221
10701
Bảo vệ người tiêu dùng
bvkh
/bvkh/
1267611
Tiêu dùng Việt: "Tiền của chúng ta, quyền của... chúng nó"
1
Article
null
Ngày Người tiêu dùng Thế giới 15/3
Tiêu dùng Việt: 'Tiền của chúng ta, quyền của... chúng nó'
,

- Chủ đề của Ngày Người tiêu dùng (NTD) Thế giới năm 2010 là “Tiền của chúng ta, quyền của chúng ta”. Nhưng trong lúc ông Thứ trưởng Bộ Công Thương - Bộ chịu trách nhiệm bảo vệ quyền này mải phát động trên bục, dân tình phía dưới thi nhau đọc trại thành "Tiền của chúng ta, quyền của chúng… nó".

Dù bông đùa song câu nói trên phản ánh một sự thực không đùa: mất tiền mà vẫn “nắm dao đằng lưỡi” của NTD Việt.

TIN LIÊN QUAN

Người tiêu dùng hãy tự… truất quyền

NTD mất tiền nhưng không được bảo vệ xứng đáng. Ảnh: Phan Hùng
Mua hàng điện tử, điện lạnh, rước lo âu "bảo hành khổ".
Ảnh: Phan Hùng

Mỗi ngày, có hàng triệu người đi chợ bị cân thiếu, mua phải rau, thịt không rõ nguồn gốc; trẻ em bị bớt xén lượng dưỡng chất công bố trên nhãn hộp sữa. Hàng triệu người khác đi mua xăng bị đong gian, mua phải hàng giả, chất lượng kém xa so với quảng cáo và giá bán…

Vì thế, năm nào cũng vậy, sát ngày 15/3 - Ngày Người tiêu dùng Thế giới, Bộ Công Thương, Hiệp hội Bảo vệ NTD lại rầm rộ tổ chức các hoạt động tuyên truyền chỉ để nhắc nhở NTD Việt Nam là họ vẫn đang sở hữu quyền của người… tiêu tiền.

Ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), bức xúc: "Chúng ta chỉ kêu ca suốt mà không sử dụng hết quyền của NTD, tôi muốn nhắc lại rằng chúng ta đang sử dụng đồng tiền và có quyền lựa chọn hay tẩy chay. Vậy hãy sử dụng tiền của mình một cách tốt nhất như vụ bánh phở fooc-môn mấy năm trước".

Đại diện Hiệp hội NTD, ông Đỗ Gia Phan cũng "hát bài ca năm nào cũng phát": "Hãy là NTD thông thái!". Đi kèm với đó là những thống kê cho thấy đông đảo NTD Việt vẫn rất mù mờ về quyền lợi của mình.

Nhưng những thống kê, hô hào đó trên thực tế chẳng nói lên điều gì vì không cần đến ông Vĩnh, ông Mừng hay ông Phan nhắc nhở, phần lớn NTD Việt lâu nay vẫn lặng lẽ vận dụng duy nhất quyền tẩy chay nếu chẳng may vớ phải món hàng "đểu" hay dịch vụ lừa.

Bởi những vụ thắc mắc, kiện tụng, tranh chấp giữa người mua - kẻ bán chỉ nổi lên trên báo đài vài hôm rồi chìm nghỉm hoặc đâu lại hoàn đó.

Điển hình là các rắc rối liên quan đến ATM, di động, Internet, taxi, hàng không, xăng dầu, điện nước, thực phẩm, hàng gia dụng… hôm nay bị phanh phui mai lại thản nhiên tái phạm.

Hàng tỷ giao dịch đang diễn ra hàng ngày với "tiền trong tay NTD" còn "quyền" thuộc về nhà sản xuất, nhà cung ứng.

Trong khi đó, cơ quan nhà nước, Hiệp hội Bảo vệ NTD chỉ luôn nhắc đi nhắc lại hãy là nhà tiêu dùng thông thái, hãy chuyển nhà cung cấp hoặc chấm dứt tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ đó khi quyền lợi bị xâm phạm.

Với cách hành xử này, "tiền của chúng ta" vẫn mất mà "quyền của chúng ta" chỉ là tự truất quyền của chính mình.

Chưa kể, những lĩnh vực độc quyền "cho thế nào biết thế ấy" như điện, nước… hoặc không thể "thông thái" nổi như vệ sinh an toàn thực phẩm, dược phẩm… chắc chắn NTD chỉ còn cách "tiêu thì vẫn dùng".

Đòi "quyền của chúng ta": Chờ luật mới

Luật mới sẽ xử lý được vụ lỗi chân ga như của Toyota. Ảnh: PH
Luật mới sẽ xử lý được vụ lỗi chân ga như của Toyota. Ảnh: PH

Thực tế, Việt Nam không phải không có hành lang pháp lý để NTD yên tâm rằng "tiền của chúng ta" thì "quyền của chúng ta". Đó là Pháp lệnh Bảo vệ NTD năm 1999. Tuy nhiên, đại đa số NTD khi có vướng mắc đều không đụng đến kênh pháp lý này.

Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh Bạch Văn Mừng cho rằng không hẳn vì NTD Việt Nam ngại "đáo tụng đình" mà chỉ bởi cơ chế giải quyết tranh chấp tại tòa án quá nhiêu khê và phức tạp.

"Nhiều khi vi phạm không lớn mà phải trải qua quá trình quá dài, rắc rối nên NTD không vận dụng được quyền của mình", ông Mừng bình luận.

Hơn nữa, các thiết chế xử lý vi phạm chưa đủ mạnh để bảo vệ NTD có hiệu quả, DN chưa đủ "sợ", trách nhiệm cũng chưa được quy định rõ ràng.

Tin tốt là trong tháng 3 này, Bộ Công Thương sẽ trình lên Chính phủ Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thay thế Pháp lệnh Người tiêu dùng đã lạc hậu.

Cốt lõi là tiến tới sao cho việc giải quyết tranh chấp tại tòa rất đơn giản, nhanh và không làm NTD tốn kém để họ vận dụng quyền của mình.

Từ góc độ Ban Soạn thảo, ông Mừng cho biết Dự thảo Luật Bảo vệ NTD có hai điểm mới quan trọng. Một là NTD có quyền khởi kiện doanh nghiệp mà không cần chứng minh thiệt hại. Để thắng kiện, DN phải chứng minh mình không có lỗi.

Điều này khắc phục được thế nắm dao đằng lưỡi khi NTD không đủ năng lực và phương tiện để chứng minh hàng chất lượng kém trong các trường hợp như thực phẩm chứa độc tố, sữa thiếu đạm...

Hai là, các thiết chế xử lý sẽ được đặc biệt chú trọng để tăng tính răn đe. “Ban soạn thảo đã đánh giá lại và trong luật mới các chế tài xử lý sẽ chiếm ở vị trí đặc biệt quan trọng theo hướng đủ mạnh để NTD có thể sử dụng nó bảo vệ quyền lợi của mình”, ông Mừng khẳng định.

Theo kế hoạch, dự luật sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào tháng 5 tới và thông qua vào tháng 10/2010.

Các chuyên gia đều cho rằng luật mới sẽ tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động bảo vệ NTD tại Việt Nam nhưng vẫn băn khoăn không rõ hiệu quả thực thi thế nào.

Vì xét cho cùng, không thiếu những luật kín kẽ nhưng người dân vẫn phải chịu thiệt thòi, bất bình. Có kêu ca, cơ quan chức năng chỉ cần thanh minh "lực lượng thực thi quá mỏng" là… hết chuyện.

Điều này đã và vẫn đang xảy ra hàng ngày.

  • Phan Hùng

Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !

Đường dây nóng: (0... hoặc (04)3772-2729.
Email: bvkh@vietnamnet.vn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,