- Rau quả phun thuốc kích thích vô tội vạ, bột nêm có mì chính thành thịt hầm, bột trộn đường "ảo thuật" thành sữa, cốt sao dìm giá thành, tăng lợi nhuận. Ở đâu, CHỮ TÂM với giống nòi nhân dân VN?
Sữa bột man trá
Càng ngày, người tiêu dùng càng phải thận trọng hơn với chất lượng hàng hoá, nhất là sữa. Ảnh: Lệ Hà
Câu chuyện sữa siêu nghèo đạm, tuy đang nóng bỏng trên các mặt báo, nhưng thực ra bắt đầu sau đợt thanh tra do Sở Y tế TP.HCM thực hiện hồi tháng 8/2008, với kết quả 100% số mẫu sữa chưa công bố tiêu chuẩn không đạt hàm lượng protein.
Một tháng sau, Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ người tiêu dùng VN mua ngẫu nhiên 20 mẫu sữa bột nhãn hiệu khác nhau được bán tại các chợ, siêu thị tại TP.HCM và Bình Dương, gửi tới Trung tâm Kỹ thuật 3 để phân tích hàm lượng đạm. Kết quả: Có đến 10 mẫu không đạt tỷ lệ đạm như công bố trên nhãn. Trong đó 6 mẫu đạm rất thấp (dưới 10%), đặc biệt 4 mẫu sữa có tỷ lệ đạm cực thấp (dưới 2%).
Từ phản ánh của Hội (Văn phòng phía Nam) hồi cuối năm 2008, Sở Y tế TP.HCM kiểm tra vài cơ sở chế biến kinh doanh sữa với hồ sơ pháp lý đầy đủ, phát hiện nhiều mẫu sữa có hàm lượng đạm thấp hơn tiêu chuẩn tự công bố.
Một khảo sát khác với lượng đạm trong sữa bột cũng được Viện Vệ sinh Y tế Công cộng TP.HCM thực hiện trong năm 2008. Theo đó, 31/49 mẫu sữa bột nội địa có hàm lượng protein thấp hơn công bố. Nhiều loại sữa mức chênh lệch giữa hàm lượng protein kiểm tra thực tế thấp hơn nhiều so với ghi trên bao bì sản phẩm đã công bố chất lượng từ 1 - 30 lần, nhất là sữa cho trẻ em.
Nhưng chỉ đến khi Cục Quản lý cạnh tranh (thuộc Bộ Công thương) tiết lộ thông tin "nhiều sản phẩm sữa tại TP.HCM quảng cáo 24% đạm, thực tế chỉ 0,5%, hàng triệu người tiêu dùng VN mới giật thót: mình đã thắt lưng buộc bụng, dè sẻn chi tiêu để mua sữa siêu nghèo đạm về nuôi con!
Xử lý "nhanh" sữa siêu nghèo đạm, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã đình chỉ 1 cơ sở chế biến - sản xuất sữa, phạt hành chính 5 cơ sở 50 triệu đồng, buộc tái chế 310 kg sữa thiếu đạm.
Để trấn an dư luận, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, sữa nghèo đạm bị phát hiện chỉ là 1 - 2 lô hàng của 3 nhà sản xuất sữa trong nước, đều ở quy mô nhỏ lẻ, và đây là sự cố không hiếm.
Nhân viên của Viện Vệ sinh Y tế Công cộng đang lấy mẫu sữa nguyên liệu về kiểm nghiệm (Ảnh tư liệu: H.Cát)
Đại diện cơ quan này đồng thời khẳng định: Không thể có chuyện cơ quan kiểm định kiểm tra qua quýt và để doanh nghiệp tự khai báo về các thành phần trong sản phẩm, bởi sản phẩm sữa nhập về nào cũng qua nhiều "cửa ải" kiểm tra.
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng cho biết cơ quan này đang kiểm chứng để có căn cứ buộc ngừng lưu hành, tái xuất, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng với sữa không đạt.
Tuy nhiên, cơ quan này tránh đề cập một cuộc thanh tra quy mô về độ đạm trong sữa bột (chưa nói đến việc công bố chính thức danh sách các sản phẩm siêu nghèo đạm đang lưu hành trên thị trường VN).
Đạo đức bị "mất cắp"
ThS.BS Đào Thị Yến Phi (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho biết, đầu năm 2009 BV Nhi Đồng 2 tiếp nhận điều trị một bé 9 tháng tuổi bị tiêu chảy nhiễm trùng. Các bác sĩ phát hiện bé bị suy dinh dưỡng thể phù, gan bắt đầu to, xơ cứng và nhiễm mỡ. Mẹ bé cho biết do bị mất sữa, lại nghèo nên thường mua sữa trong bịch nilông cột dây thun cho con ăn...
Trong khi đó, BS. Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM khẳng định, "kém đạm trầm trọng nhất là các loại sữa bao, sữa trong túi ni lông không nhãn mác". BS Mai cho biết, có nhiều cách để nhà sản xuất "ảo thuật" ra sữa: pha bột, hoặc pha loại bột whey vốn ít đạm có giá thành rẻ, vẫn thơm thơm, béo béo nhưng giá trị dinh dưỡng không là bao, trẻ ăn thường xuyên bị mệt mỏi, bứt rứt, giảm đề kháng, dễ bị xơ gan nhiễm mỡ, suy tim suy thận cấp.
Về sữa bột quảng cáo 24% đạm, thực tế chỉ 0,5% vừa bị phát hiện, PGS-TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cũng khẳng định, hàm lượng đạm ở sữa phải ở mức 11-14% tổng năng lượng/100g sản phẩm mới đạt tiêu chuẩn. Với trẻ em hoặc người già - những người dùng sữa như thức ăn chính, thì việc dùng sữa nghèo đạm giống như uống nước đường, cơ thể bị bỏ đói lâu ngày sẽ suy mòn, dẫn đến giảm miễn dịch. Riêng trẻ thì bị phù nề, dễ bị xơ gan nhiễm mỡ, suy tim suy thận cấp.
Theo một số ý kiến, việc pha chế, tiêu thụ sữa siêu nghèo đạm là hành vi hủy hoại sự sống của con người một cách từ từ, phải được gọi tên là một tội ác.
Cụ Lương Văn Can - người thầy của giới doanh thương Việt Nam, trong cuốn "Thương học phương châm" đã tổng kết 10 nhược điểm yếu kém của doanh nhân Việt, trong đó nhấn mạnh nhược điểm "Không có chữ tín". Còn trong cuốn "Việt Nam phong tục", cụ Phan Kế Bính chỉ rõ nguyên nhân yếu kém của họ là vì không có lòng thành thật, giả dối, điêu trách nói tốt bán của xấu.
TS-BS Nguyễn Văn Tuấn trong một bài báo mới đây thì cho rằng: Trong ngành y, nguyên tắc số 1 là không làm hại người ("do no harm"). Ngành sản xuất thực phẩm cũng cần phải có qui ước đạo đức tương tự. Theo BS Tuấn, một qui ước như thế có thể giúp công chúng nhận diện những cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh thiếu đạo đức, góp phần cải tiến tình trạng an toàn thực phẩm.
Trọng trách "gác cửa" sức khoẻ nhân dân: "Cạo đầu bôi vôi"?
Còn nhớ, năm 2006 dư luận sôi sục chuyện "sữa tươi tiệt trùng, 78% là sữa bột"; một số nhãn hiệu lớn như Vinamilk, Dutch Lady thừa nhận sử dụng phần lớn nguyên liệu là sữa bột nhập khẩu để chế biến sản phẩm này.
Trả lời công luận, Bộ Y tế rầm rộ mở cuộc tổng thanh tra sản xuất sữa tươi trên cả nước. Hai tháng sau, khi còn chưa công bố về chất lượng các sản phẩm sữa tươi lưu hành trên thị trường Việt Nam, cơ quan này vẫn "bắt tay" Bộ KH&CN mở một cuộc thanh tra rầm rộ khác với chính sản phẩm này, cũng trên phạm vi toàn quốc.
Cuối năm đó, Bộ Y tế là cơ quan duy nhất trong 5 bộ "phúc đáp" công văn của Hội Bảo vệ người tiêu dùng phía Nam về vấn đề sữa tươi sai thành phần ghi trong nhãn mác. Bộ cho biết đã kiểm tra 6 công ty sữa thuộc địa bàn các tỉnh phía Bắc, nhưng chỉ "xướng tên" duy nhất Vinamilk; 5 công ty còn lại được giữ kín danh tính.
Lo ngại bao bì chưa chắc đã in đúng "nội dung". Ảnh: H.C
Đến thời điểm này (tức là sau gần 3 năm), vẫn chưa có tổng kết nào về hai cuộc thanh tra sữa quy mô trên. Bởi theo lời Chánh thanh tra Bộ Y tế ngày ấy, "Chúng tôi không thể đưa ra kết luận tùy tiện nếu chưa đủ chứng cứ. Nếu nói sữa chất lượng kém mà không có cơ sở khoa học, người tiêu dùng sẽ hoang mang mà chúng tôi cũng có thể bị nhà sản xuất khởi kiện".
Có thể vì cũng vì lý do "tế nhị" này mà văn bản Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ người tiêu dùng VN gửi 3 bộ Công thương, Y tế, KH&CN vào tháng 10/2008 tiếp tục nhận được... sự im lặng. Chỉ có Bộ Công thương đồng ý với đề nghị hợp tác kiểm tra các chỉ tiêu dinh dưỡng thực tế so với nhãn hàng hóa của Hội.
Thế là, điều mà hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam chờ đợi, là chất lượng sữa nước đang lưu hành trên thị trường thực hư ra sao, đến nay vẫn chưa ai trả lời! Và kết quả cuối cùng của hai cuộc tổng thanh tra toàn quốc là: Vinamilk (một trong 120 nhãn hiệu sữa đang lưu hành ở Việt Nam) bị "xem xét trách nhiệm", đã thay đổi cách ghi nhãn mác đối với một số sản phẩm (!)
Được cái, người tiêu dùng Việt Nam, dù có cạn kiệt niềm tin, vẫn mau quên những "cú sốc" chất lượng hàng hoá và dễ chấp nhận những giải thích sơ sài, kín kẽ. Nên họ lại hồ hởi với những bịch "sữa tươi" in lại nhãn mác, và hết e dè với sữa chỉ vài tháng sau "cơn bão melamin". Bàng hoàng với sữa "quảng cáo 24% đạm, thực tế chỉ 0,5%", nhưng nếu phải chờ cơ quan chức năng kết luận quá lâu, họ lại quên, và khó mà... cai sữa!
Vậy nên, rau quả phun thuốc kích thích vô tội vạ vẫn nghễu nghện thống trị các chợ và siêu thị; bột nêm có mì chính được gọi là thịt hầm; sữa bột được nhà sản xuất gọi là sữa tươi, hoặc trộn đường, bớt đạm hết cỡ để dìm giá thành, tăng lợi nhuận.
Tại sao những chuyện động trời như vậy cứ tái diễn? Ở đâu, hỡi CHỮ TÂM với sức khỏe và giống nòi nhân dân Việt Nam?
-
Quảng Hạnh
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi ! Đường dây nóng: Email: bvkh@vietnamnet.vn |