Phim "Thời xa vắng" sẽ có nhiều nét mới
18:38' 08/04/2003 (GMT+7)
Đạo diễn Hồ Quang Minh.

Bộ phim "Thời xa vắng" (biên kịch từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu) sẽ bấm máy những cảnh quay đầu tiên vào tháng 7 tới. Đạo diễn Hồ Quang Minh - Việt kiều Pháp định cư ở Việt Nam từ năm 1982 -  dự định trong phim sẽ có thêm nhiều chi tiết và ý tưởng mới. Một trong những điều mới mẻ ấy tập trung vào nhân vật Sài. Anh chia sẻ với khán giả về cuộc sống cũng như bộ phim sắp tới của mình.

- "Thời xa vắng" - phim sẽ khác truyện cụ thể ra sao?

- Nhân vật Sài sẽ có thêm một phân thân, một người để đối thoại mỗi khi dằn vặt, một người khác nhưng lại gắn liền và tượng trưng cho bản ngã của chính anh ta, đó là ông vó bè trên sông. Cách thể hiện hai nhân vật này có thể sẽ không hoàn toàn nệ thực, nghĩa là tôi cũng không cổ điển triệt để đâu. Sẽ chỉ dừng ở phần một của tiểu thuyết, khi Sài từ chiến trường ra, ông vó bè đã chết.

- Chủ đề đánh mất bản ngã có vẻ như đã lạc hậu trong thời nay. Người ta có thể chờ đợi điều gì mới mẻ trong bộ phim "Thời xa vắng" sắp tới của anh?

- Ngược lại là đằng khác. Thời của các bạn tưởng như tất cả mọi điều được tuân theo bản ngã, nhưng làm thế nào nhận ra và sống đúng bản ngã trong hoàn cảnh đương thời lại là điều phải suy nghĩ. Hy vọng rằng bộ phim của chúng tôi, tuy không đề cập trực tiếp đến bối cảnh hiện tại nhưng có thể cho các bạn những suy ngẫm mới mẻ. Hơn nữa bộ phim không phải tiểu thuyết. Được sự đồng ý của tác giả, tôi đã biên kịch lại từ phần văn của anh Lê Lựu, để xem câu chuyện trên màn ảnh chân thành, thuyết phục các bạn đến đâu. Cũng như tôi, các bạn sẽ có cách nhìn riêng của mình về tiểu thuyết "Thời xa vắng" mà mỗi chúng ta đều đã biết cốt truyện.

- Anh đã bao giờ đối thoại với những nhân vật kiểu như Sài chưa, ý tôi nói là về chuyện tình yêu và hôn nhân?

- Chắc là có. Tôi đã từng bị ám ảnh khi đọc "Thời xa vắng" và rất thông cảm với Sài. Tôi yêu hết mình nhưng có bộ "phanh" rất mạnh, cứ kỳ nghỉ cuối tuần lại "ké" xe vận tải 1.200 km cả đi lẫn về đến thăm người yêu. Tôi lăn xả vào các cuộc tình vì biết mình sẽ không bị tiêu tan hay chết vì yêu. Lập gia đình vì tình yêu và... Nhưng tôi có cuộc hôn nhân may mắn...

- Trong nghệ thuật cũng như trong cuộc đời, điều gì đối với anh phải tôn trọng hơn hết thảy?

- Tôi tôn trọng luật chơi. Là một đạo diễn của điện ảnh Việt Nam, tôi phải có trách nhiệm đối với những phim mình làm, không chỉ trong nước mà phải đem nó ra ngoài biên giới, nhất là phải quảng bá đến tận người xem trong, ngoài nước. Khi làm phim phải đến nơi đến chốn, không thể có sự nửa vời, buông xuôi dù trong bất cứ khâu nào: chuẩn bị tiền, hậu kỳ. Một phim của tôi thường phải mất liên tục 20 tháng để xong.

- Anh học đạo diễn tại Pháp nhưng đã chọn Việt Nam làm nơi hành nghề, nơi điện ảnh chưa phải là thoát nghèo?

- Tôi học điện ảnh hai năm ở Paris, nơi dạy nghề chủ yếu bằng thực hành, gặm bánh mì xem phim. Tôi không được học hàn lâm như các anh Phạm Kỳ Nam, Lê Hoàng Hoa... nhưng cũng khá chuyên nghiệp. Ở Pháp có nhiều tên tuổi lớn, là điều kiện tốt để học hỏi nhưng cũng không dễ dàng lập nên sự nghiệp điện ảnh chắc chắn. Năm tốt nghiệp tôi 30 tuổi và trở về Việt Nam, trước tiên để thăm quê. Được anh em làm điện ảnh trong nước thân tình đón nhận, tôi không ra đi nữa.

- Anh sống có vẻ ung dung, khi nào không làm phim thì đọc sách kinh kệ tỏ ra không giống con người hiện tại?

- Tôi là người nhập thế chứ không tu. Nhưng đời sống của tôi nặng về tâm linh. Tôi hứng thú được làm phim, nhưng làm với những điều kiện tối thiểu, bất khả kháng thì tôi thà từ chối. Tôi đến với nghệ thuật là để hiện thực hóa một phần những khát vọng tâm linh của mình. Đến với Mật tông Ấn Độ để giải đáp những bí ẩn của cuộc sống, lẽ tồn tại mà tôi hằng băn khoăn chứ không phải giết thì giờ hay theo mốt.

Tôi vốn là một anh tiến sĩ khoa học trường Bách khoa liên bang Thụy Sĩ đi làm nghề thương mại xuất nhập khẩu để kiếm sống. Đáng lẽ tôi có thể yên thân ngồi trong khách sạn năm sao kiếm tiền làm giàu. Nhưng năm 28 tuổi tôi dứt áo, bỏ sang học điện ảnh. Sở dĩ có những thay đổi chóng  mặt như vậy bởi lúc đó tôi mới hiểu rằng cái mình cần không phải tất cả những gì trước kia. Tuy nhiên, tôi là con người thực tiễn chứ không mê mụ bởi giáo thuyết. Tôi kiếm sống và nuôi vợ con bằng nghề tư vấn cho các dự án công trình này nọ, và kiên trì theo đuổi mục đích riêng của mình chứ không dốc toàn lực vào "canh bạc" điện ảnh.

- Lập nghiệp ở Việt Nam, đối với một Việt kiều như anh, điều gì là khó khăn nhất và bài học gì anh có thể chia sẻ với mọi người?

- Tôi là người đã quen tự lập từ nhỏ. Trở về Việt Nam năm 1982, đúng thời kỳ cả nước gặp khó khăn, cân gạo, cái túi nilon cũng thiếu, nhưng tôi thấy vẫn có thể sống làm việc giữa mọi người mà không có điều kiện gì khác biệt. Còn hiện tại tôi thấy rất nhiều người ở Việt Nam đang hoang phí.

(Theo GĐ&XH)

 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bài cuối: Một "núi thóc" trơ xương chờ... gỉ! (05/04/2003)
''Gái nhảy'' - giá trị tiền bạc hay... ? (28/03/2003)
Về sự ăn khách của bộ phim "Gái nhảy" (26/03/2003)
Bài 5: Đạo diễn không chỉ cầm và chia tiền? (19/03/2003)
Pierce Brosnan làm mới mình (19/03/2003)
'Lưới trời' và 'Của rơi' tìm cách thu hút công chúng (19/03/2003)
Bài 4: Lý luận điện ảnh - Xin ảnh và nhả... tơ (15/03/2003)
Bài 3: Trăm sự tại nỗi "trường quay" (13/03/2003)
Lần đầu tiên, phim dài tập Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ (12/03/2003)
Bài 2: Kịch bản - Khi nức nở! Khi chũm choẹ! (12/03/2003)
Quang Hải và những dự định mới (23/02/2003)
''Phim hay không chỉ phụ thuộc vào kinh phí'' (21/02/2003)
''Phim tài liệu đã bám chắc vào hiện thực hơn'' (20/02/2003)
"Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" đã hoàn thành phần quay tại Việt Nam (19/02/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang