221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
233245
Cần giải quyết "gốc rễ" của vấn đề!
1
Article
null
Xung quanh phương pháp dạy và học của Việt Nam hiện nay:
Cần giải quyết 'gốc rễ' của vấn đề!
,

Tôi là một sinh viên hiện đang học cao học ở Anh. Tôi có đọc một số bài viết về tình hình giáo dục ở Việt Nam trên Báo VNN và xin tham gia một vài ý kiến. Ở bài viết này, tôi muốn so sánh sự khác nhau cơ bản giữa phương pháp giáo dục của Việt Nam và của Anh quốc. Đồng thời, nêu ra những điểm yếu chính trong hệ thống giáo dục của nước nhà trên tinh thần xây dựng.

Trường đại học RMIT tại Tp.HCM.

Cụ thể, theo tôi, phương pháp giáo dục của Việt Nam chủ yếu mang tính áp đặt từ bên ngoài, tập trung nhồi nhét kiến thức vào đầu óc người học. Ví dụ, tại trường ĐH, khi đưa ra một học thuyết (HT) hay một quan điểm thì luôn luôn coi HT đó là “tuyệt đối đúng” và chỉ dạy SV theo đúng nội dung và lập luận của HT đó. Ngay cả đến “ý nghĩa, tác dụng” của HT đáng lẽ phải được SV tự mình rút ra thì cũng được giáo viên “đọc cho chép”! Còn việc kiểm tra thì chỉ tập trung vào yêu cầu SV “nhắc lại” nội dung HT, tức là “chép lại” toàn bộ những gì đã được “giảng và dạy ”. Cách dạy học này đã thủ tiêu “tính sáng tạo” của SV, biến SV thành những con vẹt hay những cái máy chỉ biết “nhắc lại” và dẫn tới kết quả là SV không cần hiểu sâu sắc vấn đề, miễn là nhắc lại đúng thì sẽ được điểm cao. Hơn thế, nếu có SV nào hiểu biết về HT, thì tầm nhìn của anh ta cũng chỉ dừng lại ở “bên trong”, mà không thể “đứng ra ngoài” HT để có cái nhìn khách quan hơn, sáng tạo hơn.

Ngược lại với cách dạy trên, phương pháp giáo dục của Anh dựa trên nguyên tắc để SV tự rút ra kiến thức cho chính mình. Cụ thể là, khi đưa ra giảng dạy một HT, họ không bao giờ cho rằng HT đó là “tuyệt đối đúng” mà cố gắng đưa ra nhiều HT, quan điểm khác nhau với nội dung cụ thể (thậm chí trái ngược nhau). Người SV, ngoài việc học nội dung HT phải “tự mình đánh giá” HT đó. Họ có thể ủng hộ hay phản đối nhưng phải đưa ra được lý lẽ, lập luận để tự bảo vệ quan điểm của mình. Nếu lý lẽ, lập luận của người SV thuyết phục, chắc chắn anh ta sẽ được điểm cao. Còn nếu chỉ nêu ra được nội dung mà không đưa ra được ý kiến của mình (cùng lý lẽ) thì dù có “thuộc bài” đến đâu thì cũng chỉ nhận được điểm trung bình hoặc khá. Qua đó thấy rằng, phương pháp giáo dục ở Anh đòi hỏi SV không những phải “hiểu nội dung” mà còn phải biết “đứng lên trên” hay “đứng ra ngoài” để ủng hộ hoặc phê phán. Chính sự ủng hộ hay phê phán đó mới là kiến thức người SV tiếp thu được qua việc học. Phương pháp này yêu cầu SV phải biết sáng tạo và có lập trường riêng.

Hậu quả của phương pháp giáo dục ở Việt Nam hiện nay sẽ dẫn tới việc SV hoàn toàn “thụ động, ỷ lại và không có tính sáng tạo”! Tôi thấy ở Anh, giáo viên rất khích lệ các SV đưa ra nhiều ý kiến “trái ngược hẳn với quan điểm chính thống được nhiều người chấp nhận” và nếu người SV đó đưa ra được những lập luận thuyết phục cho ý kiến riêng của mình, anh ta sẽ được đánh giá rất cao. Còn ở Việt Nam, hiếm có SV nào đứng lên phản đối ý kiến của giáo viên và nếu có thì mặc dù đưa ra được lập luận thuyết phục, anh ta cũng rất ít khi được tán thành hay công nhận?! Tính thụ động của người học còn thể hiện ngay cả khi làm luận văn, nhiều SV phải tìm hiểu “gu” của giáo viên để “lựa” cách viết cho phù hợp...

Nhân bàn về giáo dục, tôi rất tán thành mục đích của đại biểu Nguyễn Đức Dũng đăng trên VNN là phải “chấn hưng nền giáo dục của Việt Nam”. Tuy nhiên, tôi nghĩ cách làm mà đại biểu Dũng đưa ra chỉ là “giải quyết phần ngọn” mà chưa tìm ra “gốc rễ” của vấn đề. Lý do là căn cứ theo tiêu chuẩn nào để điều tra? Hơn nữa, nếu điều tra ra kết quả kém và sau đó chắc chắn sẽ phải tăng cường nội dung giảng dạy, nhưng nếu vẫn theo phương pháp cũ, thì sẽ lại biến HS, SV thành những cái máy hay con vẹt tinh thông hơn trong việc “nhắc lại”  mà thôi!

Ngày nay, chúng ta kêu gọi đổi mới trong cách nghĩ, cách làm; khuyến khích thế hệ trẻ “làm những gì mà ngưòi khác chưa làm”. Đó là một phong trào rất tốt, song cũng lại chỉ chú ý đến “ phần ngọn”. Bởi, chính quá trình đào tạo tại trường đã làm học sinh – những người trẻ ấy - “thui chột” việc đổi mới tư duy và hình thành nên những tính cách thụ động, vận dụng máy móc mất rồi!? Vì tất cả những lý do trên, tôi nghĩ việc đầu tiên và quan trọng nhất mà nền giáo dục Việt Nam cần làm là “đổi mới phương pháp giảng dạy và thi cử”. Phải bắt buộc HS, SV sử dụng chính cái đầu của mình để rút ra kiến thức và cần khuyến khích các ý kiến, quan điểm trái ngược trên tinh thần cùng tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề, tìm ra hướng đi đúng. Chỉ có như thế mới giải quyết được “gốc rễ” của vấn đề và sẽ chấn hưng được nền giáo dục Việt Nam để góp phần tích cực hơn cho sự phát triển của đất nuớc trong thời kỳ mới.  

Cám ơn VNN đã cho tôi bày tỏ những suy nghĩ chân thành nhất của mình về nền giáo dục nước nhà!

  • Trần Quốc Nam

   (tranquoc_uk@yahoo.com)

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,