-Mua bán không lấy hoá đơn chứng từ, hàng kém chất lượng đã trao tay NTD khỏi hy vọng bồi thường.
TIN LIÊN QUAN
Rèm cửa chưa giặt đã rách tả tơi
Tháng 10/2008, chị K.X (TP.HCM) may toàn bộ rèm cửa cho căn hộ mới xây với tổng số tiền gần 56 triệu đồng tại một tiệm may trên đường Huỳnh Tấn Phát. Sau một năm sử dụng, chị X. phát hiện toàn bộ số rèm cửa bị sờn, rách đều từ trên xuống, nhất là những chỗ tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Nghi vải kém chất lượng, chị X. gọi điện đến cửa hàng yêu cầu bồi thường.
Ảnh minh hoạ: internet
Chị kể: "Tôi điện thoại theo số máy của chủ cửa hàng trong card thì không thấy có tín hiệu. Dò hỏi mãi mới được số điện thoại mới, nhưng khi nghe báo, chủ cửa hàng hẹn đến qua năm 2010 mới lên xem. Mãi sau không thấy hồi âm gì và tôi cũng không liên hệ lại được".
Lặn lội tìm đến địa chỉ nhà riêng của chủ cửa hàng, chị X. được anh này báo là đã đưa mẫu vải về công ty xem xét.
Sau một thời gian không thấy thông tin gì, chị chủ động liên hệ lại.
Kết quả nhận được: "Chủ cửa hàng nói công ty bán vải không chịu bồi thường vì thời gian đã hơn một năm. Anh này nói sẽ đem vải khác đến để tôi mua mới, anh ta miễn phí cho công may. Nếu không thì tôi tự giải quyết vì tôi không có hợp đồng gì cả!"- chị kể.
Hợp đồng mua bán- căn cứ để khởi kiện kẻ lừa đảo
Tháng 7/2009, gia đình chị N.H.T (Tp.HCM) đặt hàng cửa hàng nội thất K.L một bộ bàn ăn 4 ghế với giá 4.740.000 đồng, thoả thuận với cửa hàng lưu kho trong 3 tháng.
Đến tháng 10/2009, gia đình chị T. nhận đủ hàng, nhưng vì lý do căn hộ chưa xây dựng hoàn thiện nên đề nghị cửa hàng lắp ráp sau. Tháng 4/2010, chị T. yêu cầu cửa hàng lắp ráp bộ bàn ghế theo thoả thuận.
Tuy nhiên sau một ngày lắp ráp, kiểm tra bộ bàn ghế chị T. phát hiện một chiếc ghế có 4 chân không đều và bị sút mọng, bàn ăn bị dán băng keo đã hỏng lớp véc-ni.
Chị T. gọi điện đến đường dây nóng của cửa hàng cũng như số điện thoại của người tiếp thị sản phẩm nhiều lần đều nhận được những lời hứa suông. Còn giữ đầy đủ các hoá đơn chứng từ, phiếu bảo hành sản phẩm một năm (tính từ ngày nhận hàng), khi người bán lần khân trách nhiệm, chị T. loay hoay không biết kêu cứu ở đâu .
Theo đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD, trường hợp như của chị X. không hiếm gặp, nhiều NTD chỉ vì không có hợp đồng dịch vụ nên không có cơ sở pháp lý để đòi bồi thường thiệt hại khi dịch vụ không đảm bảo chất lượng.
Chị T. với đầy đủ các căn cứ trong tay có quyền yêu cầu cửa hàng đổi một sản phẩm mới có thời hạn bảo hành đầy đủ hoặc được người bán chấp nhận bảo hành 12 tháng kể từ ngày mua với sản phẩm đã mua. Trong trường hợp của chị T. nếu người bán không bảo hành sản phẩm tức là đã vi phạm hợp đồng dân sự, vi phạm về điều khoản bảo hành sản phẩm, chị hoàn toàn có quyền khởi kiện.
Lời khuyên với mọi NTD, khi làm dịch vụ, cần phải có hợp đồng dù giá trị lớn hay nhỏ, khi mua hàng hoá phải lấy hoá đơn, chứng từ, đây là cơ sở pháp lý để NTD bảo vệ quyền lợi của mình khi dịch vụ không đảm bảo chất lượng.
Đến thời điểm này, khi ý thức tự bảo vệ mình ngày càng rõ nét hơn, nhận thức được 8 quyền cơ bản, NTD hoàn toàn có thể tẩy chay người bán gian dối và thông tin về sự việc cho nhiều NTD.
Dự thảo Luật Bảo vệ NTD sắp được Quốc hội thông qua, DN sử dụng thủ đoạn kinh doanh lừa đảo sẽ bị phán xử theo pháp luật.
-
Minh Minh
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |