phí cho mỗi bệnh nhân sẽ không tăng cao.

Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, "cổ phần hóa không có nghĩa là bán bệnh viện. Đây là việc cần thiết. Quá trình cổ phần hóa cần có sự giám sát của HĐND, MTTQ và đông đảo nhân dân để đi đúng hướng, tránh những sai sót đáng tiếc".

Trước đó, trả lời báo giới, bác sỹ Nguyễn Chí Hùng, khẳng định: Bình Dân sẽ làm kinh tế, nhưng vẫn làm tròn trách nhiệm xã hội của mình. Bây giờ bệnh viện hỗ trợ bệnh nhân nghèo thế nào thì sau cổ phần hóa vẫn cố gắng làm đúng như thế. Mỗi năm bệnh viện đều dành ngân sách gần 2 tỉ đồng để trang trải cho việc hỗ trợ này, đặc biệt cho những trường hợp trốn viện vì không đủ tiền thanh toán.

Tuy nhiên, cho đến cuối hội nghị, vẫn nhiều người băn khoăn về viện phí sau khi cổ phần hóa, đặc biệt là chính sách với bệnh nhân nghèo, vì không còn ngân sách của Nhà nước.

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ tịch MTTQ TP, khuyến cáo: "Bản thân mỗi cán bộ, nhân viên cần thật bản lĩnh, nhiệt huyết sau khi cổ phần hóa. Vì, với việc tư nhân nắm giữ gần một nửa cổ phần, các quyết định của bệnh viện rất dễ bị chi phối theo lợi ích riêng, làm hạn chế việc chăm lo cho người nghèo".

  • Phạm Cường

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,