- Bị cắt xoẹt dịch vụ, thu cước hai lần; đăng kí lắp đặt ADSL đợi gần hai tháng không thấy tăm hơi. Chờ mặc chờ, kêu cứ việc kêu, với nhà mạng thì đây là việc riêng của khách.
Bỏ đói nhu cầu thông tin của "thượng đế"
Đang sử dụng dịch vụ MegaVNN, vẫn đóng cước tháng 4/2009 bình thường nhưng đến đầu tháng 5, bỗng dưng anh Tùng (Hà Nội) bị cắt xoẹt dịch vụ. Gọi đến tổng đài chăm sóc khách hàng, anh được biết nguyên nhân bị cắt dịch vụ là do anh nợ cước… của tháng 3.
Anh Tùng vô cùng ngạc nhiên vì khi thu cước tháng 4, cô nhân viên không hề nhắc anh một tiếng nào về chuyện anh đang nợ cước tháng trước. Cũng không hề có một thông báo nào từ phía VNPT trước khi cắt dịch vụ của anh.
Người dùng có quyền khiếu nại khi nhà cung cấp đơn phương cắt hoặc từ chối dịch vụ không có lý do. Ảnh minh họa: PV |
“Đùng một cái Ông VNPT cắt luôn dịch vụ mà không hề báo một tiếng, mặc dù khi làm hợp đồng đã ghi số điện thoại của tôi để “liên lạc khi cần”. Trước khi cắt dịch vụ thì cũng phải thông báo cho khách hàng biết nguyên nhân và nếu đến thời điểm nào đó mà khách hàng không chấp hành thì mới cắt chứ? Đằng này thích là cắt luôn, khỏi cần thông báo! Có phải tôi cố tình không đóng phí đâu?”
Chưa hết, anh Tùng còn gặp phải tình cảnh đóng phí tháng 5 những hai lần. Lần thứ nhất, anh đi đóng bổ sung cước tháng 3 còn thiếu, do đã hết tháng nên nhân viên bưu điện 366 Ngọc Lâm đã thu luôn tiền cước tháng 5. Lần thứ 2, sau đó vài ngày, nhân viên thu tiền đến nhà và người nhà anh đã đóng tiền. Cả hai lần, anh Tùng đều nhận được hóa đơn và biên lai thu tiền.
Tuy nhiên, khi đến 366 Ngọc Lâm để khiếu nại, dù đã xác nhận anh đã đóng cước tháng 5 hai lần, cô nhân viên để mặc anh chờ, quay sang nói chuyện với người khác. Mãi rồi anh mới được biết hoặc là anh phải đợi trừ tiền nộp dư vào tiền cước các tháng sau đó hoặc là anh tự đến bưu điện quận ở Đức Giang để đòi.
Còn anh Hưng - một khách hàng khác ở Hà Nội lại gặp phải tình cảnh đã đóng tiền lắp dịch vụ MegaVNN nhưng mỏi mòn chờ gần hai tháng vẫn chẳng thấy tín hiệu gì từ phía bưu điện. Rất nhiều lần, anh gọi điện tới 700 và số 04.3640499 để hỏi nhưng lần nào cũng không nhận được câu trả lời thỏa mãn. Bưu điện Hà Nội chỉ giải thích là khu vực nhà anh hết cáp nên phải chờ, tuy nhiên, không cho biết là kế hoạch kéo cáp mới sẽ diễn ra bao lâu hay anh phải đợi thêm bao nhiêu ngày nữa.
“Tôi phải chờ đợi mà không biết mình phải chờ đến khi nào. Điều bức xúc hơn nữa là nhân viên không hề gọi cho tôi để thông báo tình hình, mặc kệ khách hàng. Khi khách hàng gọi đến để hỏi thì không trả lời rõ ràng cụ thể. Thực lòng tôi luôn muốn sử dụng dịch vụ ĐT và Internet của VNPT, tuy nhiên dịch vụ chăm sóc khách hàng như thế này buộc tôi phải suy nghĩ lại”.
Doanh nghiệp lại... xin lỗi
Sau khi kiểm tra thông tin, viễn thông Hà Nội xác nhận anh Tùng đã đóng hai lần tiền cước ADSL tháng 5. Công ty sẽ cử người đến tận nhà xin lỗi và hoàn tiền cho khách hàng. Về việc cắt xoẹt dịch vụ mà không thông báo, công ty viễn thông Hà Nội đã nhận lỗi với khách hàng, đồng thời kiểm điểm nhân viên đã để xảy ra sai sót đó.
Về trường hợp của anh Hưng, một lần nữa Viễn thông Hà Nội mong anh thông cảm vì khu vực này đã hết cáp gốc. Nếu có khách hàng khác hủy cổng trong thời gian kéo cáp, công ty sẽ ưu tiên lắp đặt sớm cho anh Hưng. Đến sáng ngày 6/7, nhân viên phòng chăm sóc khách hàng đã gọi điện cho anh Hưng thông báo: nếu thời tiết và mọi điều kiện thuận lợi thì trong khoảng 1-2 tuần nữa sẽ kéo cáp xong và hợp đồng của anh sẽ được thực hiện. Với thông báo này, anh Hưng cho biết: “Tôi đã có một mốc thời gian để chờ đợi. Dù sao tôi cũng chờ được một tháng rưỡi rồi nên có chờ tiếp một hai tuần nữa cũng không sao.”
Cắt dịch vụ không thông báo: Phạt từ 5-10 triệu đồng
Mới đây, Chính phủ đã ban hành nghị định 28/2009/NĐ-CP quy định rất rõ mức xử phạt hành chính trong việc cung cấp sử dụng Internet, có hiệu lực từ 15/5/2009.
Theo đó, nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ Internet mà không thông báo cho người sử dụng biết trước (trừ trường hợp bất khả kháng), từ chối cung cấp dịch vụ mà không có lý do chính đáng; doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng phân biệt đối xử với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Interrnet... thì bị xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.
Trong trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet không giải quyết khiếu nại của khách hàng sẽ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng.
Như vậy, trong trường hợp bị cắt xoẹt dịch vụ hoặc bị từ chối cung cấp dịch vụ không có lý do, người dùng có thể khiếu nại tới các cơ quan có thẩm quyền (UBND các cấp, cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, cơ quan Thuế, cơ quan Quản lý thị trường, thanh tra viên chuyên ngành Thông tin và Truyền thông).
Thông tin cho người tiêu dùng
(Trích điều 6, chương II, dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng)
Thương nhân có trách nhiệm:
1. Thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định của pháp luật;
2. Công khai niêm yết giá cả các loại hàng hoá, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh của mình theo quy định của pháp luật;
3. Cung cấp thông tin về địa chỉ tiếp nhận khiếu nại của thương nhân cho người tiêu dùng;
4. Cung cấp các tài liệu hướng dẫn cho người tiêu dùng bằng tiếng Việt trong trường hợp pháp luật có quy định hoặc hàng hoá có tài liệu hướng dẫn sử dụng;
5. Cung cấp đầy đủ thông tin về khả năng hàng hoá, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa;
6. Cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế;
7. Cung cấp đầy đủ thông tin và tài liệu liên quan cho người tiêu dùng về các điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành bằng tiếng Việt trong trường hợp hàng hoá, dịch vụ có bảo hành;
8. Thông báo chính xác và đầy đủ cho người tiêu dùng về những điều kiện thương mại chung trước khi giao dịch.
-
Huyền My
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |