Bao bì ghi một đằng, chất lượng bên trong một nẻo thì bị coi là hàng giả! Phạt đến 100 triệu đồng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lâu nay, quy định về xử lý hàng giả các loại được lồng ghép trong các văn bản về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại, sở hữu công nghiệp. Mới đây, Bộ Công thương đưa ra dự thảo nghị định xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Theo đó, tách việc xử lý hàng giả thành một nghị định riêng biệt.
Sai một ly thành... hàng giả
Hiện nay, theo Nghị định 06/2008 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại thì “hàng giả chất lượng và công dụng” gồm có hai loại. Một là hàng hoàn toàn không có giá trị sử dụng và công dụng. Hai là hàng tuy có giá trị sử dụng nhưng không đúng với nguồn gốc, tên gọi, công dụng của hàng hóa.
Dự thảo đã mở rộng việc xác định hàng giả, bao gồm cả trường hợp hàng không có, hoặc có nhưng không đủ thành phần, nguyên liệu, định lượng, hoạt chất, chất hữu hiệu... như đã ghi trên bao bì. Ngoài ra, hàng hóa có cấu tạo, thành phần nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện không đúng như thông tin ghi trên nhãn và trên bao bì thì cũng bị xem là hàng giả.
Chuyện lấn cấn ở đây là chất lượng hàng hóa “không đủ”, “không đúng” đến mức độ nào thì mới bị xem là hàng giả.
Lấy một trường hợp cụ thể về xác định phân bón giả. Nghị định 15/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón đã xác định phân bón không có giá trị sử dụng đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng theo tiêu chuẩn mà trên bao bì công bố hoặc tiêu chuẩn mà nhà nước quy định thì bị xem là phân bón giả. Ngoài ra, phân bón mà hàm lượng dinh dưỡng tổng các chất dinh dưỡng chỉ đạt dưới 50% so với tiêu chuẩn thì cũng bị xem là giả.
Không phải loại hàng hóa nào cũng có quy định cụ thể để xác định hàng giả được. |
Tuy nhiên, không phải loại hàng hóa nào cũng có quy định mức độ cụ thể để xác định hàng giả như trường hợp phân bón. Một cán bộ quản lý ở Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết lâu nay chi cục vẫn phát hiện nhiều trường hợp hàng giả về chất lượng và công dụng như thuốc giả, phân bón giả... “Lấy bột mì mà giả làm thuốc thì rõ là hàng giả rồi thế nhưng trường hợp doanh nghiệp ghi trên bao bì chai nước mắm là 40 độ đạm nhưng kết quả kiểm nghiệm chỉ có 35, 37 độ đạm thì có bị gọi là nước mắm giả hay không?” - vị này băn khoăn. Dự thảo của Bộ Công thương vẫn chưa giải quyết được vấn đề này.
Phạt đến 100 triệu đồng
Nghị định 06/2008 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại quy định sáu mức phạt hàng giả tương ứng với sáu khung giá trị hàng. Trong đó cao nhất là mức phạt đến 20 triệu đồng áp dụng cho hàng giả có giá trị từ 20 đến 30 triệu đồng. Tuy nhiên, nghị định này không quy định mức phạt tiền đối với trường hợp hàng giả có giá trị trên 30 triệu đồng.
Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết sau này Nghị định 107/2008 đã gỡ vướng bằng cách cho phép linh hoạt áp dụng mức phạt cao nhất. Theo đó, kinh doanh hàng giả trên 30 triệu đồng bị phạt tối đa là 20 triệu đồng. Nếu đó là thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, xi măng, sắt thép... thì mức phạt cao nhất là 40 triệu đồng. Trường hợp sản xuất, chế biến hàng giả mà giá trị hàng trên 30 triệu đồng cũng bị phạt đến 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, mức phạt này cũng chưa đủ mạnh với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả. Do đó, dự thảo này bổ sung quy định phạt từ một đến hai lần giá trị hàng (mức phạt tối đa đến 70 triệu đồng) đối với trường hợp kinh doanh hàng giả có giá trị trên 30 triệu đồng. Hành vi sản xuất hàng giả mà giá trị hàng trên 30 triệu đồng có thể bị phạt từ hai đến ba lần giá trị hàng, tối đa là 100 triệu đồng.
Ngoài hàng giả về chất lượng và công dụng thì còn có hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ. Hiện nay, vi phạm này được xử lý theo Nghị định 106/2006 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ có đưa ra dự thảo nghị định thay thế cho Nghị định 106/2006. Điều khoản quy định về việc xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ đã được “bê nguyên xi” sang dự thảo nghị định về hàng giả.
(Theo Pháp luật TPHCM)
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |