Đạo diễn Bùi Ngọc Hà:
''Phim hay không chỉ phụ thuộc vào kinh phí''
11:07' 21/02/2003 (GMT+7)

Đạo diễn Bùi Ngọc Hà và quay phim Lô Thắng.

(VietNamNet) -  Với số tiền đầu tư chỉ hơn 10 triệu đồng/tập (với các bộ phim khác thường là khoảng 180 triệu đồng/tập), nhưng phim ''Dân là gốc'' đã được hoàn thành với sự hài lòng của đoàn làm phim, đặc biệt là tổng đạo diễn Bùi Ngọc Hà.

Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trò chuyện cùng ông Bùi Ngọc Hà trước khi bộ phim được phát sóng (3/2003).

- Đạo diễn có thể giới thiệu về phim "Dân là gốc"?

- Phim dài 12 tập, thời lượng xấp xỉ 400 phút, thời gian quay phim kéo dài tới 1 năm 4 tháng, thời gian dựng phim 3 tháng. Đoàn làm phim đã đi đến 56 tỉnh thành để ghi hình. Dự kiến là đến tháng 3, phim sẽ được phát sóng.

- Trong phim, hình ảnh tư liệu được sử dụng nhiều. Nhưng thực tế, những di tích lịch sử hay giá trị văn hoá còn lại rất ít. Ông đã tìm tư liệu như thế nào?

- Đoàn làm phim chúng tôi thực sự gặp khó khăn vì không có tư liệu. Bởi trước đây, mỗi một triều đại lên thì lại cho phá bỏ tất cả thành quả, giá trị mà triều đại trước đã xây dựng nên. Những gì còn sót lại là đình, đền, miếu mạo... nhưng cũng chỉ còn mang tính ước lệ. Ngoài ra, một phần lịch sử của chúng ta lại là truyền thuyết. Mà truyền thuyết thì có thể có thật hoặc không có thật. Nhưng đó là lòng dân, là nguyên vọng của nhân dân. Điều này buộc đoàn làm phim phải nghĩ đến các cảnh tái hiện bằng những loại hình nghệ thuật khác như múa, rối nước, hoạt hình… Tất cả chỉ là sự gợi ý, gây cảm xúc cho người xem chứ không phải là dựng lại như thật. Như trong đọan tái hiện lại cảnh Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, chúng tôi dùng đến thể loại hoạt hình và xen lẫn là những cảnh thực hiện nay còn tồn tại như núi Tản, đền Và…

- Một bộ phim với chủ đề rộng và mang tính chủ trương, đạo diễn đã có cách thể hiện như thế nào?

- Chúng tôi cho phim trải dài qua những thời đại, từ xưa đến nay. Ở mỗi thời đại, chúng tôi đều nhấn mạnh đến vai trò của người dân bằng những câu chuyện cụ thể. Trần Hưng Đạo nhờ có bà bán nước ven đường mới biết được quy luật lên xuống của thuỷ triều sông Bạch Đằng, nhờ đó mới có được một kế sách vẹn toàn chống quân Nguyên. Lê Lợi với kế hoạch chiến tranh nhân dân mới có được lòng dân, mới có thể đánh tan giặc Minh xâm lược. Quang Trung cũng nhờ có bát cháo cuối cùng trong nhà của người dân thì mới có được cuộc hành quân thần tốc đến như vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh với sách lược chiến tranh nhân dân, thì mới có đồng khởi, mới có toàn thắng… Chúng tôi đưa ra chi tiết làm dẫn chứng để chứng minh và cũng là để khẳng định. Có sự đan xen, so sánh, có sự đánh giá, nhận định.

- Bộ phim tài liệu ''Dân là gốc'', đạo diễn có nhắc đến cả khái niệm ''dân làm gốc''?

- Bác Hồ đã từng nói rằng: ''Dân là bức tường thành xung quanh Tổ quốc. Có dân là có tất cả''. Xưa, Nguyễn Trãi cũng có câu rằng: ''Dân có thể đẩy thuyền đi và cũng có thể lật đổ thuyền''. Xa hơn nữa, Khổng Tử cũng đã khẳng định ''Dân vi bản''. Như vậy là từ xưa cho đến nay, các bậc hiền tài đều nhận thấy tầm quan trọng của đất nước khi có được lòng dân. Dân chính là người khởi sự, là người làm nên lịch sử. Triều đại nào có được lòng dân sẽ tồn tại mãi mãi. Thật tiếc là giữa những nhận thức đúng đắn như vậy lại có không ít ý kiến hiểu lầm là ''Dân làm gốc''. Có nhiều người hiểu lầm, có rất nhiều triều đại hiểu lầm. Sau khi cùng dân tạo nên sự nghiệp vẻ vang thì họ lại bắt đầu xa dân, thậm chí phản bội dân. Để rồi cuối cùng đi đến sự sụp đổ của cả một triều đại. Lịch sử chính là nhân chứng soi rọi mọi vấn đề.

- Ông từng đạo diễn rất nhiều bộ phim lịch sử như "70 năm vì nước vì dân", "Đất rồng thiêng"... Xin hỏi đạo diễn có sợ bị lặp lại lịch sử trong phim của mình?

- Ở đây, chủ đề ''dân là gốc'' được đào sâu hơn, không gian và thời gian cũng rộng lớn hơn. Tôi cũng mạnh dạn hơn trong cách sử dụng tư liệu, hình ảnh, âm thanh. Tất nhiên là có sự tổng hợp ở bộ phim này bởi nó kéo dài từ thời dựng nước đến thời giữ nước, lúc đất nước hoà bình. Những bộ phim kia chỉ giới hạn trong không gian một địa phương, hoặc trong một giai đoạn mà thôi. Bộ phim này là tất cả kinh nghiệm, ''chất xám'' của tôi trong suốt 30 năm làm phim tài liệu truyền hình. Còn phong cách thì vẫn là của tôi. Có sự lặp lại hay không thì tuỳ thuộc vào sự phán xét của khán giả.

- Đạo diễn thật sự hài lòng điều gì ở bộ phim này?

- Không có tư liệu để làm phim, vấn đề nhắc đến lại rất lớn lao…Tất cả  đều cảm thấy quá sức mình, vậy mà chúng tôi đã làm được và đã làm xong. Quả thật tôi cảm thấy hài lòng về bộ phim này.

- Đây là bộ phim có độ dài nhất trong các phim đã làm ở Tiểu ban Phim tài liệu thuộc Đài Truyền hình Việt nam, cũng có thể nói là bộ phim tài liệu có độ dài nhất từ trước đến nay. Ông có sợ nội dung không đáp ứng nổi thời lượng như vậy?

- Độ dài ngắn của phim là do yêu cầu của nội dung, do những vấn đề mà tác giả kịch bản - ở đây là ông Lê Thi đưa ra. Hơn nữa, với số tiền đầu tư cho phim từ 180 triệu đồng đến 200 triệu đồng thì mọi người sẽ thấy nó khó đến mức độ nào. Nhưng vấn đề phim hay thì không chỉ phụ thuộc vào kinh phí mà còn là tâm huyết của những người làm phim. Với tôi thì 17 tháng làm phim là 17 tháng không có ngày, không có đêm, không có ngày nắng, ngày gió hay ngày mưa, ngày nghỉ. Mọi ngày đối với tôi đều như nhau. Tất cả đều là tâm huyết, sự đam mê trong nghề nghiệp!

- Cảm ơn ông. 

  • Ngọc Hà
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
''Phim tài liệu đã bám chắc vào hiện thực hơn'' (20/02/2003)
"Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" đã hoàn thành phần quay tại Việt Nam (19/02/2003)
Chủ bút Hello! xin lỗi gia đình gia đình Michael Douglas (18/02/2003)
Phim mới: ''Chuyện dưới tán lá rợp'' (18/02/2003)
LHP Berlin lần thứ 53 - đề tài chính trị lên ngôi (17/02/2003)
Hấp dẫn và đời thường - chất men để vực dậy phim Việt Nam (14/02/2003)
“Gái nhảy” - Cách đi mới trên lộ trình cũ! (13/02/2003)
Sức hút của hài hước và lãng mạn trong dịp Valentine (13/02/2003)
Đạo diễn hài Đỗ Thanh Hải: "Phía trước tôi là… trường thành" (11/02/2003)
''Vẻ đẹp và sự xảo trá'' (10/02/2003)
Chương trình Chào xuân 2003 (21/01/2003)
Kim Thư - cô diễn viên có cá tính mạnh mẽ (13/01/2003)
Thêm một sân chơi mới của VTV2: Nữ sinh và tương lai (07/01/2003)
Phim mới trên VTV3: Thời niên thiếu của siêu nhân (03/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang