- Nhãn phụ sản phẩm bình nước Lock&Lock đã mua có xuất xứ Hàn Quốc, khi bóc ra khách hàng giật mình phát hiện dòng chữ "Made in China" bên dưới đáy bình.
TIN LIÊN QUAN
Nhập nhèm xuất xứ
Ngày 7/2/2010, anh Nguyễn Văn Kiệm (Hà Nội) cùng gia đình đến mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long. Tại tầng 2 của siêu thị, anh ghé vào mua hàng tại gian hàng Lock & Lock của Công ty TNHH Anh Em Việt. Anh đã chọn mua một sản phẩm là bình đựng nước gắn mác WATER JUG PP 2.0L, tem phụ ghi xuất xứ Hàn Quốc với giá 168.000 đồng.
Tuy nhiên khi đem về nhà sử dụng, bóc các loại tem phụ mà nhà phân phối dán trên sản phẩm thì phát hiện dưới đáy bình (nơi tem phụ ghi xuất xứ Hàn Quốc được dán đè lên) in dòng chữ "Made in China" nhỏ, điều này khiến anh rất bức xúc.
"Thì ra đây là hành vi giả mạo của nhà phân phối nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Sản phẩm bình nước bằng nhựa có giá trị không lớn nhưng việc đánh lừa trên của nhà phân phối rõ ràng là một hành vi gian lận không thể chấp nhận" - anh Kiệm nói.
Anh Kiệm sau đó đã đến cửa hàng kiểm tra một lần nữa và phát hiện vẫn có những sản phẩm khác cũng được dán tem nhãn phụ sai như vậy.
Bình nước "Made in China" giá 168.000 đồng dán tem phụ ghi xuất xứ Hàn Quốc - Ảnh: Dương Bình
Theo khảo sát của PV VietNamNet, tại nhiều cửa hàng Lock & Lock, các sản phẩm Lock & Lock dán nhãn phụ xuất xứ Hàn Quốc và xuất xứ Trung Quốc được xếp đặt cạnh nhau, khiến NTD dễ "hoa mắt". Liên quan đến phản ánh của anh Kiệm, VietNamNet đã chuyển đến công ty TNHH Anh Em Việt để rộng đường dư luận.
Nhầm lẫn tem nhãn phụ
Với phản ánh của anh Kiệm, Lock & Lock Hà Nội đã kiểm tra lại sự việc, xác nhận đây là lỗi của Lock & Lock và xin lỗi NTD.
Công ty cho biết: "Lock & Lock là công ty của Hàn Quốc chuyên sản xuất các sản phẩm bảo quản thực phẩm bằng nhựa, có nhà máy tại Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Lock & Lock Hà Nội và Anh Em Việt (hai công ty phân phối sản phẩm Lock & Lock tại Việt Nam và trực thuộc công ty Lock & Lock Hàn Quốc, khi nhập khẩu cùng một mặt hàng có thể từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Sản phẩm WATER JUG PP 2.0L khách hàng Kiệm đã mua, đã có lỗi dán nhầm tem phụ. Lock & Lock xin khẳng định công ty không cố tình lừa đảo người tiêu dùng. Chúng tôi đã và đang cho kiểm tra lại tất cả các tem phụ để đảm bảo thông tin chính xác nhất đến người tiêu dùng".
Công ty này khẳng định và đảm bảo chất lượng của tất cả các sản phẩm của Lock & Lock dù được sản xuất tại Hàn Quốc, Trung Quốc hay Việt Nam. Hiện tại, các mặt hàng được đảm bảo tính đồng bộ về giá, không có sự chênh lệch giá của cùng một mặt hàng. Riêng nhà máy tại Việt Nam, do tiết kiệm được chi phí nhập khẩu nên Lock & Lock đã hạ giá bán lẻ của các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam.
Liên quan đến phản ánh của anh Kiệm, Lock & Lock đề nghị gửi đến anh sản phẩm đã chọn nhưng có xuất xứ Hàn Quốc theo ý định ban đầu.
Anh Kiệm đồng ý nhận sản phẩm có xuất xứ Hàn Quốc. Anh cho biết: "Từ trước tôi rất dị ứng hàng Trung Quốc dù chất lượng, giá cả cao cấp hay bình dân đi chăng nữa. Đây có lẽ là bài học cho nhiều NTD, cần kiểm tra tem nhãn phụ trên sản phẩm để tránh mua phải hàng hoá sai nguồn gốc xuất xứ".
Giấu xuất xứ hàng Trung Quốc mới đắt khách?
Theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá: Khoản 2, Điều 24: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về kích thước chữ, ngôn ngữ sử dụng, đơn vị đo lường, quảng cáo trên nhãn hàng hóa. Trong đó có hành vi: Sản xuất, nhập khẩu, Xuất khẩu hàng hóa nhưng trên nhãn có ghi thông tin bằng hình ảnh, hình vẽ, chữ viết không đúng bản chất, sự thật của hàng hóa đó (điểm c).
Anh Tiên, một khách hàng chia sẻ với VietNamNet chuyện lừa dối về xuất xứ hàng hoá mới đây gặp phải. Anh này khi chọn mua bàn là 6 trong 1 được người bán quảng cáo hàng Đài Loan, nhưng trên sản phẩm toàn chữ Trung Quốc phát hiện xuất xứ sản phẩm là Quảng Châu, anh đã rất phẫn nộ cảnh cáo cửa hàng về sự gian lận.
Chuyên mục Bảo vệ NTD cũng từng phản ánh trường hợp của chị Thu (Hà Nội), những tưởng mua phích của Mỹ nhưng rồi phát hiện hàng "Made in China" đã kiện nơi bán và tẩy chay sản phẩm. Anh Tuấn (Hà Nội) từng mang chiếc bếp ga Tàu được gắn mác Malaysia mua tại Metro đến chi cục quản lý thị trường để "tố".
Theo một nhà xã hội học, phần đông NTD Việt chú ý về xuất xứ hơn là chất lượng của sản phẩm. Với tâm lý tránh hàng Tàu vì những hệ luỵ về chất lượng đã từng được báo chí cảnh báo, đôi khi NTD không cần biết chất lượng hàng hoá ra sao, cứ là hàng Tàu là tẩy chay. Vậy nên mới có hiện tượng những cửa hàng bán hàng Tàu thay đổi thông tin nguồn gốc sản phẩm trên tem nhãn khiến NTD nhầm lẫn mà đắt hàng hơn. Việc dán tem nhãn phụ sai không chỉ vi phạm những quy định về luật pháp mà còn là hành vi đáng lên án về đạo đức.
-
Dương Bình
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |