221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1027170
Chảy máu chất xám: Do công tác cán bộ chậm đổi mới?
1
Article
null
Chảy máu chất xám: Do công tác cán bộ chậm đổi mới?
,

 - "Việc cơ quan quản lý nhà nước bị các thành phần kinh tế khác “rút lõi chất xám” và trong tương lai gần, các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội sẽ không tuyển dụng được cán bộ, công chức có chất lượng đã được dự báo ngay từ khi chúng ta thiết lập nền kinh tế thị trường nhiều thành phần", trao đổi của một độc giả.

 

ngủ gật

Nhiều hội nghị, không ít đại biểu nếu không quay sang nói chuyện với người bên cạnh thì tranh thủ nhắn tin nhoay nhoáy. Ảnh: giaoducvietnam.vn

 

Lương bổng không phải là yếu tố quyết định

 

Tôi đồng tình với những ý kiến nêu trong bài viết “Khi Ngân hàng Nhà nước bị “rút lõi” chất xám” và tôi cũng tin rằng, những người có trách nhiệm biết cần phải làm gì (có thể biết chưa đầy đủ) để ngăn ngừa tình hình đó cũng từ lâu rồi, chứ không phải đến bây giờ, khi hàng trăm công chức, viên chức có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm làm việc của NHNN và còn ở những đâu nữa xin thôi việc, chúng ta mới giật mình, tìm hiểu nguyên nhân và hỏi nhau cần phải làm gì?


Vấn đề mấu chốt là công tác cán bộ, là môi trường làm việc, còn thu nhập, tiền lương chỉ là yếu tố quan trọng chứ không quyết định, nhất là trong hoàn cảnh một nền kinh tế còn nhiều khó khăn như Việt Nam, thực tế nhận thức chính trị - xã hội của đội ngũ cán bộ, công chức làm cho tôi tin như vậy.

 

Tôi cũng đồng ý với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “phải thực sự dân chủ trong công tác cán bộ”. Nhưng vấn đề cần bàn ở đây là lấy gì làm thước đo để đánh giá việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, công chức, viên chức là thực sự dân chủ, nếu chỉ căn cứ vào qui trình được coi là rất chặt chẽ và những tiêu chuẩn cán bộ còn rất chung chung về phẩm chất đạo đức, bằng cấp chuyên ngành và lý luận chính trị mà mọi cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể đang thực hiện?

 

Qui trình dù chặt chẽ đến đâu cũng chỉ là hình thức, còn nội dung mới quyết định công tác cán bộ có thực chất hay không. Theo tôi, chúng ta đang thiếu nội dung cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực trong công tác cán bộ khi chúng ta không có một hệ thống tiêu chuẩn hoá công việc và tiêu chuẩn hóa chức danh cán bộ, công chức, viên chức cho từng ngành, nghề chuyên môn, từng lĩnh vực hoạt động từ lập pháp, hành pháp và tư pháp; đi cùng với nó là hệ thống chính sách, chế độ tiền lương phù hợp với chức danh công việc.

 

Hệ thống này là căn cứ để xác định biên chế, lao động; kinh phí hoạt động, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, xây dựng qui hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, bổ nhiệm, đề bạt và điều động cán bộ, công chức, viên chức… vì vậy, nó cũng là một căn cứ quan trọng để đánh giá một cơ quan, đơn vị có hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình hay không.

 

Vì không có hệ thống này nên thực tế nhiều chục năm qua đã cho thấy một thực trạng rất buồn là tổ chức bộ máy quản lý từ trung ương đến địa phương lớn, cồng kềnh, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ; thủ tục hành chính rườm rà, quan liêu; số người làm việc hưởng lương ngân sách nhiều nhưng hiệu quả quản lý nhà nước thấp; chất lượng và hiệu suất công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không đánh giá được thực chất… Kỹ sư, cử nhân các loại ra trường hàng năm rất nhiều nhưng số không có việc làm hoặc không được làm việc theo đúng chuyên ngành đào tạo là không nhỏ (có một nguyên nhân đang được nói đến nhiều là đào tạo không gắn với nhu cầu xã hội) mặc dù hầu như cơ quan nào cũng kêu thiếu cán bộ, công chức có nghiệp vụ…

 

Bằng cấp chỉ là hình thức

 

Ở bất cứ cơ quan nào cũng có tình trạng công chức bậc thấp hiệu suất công tác cao hơn công chức bậc cao; người nhiệt tình, trách nhiệm với công việc cũng như người “sáng cắp ô đi, tối cắp về” đến kỳ là lên lương, đến kỳ là thi nâng ngạch nếu không bị kỷ luật (tham ô, sa đọa trong tư cách phẩm chất, đạo đức, lối sống); cuối năm đánh giá công tác, bình chọn, khen thưởng thi đua hầu như ai cũng có danh hiệu mặc dù ở nhiều nơi, hội đồng thi đua và thủ trưởng cơ quan họp, bình chọn khá là căng thẳng nhưng cũng chỉ là làm sao có một cơ cấu khen thưởng tương đối hợp lý, tránh sự cố sau khen thưởng, chứ chẳng mấy hội đồng nêu được chính xác đơn vị, công chức này hơn đơn vị, công chức kia cái gì.

 

Hiện tượng cán bộ lãnh đạo “tranh công, đổ lỗi”, thủ trưởng kém tư cách đạo đức, năng lực chuyên môn, thua cấp phó giúp việc mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ, là đảng viên “đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ” cũng không phải là hiếm. Làm việc thì như vậy, nhưng đào tạo để chuyển ngạch công chức mới là cả một vấn đề khó hiểu.

 

Tôi không hiểu có nước nào lại có một chương trình đào tạo nâng ngạch chuyên viên (chính, cao cấp) chung cho tất cả các loại cán bộ, công chức, viên chức ở mọi ngành, mọi lĩnh vực, từ cơ quan trung ương đến cơ quan địa phương như Việt Nam hay không?

 

Cách đây mấy năm, cơ quan tôi đã có một chuyên viên chính ngành quản lý tài chính chọn đề tài “Quản lý trẻ em lang thang ở Hà Nội” làm chuyên luận thi chuyên viên cao cấp ngành quản lý tài chính, được hội đồng thi gồm các GS, PGS, TS chấp nhận và đã đỗ loại khá, được nâng ngạch chuyên viên cao cấp! Thử hỏi đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch như vậy thì chúng ta hy vọng gì ở hiệu suất công tác của những cán bộ, công chức, viên chức ấy sau khi được chuyển ngạch và cũng trên cái nền ấy, chúng ta bổ nhiệm, đề bạt cán bộ lãnh đạo?

 

Đạo đức, tư cách, lối sống khá là trừu tượng, nhưng chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực của một người cụ thể thì tôi tin rằng trong một cơ quan, đơn vị ít nhiều gì ai cũng biết, kể cả người đó đang ở ngạch chuyên viên hay chuyên gia cao cấp, thử hỏi có cái gì hình thức hơn những bằng cấp loại này?

 

Tôi được biết, ở nhiều nước (Pháp, Mỹ, Đức, Singapore…), công chức muốn thi nâng ngạch, điều kiện tiên quyết là phải vượt qua kỳ thi giữ ngạch hiện đang hưởng, nếu không vượt qua kỳ thi này còn bị hạ ngạch. Chúng ta không làm được như họ vì chúng ta không tiêu chuẩn hoá công việc theo chức danh cán bộ, công chức, nhưng chẳng lẽ lại đến mức không xây dựng được một chương trình đào tạo, bồi dưỡng thi nâng ngạch cán bộ, công chức, viên chức theo từng lĩnh vực, từng cấp quản lý vĩ mô và vi mô hay sao mà lại gộp người làm công tác quản lý ở các ngành, lĩnh vực khác nhau (quản lý tổng hợp và quản lý chuyên ngành như tài chính, kế hoạch đầu tư, giáo dục, văn hoá xã hội, đảng, đoàn thể…) cấp trung ương học cùng một chương trình và với cả những người cũng thuộc các lĩnh vực, ngành như vậy ở tỉnh, huyện, quận?

 

Không có tiêu chuẩn chức danh cán bộ và công việc, chúng ta cũng không có căn cứ để quản lý lao động, nếu chỉ nhìn vào thời gian làm việc vì kỷ luật lao động từ bao lâu nay đã trở thành hình thức. Đầu giờ buổi sáng ai cũng tất bật, hối hả để đến cơ quan đúng 7h30, nhưng phần lớn là đi ăn sáng, uống nước, tán chuyện, tranh thủ đi chợ… đến 8h30 mới bắt đầu làm việc (là sớm, nếu không phải đi họp), 11h đi ăn trưa, 13h30 lại uống nước, tán chuyện đến 14h30 mới vào việc buổi chiều, 16h đã chuẩn bị thu dọn tài liệu, rời nhiệm sở. Đó là tình trạng phổ biến ở các công sở từ trung ương đến địa phương.

 

Do vậy, tôi nghĩ chế độ tiền lương hiện nay đối với nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã là cao so với lao động và hiệu suất công tác của họ. Với những người nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, những ý tưởng mới, sáng tạo đề xuất thường ít được người trên lắng nghe, tìm hiểu, đôi khi còn bị đồng nghiệp đánh giá lệch lạc, cho là muốn gây sự chú ý, bon chen… nếu có được xét lên lương trước hạn 01 năm cũng thật khó khăn!

 

Môi trường làm việc chính là vấn đề cán bộ

 

Tóm lại, chúng ta đã không làm gì để tạo ra một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp. Hệ thống chính sách, chế độ hiện nay đang tạo ra một đội ngũ người lao động làm công ăn lương phần lớn là thụ động và thiếu trách nhiệm công vụ, không khuyến khích động lực phấn đấu, tâm huyết với công việc của từng cá nhân.

 

Số ít còn lại, những người có chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp, đạo đức phẩm chất, cuộc sống còn nhiều việc phải lo toan sẽ tìm đến những nơi đáp ứng được nhiệt tình, tâm huyết và nhu cầu cuộc sống của họ, đó là qui luật của kinh tế thị trường, hay cũng là “đất lành chim đậu” vậy. Tôi tin những cán bộ cấp vụ của NHNN VN đã rất cân nhắc, trăn trở khi xin thôi việc, không dễ gì để đi đến một quyết định như vậy.


Thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay còn nhiều vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc, mà trong đó cốt tử là công tác cán bộ, môi trường làm việc và tiền lương, tiền công. Môi trường làm việc tốt phải là nơi cán bộ, công chức, viên chức được làm việc theo đúng năng lực, sở trường, bồi dưỡng và phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong công việc, có tiền lương hợp lý; có tương lai, tiền đồ phát triển nghề nghiệp… ngoài những yếu tố khách quan như chính sách, chế độ, tiền lương, tiền công… môi trường làm việc tốt hay không phụ thuộc chủ yếu vào người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

 

Nếu đứng đầu cơ quan là người có kiến thức, năng lực chuyên môn, tư cách đạo đức chuẩn mực, trong sáng; thái độ công tâm, khách quan, ứng xử công bằng, không thiên kiến hoặc định kiến; biết lắng nghe, quan tâm đến cộng sự, đồng nghiệp trong công việc và cuộc sống… thì cán bộ, công chức, viên chức sẽ có môi trường làm việc tốt, hạn chế phần lớn những bê bối, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ công chức hiện nay, kể cả những hành vi sách nhiễu, cửa quyền, vụ lợi, tham nhũng, lãng phí… Như vậy vấn đề môi trường làm việc lại chính là vấn đề cán bộ.


Bàn về vấn đề này, chắc phải cần nhiều thời gian và phải xem xét toàn diện hơn, nhưng với cá nhân tôi, nếu chúng ta không tiêu chuẩn hóa được công việc và chức danh cán bộ thì mọi thay đổi trong công tác cán bộ gần đây (tăng cường phân cấp quản lý cán bộ, kiểm soát chặt chẽ hơn tiêu chuẩn bổ nhiệm, đề bạt cán bộ…) cũng chưa là điều kiện cần và đủ để công tác cán bộ đạt được sự dân chủ thực sự như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

 

Tôi nghĩ, hiện tượng cơ quan nhà nước đang bị “rút lõi chất xám” đã và sẽ còn xảy ra nhiều hơn ở mọi ngành, mọi lĩnh vực; đó là hậu quả của công tác cán bộ chậm đổi mới, không theo kịp sự phát triển của kinh tế thị trường trong hơn 20 năm qua. Tôi không hiểu nếu tình hình diễn ra như một ý kiến trong bài của tác giả Vân Anh, đến một lúc nào đó, bộ máy quản lý nhà nước các cấp sẽ chỉ còn lại những công chức già, kém năng lực hoặc hết ý chí phấn đấu thì sẽ như thế nào? Có lẽ đó cũng là cái giá chúng ta phải trả thôi.

  • Nguyễn Huy Cường, Hà Nội, email: hanacuong@...

 

Theo bạn, đâu là lý do khiến các cơ quan công quyền chảy máu chất xám?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
© Báo VietNamNet, số 141 Bà Triệu, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cơ quan chủ quản: Bộ Thông tin và Truyền thông.
Số giấy phép: 1285/GP - BTTTT cấp ngày 27/8/2008. Tổng biên tập: Nguyễn Văn Bá
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.
,
;