- “Tình trạng “cò vé” chỉ kết thúc khi ngành đường sắt yêu cầu mua vé theo chứng minh thư và người đi tàu là người có chứng minh thư đúng với ghi trên vé. Ngành đường sắt nếu thực sự cầu thị thì hãy học tập ngành hàng không”. Nhiều bạn đọc VietNamNet bức xúc trước việc họ không mua nổi vé tàu Tết hợp pháp trong khi vé chợ đen đang được rao bán đầy rẫy tại ga Sài Gòn.
|
"Cò" đang rao bán vé tại ga Sài Gòn. (Ảnh Trần Duy) |
Khốn khổ mua vé tàu Tết
Tôi hiện là sinh viên năm cuối. Đã 4 năm qua, tôi luôn sử dụng tàu hoả là phương tiện đi lại để về thăm gia đình. Không phải riêng bản thân tôi mà hầu hết các bạn sinh viên đều có chung tâm trạng khao khát được đoàn tụ cùng gia đình trong ngày Tết. Mong ước giản dị đó muốn thành hiện thực sao khó quá. Chưa bao giờ tôi cảm thấy được thoải mái về cách thức tổ chức và làm việc của ngành đường sắt nói riêng và ngành giao thông vận tải nước ta nói chung.
Không chỉ riêng bản thân tôi cảm thấy bức xúc mà rất nhiều người đều có cảm nhận chung về điều đó. Lúc nào ngành đường sắt cũng hô khẩu hiệu phục vụ người dân tốt nhất. Tôi thấy cách thức tổ chức và quản lý của ngành đường sắt chưa thực sự chặt chẽ. Tại sao lúc nào đại lý bán vé luôn miệng kêu hết vé tàu rồi mà lại có những đại lý bán vé chợ đen. Họ lấy vé ở đâu ra?
Tôi hi vọng rằng ngành đường sắt nói riêng và ngành giao thông vận tải nói chung hay xem lại cách thức quản lý để người dân không phải chịu ấm ức, thiệt thòi mãi như thế. Trịnh Văn Học, ĐH Nha Trang
Là một SV ngoài Bắc vào miền Nam học ĐH, chúng em rất háo hức được về quê ăn Tết. Vậy nhưng mua vé tàu quả là vấn đề khó khăn. Nghe thông tin năm nay Ga Sài Gòn bán vé qua tin nhắn điện thoại nên chúng em phải trực từng phút để lấy số thứ tự. Có đêm, cả phòng phải dậy từ 4h30 sáng nhắn tin mà vẫn không được. Nếu ai may mắn lấy được số thứ tự thì ra ga chờ đợi mua vé cũng rất mệt mỏi. Người người chen chúc, xô đẩy nhau để lấy được một cái vé. Thật là khổ!
Thiết nghĩ, sinh viên có thời gian rảnh rỗi mà còn vất vả như vậy mới mua được 1 cái vé. Vậy những anh chị công nhân làm việc “tối mặt, tối mũi” thì họ mua vé bằng cách nào? Có cơ hội nào cho họ về quê ăn Tết không? Mong Tổng Công ty Đường sắt VN tạo điều kiện dễ dàng cho người dân mua vé, tránh tình trạng người nhân phải đón Tết trên đất khách quê người vì không có vé. Thu Hoài, TP.HCM
Tôi cũng đã đi mua vé tàu và quay về tay không vì nhắn tin thì nhận được phản hồi là đã hết số thứ tự, còn gọi điện thoại thì nhận được tín hiệu "Hiện giờ tất cả các điện thoại viên đều bận, xin quý khách vui lòng gọi lại sau”. Đến khi tôi gọi có tín hiệu chuông, tưởng là đã gọi được mừng hết cỡ thì chuông cứ đổ hoài 3, 4 lần mà không thấy nhân viên nào bắt máy. Tôi thực sự bức xúc và không hiểu đó là như thế nào, còn vé chợ đen thì chào bán ầm ĩ. “Cò vé” chào bán nhưng tôi không mua vì đắt quá thì lập tức phải nghe những lời chửi thô tục. Thật là kinh khủng! Tại sao mua vé tàu lại gian nan như thế. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm yên lòng người dân và xoá đi nỗi ám ảnh mua vé tàu ngày Tết. Vu Phong, Q.Tân Bình, TP.HCM
Tôi ở TP.HCM hơn 15 năm qua nhưng chưa bao giờ mua được vé tàu về quê vào dịp Tết một cách hợp pháp, mặc dù tôi đã cố gắng hết sức theo dõi cách thức bán vé từ xếp hàng lấy số thứ tự, mua vé qua mạng. Vì vậy, tôi phải nhờ người quen mua hoặc ra ngoài đường Nguyễn Phúc Nguyên (trước ga Sài Gòn) mua vé chợ đen. Tôi nghĩ những vấn đề đó không khó đối với ngành đường sắt nhưng do cung cách độc quyền và suy nghĩ ấu trĩ cũng như cố tình để hưởng lợi mà cố tình trì hoãn. Thanh Hà, TP.HCM
Ngăn chặn “cò vé” không khó, ngành đường sắt có làm hay không
Nếu so sánh việc bán vé xe lửa hiện nay với bán vé máy bay thì thấy sự quản lý của nhà tàu yếu kém một cách khó hiểu.
Còn nhớ vào cuối thập niên 80 - đầu 90, khi hãng Hàng không Dân dụng Việt Nam (tiền thân của Vietnam Airlines) chưa áp dụng bán vé máy bay qua máy tính và phải viết vé thủ công bằng tay... thì “cò vé” cũng lộng hành liên tục tại khu vực 116 Nguyễn Huệ, TP.HCM. Tuy nhiên, khi áp dụng kỹ thuật mới (ghi rõ tên hành khách lên vé, xin số điện thoại liên lạc và kiểm tra CMND) thì “cò” vé máy bay đã trở thành chuyện dĩ vãng xa xưa.
Trở lại chuyện vé tàu ngày nay, khi phần mềm máy tính đã hỗ trợ phần lớn công việc của con người và các nhân viên bán vé tàu đã sử dụng hệ thống máy tính để xuất vé, không hiểu sao nhà tàu vẫn không in được tên hành khách lên tấm vé? Và chính vì vé tàu không có tên hành khách nên nó được sang tay một cách dễ dàng. Vài lời ngắn gọn xin góp ý với xe lửa Việt Nam. Mong cho hệ thông máy tính sẽ in được tên khách lên vé. Đặng Nguyên, TP.HCM
Vấn đề không phải khó do bài toán mà khó do lòng người chưa thuận, còn lăn tăn giữa quyền lợi chung và riêng. Chỉ cần một chút cải tiến trong phần mềm bán vé tàu lửa sẽ giảm thiểu rất đáng kể số vé tàu chợ đen.
Quy trình hiện tại cho phép 1 CMND mua được vé trong một dịp Tết có số lượng là tùy ý. Vì sao? Vì số CMND được ghi bằng tay vào phía mặt sau của vé. Quy trình này làm người bán vé không thể phát hiện một CMND nhưng lại sở hữu nhiều vé tàu trong dịp Tết, thậm chí sở hữu nhiều vé trên cùng một tàu, một ga, một ngày, một giờ xuất bến. Hơn nữa, đây là một kẽ hở để một vé tàu đã bán ra nhưng số CMND vẫn còn trống.
Tôi đề xuất một giải pháp sau: Trên mỗi vé tàu ở mặt trước cần thêm thông tin số CMND. Quan trọng nhất là số CMND cần được lưu vào cơ sở dữ liệu. Nếu phần mềm bắt buộc số CMND phải được ghi vào cơ sở dữ liệu, khi tiến hành một thao tác bán vé, phần mềm sẽ kiểm tra số CMND này đã sở hữu một vé tàu đi nào chưa trong một dịp Tết. Nếu đã có, phần mềm sẽ từ chối bán. Như thế, một CMND chỉ sở hữu duy nhất 1 vé tàu đi trong một dịp Tết.
Với quy định này, 100 “cò vé” chỉ có thể mua cho bản thân mình 100 vé và mua giúp 200 vé còn lại (một lần mua có thể mua tối đa 3 vé theo quy định nhà ga: 1 vé cho bản thân và 2 vé cho người quen), các vé này xem như là vé chợ đen. Trong đó có 100 vé đã in số CMND của “cò” ở mặt trước của vé, các vé này theo quy định không thể bán lại cho người khác vì đã có số CMND của “cò”, nghĩa là 100 vé tàu vô nghĩa. Với 100 vé vô nghĩa, các “cò” sẽ rất ngại mua bán vì phải tốn chi phí vô nghĩa cho 100 vé tàu này. Nguyen Gia Tuan Anh, anhngt2002@...
Tình trạng “cò vé” chỉ kết thúc khi chúng ta yêu cầu mua vé theo chứng minh thư và người đi tàu là người có chứng minh thư đúng với ghi trên vé. Tức là vé có chủ rõ ràng và khi đổi vé phải kèm thêm điều kiện. Ngành đường sắt nếu thực sự cầu thị thì hãy học tập ngành hàng không. Tại sao hãng Jetstar bán vé trước nhiều ngày và vẫn không bao giờ có nạn “cò vé” hàng không? Người thực sự có nhu cầu đi mới mua vé và mua vé dễ dàng trên mạng sau đó đến thanh toán trực tuyến hoặc thanh toán sau 48 giờ cho phòng vé, đại lý vé. Hoang Thanh, hoangthanh_nguyen23@...