- Cuộc khủng hoảng lương thực thời gian gần đây đã khiến giá gạo xuất khẩu tăng kỷ lục. Trong bài phỏng vấn gần đây trên VietNamNet, Giáo sư Võ Xuân Tòng cho rằng, Việt Nam không phải lo lắng về an ninh lương thực, nên chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng thời cơ này mà tăng cường xuất khẩu gạo để đạt giá cao. Bạn đọc VietNamNet đã có ý kiến nhiều chiều về vấn đề này.
Sẽ thiệt nếu không xuất khẩu gạo
Ảnh minh hoạ: VNN |
Tôi rất đồng tình với quan điểm của Giáo sư Võ Tòng Xuân, cho rằng Việt Nam không lo về an ninh lương thực. Bởi vì đất ta là đất lúa, dân ta là dân làm lúa, thời tiết những năm gần đây dù có khắc nghiệt nhưng vẫn không ảnh hưởng nhiều đến việc trồng lúa. Thực tế những năm gần đây, ta đi dạy các nước trồng lúa và trên đồng ruộng của ta chỉ sản xuất 2 vụ còn vụ 3 ta cho đất nghỉ mà vẫn có lúa dư để xuất khẩu thì không có lý do gì chúng ta lại thiếu lúa ăn. Mặt khác, lúa của Việt Nam hiện nay là lúa cao sản, ngắn ngày, chỉ cần 3 tháng hoặc 3 tháng 10 ngày là có lúa đủ cho tiêu dùng trong nước, chưa kể ta còn có ngô, sắn, các loại đậu… dùng cho chăn nuôi mà con người dùng chung vẫn không sao. Như vậy, về thiếu lương thực là không có cơ sở xảy ra.
Nếu vậy thì tại sao không xuất khẩu để lấy USD càng nhiều càng tốt về xây dựng những công trình khác đang rất cần vốn? Tại sao Thái Lan lại tăng cường xuất khẩu gạo mà ta lại dừng? Có phải người Thái thiếu kinh nghiệm hơn ta? Hay đất đai họ phì nhiêu hơn ta, dân họ ăn ít hơn ta nên không lo thiếu lương thực?
Theo tôi, cần phải sáng suốt và chớp lấy đúng thời cơ đã và đang đến. Năm nay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm vì các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như may mặc, cao su, thủ công mỹ nghệ, cà phê, hạt điều… sẽ tăng giá vì giá phân bón, xăng dầu, phụ kiện ngành may mặc, nguyên liệu đầu vào của ngành dệt… đều tăng. Như vậy, tại sao không tăng xuất khẩu gạo để cân bằng phần nào cho sự thâm hụt đó? Vì vậy, Chính phủ cần phải tính toán kỹ và thoáng, không nên mất bình tĩnh trước sức ép khan hiếm lương thực của thế giới. Nguyễn Sơn Ca, 5 Trần Phú, Đà Nẵng.
Tôi cũng cho rằng đây là thời điểm rất thích hợp để xuất khẩu gạo. Giải pháp trồng thêm vụ thứ 3 đáp ứng nhu cầu lương thực hiện nay, tuy nhiên, cần phải xem xét kỹ lưỡng. Trước đây, rất nhiều địa phương thực hiện 3 vụ nhưng rồi giảm xuống 2 vụ. Chúng ta có thể tham khảo số liệu này để xem xét và quyết định. Một vấn đề nữa, tôi nghĩ chúng ta cần lưu tâm: Các nước nghèo trên thế giới đang chịu nạn đói. Có lẽ nào ta lại không hỗ trợ các nước này với giá gạo hợp lý? . Bạn đọc KT.-HN
Ý kiến của giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định rất chuẩn xác về tình trạng xuất khẩu lúa gạo của nước ta hiện nay. Thực ra, ta nói liên minh công nông thương, nhưng lúc nào người nông dân cũng chịu phải thiệt thòi, cần phải thực hiện đúng nghĩa liên minh với những cơ chế chính sách thiết thực. Thời điểm này mà không tranh thủ xuất khẩu gạo do sợ an ninh lương thực không bảo đảm là không kịp thích nghi với cơ chế thị trường. NKThuy, nkthuy.vpubnd@...
Thời điểm lúa gạo lên cao tới đỉnh điển như thế này, Việt Nam ta nên xuất khẩu lúa gạo để tính lợi ích về kinh tế. Vương Xuân Quân, Nguyễn Viết Xuân, Hà Nội, quanvx@...
Tôi thấy Giáo sư Võ Tòng Xuân phân tích đúng. Có thể các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo từ cuối năm 2007 với giá thấp, nay giá lúa gạo lên cao nên đề xuất ngừng xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực và khi ngừng xuất khẩu gạo thì giá lúa gạo xuống, các doanh nghiệp mua xuất khẩu đều không bị lỗ. Nhưng nếu nghĩ vậy thì thua rồi, bởi chưa bao giờ giá xuất khẩu gạo lại cao như hiện nay, đây là thời cơ tốt nhất. Thiết nghĩ, Chính phủ nên cân nhắc để xem có nên tiếp tục xuất khẩu gạo hay không? Thành, ntnam_dng@...
Không nên chủ quan trong điều kiện mất an ninh lương thực toàn cầu
Nếu ai chưa qua cái đói trường kỳ thì chưa thể hiểu. Khi lâm cảnh thiếu đói, nghĩa là sức ăn hai bát mà chỉ có một thì như thế nào. Nếu những ai chưa biết điều này thì rất cần đi du lịch để biết những người đồng bào của mình ở nơi này nơi kia còn đang đói. Như Bác Hồ từng mong ước “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Miếng ăn, khi mà no đủ cao sang thì cho thêm một miếng cũng là thừa nhưng khi còn có người no kẻ đói mà mang gạo bán đi thì đó là tội lỗi.
Ngày trước, ta chưa tự chủ về lương thực nên bạn bè đã giúp đỡ ta bột mì, gạo tấm bù cho ta những khi đói. Nay chúng ta đã có thể là có dư cái gạo nhưng nơi này nơi kia vẫn còn thiếu gạo thì ta cũng chưa thể tự hào. Hơn nữa, lúc này nếu có dư ta hãy nhớ tới những quốc gia bạn … lại đang thiếu đói. Để giúp bà con nông dân thì miễn thuế nhập khẩu tư liệu sản xuất nông nghiệp và trợ giá bằng cách thu mua gạo bảo đảm an ninh lương thực cũng như thúc đẩy chăn nuôi. Dù sao gạo cũng không phải là thứ có giá trị gia tăng. Tuấn, Hàng Đường, mayanh@...
Đã ai nghĩ tới nông dân trước khi đề xuất ý kiến chưa? Đầu năm với rét như vậy liệu năm nay có được mùa? Thu hoạch được bao nhiêu? Đã tính tới tình huống rồi chúng ta lại gặp thiên tai vào đợt sau chưa? Nguyễn Văn Tuyên, Hải Dương, nguyenhoangtuyenktqd@...
Tôi thấy giá gạo tăng, các công ty lương thực và doanh nghiệp có lợi còn người nông dân thì thiệt hại mà thôi. 3 tháng đổ mồ hôi công sức bỏ ra kết quả không thu được chỉ 1 phần nhỏ mà thôi do giá cả phân bón, thuốc trừ sâu đều tăng vọt, 1 phần nữa là giá nhân công phục vụ cho nông dân cũng lại tăng. Nông dân thu hoạch lúa xong là họ bán để giải quyết nợ nần và kinh tế gia đình, vả lại thương lái mua lúa từ người nông dân lại thấp? Thử hỏi người nông dân của chúng ta làm sao khá nổi, các thương lái và công ty thu được lợi nhuận của người nông dân trên mồ hôi, công sức của họ.
Tôi là người dân ĐBSCL, tôi rất mong Chính phủ có chính sách như thế nào đó để hỗ trợ người nông dân có cuộc sống tốt hơn đồng thời giảm giá vật tư nông nghiệp xuống. ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất Việt Nam, nếu như ĐBSCL không sản xuất nông nghiệp nữa thì nước ta sẽ nhập khẩu lương thực? Phải tính làm sao để người nông dân mỗi khi thu hoạch mùa lúa xong, nông dân bán ra có tiền, 1 phần khấu hao cho sản xuất nông nghiệp, phần còn lại để người nông dân ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân chúng ta. Tôi rất mong Chính phủ có chính sách như thế nào đó để khuyến khích nông dân sản xuất. Người dân Miền tây
Tôi nghĩ không nên thấy cái lợi trước mắt mà gặp khó khăn sau này. Nông nghiệp của chúng ta chưa phát triển ổn định và gần đây lại bị ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh nữa. Vậy nên ta phải có một mức lương thực an toàn tối thiểu để phòng mọi sự bất trắc rủi ro ngoài tầm kiểm soát. Tối thiểu là đủ lương thực cho cả nước sử dụng trong một quý. Thế Liêm, Quận 1, TP.HCM, liemlu2002@...
Xuất khẩu gạo thời điểm này sẽ đẩy giá gạo trong nước tăng cao
Trái hẳn với suy nghĩ của GS Võ Tòng Xuân, tôi nghĩ việc xuất khẩu gạo vào thời điểm này thực tế chỉ có lợi cho một số ít người chứ không phải toàn bộ nền kinh tế. Bởi lẽ khi ta đem gạo ra xuất khẩu, lượng gạo đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước sẽ giảm. Sự mất cân bằng giữa cung và cầu sẽ đẩy giá gạo trong nước lên cao. Vì gạo là mặt hàng quan trọng, nên khi giá gạo tăng, giá thành của những mặt hàng nông nghiệp liên quan cũng sẽ tăng. Mặt khác không nên đánh đồng an ninh lương thực và sự tăng giá của các sản phẩm nông nghiệp. An ninh lương thực ở Việt Nam vẫn sẽ được đảm bảo, tuy nhiên nó lại không đảm bảo rằng, người dân có thể mua được gạo với giá thành hợp lí, phù hợp với mức thu nhập cũng như nhu cầu tiêu dùng.
Thêm nữa, tình hình căng thẳng lương thực trên toàn thế giới sẽ còn kéo dài. Điều này có nghĩa là sớm muộn gì những mặt hàng lương thực nhập khẩu vào Việt Nam sẽ còn tăng giá, ví dụ như mặt hàng thức ăn chăn nuôi. Khi đó tự khắc giá gạo trong nước cũng sẽ tăng giá. Đến lúc ấy, nhân dân ta sẽ còn gặp khó khăn. Ngược lại, việc ta xuất khẩu gạo ra nước ngoài, người được lãi nhất vẫn cứ là các công ty xuất nhập khẩu, chứ không phải là đại bộ phận nhân dân. Nếu ta so sánh cái lợi của việc xuất khẩu gạo, và cái mất mà toàn bộ người tiêu dùng Việt Nam khi giá gạo trong nước tăng, thì cái lợi kia sẽ không đủ để cân bằng cái thiệt của dân. Nguyễn Thị Nhật Minh, Pháp, nguyenthi_nhatminh@...
Ý kiến của bạn?