221
1401
Đô thị
dothi
/xahoi/dothi/
900648
''Năm mới, Hà Nội thêm nhiều công trình mới!''
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
''Năm mới, Hà Nội thêm nhiều công trình mới!''
,

(VietNamNet) - Trò chuyện với Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Triệu Tết Đinh Hợi - thời điểm chỉ còn hơn 1.000 ngày nữa là đến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thủ đô có kịp ''sửa mình'' và làm gì để ''bay lên''? Làm sao để ''cán cân'' phát triển đô thị không lệch và phiến diện? Kế sách nào khiến các ''nhân kiệt'' hào hứng hơn khi gây dựng cơ đồ trên ''địa linh'' này?

Chỉ còn hơn 1.000 ngày nữa Hà Nội bước vào Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. (Ảnh: T.A.N)

Phóng viên VietNamNet đã cùng vị Chủ tịch UBND TP, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội lắng lại giữa những tất bật ngày xuân, để nghĩ về những cái đã làm được, chưa làm được và sẽ làm cho Hà Nội...

Mừng vì sắc diện người dân ''vượng khí''!

PV: - Đây là Tết thứ ba ở cương vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nghĩ lại những việc đã làm cho Thủ đô thời gian qua, những gì khiến ông hài lòng nhất?

Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu: - Hài lòng nhất là thấy xã hội phát triển, đời sống dân Thủ đô ít nhiều được cải thiện. Nhân dân, doanh nghiệp yên bình làm ăn, sinh hoạt, kinh tế liên tục tăng trưởng cao. Sắc diện người người có ''vượng khí''!

Thứ nữa mừng vì nhiều công trình chậm triển khai đã được khắc phục như: nút giao thông Ngã Tư Sở, đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, cầu Vĩnh Tuy, cầu Đông Trù, đường 5 kéo dài... Đặc biệt, đã khởi công gói thầu đầu tiên của dự án metro Hà Nội có đoạn đi ngầm, đoạn trên cao đánh dấu tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá Thủ đô, kịp đón Đại Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Bên cạnh đó là hàng loạt dự án lớn của Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt, sắp khởi công như: cầu Nhật Tân, dự án môi trường (cải tạo 11 hồ, 32km sông mương nội thành, 3 nhà máy xử lý nước thải), đường vành đai 1, vành đai 2, Bảo tàng Hà Nội, Bệnh viện quốc tế 1.000 giường, Nhà hát lớn mới tại Mễ Trì, 3 công viên, 1 trường chuyên, 5 khách sạn 5 sao, 10 trung tâm thương mại (được cải tạo từ các chợ cũ)... Toàn bộ các công trình này sẽ khởi công trong năm 2007.

Ông Nguyễn Quốc Triệu - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đang lắng nghe câu hỏi phóng viên VietNamNet nêu ra, đúc kết từ những trăn trở của nhiều người dân, doanh nghiệp Hà Nội. (Ảnh: Lê Anh Dzũng)

- Thế còn những gì theo ông là chưa làm được? Vì sao?

Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu:- Chưa làm được là phát triển chưa nhanh, chưa toàn diện, chưa thật vững chắc. Cả 4 lĩnh vực kinh tế, quản lý đô thị, văn hoá và cải cách hành chính - có điểm hài lòng thì cũng có điểm chưa hài lòng. Theo đòi hỏi của tình thế, mong muốn của nhân dân, đáng ra cần phải và có thể làm những việc này nhiều hơn, nhanh hơn, tốt hơn.

Nguyên nhân là do những yếu kém, hạn chế của bản thân nền kinh tế, mặt bằng xã hội; luật pháp, chính sách còn nhiều kẽ hở, nhiều chi tiết không sát hợp; năng lực quản lý, điều hành còn nhiều bất cập (đặc biệt ở cấp cơ sở - trực tiếp với doanh nghiệp, nhân dân); một bộ phận cán bộ, công chức thoái hoá, biến chất, lãng phí...

''Mừng vì sắc diện người người có vượng khí!'' (Ảnh: T.A.N)

- Thủ đô có kế hoạch cho những việc chưa làm được thế nào, thưa ông?

Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu: - Nghị quyết Đại hội X, Đại hội Đảng bộ TP XIV, các Nghị quyết TW, Chương trình hành động của Chính phủ, 9 chương trình công tác của Thành uỷ đã đề ra những trọng tâm rất cụ thể cho Hà Nội và thời gian tới Thủ đô sẽ tập trung xử lý các việc chưa làm được theo định hướng này.

Nhiệm vụ chính gồm: Tăng trưởng kinh tế cao, chất lượng, bền vững; Tăng cường quản lý đô thị (xây dựng trong trật tự, quản lý nhà - đất đúng pháp luật, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, môi trường xanh - sạch - đẹp); Phát triển văn hoá (người Hà Nội thanh lịch, văn minh); Đẩy mạnh cải cách hành chính (đồng bộ 4 khâu), xây dựng cơ chế thủ tục hành chính mới nhằm phục vụ doanh nghiệp, công dân nhiều hơn, tốt hơn...

Ra sao nếu doanh nghiệp chỉ hào hứng đầu tư trên ''đất trống''?

- Hà Nội sẽ chẳng thể đẹp hài hoà nếu không đồng bộ: có những công trình xây dựng rất nghiêm túc, đúng ''chuẩn'' nhưng bên cạnh đó hiện tượng không phép, sai phép vẫn tràn lan; công trình nào mới thì rất mới còn những gì đã cũ vẫn quá cũ và nan giải! Ví như:  hàng trăm nhà tập thể cũ nát - tàn dư của thời bao cấp, trong đó gần 80 chung cư liệt vào dạng nguy hiểm đang làm bộ mặt Hà Nội ''nhom nhem'' mà kêu gọi nhiều năm nay vẫn chỉ có vài nhà đầu tư quan tâm. Các doanh nghiệp rõ ràng thích xây dựng trên ''đất trống'' hơn là cải tạo các khu cũ này - và điều đó hiện đang làm ''cán cân'' phát triển đô thị của Hà Nội lệch và phiến diện...

Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu: - Thành phố rất coi trọng việc cải tạo, xây dựng lại hàng trăm chung cư cũ này, xác định đây là công việc mang tính đặc thù vì phải hài hoà 3 lợi ích: nhà đầu tư - nhà nước - người dân. Chính vì hiểu việc này là khó, là nhiều vướng mắc nên cả HĐND, UBND TP đều đã tạo nhiều cơ chế thúc đẩy việc thực hiện các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ nát, nguy hiểm này và tùy theo mức độ xuống cấp, tính nguy hiểm mà giao chủ đầu tư theo hướng chỉ định thầu, lựa chọn thầu hoặc đấu thầu theo quy định chung. Mỗi dự án sẽ có tiêu chí, quy trình riêng.

Ví dụ: chung cư chỉ xuống cấp mà chưa nguy hiểm thì cần có thời gian để nghiên cứu, khảo sát, đấu thầu - còn những nhà nguy hiểm, mang tính cấp bách thì Thành phố sẽ chỉ định thầu trên cơ sở bàn bạc với dân. Hiện Thành phố đã giao một số đơn vị thí điểm nghiên cứu cải tạo, xây dựng lại các khu này và sắp ban hành Quy chế đặc thù để có cơ sở giúp người dân, doanh nghiệp cùng thực thi tốt hơn việc này.

Làm sao để ''cán cân'' phát triển đô thị không lệch và phiến diện? để các nhà đầu tư không chỉ hào hứng với ''đất trống'' mà nhiệt tình hơn khi cùng Thành phố gánh vác trọng trách cải tạo hàng trăm khu nhà cũ nát, nhếch nhác? (Ảnh: T.A.N)

- Vậy có thể hiểu, đến giờ phút này các cơ chế, chính sách, kêu gọi ''xã hội hoá'' cải tạo, xây dựng lại các khu cũ nát, nguy hiểm này đã nhiều song các doanh nghiệp vẫn ''oải'', chưa hào hứng tham gia - lý do không hẳn nằm ở ''thiếu cơ chế'', mà chính là ngại vấp sự cản trở, thiếu đồng thuận của các hộ tầng 1 - nơi hầu hết các diện tích nhà đều đã bị dân cơi nới, lấn chiếm làm cửa hàng, cửa hiệu... Việc cải tạo, xây mới lại các khu nhà này nếu cứ trông mong ở sự đồng thuận của dân sẽ là rất khó, và ở đây nảy sinh mâu thuẫn giữa quản lý nhà nước với quyền lợi người dân. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu: - Chủ trương của Thành phố là sai phải sửa, buông lỏng thì phải chấn chỉnh, lập lại trật tự kỷ cương, đúng pháp luật, bảo vệ tài sản công, giữ gìn công bằng xã hội - có như thế mới tạo được niềm tin của nhân dân, nhất là đối với những người dân lương thiện, không lấn chiếm, không hành xử trái phép.

Nhiều công viên tại Hà Nội được bắt tay vào tu sửa, chỉnh trang kể từ bây giờ, kịp đón Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. (Ảnh: T.A.N)

Tuy nhiên, vấn đề tồn tại quá lâu, sai phạm nhiều nên Thành phố dự kiến sẽ phân loại xử lý nhiều đợt. Đồng thời, sẽ phân cấp: Thành phố, Quận-Huyện, Phường-Xã cùng xử lý. Không chỉ riêng việc lấn chiếm, thủ cựu tại tầng 1 các khu tập thể cũ, mà đối với tất cả các trường hợp lấn chiếm đất công, xây dựng không phép, sai phép - đầu tiên tập trung xử lý các sai phạm lớn, gây thiệt hại lớn, bức xúc trong nhân dân và khuyến khích người sai phạm tự khắc phục.

Việc cải tạo các tập thể cũ, Nghị quyết HĐND đã thống nhất chỉ cần 2/3 hộ dân sống tại đó đồng thuận là sẽ thực thi.

Còn với các chung cư nguy hiểm, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng đã quy định: di dời không chờ đồng thuận, thậm chí cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân. Sự an toàn trong các trường hợp này cần được coi trọng hơn các lợi ích về vật chất đơn thuần. Thành phố có đầy đủ chính sách, pháp luật trong tay và các cơ quan, ban, ngành chuyên môn để đảm bảo thẩm định kịp thời, chuẩn xác các phương án di dời, tạm cư cho dân, đảm bảo lựa chọn chủ đầu tư có kinh nghiệm, năng lực nhất cũng như đảm bảo tiến độ xây dựng. Người dân vì vậy cũng nên tin tưởng vào Thành phố.

Để nhà đầu tư khỏi khổ vì ''vận động'' thay đổi chỉ tiêu quy hoạch...

- Nhiều nhà đầu tư cho rằng quy hoạch chung Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 108/CP năm 1998 và đang thực hiện rõ ràng bộc lộ bất cập so với tốc độ phát triển đô thị Thủ đô, khiến họ gặp khó khăn vì các chỉ tiêu đã cũ, không còn phù hợp với nhu cầu, hiệu quả kinh doanh. Để đảm bảo tính khả thi của dự án, các nhà đầu tư lại phải vận động để thay đổi chỉ tiêu quy hoạch như: mật độ xây dựng, tầng cao, hệ số sử dụng đất... dẫn đến cơ chế XIN-CHO, chậm trễ, tiêu cực, đá qua đá lại giữa các sở, ngành và rồi Thành phố lại phải ''nhúng tay'' giải quyết các việc cụ thể mà lẽ ra đã được phân cấp rõ rệt?

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu: ''Từ nay tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, nhất định Thủ đô phải có chuyển biến lớn...'' (Ảnh: Lê Anh Dzũng)

Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu: - Đầu năm 2007 UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quy định 15 về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội, thay thế tất cả các quy định trước đây, trong đó ''điểm sáng'' của quy định mới này là phân cấp rất rõ cho các sở, ngành, quận, huyện đề xuất danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên cơ sở phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch ngành, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Tiêu chí sẽ rất khác nhau, chẳng hạn mật độ, chiều cao khu vực nội thành cũ thì khác khu ngoại vi, dự án xây chợ ''đầu bài'' đấu thầu khác dự án xây khách sạn, nhà ở khác văn phòng cho thuê vì nhà ở dân cư đông còn các văn phòng chỉ đông tuỳ giờ, hết giờ người ta về, sẽ ít gây quá tải hạ tầng kỹ thuật...

Hy vọng các căn cứ mới này sẽ hạn chế bớt những bất khả thi trong các dự án, hấp dẫn hơn trong mời gọi đầu tư, xây dựng trên địa bàn Hà Nội.

- Cuối cùng xin được hỏi, mỗi nhiệm kỳ Chủ tịch Thành phố đều gắn với những đổi thay nào đó của Hà Nội, vậy trong nhiệm kỳ công tác của mình, ông mong muốn và quyết tâm tạo những dấu ấn gì cho Thủ đô?

Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu:- Tôi mong muốn xây dựng một Thủ đô phát triển, an toàn, văn minh, thanh lịch - phát triển phải đồng bộ: kinh tế, văn hoá và môi trường. Từ nay tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhất định phải có chuyển biến lớn trên cả 3 lĩnh vực: hạ tầng kỹ thuật đô thị - hạ tầng văn hoá - hạ tầng kinh tế, để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

  • Hoàng Huy (thực hiện)

>>Hà Nội mong lấp đầy các khu, cụm công nghiệp
>>Hà Nội: Thêm 20 tuyến giao thông trọng điểm tại các huyện

>>UBND TP nhắc nhở Vườn thú HN qua việc VietNamNet nêu

>>Tổ trưởng nhà B6 Giảng Võ tiết lộ sự thật tréo ngoe!

>>Di dân khỏi nhà nguy hiểm: Khẩn cấp là vô thời hạn!?

>>Hôm nay, khởi công xây tuyến metro đầu tiên của Hà Nội
 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,