- Ngày 15/01/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 117/2003/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước. Sau gần 2 năm triển khai thi hành Nghị định số 09, một số quy định trong nghị định đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Khó tuyển vì quy định quá khắt khe?
Điều 1, Nghị định số 09 quy định những đối tượng được đăng ký thi tuyển công chức gồm: viên chức đang làm việc ở các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; viên chức đang làm công tác quản lý, lãnh đạo từ cấp phòng trở lên trong các doanh nghiệp nhà nước; cán bộ, công chức cấp xã; sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam.
Công chức TP.HCM tiếp dân. (Ảnh: VNN)
Theo quy định trên, người tham gia thi tuyển công chức trước hết phải là “người của Nhà nước”. Hơn nữa, phải là “người của Nhà nước” đã có thời gian làm việc liên tục tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước từ đủ 3 năm trở lên (Khoản 4, Điều 1, Nghị định 09).
Những đối tượng khác có nguyện vọng được tuyển dụng và bổ nhiệm vào công chức thì đăng ký dự tuyển vào công chức dự bị và phải thực hiện chế độ công chức dự bị theo quy định hiện hành trước khi xem xét tuyển dụng và bổ nhiệm vào ngạch công chức (Khoản 2, Điều 1, Nghị định số 09).
Như vậy, những người mới tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc sau đại học không được thi công chức mà chỉ được tham gia thi tuyển công chức dự bị theo quy định tại Nghị định số 115/2003/NĐ-CP (về chế độ công chức dự bị) và Nghị định số 08/2007/NĐ-CP ngày 15/01/2007 sửa đổi, bổ sung nghị định này?
Thực tế cho thấy, viên chức đang làm việc ở các đơn vị sự nghiệp hoặc đang làm công tác quản lý, lãnh đạo từ cấp phòng trở lên trong các doanh nghiệp nhà nước; quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam ít tham gia thi tuyển để trở thành công chức hành chính nhà nước.
Bản thân họ đang có việc làm, tiền lương của họ cao hơn những công chức có cùng trình độ đào tạo và thời gian công tác. Những người làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước, trong lực lượng vũ trang có mức lương tối thiểu bao giờ cũng cao hơn cơ quan hành chính nhà nước. Với viên chức sự nghiệp cũng vậy, ngoài lương, họ còn được hưởng những chế độ khác hình thành từ nguồn thu của đơn vị theo quy định.
Đối với đối tượng dự tuyển là cán bộ, công chức cấp xã, hiện, trình độ của đội ngũ này chưa đồng đều. Nhiều nơi, cán bộ, công chức cấp xã còn chưa đạt chuẩn nên chưa thể tham gia thi tuyển để được giao nhiệm vụ ở cấp hành chính cao hơn.
Chẳng hạn, theo quy định, công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã phải có trình độ từ trung cấp luật trở lên. Nhưng thực tế, đa số các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa đảm bảo yêu cầu này. Vì vậy, quy định cán bộ, công chức cấp xã là đối tượng dự tuyển như đã nêu là điều ít thực hiện được trên thực tế.
Công chức dự bị - năm, bảy cách hiểu
Khái niệm, chế độ công chức dự bị lần đầu tiên được quy định trong Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh cán bộ, công chức được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 29/4/2003. Tuy nhiên, qua hơn 5 năm thi hành pháp lệnh, hiện vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm này.
Thứ nhất, theo quy định của Nghị định 115 “Công chức dự bị là công dân Việt Nam, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước, được tuyển dụng để bổ sung cho đội ngũ cán bộ, công chức quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 1 của pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29/4/2003”. Từ quy định này dẫn đến hai cách hiểu.
Theo cách hiểu thứ nhất, công chức dự bị là công chức hành chính làm việc trong cơ quan nhà nước, được hưởng các quyền lợi và phải có đầy đủ trách nhiệm như một công chức nhà nước chính thức. Cách hiểu thứ hai cho rằng, công chức dự bị chưa là công chức nhà nước, chỉ là nguồn cán bộ để bổ sung cho đội ngũ cán bộ, công chức sau này.
Thứ hai, về thời gian thực hiện chế độ dự bị đối với công chức dự bị. Nghị định số 115 và Nghị định số 08 quy định: Công chức dự bị được tuyển dụng để bổ sung cho công chức loại A là 12 tháng; loại B là 6 tháng… (công chức loại A là công chức có trình độ từ tốt nghiệp đại học trở lên, tức là công chức ở ngạch chuyên viên và tương đương).
So sánh với quy định thời gian tập sự của công chức được tuyển dụng theo Nghị định số 117 thì thời gian thực hiện chế độ tập sự của công chức dự bị được tuyển dụng theo quy định của Nghị định số 115 là như nhau. Vậy khi đã hết thời gian thực hiện chế độ công chức dự bị và cũng là hết thời gian tập sự. (Vì thời gian tập sự đối với công chức dự bị được tính trong thời gian thực hiện chế độ công chức dự bị - theo quy định của Nghị định 117). Như vậy, có bổ nhiệm công chức dự bị vào ngạch chính thức hay phải chờ có biên chế thì mới được chuyển vào ngạch công chức chính thức? Nếu phải chờ thì thời gian chờ đó có tính là thời gian để xét tăng lương?...
Từ những quy định gây ra nhiều cách hiểu nêu trên dẫn đến việc tuyển dụng công chức gặp nhiều khó khăn. Khi nào thì tuyển dụng công chức theo quy định của Nghị định 117 và khi nào thực hiện việc tuyển dụng công chức dự bị theo quy định của Nghị định số 115? Công chức dự bị và công chức được tuyển dụng theo quy định của Nghị định 117 có gì khác nhau và có cần thiết phải ban hành một Nghị định như Nghị định 115 bên cạnh Nghị định số 117? Nên chăng, chỉ cần quy định một chương thật cụ thể về công chức dự bị trong Nghị định số 117?
-
Nguyễn Đình Thơ, Cục Kiểm tra văn bản pháp luật, Bộ Tư pháp