Về sự ăn khách của bộ phim "Gái nhảy"
09:18' 26/03/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Bất cứ một nền điện ảnh nào cũng cần có sự nhiều loại phim, nhiều cấp bậc chất lượng theo những tiêu chí, mục tiêu khác nhau để phục vụ những đối tượng khán giả thuộc nhiều tầng lớp, thành phần xã hội khác nhau. Do vậy sự đánh giá phim hay, phim dở, chất lượng nghệ thuật tốt, xấu không thể dựa cùng một chuẩn mực được.


Ở Việt Nam, việc đánh giá chất lượng nội dung, nghệ thuật của các tác phẩm điện ảnh vốn không được rõ ràng lắm, chưa có sự phân loại cụ thể, chưa có những tiêu chí rõ ràng để phân loại phim hay về mặt nào (có giá trị về nội dung chính trị, có chất lượng nghệ thuật cao, hay có khả năng thu hút khán giả để thu tiền...). Sự đánh giá thường là cảm tính, tuỳ theo quan niệm của mỗi thành viên hội đồng duyệt, thâm chí cả với giới phê bình và dư luận xã hội cũng vậy.

Do thói quen nhìn nhận như vậy nên thường xảy ra những tình huống khó lý giải: Một bộ phim có ít khán giả đến rạp người ta vẫn có thể nhận xét là phim nghệ thuật cao "nhưng trình độ khán giả chưa nhận thức nổi" (?), "ít khách vì chỉ có những khán giả chọn lọc thôi". Và không thiếu những dẫn chứng đầy tính thuyết phục như: Phim được trao giải lớn trên thế giới như Oscar, giải Bông sen vàng, bạc của LHP Quốc gia (Chắc chắn là phim hay, phim nghệ thuật cao rồi) mà rạp chiếu phim vẫn vắng bóng người xem. Và ngược lại, khi có một bộ phim thu hút được đông khán giả, người ta lại cũng nhận xét "đây là một thành công lớn về nghệ thuật".

Vậy ra "đông khách" hay "ít khách" đều là "chuẩn mực" để đánh giá phim có chất lượng nghệ thuật cao?  


Trên thế giới đã từng có những nhà làm phim tài ba mà phim của họ vừa được giới trí thức, các nhà phê bình và bạn bè đồng nghiệp đánh giá là có chất lượng nghệ thuật cao, đồng thời lại vừa đáp ứng được thị hiếu của nhiều tầng lớp khán giả trong xã hội, trên thị trường Điện ảnh nhiều nước trên thế giới, với các cấp độ văn hoá khác nhau - và trở thành những phim có nghệ thuật cao mà lại "đông khách" - thí dụ hàng loạt phim hài của Charles Charlin. 

 

Những người tài như vậy, những tác phẩm điện ảnh cao tay như vậy không nhiều.

Ở những nước có trình độ dân trí phát triển cao, hiểu biết, nhận thức, thẩm mỹ của đông đảo quân chúng nhân dân (do kết quả giáo dục, do tác động của xã hội) không có khoảng cách quá lớn với các tầng lớp trí thức, một bộ phim có chất lượng nội dung, nghệ thuật cao có thể đồng thời là phim ăn khách... (chả thế mà những phim được giải thưởng trong các LHP Quốc tế có uy tín lại có số thu rất cao như "Titanic", phim "Võ sĩ giác đấu" hoặc "Ngọa hổ tàng long"... mấy năm gần đây).

Làm phim có khả năng thu hút khách, để thu hồi vốn đầu tư sản xuất, để có lãi tiếp tục sản xuất những bộ phim tiếp theo là một mục tiêu đúng đắn, cần thiết đối với bất cứ nhà sản xuất, cơ sở làm phim nhà nước hoặc tư nhân nào. Điều đó càng quan trọng đối với những nền điện ảnh không được sự tài trợ của nhà nước đến 80% kinh phí sản xuất như điện ảnh Việt Nam, và lại càng quan trọng hơn đối với các hãng phim tư nhân nay mai sẽ được mở ra theo Quyết định cho phép thành lập Hãng phim tư nhân của Bộ Văn hoá - Thông tin mới đây.


Hiện tượng bộ phim "Gái nhảy" của Hãng phim Giải Phóng thu hút được đông đảo khách ở TP.HCM, Nha Trang, Hà Nội những ngày gần đây là một trong những điều đáng mừng của Hãng phim Giải phóng, của Điện ảnh Việt Nam... Số thu của bộ phim đã đạt được mức gấp ba, bốn, năm lần vốn sản xuất phim và có thể nhiều hơn nữa. Đó là một hiện tượng đáng mừng, đáng phát huy... Song chúng ta cần có cái có cách nhìn nhận hợp lý cần thiết khi xác định giá trị của bộ phim.

Nếu xếp vào danh sách phim thu hút đông khán giả thì "Gái nhảy" có thể được coi là một phim hàng đầu của Điện ảnh nước ta từ khi đất nước chuyển sang cơ chế thị trường. Còn đặt "Gái nhảy" vào bảng xếp hạng phim có giá trị nghệ thuật cao thì cần phải xem xét bằng các tiêu chí khác.


Tại sao phim "ăn khách" lại chưa phải là phim có giá trị nghệ thuật cao? Tại sao khán giả đến rạp không phải là tiêu chuẩn để định giá chất lượng nghệ thuật? Chả lẽ chỉ lấy ý kiến của số ít khán giả (thuộc tầng lớp trí thức, những người rất ít khi mua vé vào rạp xem phim mà ta gọi là "khán giả chọn lọc") để định giá về chất lượng nghệ thuật hay sao? Đám đông khán giả mua vé đến rạp có hoàn toàn thuộc về tầng lớp người "thị hiếu tầm thường" không?

Thực tế khán giả đến rạp xem phim "Gái nhảy" cũng không hoàn toàn là tầng lớp "tiểu thương" hay "trẻ mới lớn, đua đòi". Cũng có nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau của xã hội đến rạp xem phim vì tò mò, vì muốn nhìn thấy một thực tế mà họ ít được biết trong đời sống, hoặc cả những người đi xem vì muốn biết tại sao bộ phim ấy ăn khách đến thế? Do vậy mà phim đông khách. Thêm nữa "Gái nhảy" cùng được các nhà làm phim lưu ý đến các khía cạnh có tính chất ăn khách như bối cảnh vũ trường sôi động, cách ăn mặc hở hang, hoàn cảnh éo le của các nhân vật làm cave... phù hợp với thị hiếu của lớp trẻ... Tính giáo dục của phim (vấn đề "chống AIDS") cũng được các tác giả đặt ra để tạo ra tính mục đích cho phim, làm cho hội đồng duyệt dễ dàng chấp nhận một bộ phim đi vào đề tài "hóc búa" và lộ rõ mục đích "có khách" như vậy. Nhưng chủ đề AISD có vẻ như bị gán ghép và có phần thô thiển - nhất là ở đoạn kết phim, khi tác giả để quá dài đoạn Hạnh mặc bộ đồ Cave hở hang, trình bày tuyên ngôn và lời kêu gọi chống AIDS qua đoạn đời sa ngã của mình.

Nói chung "Gái nhảy" là một bộ phim hợp thời, đúng mục tiêu "kéo khách về với Điện ảnh" để chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo là tự hạch toán, tự thu hồi vốn và lãi của các cơ sở Điện ảnh của nhà nước và tư nhân.

Để bàn luận và đánh giá bộ phim này, chúng ta cần có những tiêu chí phù hợp hơn, không chỉ có một tiêu chuẩn chung cho các dạng phim được xây dựng trên những tiêu chí khác nhau.

  • Nguyễn Hữu Phần         

(Chúng tôi giới thiệu ý kiến trên của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần như một trong ý kiến về bộ phim Gái nhảy - một hiện tượng của điện ảnh Việt Nam hiện nay.

VietNamNet cũng sẽ tiếp tục những ý kiến khác của quý vị về bộ phim này)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
“Gái nhảy” - Cách đi mới trên lộ trình cũ!
Ai nói phim "Gái nhảy" hay?
Hiện tượng ''gái nhảy''
Sau ''Gái nhảy'', các hãng sẽ tự phát hành phim?
Đạo diễn Lê Hoàng: ''Sẽ có 'Gái nhảy' phần 2''
CÁC TIN KHÁC:
Bài 5: Đạo diễn không chỉ cầm và chia tiền? (19/03/2003)
Pierce Brosnan làm mới mình (19/03/2003)
'Lưới trời' và 'Của rơi' tìm cách thu hút công chúng (19/03/2003)
Bài 4: Lý luận điện ảnh - Xin ảnh và nhả... tơ (15/03/2003)
Bài 3: Trăm sự tại nỗi "trường quay" (13/03/2003)
Lần đầu tiên, phim dài tập Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ (12/03/2003)
Bài 2: Kịch bản - Khi nức nở! Khi chũm choẹ! (12/03/2003)
Quang Hải và những dự định mới (23/02/2003)
''Phim hay không chỉ phụ thuộc vào kinh phí'' (21/02/2003)
''Phim tài liệu đã bám chắc vào hiện thực hơn'' (20/02/2003)
"Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" đã hoàn thành phần quay tại Việt Nam (19/02/2003)
Chủ bút Hello! xin lỗi gia đình gia đình Michael Douglas (18/02/2003)
Phim mới: ''Chuyện dưới tán lá rợp'' (18/02/2003)
LHP Berlin lần thứ 53 - đề tài chính trị lên ngôi (17/02/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang