(VietNamNet) - "Không phải vì chúng tôi là người vô tình, vô nghĩa với nơi đã cho mình bao nhiêu kinh nghiệm sống nhưng cái chúng tôi cần là được làm việc hết mình và được trả công xứng đáng cho những gì mình bỏ ra", bạn đọc vẫn tiếp tục tranh luận về chủ đề chảy máu chất xám trong cơ quan công.
![]() |
Môi trường làm việc thiếu sáng tạo, không đất dụng võ khiến nhiều người có trình độ thấy chán nản. Ảnh minh họa: centennialsociety.com |
Chất xám trong xã hội
Bản thân tôi cũng là cán bộ của một cơ quan hành chính Nhà nước, nhưng cũng đồng tình với ý kiến của các đồng chí. Không phải ra đi là sự "phản bội", là một con người rất Việt Nam, ai cũng mong muốn mình cống hiến cho Tổ quốc. Song, ý thức bố trí nhiệm vụ công tác và sử dụng nguồn nhân lực lại đi ngược với sự phát triển của xã hội.
Người dân đã nói đúng: "Nông dân đã đổi mới tư duy, nhưng cán bộ lại không đổi mới tư duy"... Việc bố trí cán bộ lãnh đạo từ cấp phó, trưởng các phòng hầu như đã cơ cấu từ đầu, mà mức lương chưa bù đắp cho năng lực mà họ bỏ ra, để rồi mọi việc đều phê với cụm từ "Chuyển... xem xét, nghiên cứu thực hiện, tham mưu". Tôi thật buồn, không biết bao giờ mới được công bằng. Lê Thanh Trà, Đắk Lắk, email: lethanhtra4@...
Tôi sẽ ra đi khi cơ hội đến!
Tốt nghiệp ĐH đến nay đã 10 năm và tôi đã chuyển 2 cơ quan nhà nước với 5, 6 vị trí làm việc khác nhau ở một cơ quan cấp tỉnh vào dạng "oách" nhất địa phương nơi tôi đang sống. Nhưng giờ đây, tôi đang tự hỏi là mình đang sống hay tồn tại nữa? Sau 10 năm, bậc lương của tôi là 2,67 + 200.000 đ công tác phí khoán. Vừa tăng lương xong mà thu nhập cả tháng tổng cộng chỉ có 1,5 triệu đồng.
Tôi ngao ngán và luôn nghĩ đến việc ra đi, tôi muốn làm một công việc gì đó có thu nhập cao, bảo đảm được cho cuộc sống để tôi không còn lo nghĩ đến miếng cơm, manh áo mà có thể dành trọn thời gian cho công việc mình làm. Tôi biết một số đồng nghiệp có năng lực cũng cùng suy nghĩ với tôi. Tất cả đang lặng lẽ kiếm tìm cơ hội và tất cả sẽ ra đi không luyến tiếc khi cơ hội đến. Không phải vì chúng tôi là người vô tình, vô nghĩa với cái nơi đã cho mình bao nhiêu kinh nghiệm sống nhưng cái chúng tôi cần là được làm việc hết mình và được trả công xứng đáng cho những gì mình bỏ ra. Dù còn luyến tiếc nhưng tôi sẽ ra đi khi cơ hội đến! Email: dungqc@...
Quá nhiều chướng ngại
Không chỉ Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước hoặc cơ quan hành chính mới bị “chảy máu chất xám” mà cả các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, doanh nghiệp khác cũng bị “chảy máu chất xám”. Vậy nguyên nhân do đâu?
Theo tôi, nguyên nhân chính là do chính sách đãi ngộ, cơ chế quản lý, sắp xếp nhân lực, chế độ tiền lương, tiền thưởng, điều kiện làm việc, thăng tiến đối với người có năng lực hay bị chèn ép, trù dập. Những con người này thường không quan tâm đến mối quan hệ với lãnh đạo theo kiểu xu nịnh, luồn lách… Họ chỉ quan tâm đến công việc, làm việc thật tốt, rồi có thể lại bị cướp công, không được khen thưởng hoặc trả công xứng đáng.
Cơ quan tôi là DN 100% vốn Nhà nước, có nhiều cán bộ lãnh đạo trình độ thì thấp, thấp đến nỗi không ngoại ngữ, không tin học, nhưng vẫn được vận dụng nâng lên đến tận bậc kỹ sư chính, chuyên viên chính 6/6 cộng với phụ cấp chức vụ, cứ đà này chắc họ còn lên cao tới đâu nữa?
Khi làm ăn thua lỗ thì được trừ vào phần vốn của Nhà nước, tiền lương được thực hiện theo mức lương tối thiểu nhân với hệ số. Lương của các cán bộ này vẫn cao gấp hai đến ba lần những cán bộ có năng lực. Mặc dù quy chế trả lương quy định là trả lương gắn với kết quả lao động, trình độ lao động, trình độ tay nghề…
Cho nên, việc không giữ được nhân tài vì lý do không công bằng là chính! Sau nữa là mấy vị cán bộ cấp cao kia họ cũng chẳng cần nhân tài để mà làm gì! Vì họ sợ mất ghế, mất nguồn lợi riêng. Tóm lại, chỉ có thiệt hại Nhà nước và người lao động luôn bị lao đao vì thua lỗ, vì thu nhập thấp. Ngô Hồng Quang, email: ngoquangts1@...
Về hay ở...
Tôi là một cán bộ trẻ của một trường đại học cũng thuộc hạng có danh giá ở Việt Nam. Đã xác định làm nghề dạy học là xác định một sự đánh đổi lớn. Với khả năng như tôi, khi mới ra trường, có thể xin vào bất kỳ một công ty lớn nước ngoài nào với mức lương hậu hĩnh. Nhưng tôi đã chọn con đường giảng dạy vì tôi yêu thích nghề đó.
Ngày tôi mới vào trường, được hưởng 85% lương (750.000 đồng) nhưng tôi phải xin thêm bố mẹ tôi gấp rưỡi chỗ đó để trang trải cho việc sinh hoạt và học tập cao học bên trường BK. Tôi tưởng nhà trường sẽ chi trả cho tôi nhưng chỉ được 2 triệu trên tổng số 12 triệu mà tôi phải đóng trong 2 năm.
Sau một năm, tôi được nhận 100% lương nhưng lại phải đóng bảo hiểm, coi như bằng hoà. Tiền lương nhích lên không đáng là bao nhiêu so với những khoản tôi phải chi: học cao học, tiền xăng đi lại, tiền sinh sống, tiền mua tài liệu, tiền nhà, học ngoại ngữ… chưa kể đến quỹ này quỹ kia.
Tôi vẫn ấp ủ hi vọng một ngày nhà trường cử tôi đi học nước ngoài, nhưng có lẽ phải xếp hàng dài. Tôi phải tự thân vận động tìm thông tin và bạn bè trợ giúp, tìm học bổng từ các tổ chức nước ngoài. Đến ngày tôi sang Hàn Quốc học lại cao học (tôi đã học 3 kỳ CH ở Việt Nam), mọi người khuyên can tôi học hết CH trong nước, nhưng tôi vẫn quyết tâm bỏ.
Bây giờ có một vài tập đoàn lớn đang mời chào tôi về làm cho họ, tôi đang thực tập cho 1 tập đoàn lớn của Hàn Quốc với mức lương 1.500$/tháng. Tôi thấy chính sách đãi ngộ, trọng dụng người tài của họ tốt thật. Mặc dù rất tâm huyết với nghề giảng viên, muốn truyền tải lại kiến thức của mình đã học tập lại cho các thế hệ sinh viên tiếp theo nhưng việc quay lại trường vẫn đang là câu hỏi lớn trong tôi. Trần Công, email: congth@...
Cơ quan Nhà nước làm việc thiếu sáng tạo
Tôi thực sự không thể chịu được cách làm việc rất khô cứng, thiếu tính sáng tạo của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là thói nịnh hót, luồn cúi để tiến thân. Người tài thì chỉ có nằm mơ, đồng lương thì chỉ đủ nuôi sống bản thân chứ đừng nói đến chuyện nuôi vợ con. Ra đi thì rất tiếc nuối nhưng đó là sự lựa chọn đúng đắn. Nguyên.
Môi trường không đất dụng võ
Tôi đã từng có mấy năm làm việc tại một cơ quan bộ tại Hà Nội. Tất cả những tâm trạng của các công chức trẻ viết ra ở đây tôi cũng đều đã trải qua. Tôi cũng từng có những hy vọng, hoài bão cống hết không phải vì mục đích vật chất. Cuối cùng tôi cũng nhận ra, với môi trường làm việc tại các cơ quan nhà nước như hiện nay, đó không phải là đất dụng võ cho các bạn có năng lực, có nhiệt huyết, có hoài bão. Các bạn có khả năng, nếu cảm thấy môi trường làm việc hiện tại của mình thực sự không có cơ hội để phát triển kể cả về mặt nghề nghiệp hay vật chất thì hãy quyết tâm dứt áo ra đi. Cơ hội bên ngoài rất nhiều cho các bạn. Hãy để những người lãnh đạo tại các cơ quan bạn đang công tác tỉnh ngủ lại. N.H.K, email: kimhthanhhong@...
Làm việc trong sự đố kỵ
Tôi cũng là một trong những cán bộ trẻ nhất của phòng trong một công ty nhà nước. Tôi may mắn hơn các anh ở trên là khi mới được tuyển tôi đã được nhận một mức lương khá cao mà một sinh viên mới ra trường như tôi phải ngỡ ngàng.
Tôi phấn đấu rất nhiều để cảm thấy xứng đáng với số tiền lương đó và có ý nghĩ mình thật may mắn vì trong khoảng thời gian ấy nhiều bạn bè cùng trang lứa của tôi vẫn còn long đong trong chặng đường tìm việc.
Công việc tưởng chừng sẽ suôn sẻ. Sau một thời gian làm việc đủ dài, tôi nhận ra những "tảng băng chìm", đó là sự đố kỵ, phe cánh... nhiều người thẳng thắn thì bị trù dập, lãnh đạo thích những nhân viên "tận tuỵ" hơn là những người thực sự có tài, muốn đóng góp cho công ty. Tôi thật sự không hiểu vì sao lại có những người có thể buôn chuyện hoặc "ngồi chơi xơi nước" cả ngày mà không chán. Quá thất vọng trước cơ chế, tôi đã quyết định ra đi, đi không phải vì lương thấp mà đơn giản là vì không được cống hiến đúng với năng lực của mình và vì một môi trường làm việc lành mạnh theo đúng nghĩa. Lê Hà, Hà Nội, email: prosperity_ous@...
Bạn có thể phát huy hết khả năng trong môi trường mình đang làm việc? Hãy cùng chia sẻ với chúng tôi: