- Quê tôi, một vùng chiêm trũng thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, nơi từ xưa đến nay được mệnh danh là vùng “chiêm khê mùa thối”. Và cũng giống như nhiều vùng quê khác, bờ đê sông Hồng thoai thoải chạy dài vào miền xanh cổ tích. Cánh đồng lúa bạt ngàn dưới mưa mù giăng xa. Ở đó có tuổi thơ tôi trôi qua với những mùa cua đồng lấm láp.
Đầu tháng bảy âm, nước xâm xấp gốc mạ, nước từ các con mương nhỏ chảy về các chân ruộng qua hàng trăm con mương nhỏ. Đứng từ trên cao nhìn xuống trông như những đường gân lá. Đợi mỗi khi trời ngớt mưa, tôi - thằng bé gầy gò mặc áo cộc, quần xà lỏn, đi chân đất không mũ nón mang cái giỏ của ông nội sang rủ cái Ngọc "ghẻ" con bác Đồng hàng xóm đi bắt cua. Nước ăm ắp, lênh láng ở các con rãnh. Hễ có mưa xuống là cua ở trong các hang hốc ra các rãnh nước chảy để đẻ trứng. Vào mùa này, cua nhiều vô kể.
Cái Ngọc cầm giỏ đi theo tôi, việc của nó là quan sát, thấy con nào thì chỉ cho tôi bắt. Nó không bao giờ dám xuống bắt vì sợ cua cắn, đặc biệt là sợ đỉa. Ở các rãnh nước từ con mương chảy vào chân ruộng, nước làm xói bờ đất. Chỗ nước chảy xoáy một vùng khá sâu, tôi đứng phải đến đầu gối. Những vũng sâu ấy, cua rất nhiều, còn có cả cá rô đồng.
Cua đồng rang muối (Nguồn: www.camnanggiadinh.com.vn)
Cua đồng gồm có cua đực và cua cái. Mùa này chủ yếu là cua cái vì là mùa đẻ trứng. Cua đực to, màu đen sẫm có hai chiếc càng to luôn giương lên thách thức. Cua cái nhỏ hơn màu nâu sẫm, hai chiếc càng tuy nhỏ nhưng cắp thì rất đau, bụng mang rất nhiều trứng.
Bắt cua phải biết cách, để không bị cắp phải dùng hai ngón tay khéo léo bóp chặt dọc thân con cua thì hai cái càng của nó sẽ mất tác dụng, lúc ấy chỉ việc ném vào giỏ, còn ai bị cắp thì thôi rồi.
Nói về nghề bắt cua tôi là cao thủ. Cái Ngọc luôn miệng trầm trồ thán phục. Mỗi buổi như thế, bao giờ cái giỏ tre của ông nội tôi cũng đầy ắp. Tôi đem chia ra hai phần, cái Ngọc một phần, tôi một phần. Tôi rất thích món cua nấu lạc cùng món canh cua nấu rau dền của bà nội tôi. Trời nắng mà chỉ nghĩ đến thôi cũng đến nhỏ nước miếng.
Cua được tách ra, vặt hết các chân rồi kho với lạc đã được giã sơ qua. Món ăn rất bùi, ngon mà không ngán. Cua nấu canh thì bà nội dùng cái cối đá giã nhuyễn rồi lóng lấy gạch cua nấu canh. Phần bã bà đem nấu cho lợn nái ăn. Có thể nói hai món đó là đặc sản của tuổi thơ tôi. Và chính những con cua này đã cho tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Hồi đó, tôi và cái Ngọc cùng đang học lớp sáu. Bọn trẻ con trong xóm hay gọi là Ngọc "ghẻ" vì nó bị ghẻ thật nhưng tôi không bao giờ gọi nó như thế. Cùng lứa tuổi chỉ có tôi chơi thân với nó. Chính vì thế cho nên bọn trẻ khác hay trêu chọc, gán ghép chúng tôi với nhau. Hễ cứ lúc nào đi bắt cua bắt cá, nó cũng đòi đi theo tôi, chỉ để làm một việc chính là cầm giỏ và đi quan sát. Được cái mắt nó rất tinh, bao giờ nó cũng nhìn thấy những chỗ mà nhiều cua tụ tập trước tôi. Mắt nó long lanh đen như hạt nhãn, hơi xếch, cái miệng rộng. Ngọc là chúa sợ đỉa.
Một lần, tôi mải hí hoáy với con cua đực cắp chặt ở tay mà không làm gì được, chỉ biết nhăn mặt chịu đau. Cái Ngọc lội xuống nước gỡ cho tôi, hiếm khi tôi thấy nó lội xuống nước, quên cả sợ đỉa. Hai đứa cố gỡ mãi, cuối cùng con cua cũng chịu thua. Nhưng nó để lại trên bàn tay tôi một cái gọng, bàn tay xây xước rớm máu. Tôi nhắm mắt giật thật mạnh cái càng cua ra kèm theo một mảng da. Khi cả hai đứa lên bờ, tôi thấy nơi gót chân cái Ngọc có một vật gì đó đen sì, béo núc bám chặt.
Tôi chưa kịp nhận ra đó là cái gì thì cái Ngọc đã quẳng cả giỏ cua lăn lóc xuống đất vừa chạy vừa hét toáng lên. Nước mắt, nước mũi giàn giụa. Tôi chạy theo lôi nó lại khuyên giải, một lát thấy nó đứng im, nước mắt nước mũi vẫn không ngừng chảy. Hai con mắt chăm chăm nhìn vào con vật nơi gót chân mà không dám làm gì. Tôi nhổ một bãi nước bọt vào tay rồi lôi con đỉa với hai cái vòi bám chặt vào gót chân yếu ớt, xanh xao của cái Ngọc ra. Con đỉa căng tròn, béo núc lăn lóc trên đám rạ mục. Tôi lấy cục đá đập nát nó ra mà con đỉa dai sống vẫn cố giãy giụa.
Kể từ hôm đó, cái Ngọc không bao giờ dám đi bắt cua với tôi nữa. Tôi lại đi một mình, nhưng không lần nào quên phần nó. Hôm nào được nhiều thì chia cho nó một phần, được ít thì chọn một vài con cua đực to cho nó nướng hay làm bò dắt đi chơi chọi nhau hay đưa cho một bát canh cua thơm nựng sau khi bà nội đã nấu chín.
Đỉa đối với tôi là chuyện nhỏ vì tôi đã bị nó bám nhiều lần rồi, tôi chỉ sợ nhất là rắn nước. Loài rắn nhỏ màu vàng nhạt hay màu xanh cắn chỉ đau nhẹ không có độc nhưng chỉ nhìn thấy nó đã rợn hết tóc gáy. Có lần vừa thò tay vào cái hang thì một con ngoằn ngoèo lao ra trèo lên cổ tay tôi. Giật mình, tôi quăng mạnh con rắn văng sang một bên và hôm đó không dám đi bắt cua nữa.
Hôm nào không bắt cua thì tôi đi bắt cá. Các con mương nhỏ bị ngăn lại hai đầu, dùng cái thau nhôm cũ tát dần đến khi cạn gần hết nước chỉ còn xâm xấp bùn non thì mò bắt cá.
Hay mỗi chiều chăn trâu trên bờ đê, lũ trẻ chúng tôi thường rủ nhau đi móc cua về nhóm lửa nướng. Cả lũ túm tụm quanh đống lửa lem luốc, hì hụi những con cua to tròn, béo ngậy. Cái mu cua đỏ au khi nướng chín, mùi thơm toát ra thật dễ chịu. Hoặc là mấy thằng bắt được con cua đực có đôi càng to dùng chạc chuối buộc ngang lưng cho chúng chọi nhau.
Tuổi thơ chúng tôi đã trôi qua thật bình yên như thế cùng với những mùa cua đồng ngọt bùi. Những vết thương bị cua cắn rớm máu còn để lại trên đôi bàn tay của tôi những vết sẹo nhỏ. Cái Ngọc "ghẻ" bây giờ đã là một thiếu nữ xinh đẹp. Tôi đã là sinh viên đại học và ở nơi phố thành nhộn nhịp, thỉnh thoảng nao lòng khi nghe thấy mùi vị quen thuộc của món bún riêu cua nơi gánh cô bán hàng rong. Tự dưng, miền ký ức tuổi thơ trong trẻo trở về…
-
Hoàng Nghĩa