221
450
Bạn đọc
bandocviet
/bandocviet/
1273148
DN gây ô nhiễm nghiêm trọng có thể buộc di dời
1
Article
null
DN gây ô nhiễm nghiêm trọng có thể buộc di dời
,

- Liên quan đến việc gây ô nhiễm môi trường của các DN tại KCN Quang Minh. Cơ quan cấp dưới của Bộ TN-MT đã đi kiểm tra và xử lý. Tuy nhiên, tình trạng vẫn không được khắc phục mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng hơn. PV VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Cách Tuyến (Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT) xung quanh vụ việc này.

TIN LIÊN QUAN

Các DN gây ô nhiễm nghiêm trọng có thể buộc di dời

PV: Sau loạt bài phản ánh của Báo VietnamNet về tình trạng ô nhiễm môi trường tại KCN Quang Minh. Vậy với vai trò Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường ông đánh giá tính chất, mức độ, sự thật của tình trạng gây ô nhiễm ra sao đối với các doanh nghiệp này? Cơ quan cấp dưới của Bộ đã đi kiểm tra xử lý nhưng vẫn không được khắc phục mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Vậy tác dụng của việc kiểm tra là gì?

- Ông Bùi Cách Tuyến (BCT): Năm 2008, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường đã tiến hành kiểm tra, thanh tra toàn diện công tác bảo vệ môi trường đối với các KCN trên các lưu vực sông Cầu (trong đó có KCN Quang Minh), Nhuệ - Đáy và hệ thống sông Đồng Nai nhằm phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm còn xác định những tồn tại, bất cập chính trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các KCN để có biện pháp tháo gỡ.

Đối với KCN Quang Minh, Tổng cục Môi trường đã tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với Chủ đầu tư hạ tầng KCN và 43 Doanh Nghiệp đang hoạt động tại đây, đã lập biên bản đối với các DN vi phạm và chỉ đạo Sở TN-MT Hà Nội tiến hành xử phạt theo thẩm quyền.

Mô tả ảnh.
Ô nhiễm tại khu CN Quang Minh (Ảnh: Thu Hương)

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ môi trường đối với các KCN. Đặc biệt, vừa qua, Tổng cục đã trình Bộ ký Thông tư số 08/2009/TT-BTNMT ngày 15 tháng 7 năm 2009 ban hành quy định về quản lý và bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, trong đó đã có những quy định cụ thể về quản lý bảo vệ môi trường tại các KCN từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến giai đoạn triển khai thi công và giai đoạn hoạt động.

Đúng là vừa qua, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về môi trường còn lúng túng trong việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nguyên nhân là do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe dẫn đến nhiều cơ sở chấp nhận nộp phạt. Vấn đề này cơ bản đã được khắc phục tại Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2010, với mức xử phạt tối đa lên tới 500 triệu đồng/ 1 hành vi (so với mức tối đa theo quy định trước đây là 70 triệu đồng/ 1 hành vi). Ngoài ra, đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn có thể bị áp dụng các biện pháp như tạm đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động, buộc di dời ra khỏi khu dân cư.

Tôi tin chắc rằng, trong thời gian tới thông qua việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, áp dụng các hình thức xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định số 117/2009/NĐ-CP nêu trên, các doanh nghiệp đã và đang gây ô nhiễm môi trường sẽ buộc phải thay đổi thái độ, nhận thức, hành vi về bảo vệ môi trường.

P.V: Các DN đã đóng thuế cho nhà nước tức là Bộ đã đồng ý cho đầu tư nhưng lại không quản lý được về mặt môi trường. Đã bao giờ ông so sánh giữa số tiền thu nhập của các DN đầu tư cho nhà nước với hậu quả địa phương vùng đất ô nhiễm và sức khoẻ con người đang phải gánh chịu do ô nhiễm độc hại gây ra? Với tư cách là cơ quan chức năng ông áp dụng những biện pháp gì để ngăn chặn và giải quyết sự ô nhiễm môi trường do các DN gây ra? Tới đây, Bộ sẽ áp dụng những chế tài nào đối với các DN gây ô nhiễm nghiêm trọng?

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến: "Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn có thể bị áp dụng các biện pháp như tạm đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động, buộc di dời khỏi khu dân cư".

- Ông BCT: Các doanh nghiệp khi có hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường. Theo quy định của Luật bảo vệ môi trường, các dự án đầu tư trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường và được cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường phê duyệt hoặc xác nhận.

Như vậy, đối với một dự án đầu tư, trước khi được xem xét, cấp phép đầu tư đều đã được đánh giá, cân nhắc rất kỹ về mặt môi trường.

Đối với những đối tượng thuộc thẩm quyền phê duyệt, xác nhận của Bộ, Bộ đều xem xét đầy đủ các khía cạnh kinh tế và môi trường nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Trên thực tế, Bộ đã từ chối cấp Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho một số dự án gây ô nhiễm môi trường như sản xuất Giấy và bột giấy, dệt nhuộm, hoá chất,...

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành các quy định về thu phí nước thải, chất thải rắn, tới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục trình ban hành quy định về thu phí khí thải. Mặt khác, bên cạnh việc đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2009/NĐ-CP với mức xử phạt rất cao như đã nói ở trên, Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, trong đó sẽ dành tối đa cho việc đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường.

Về các chế tài đối với các DN gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Nghị định số 117/2009/NĐ-CP đã quy định rất cụ thể các hình thức xử lý đối với các DN này cũng như cơ chế để đảm bảo thực hiện. Chắc chắn trong thời gian tới đây, cùng việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Uỷ ban nhân dân các cấp, các hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc.

Mô tả ảnh.
Nguồn nước của người dân cạnh KCN Quang Minh sau khi Sở TN-MT Hà Nội đi kiểm tra xử lý nhưng vẫn không được khắc phục mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng hơn.

P.V: Khi Bộ xác định những đơn vị sản xuất được đầu tư vào KCN Quang Minh thì Bộ TN-MT có biết trước được hậu quả ô nhiễm môi trường của các DN này đến đâu? Bộ chỉ đạo các cơ quan quản lý môi trường cấp dưới tổ chức, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá và ngăn chặn việc các xí nghiệp cố tình làm môi trường ô nhiễm như thế nào?

- Ông BCT: Theo quy định, bất kỳ dự án đầu tư nào trước khi được cấp phép hoạt động cũng đều phải tiến hành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường và phải được cơ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường phê duyệt hoặc xác nhận, trong đó đã xác định, đánh giá đầy đủ các tác động xấu tới môi trường và yêu cầu biện pháp khắc phục.

Bộ TN-MT đã thường xuyên phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đi đôi với việc tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của các DN. Cụ thể như đối với KCN Quang Minh. Năm 2008, Tổng cục Môi trường đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 43 DN, lập biên bản xử phạt, đồng thời yêu cầu địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban ngành của UBND tỉnh, thành phố xem xét, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tiền xử phạt được sử dụng theo luật NSNN (?!)

PV: Số tiền hơn 700 triệu đồng mà các DN bị xử phạt có được đầu tư vào việc khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường không? Đầu tư vào hạng mục nào, dự án nào, địa điểm nào?

Mô tả ảnh.
Ông Bùi Cách Tuyến - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.
- Ông BCT: Vừa qua, Sở TN-MT Hà Nội đã thành lập 02 đoàn kiểm tra liên ngành việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước đối với 98 doanh nghiệp (75 DN trong KCN Quang Minh và 23 DN ngoài KCN) xử phạt tổng số tiền là 751.550.000đ. Theo quy định của pháp luật, thì số tiền xử phạt này sẽ được nộp về kho bạc nhà nước tại địa phương và được sử dụng theo Luật ngân sách nhà nước. Việc xác định kinh phí khắc phục ô nhiễm môi trường phải căn cứ trên cơ sở khoa học, pháp luật và do địa phương thực hiện để có biện pháp phù hợp, khả thi.

P.V: Theo thông tin từ Lãnh đạo Sở TN-MT Hà Nội, hiện KCN Quang Minh vẫn còn 16 DN chưa giải phóng được mặt bằng, 4 DN đắp chiếu ngừng hoạt động. Tới đây Bộ có tiến hành kiểm tra những DN này không? Những DN được đầu tư 5,6 năm nhưng chưa triển khai hoạt động có thể gọi là dự án “treo”, cá nhân ông nghĩ gì về sự lãng phí này?

- ÔNg BCT: Theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và Luật đất đai, việc phân cấp quản lý về tài nguyên và môi trường đã được quy định rất cụ thể. Vì vậy, trong thời gian tới Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan để kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp này.

Đối với các doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư sau 5,6 năm nhưng chưa triển khai hoạt động, thì chúng ta cần phải nhìn nhận một cách khách quan về nguyên nhân của sự chậm trễ triễn khai và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, quan điểm của tôi thì những dự án như vậy gây ra sự lãng phí rất lớn về tài nguyên, tiền của cho nhà nước, xã hội.

PV: Bài học từ sự việc ô nhiễm môi trường do Công ty Vedan gây ra thì Bộ sẽ làm gì để không xảy ra ra tình trạng ô nhiễm môi trường tương tự?

- Ông BCT: Bài học kinh nghiệm rút ra từ vụ việc Công ty Vedan đó là cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và đặc biệt là thái độ kiên quyết của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đối với các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó là cần phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Đó cũng chính là một trong những vấn đề trọng tâm ưu tiên mà Bộ TN-MT đã và đang triển khai nhằm ngăn chặn ô nhiễm, từng bước nâng cao chất lượng môi trường, phát triển bền vững đất nước.

  • Thu Hương
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,