- Không hiểu ngành y tế có bao nhiêu quy chuẩn trong quy trình khám chữa bệnh nhưng hiện nay, có một thực tế là kết quả xét nghiệm của bệnh viện này mang sang bệnh viện khác không được chấp nhận, cho dù kết quả xét nghiệm ấy vừa mới có được chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Túi tiền của bệnh nhân vốn đã bị các nhà thuốc rút ruột giờ lại thêm hao gầy vì sự bất tin lẫn nhau giữa các tổ chức này.
Bệnh nhân phải làm xét nghiệm lại từ đầu khi chuyển sang bệnh viện mới. (Ảnh VNN)
Một bệnh nhân vừa được các bác sỹ ở Bệnh viện Xanh pôn khám, chụp phim X quang và kết luận phải chuyển sang viện chuyên khoa mới có thể xử lý bệnh. Ngay lập tức, người nhà chuyển bệnh nhân đến nơi theo chỉ dẫn của bệnh viện.
Tuy nhiên, khi đến bệnh viện mới này, mọi thủ tục khám, chụp lại phải làm lại từ đầu, kết quả mà Bệnh viện Xanh pôn đưa ra không có ý nghĩa gì hết. Một lý do đơn giản mà các bác sỹ ở đây đưa ra là, chúng tôi chỉ có thể tin tưởng vào xét nghiệm của chính bệnh viện này (?!).
Một trường hợp khác, có bệnh nhân vừa khám, chụp, chiếu và xét nghiệm máu ở bệnh viện của ngành với khoản phí gần nửa triệu đồng. Sau khi phân tích kết quả, bệnh viện đề nghị chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.
Cũng ngay sau đó, người nhà chuyển bệnh nhân đến nơi theo chỉ dẫn. Và ở Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân này lại phải thực hiện các bước khám, xét nghiệm như vừa làm ở bệnh viện trước. Đây không phải là phi lý ít thấy mà tất cả những ai đã từng phải chuyển viện đều phải chấp nhận mà không biết kêu ca với ai.
Với thực tế như vậy, bệnh nhân ở những trường hợp này vô hình trung đã phải mất hai lần tiền cho cùng một công việc với cùng 1 mục đích. Trong nhiều ca bệnh, vấn đề có lúc không chỉ còn là tiền mà nguy hiểm hơn, sự “làm khó” này còn đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân khi phải mất thời gian cho việc khám lại mà lẽ ra họ có thể sử dụng kết quả của bệnh viện trước đó.
Về mặt chuyên môn, trong một số trường hợp thì việc phải xét nghiệm nhiều lần để chẩn đoán chính xác là cần thiết. Song, với nhiều ca bệnh không phức tạp, hành động này hẳn có những lý do khó chấp nhận được. Một số bệnh nhân cho rằng, đó là cách các bệnh viện “moi” thêm tiền của họ bởi mỗi ca khám là vài chục ngàn, chỉ trong vài phút; chụp X quang cũng gần trăm nghìn bạc.
Nếu đặt vấn đề theo như quan điểm của các bệnh viện là “chỉ tin vào kết quả xét nghiệm của bệnh viện mình”, thì như thế chẳng khác nào các cơ quan chức năng, các quy định của pháp luật về y tế là vô nghĩa.
Đã là cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện lớn tuyến Trung ương, tuyến tỉnh như Hà Nội thì không thể không đảm bảo chất lượng các dịch vụ. Nhà nước chỉ cho phép thành lập và hoạt động khi các bệnh viện này có đủ năng lực, có đủ các tiêu chuẩn ngành về khám chữa bệnh. Vì thế, chẳng có lý do gì để “bất tín lẫn nhau” như vậy.
Nhà nước và ngành y tế đang nỗ lực thực hiện cải cách nhằm giảm những tiêu cực trong bệnh viện, giảm bớt gánh nặng cho bệnh nhân. Vậy mà một sự thực phi lý đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, ai cũng biết ấy lại không hề có một xoay chuyển hoặc ít nhiều bị lên án.
Tâm lý chung của người bệnh khi phải đến bệnh viện là chịu nín, chịu nhịn cho xong chuyện mong được cứu chữa kịp thời. Dù khó khăn họ cũng phải chạy vạy sao cho chóng khỏi bệnh. Nằm viện ngày nào, khốn khó ngày ấy. Chính vì thế mà không ít y, bác sĩ càng được đà gây khó dễ, bắt bẻ, gắt gỏng với bệnh nhân. Đó thực không phải là thầy thuốc của nhân dân.
-
Sỹ Thắng