- Mùa xuân đến làm cho đất trời đổi thay và mang một màu sắc mới, lòng người cũng rộn ràng hơn khi Tết đang đến rất gần. Mọi người đang náo nức chuẩn bị cho gia đình mình có được một cái Tết đầy đủ, sung túc. Nhưng đối với nhiều người dân vùng bão, lũ Hà Tĩnh thì họ chỉ dám ước ao một điều giản dị là làm sao có một cái Tết không bị đói, bị rét là hạnh phúc lắm rồi…
Chị Hạnh (Hương Khê) đang lau dọn nhà cửa đón Tết.
Nỗi niềm dân vùng lũ
Trở lại Hương Khê, nơi mà mới cách đây 5 tháng, cơn đại hồng thuỷ đã cuốn trôi đi tất cả. Lũ đi qua! Những thứ còn lại nơi vùng đất này chỉ là đau thương, mất mát và sự khó khăn. Đói, rét, bệnh tật là những vấn nạn mà người dân nơi đây đang phải gồng mình lên chống chọi từng ngày.
Tết đang đến gần thì nỗi lo của bà con vùng đất nghèo này càng thêm lớn, phải kiếm đâu ra ít tiền để sắm chút lễ mọn để cúng ông bà tổ tiên, sắm sửa quần áo mới cho con và còn bao nhiêu thứ nữa khi Tết về!
Chị Nguyễn Thị Hạnh (Thôn Phúc Thọ, xã Lộc Yên) cho biết: “Lũ đi qua lâu rồi mà vẫn phải chạy ăn từng bữa, lũ lụt cuốn trôi cả nhà cửa, lương thực, đồ dùng. Mấy ngày đầu còn được hỗ trợ gạo, nhưng giờ thì phải mua nợ gạo cho qua ngày chờ đến ngày mùa thôi. Túp lều vừa dựng tạm bằng mấy tấm ván của hàng xóm cho mấy ngày nay không thể ngăn mưa và rét, hai đứa con nhỏ phải gửi bên ông ngoại nhờ giúp đỡ. Năm mới đến, tôi mong sao cho nhà mình và bà con hàng xóm không còn phải chạy ăn từng bận nữa”.
Ngày Tết dân tộc cận kề, nhưng chị Hạnh và những người khác không còn mặn mà lắm. Không khí Tết chỉ thấp thoáng khi nghe tin trong làng có một người đi xa trở về quê ăn Tết. Những ngày cuối đông khắc nghiệt, người nông dân vẫn phải chăm chỉ trên những cánh đồng cho kịp thời vụ để ra năm có cái mà ăn.
Làm đồng ngày Tết.
“Năm ngoái, những ngày này là việc đồng áng cũng đã xong, nhiều nhà đã chuẩn bị sửa sang nhà cửa, mua sắm làm cho hơi thở ngày Tết thêm rộn ràng. Nhưng năm nay thì lụt lội làm cho tan hoang, đói kém, nghe nói Tết mà trong người vẫn không có tâm trạng đợi chờ, háo hức nữa mà lo làm sao ngày Tết có đủ gạo thôi. Giá cả thì tăng, nhà tôi có 6 người mỗi ngày cũng hết gần 2 kg gạo còn những khoản chi tiêu khác thì là thứ yếu”, chị Nguyễn Thị Hương ở thôn 4, xã Hương Đô buồn bã kể lại.
Để lo được cho cả nhà có cái ăn hằng ngày và trong dịp Tết, chị Hoàng Thị Hiệp ở xóm 8 xã Phú Phong một buổi đi làm đồng, một buổi phải gánh rau cải đưa lên mé đường bán cho người qua đường. Nhà chị Hiệp thuộc diện bị thiệt hại nặng trong cơn bão số 5 nên được hỗ trợ 5 triệu đồng để làm lại nhà. Vợ chồng chị phải chạy đi vay khắp nơi để lấy tiền làm nhà. Nhà cửa đã đã tạm ổn thì lo cho con cái ăn học.
“Hai đứa sau đang đi học, nhà thuộc hộ nghèo nên được giảm học phí 25% cũng đỡ, nhưng Tết đến nơi rồi, đứa nào cũng về xin tiền để đóng các khoản phí thăm hỏi của lớp. Không có tiền nên tôi mắng con, nhưng thấy con người ta được đi chơi, tôi thấy tội mấy đứa con nhưng mà bố mẹ có đâu mà tiếc. Ngày nào mà may mắn bán được hết gánh rau cải thì cũng được hơn chục ngàn, mà giờ rét nên rau cũng không trồng được mà bán, năm nay thì Tết ở ngoài chợ cả”.
Cũng chịu cảnh ngộ tương tự là nhân dân vùng lũ ở các huyện Kỳ Anh, Hương Sơn, Vũ Quang. Vì thiếu đói nên nhiều gia đình không có khái niệm Tết như những năm trước. Họ chỉ nhìn vào những cánh đồng đang lên xanh từ cây ngô, cây lúa và hy vọng một mùa xuân ấm áp, đầy đủ hơn.
Bà Cù Thị Phương ở thôn 4, xã Ân Phú - Vũ Quang cho biết; “Tết mà như năm ngoái thì con cháu về đông vui, nhưng năm nay về thì lấy gì mà ăn. Trong nhà chỉ còn lại mấy cái bát ăn cơm thôi, những thứ kia trôi hết cả rồi. Riêng chỗ ngủ cũng khó mà thu xếp nếu trời cứ rét như thế này”.
Bà Cù Thị Phương (Vũ Quang) ngao ngán nhìn căn nhà khi Tết về.
Năm hết Tết đến, bao bận rộn và lo toan sắp xếp, nhưng với người dân vùng lũ ở Hà Tĩnh thì gánh nặng về lương thực, thực phẩm để không bị thiếu trong và sau Tết là điều luôn canh cánh trong lòng.
“Phải có Tết cho dân”
Để khắc phục thiệt hại do hai cơn bão gây ra, các cấp chính quyền ở Hà Tĩnh đã có nhiều phương án chỉ đạo cụ thể trong đó, vấn đề không để dân đói, dân rét được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh được sự ủng hộ gạo, tiền của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân từ thiện, thì địa phương còn chỉ đạo, khuyến khích, động viên bà con ra sức tăng gia sản xuất nhằm ổn định an ninh lương thực.
Để cứu đói cho các hộ dân bị thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra, giúp bà con có cái ăn trong những ngày Tết, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định xuất hàng trăm tấn gạo cho các huyện Hương Khê (130 tấn), Kỳ Anh (120 tấn), Hương Sơn (100 tấn), Can Lộc (90 tấn) và hàng ngàn suất quà cho người dân các huyện.
Ông Nguyễn Duy Trinh - Phó Chủ tịch huyện Hương Sơn phấn khởi cho biết: “Sau trận lũ lịch sử, hơn một nửa diện tích mùa màng trong toàn huyện bị mất trắng, số hộ thiếu đói là rất nhiều. Nhờ sự quan tâm của cấp trên, lòng hảo tâm của đồng bào trong cả nước và sự nỗ lực của chính quyền địa phương nên bà con nơi đây có một chút hương Tết”.
Còn ông Nguyễn Tiến Thành - Trưởng phòng Lao động huyện Kỳ Anh tâm sự: “Kỳ Anh là trung tâm của cơn bão lịch sử vừa qua nên thiệt hại là rất nặng nề, công tác khắc phục không biết đến khi nào mới xong. Mặc dù nguồn kinh phí của huyện là rất hạn hẹp nhưng chúng tôi vẫn hết sức cố gắng để trích ngân sách 185 triệu đồng và 500 suất quà để đến thăm tặng những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với phần vật chất ít ỏi này hy vọng sẽ giúp bà con sẽ ấm lòng trong những ngày Tết”.
Sửa soạn lại bàn thờ cúng Tết.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Thanh Bình - Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Dù còn nghèo và gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi quyết tâm không để bà con phải chịu đói, chịu rét trong những ngày Tết đến, xuân về”.
Thăm lại xã Kỳ Hoa (Kỳ Anh) - một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão số 5 - trong những ngày giáp Tết, chúng tôi thấy sự hồi xuân đã trở lại nơi đây qua từng cảnh sắc và nét mặt của nhiều người dân.
Chị Hoàng Thị Tuyết (xóm 4) tay thoăn thoắt rửa lá dong gói bánh chưng Tết còn nét mặt thì cười rạng rỡ: “Cảm ơn Báo VietNamNet và lãnh đạo UBND huyện đã đến tận nhà tặng quà cho gia đình. Thế là Tết nay, chúng tôi vừa có gạo ăn vừa có ít tiền mua lễ cúng ông bà tổ tiên và may quần áo mới cho con”.
-
Hà Vy - Quốc Hoàng
Chia sẻ của bạn: