221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
928366
Triết lý phát triển cho VN trên khía cạnh xã hội
1
Article
null
Triết lý phát triển cho VN trên khía cạnh xã hội
,

(VietNamNet) - Loạt bài viết “Đi tìm triết lý phát triển cho Việt Nam” của TS. Vũ Minh Khương tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tranh luận của bạn đọc VietNamNet. GS. Nguyễn Quang Thái đã có đóng góp cho bài viết ở góc độ kinh tế. Bạn Hà Anh Tuấn, ĐH Quốc gia Úc tiếp tục đóng góp trên khía cạnh xã hội những nhận định cho rằng chưa thật thỏa đáng của TS. Vũ Minh Khương.  

Phát triển bền vững: Giải pháp an toàn

a.jpg
Sản xuất lắp ráp ô tô

Kể từ ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, không như đa phần các dân tộc khác, Việt Nam vẫn tiếp tục phải đấu tranh bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ: kháng chiến chống Pháp 1946-1954, chống Mỹ 1964-1975, và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.

Trong chiến tranh, Đảng Cộng sản là người lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trước các thế lực thù địch, thống nhất đất nước. Những thắng lợi đó góp phần tăng cường lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, 10 năm sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, Việt Nam đối mặt với những thách thức lớn lao cả về kinh tế và xã hội. Đến năm 1986, lạm phát kinh tế ở mức ba con số, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Nạn đói xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước. Báo cáo Đại hội VI của Đảng đã chỉ rõ, chính tình trạng yếu kém trong xây dựng đất nước đã khiến lòng tin của nhân dân vào Đảng giảm sút.

Tư duy đổi mới ra đời trong bối cảnh đó nhằm khắc phục những nhược điểm và sai lầm trước đây, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giải quyết các hậu quả xã hội và tăng cường niềm tin của nhân dân.

Dưới ánh sáng của đổi mới, Việt Nam đã đạt được những kết quả vượt bậc. Nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, tình hình xã hội ổn định. Quan hệ đối ngoại được khai thông với tất cả các cường quốc và các tổ chức quốc tế lớn trên thế giới.

Sau 20 năm mở cửa, GDP đầu người của ta đã tăng từ 101 USD lên 620 USD, tức hơn 6 lần (số liệu trích từ bài viết của GS. Nguyễn Quang Thái). Lãnh đạo đất nước phát triển kinh tế xã hội trở thành trụ cột trong chính sách của Đảng và dường như đã trở thành “thói quen” của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, bất kỳ nhà kinh tế, sử gia, hay người làm chính trị nào cũng nhận thấy hai đặc điểm quan trọng trong phát triển kinh tế nóng: (1) phân hóa xã hội có xu hướng gia tăng; (2) luôn có tính chu kỳ.

Phân hóa giàu nghèo là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những tệ nạn xã hội như tội phạm, gái điếm bùng phát. Hơn nữa, dù là nước đang phát triển hay đã phát triển, một nước vừa và nhỏ hay cường quốc đều không tránh khỏi quy luật tăng trưởng rồi đình trệ, thậm chí suy thoái.

Dù liên tục đạt những thành tựu lớn trong suốt 20 năm qua, thiết nghĩ chúng ta không nên quá lạc quan để tin rằng quá trình này sẽ phát triển “mãi mãi”, đặc biệt trong bối cảnh tùy thuộc lẫn nhau, nhiều khi những tác động tiêu cực lại bắt nguồn từ bên ngoài, khi các đối tác kinh tế chính gặp khó khăn.

Hệ quả của quá trình phát triển nóng và “bong bóng” ở Thái Lan và các nước khác ở Đông Nam Á trong giai đoạn thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ trước là cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực những năm 1997-1998.

Nhìn lại lịch sử, cuộc khủng hoảng đó đã nhấn Indonesia vào vòng xoáy bạo lực hỗn loạn. Cũng chính quá trình phát triển kinh tế nóng nhưng mất cân bằng ở Thái Lan và Philippines góp phần không nhỏ làm bùng phát trở lại các cuộc đấu tranh bạo lực, khủng bố, li khai ở các bang miền Nam Thái Lan và miền Nam Philippines từ sau cuộc khủng hoảng.

Chúng ta chắc chắn không muốn tiến vào vết xe đổ của các nước đã đi qua, không muốn thấy xã hội mất ổn định do những biến loạn kinh tế đem lại. Như vậy, tăng trưởng kinh tế không quá cao nhưng bền vững để đảm bảo một xã hội ổn định, an ninh sẽ là một giải pháp an toàn và cân bằng.

Đặc tính người Việt Nam và vai trò của hệ thống

Tuy phát triển bền vững là quan trọng nhưng điều đó không cho phép chúng ta tự thỏa mãn và dùng nó như lời giải thích cho những yếu kém chủ quan. Cần phải nhanh chóng khắc phục những điểm yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.

Tôi không đồng tình với ý kiến của TS. Vũ Minh Khương nhận định về đặc tính dân tộc.

Đặc tính phải là những đặc điểm mang tính bền vững, lâu dài. Nếu người Việt Nam thiếu duy lý, ảo tưởng, coi thường nguyên tắc, không ngại nói dối, dễ thỏa mãn, thích phô trương, hưởng lạc thì làm sao đất nước ta có thể tồn tại cho đến ngày nay? Nói gần hơn, với những đặc tính đó, làm sao chúng ta có thể vượt qua bao gian khó chiến tranh, kỷ luật quân đội nghiêm ngặt để đánh bại những thế lực hùng mạnh nhất với những vũ khí tối tân nhất trên thế giới?

Để tìm hiểu về đặc tính dân tộc, nhất định phải có những nghiên cứu bài bản, không thể thông qua nhận xét chủ quan nhất thời. Nhiều người có lẽ ít nhiều đồng tình với nhận định của TS. Khương qua những cảm nhận về cuộc sống ở Việt Nam.

Quả thật, nếu so sánh xã hội chúng ta với những xã hội phát triển, nơi tôi có dịp đặt chân đến như Mỹ hay Úc, người dân Việt Nam có nhiều thú tiêu khiển và nhiều niềm vui hơn. Nhưng nên nhìn dưới góc độ tích cực hơn là tiêu cực. So sánh giữa hai xã hội không chỉ là so sánh trạng thái phát triển kinh tế đơn thuần với những con số lạnh lẽo. Cần phải tính đến những yếu tố tinh thần như giá trị văn hóa, niềm vui gia đình, cảm giác hạnh phúc...

Đa số người Việt sống ở các xã hội phát triển là những người làm việc chăm chỉ và có ý thức tiết kiệm cao hơn người bản địa. Qua các nước láng giềng như Malaysia, Philippines, Indonesia hay Thái Lan, tôi cũng thấy các vấn nạn đặc trưng của các xã hội đang phát triển như mãi lộ giao thông, mua bán bằng cấp cũng tồn tại phổ biến. Như vậy, những nhận định của TS. Khương có lẽ chỉ là biểu hiện của con người Việt Nam trong bối cảnh phát triển nhất định hơn là “điểm yếu dễ tổn thương” của dân tộc.

Vậy đâu là điểm đột phá cho tương lai?

Tôi cũng như TS. Khương, cho rằng, đổi mới hệ thống là yếu tố đặc biệt quan trọng trong chính sách phát triển đất nước. Trên thực tế, những yếu kém trong “hệ thống” không khó để nhận thấy và gần đây đã được một số lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề cập. Giải quyết được khâu này vừa đảm bảo các hoạt động kinh tế xã hội được tiến hành hiệu quả và thông suốt hơn, vừa giúp cho phát triển bền vững hơn.

Tất nhiên, gói gọn trong khái niệm “hệ thống” là hàng loạt những vấn đề cần tranh luận và giải quyết, không thể gói gọn trong một bài nghiên cứu thông thường. Những đề xuất của TS. Khương có phần tỉ mỉ, có lẽ chỉ áp dụng được trong môi trường xã hội đã phát triển, thậm chí là lý tưởng. Xin dẫn chứng một số ví dụ như sau:

1. “Thị trưởng của thành phố sẽ do người dân trực tiếp bầu ra. Bộ máy sẽ được tuyển chọn trên các tiêu chí chủ đạo là tài năng, tính trung trực, và lòng tâm huyết”. Bộ máy chính quyền trong xã hội ta hiện nay cũng như ở các xã hội bất kỳ nói chung đều được tuyển chọn trên tiêu chí như vậy. Tuy nhiên, làm sao đảm bảo tiêu chí được thực hiện không phải xã hội nào cũng làm tốt, kể cả ở các xã hội dân chủ phương Tây.

2. “Thành phố sẽ được xây dựng theo đẳng cấp hàng đầu quốc tế về quy hoạch, giao thông công cộng, cây xanh, bảo vệ môi trường, nhà ở, bệnh viện, trường học, tiện ích văn hóa - thể thao”. Tất nhiên, xây dựng như vậy được thì rất lý tưởng, nhưng để làm được những điều đó cần khoản đầu tư vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế và giới hạn chất xám của đất nước.

3. “Thành phố sẽ là cái nôi ra đời của các đại học có đẳng cấp quốc tế của Việt Nam”. Khẳng định như vậy thì đơn giản, nhưng làm sao để xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của nước ta vẫn đang là vấn đề tranh cãi giữa các nhà làm chính sách.

Tôi xin đề xuất một số hướng ưu tiên lớn như sau:

Thứ nhất, phát triển giáo dục. Bác Hồ đã nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Trồng người, từ phát triển giáo dục thực chất và có chất lượng, sẽ là nền tảng cho quá trình phát triển mạnh mẽ và bền vững ở Việt Nam. Những sản phẩm tốt của nền giáo dục tốt sẽ là những người quyết định sự phát triển của dân tộc. Làm sao để phát triển giáo dục luôn là vấn đề tranh luận nóng bỏng trong thời gian gần đây.

Thứ hai, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp và hội nhập quốc tế. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm và cạnh tranh dẫn đến quá trình huy động chất xám và tích lũy kinh nghiệm quản lý kinh tế nhanh hơn bất kỳ hình thức ưu đãi do Nhà nước đề xuất nào khác.

Thứ ba, thúc đẩy cải cách hành chính. Cải cách hành chính sẽ giúp quá trình phát triển kinh tế xã hội diễn ra hiệu quả và thuận lợi hơn.

Trên đây là những suy nghĩ của tôi nhân đọc bài viết của TS. Vũ Minh Khương. Bài viết của TS. Khương đề cập đến quá nhiều vấn đề, tôi chỉ có thể tập trung vào một số lĩnh vực nhất định. Hi vọng có dịp thảo luận thêm.

 

  • Hà Anh Tuấn, Đại học Quốc gia Úc

 

Mời các bạn tham gia tranh luận “Đi tìm triết lý phát triển cho VN”:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,