- Hàng loạt kênh truyền hình yêu thích bỗng thay bằng... quảng cáo. Khán giả nổi giận, nhà đài nhún vai: Những kênh này không bản quyền và được phát sóng "chui".
TIN LIÊN QUAN
Truyền hình cáp "cho gì, hưởng nấy"
Cuối tháng 3/2010, anh Nguyễn Cao Thắng (Quận 12, TP.HCM) vô cùng bức xúc khi kênh thể thao Super Sport 3 (gọi tắt là S3) trên Truyền hình cáp SCTV bị thay hoàn toàn bằng kênh Bóng Đá TV.
Một ngày "đẹp trời", kênh truyền hình yêu thích của bạn có thể "mất tích". Ảnh H.D
"Kênh S3 thường xuyên phát những trận đấu mà các kênh khác không có (Carling Cup; Champions League; giải La Liga Tây Ban Nha...). Tôi khó chấp nhận việc kênh truyền hình ưa thích bị thay bằng một kênh chất lượng kém, hình ảnh mờ nhạt, bình luận dở", anh Thắng nói.
Không bị thay kênh nhưng anh Nguyễn Hữu Trung (quận Bình Tân, TP.HCM) lại vô cùng sửng sốt khi đến giờ phát giải bóng đá Tây Ban Nha anh ưa thích (1-3h sáng), màn hình kênh truyền hình S3 trên sóng HTVC chỉ là một màu...đen kịt.
Kênh S3 chỉ là 1 trong số những kênh truyền hình quốc tế bị một số đài truyền hình thay "thẳng tay" các chương trình được nhiều khán giả yêu thích bằng các chương trình khác. Và hiếm khi khán giả được báo trước chứ đừng nói chuyện được hỏi ý kiến về việc đổi kênh.
1 đài mua kênh, khán giả đài khác "bơ vơ"
Giải thích cho việc cắt kênh, ngừng phát sóng kênh S3 trong những khung giờ nhất định, cả Trung tâm Truyền hình cáp HTVC- Đài truyền hình TP.HCM và Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist đều có lý do chung là "Công ty TNHH Truyền hình số VN-VSTV đã mua bản quyền truyền hình độc quyền phát sóng trên lãnh thổ Việt Nam, phát trên kênh S3 các giải bóng đá: Cúp C1 Châu Âu, Cúp C3 Châu Âu, La Liga, Serria A- gói B". Bởi vậy, để tránh vi phạm bản quyền, 02 đơn vị này đành tạm ngừng phát sóng kênh S3.
Là một khách hàng của Truyền hình cáp SCTV, bạn đọc Nhã Chi (quận Phú Nhuận, Tp. HCM) phản ánh: "Thời gian gần đây SCTV lần lượt thay đổi các kênh truyền hình nước ngoài bằng các kênh do nhà đài tự sản xuất, đa số là các kênh quảng cáo. Điều này rõ ràng không đúng với giới thiệu ban đầu của nhà đài. Gia đình tôi hết sức khó chịu, chúng tôi chi tiền mua dịch vụ giải trí chứ không phải để xem các doanh nghiệp quảng cáo".
Khán giả có quyền đòi bồi hoàn
Việc một số đơn vị cung cấp truyền hình đã quảng cáo các kênh truyền hình mà mình sẽ cung cấp cho khách hàng, nhưng sau khi ký hợp đồng thì lại thay đổi các kênh đã công bố, theo ý kiến của LS. Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban tuyên truyền Hội luật gia TP. HCM: "Đơn vị đó đã "vi phạm các của quy định của pháp luật về Bảo vệ người tiêu dùng".
Trước khi Việt Nam gia nhập WTO, một số đơn vị cung cấp truyền hình phát sóng "chùa" các kênh truyền hình nước ngoài, không có bản quyền nhưng vẫn thu phí của khách hàng. Cho đến nay, vẫn nhiều đơn vị cung cấp truyền hình tiếp diễn việc làm này. Đến khi một đơn vị đứng ra mua "đứt" bản quyền tại Việt Nam những kênh truyền hình được ưa thích thì khách hàng mới "chưng hửng" biết mình đã mua phải "đồ câu trộm".
Tuy vậy, dù không mặn mà gì với việc trả tiền cho những kênh truyền hình chẳng muốn xem, khách hàng Việt thường chỉ có 2 phương án: rời bỏ đơn vị truyền hình đang sử dụng hoặc chấp nhận "xem tạm".
Trên thực tế, khi ký hợp đồng sử dụng dịch vụ truyền hình cáp, khách hàng không nhận được bản danh sách, số lượng kênh truyền hình mình sẽ được cung cấp. Thay vào đó, đơn vị truyền hình còn thêm điều khoản về "các trường hợp có thể thay đổi các chương trình". Điều này đồng nghĩa khách hàng cứ việc trả tiền còn đưa món hàng nào lại là quyền của nhà đài.
LS. Hậu khuyến cáo, "Để bảo vệ tốt hơn cho mình, người tiêu dùng cần phải lưu ý đến các hợp đồng cung cấp dịch vụ ký kết giữa đơn vị cung cấp truyền hình và khách hàng là phải liệt kê cụ thể các kênh truyền hình sẽ được sử dụng, đơn vị cung cấp truyền hình sẽ không được thay đổi trừ khi có sự thỏa thuận với khách hàng. Một hợp đồng ràng buộc trách nhiệm của đơn vị cung cấp như vậy, khách hàng sẽ được bảo vệ quyền lợi tốt hơn khi đơn vị cung cấp vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng".
Vị luật sư này còn khẳng định: "Người tiêu dùng có quyền đòi bồi hoàn, bồi thường thiệt hại khi dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, giá cả đã công bố hoặc hợp đồng đã giao kết. Người tiêu dùng cũng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với việc cung cấp dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng và việc thông tin, quảng cáo sai sự thật".
-
H.D
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |