Điện ảnh đương đại Việt Nam - Vì sao quá tệ?
Bài 5: Đạo diễn không chỉ cầm và chia tiền?
08:48' 19/03/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Ai là người quan trọng nhất để làm cho một bộ phim hay thêm hoặc tồi đi? Vâng, đó là đạo diễn. Như vậy bằng phép tính đơn giản của các em nhỏ chúng ta nhắm mắt cũng tìm ra được "thủ phạm" quan trọng nhất gây ra sự tẻ nhạt, lãng phí của nhiều bộ phim trong đời sống điện ảnh hiện đại.

Cảnh trong phim ''Mùa ổi''

Vậy đạo diễn điện ảnh là "cái nghề" gì vậy? Nếu "gán tội" cho họ như thế chẳng phải là bất công quá ư khi họ còn cả một 'cái vòng luẩn quẩn" để thanh minh kia mà! Nhưng có một điều có thể "cam đoan" rằng họ không phải là những người duy chỉ có mỗi một việc nhận một cục tiền làm phim, dẫn đoàn đi và sau đó... chia tiền!

Điện ảnh Việt Nam đã từng sinh ra những đạo diễn điện ảnh tài năng và tâm huyết, những người đã tạo nên trọn vẹn mùa vàng trong điện ảnh với các bộ phim kinh điển; Con Chim Vành Khuyên, Cánh Đồng Hoang, Mùa Ổi, Thương Nhớ Đồng Quê... Họ đã tìm được cách thể hiện và kết hợp sự diễn xuất của các diễn viên với ý tưởng tôn vinh vẻ đẹp của tâm hồn Việt...

Nhưng trong đời sống điện ảnh hiện đại, các đạo diễn có vẻ như không xác định rõ bổn phận và lý tưởng nghề nghiệp của mình. Có một bài test mà hầu như đạo diễn nào cũng không vượt qua, bởi vì nếu vượt qua thì trong các bộ phim của mình,họ đã không thể hiện rập khuôn y đúng nhau như vậy. Đây có lẽ là bài test đầu tiên và cũng là bài test cuối cùng cho tất cả những ai muốn theo nghiệp đạo diễn điện ảnh. Thế nên, nếu bạn đọc nào có ý định đóng góp công sức, tài năng cho điện ảnh nước nhà, xin hãy qua bài test này chứ không lại "phí sức" một cách vô bổ.

Kịch bản tóm tắt như sau; một đứa con lưu lạc (vì một lý do nào đó) tìm cách trở về tìm lại người mẹ già. Hai mẹ con gặp nhau, mừng rỡ, nghẹn ngào... Hầu như trong các bộ phim có cảnh này các đạo diễn đều "chỉ đạo" cho hai nhân vật lao đến, ôm lấy nhau, khóc. Máy quay sẽ cận cảnh ''đặc tả" vòng tay run rẩy và khuôn mặt đẫm nước mắt của hai diễn viên.

Không có cách biển cảm nào khác. Chúng ta có thể làm một cuộc thi nho nhỏ xem công chúng ai có thể kiên nhẫn tìm được trong các bộ phim hiện đại có cảnh này mà lại được thể hiện theo một cách ấn tượng hơn, xúc động hơn và do đó nhiều "nghệ thuật" hơn kiểu diễn trên. Thực ra, phần thưởng của cuộc thi chắc  lại phải dành cho một đạo diễn nào đó của một bộ phim sắp có cảnh tương tự như trên.

Những đạo diễn khi học xong, vào nghề cũng chưa được 'chia" phim để làm ngay. Thực ra với kiến thức điện ảnh, kỹ thuật cập nhật thì họ có thể làm phim không thua kém một đạo diễn có"kinh nghiệm" nào. Có lẽ điều họ thua chính là họ thiếu "quan hệ", điều mà phải lăn lộn, huy sinh nhiều năm mới tạo dựng được. Nhưng ngay khi có thể có "tạo dựng" các cơ hội đó thì các đạo diễn mới vào nghề phải qua một "công đoạn" nữa, và chính công đoạn này là "nguyên nhân" quan trọng "giết" hầu hết tất cả dự cảm nghệ thuật thuần chất và lòng yêu nghề trong sáng. Đó là phải làm một bộ phim (dù dở đến mấy) mà anh ta không hề thích thú một chút nào. Anh ta vẫn phải làm vì phim đó là phim"cúng cụ" để ''vào nghề" như một đạo diễn khá nổi danh tâm sự trên báo chí.!

Tôi từng chứng kiến cảnh một đạo diễn "hành nghề" như thế nào! Anh ta là người nói nhiều nhất, tất nhiên. Chạy loanh quanh nhiều nhất, tất nhiên. Điều chỉnh người khác nhiều nhất (diễn viên, quay phim,...) tất nhiên... Nhưng tất cả những điều tưởng như "tất nhiên" ấy lại là cái biển khó khăn mà các đạo diễn tự tạo ra và bơi không qua nổi. Đạo diễn tưởng như anh ta làm quá nhiều việc, ôm đồm hết tất cả mọi "chi tiết" nhưng thực ra anh ta đã tự đánh mất vị trí của mình và bộ phim do đó cứ 'bề bộn" mà không ai nhận ra.

Tất nhiên một: Đạo diễn bắt diễn viễn "đóng" theo ý mình. Đối với một tình huống giữa diễn viên và đạo diễn có hai cách biểu cảm hoàn toàn khác nhau. Đạo diễn có thể cho rằng diễn viên khóc như vậy không đúng với ý đồ của kịch bản. Anh ta đúng theo cách cảm của anh ta. Còn diễn viên đúng theo cách "khóc" của mình. Hai điều đó không thể "gò" lại làm một được. Nhưng đạo diễn vẫn "gò" vì anh ta là đạo diễn cơ mà. Do đó diên viên phải diễn trái với cảm nhận của mình nên dù "kỹ thuật diễn" có tinh vi đến đâu thì diễn viên cũng không che được sự gượng gạo.

Tất nhiên hai: Đạo diễn bắt quay phim ghi hình theo những góc quay mà mình thấy có "nghệ thuật". Tương tự như trên, một nhà quay phim không thể thể hiện được con mắt nghệ thuật của mình qua "cách nhìn" của một người khác được..

Như vậy qua các "tất nhiên" đạo diễn trực tiếp "nhúng tay" vào tất tần tật những công việc của đoàn làm phim. Song, những người tham gia bộ phim (diễn viên, quay phim, hoạ sĩ...) không phải là một cỗ máy thống nhất, không có xúc cảm để có thể "đạo diễn" theo kiểu đó... Đó chính là lý do các đạo diễn làm nhiều nhưng nghệ thuật "thu về" thì cực ít.

Trước hết, đạo diễn phải tôn trọng tối đa cách nhập vai tự nhiên của diễn viên. Nếu một diễn viên diễn đúng bằng cảm xúc, bằng trái tim mình thì không một hành động nào vụng về cả. Nếu đạo diễn thấy vụng về thì anh ta phải xem lại tình huống hoặc bối cảnh. Đây là điều thiết yếu để tạo nên nghệ thuật của bộ phim.

Khi tất cả những người tham gia đóng phim đều diễn trọn vẹn cảm xúc thực của mình thì đạo diễn chính là người làm cho sự liên kết, hoà hợp giữa các vai diễn trở nên hợp lý. Nếu vẫn thấy không hợp thì đạo diễn hãy nhớ rằng đó chính là lỗi của anh ta vì một "phần" nào đó của bộ phim không ăn nhập với tổng thể. Đạo diễn điều chỉnh sự phối hợp tổng thể chứ không thể điều chỉnh cách diễn xuất. Chỉ cần anh ta điều chỉnh diễn viên đóng "lệch" cảm xúc của diễn viên đó trong một động tác thôi, bộ phim sẽ bị "phô" ngay lập tức.

Những ngành khoa học công nghệ khác có thể "khoán" sản phẩm được nhưng nghệ thuật thì không nên và không bao giờ nên "khoán" như vậy nếu chúng ta muốn có những tác phẩm thực thụ. Khi đạo diễn phải ôm một cục tiền làm phim và phải trở thành "kế toán" phân chia tiền bạc cho cả đoàn vài chục người thì thử hỏi anh ta còn thì giờ đâu mà làm nghệ thuật. Chúng ta cần lập lại nguyên tắc là có một nhà quản lý tài chính cho việc sản xuất các bộ phim. Như vậy các đạo diễn sẽ 'chuyên tâm" vào nghề nghiệp hơn và không bị mang cái tiếng là "ôm" tiền, đưa đoàn đi và... chia tiền. Thế là xong!

Chưa xong đâu! Công chúng yêu mến điện ảnh Việt Nam hiện đại vẫn đang kỳ vọng vào các đạo diễn đấy!

  • Phương Thảo

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Bài 3: Trăm sự tại nỗi "trường quay"
Bài 3: Trăm sự tại nỗi "trường quay"
CÁC TIN KHÁC:
Pierce Brosnan làm mới mình (19/03/2003)
'Lưới trời' và 'Của rơi' tìm cách thu hút công chúng (19/03/2003)
Bài 4: Lý luận điện ảnh - Xin ảnh và nhả... tơ (15/03/2003)
Bài 3: Trăm sự tại nỗi "trường quay" (13/03/2003)
Lần đầu tiên, phim dài tập Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ (12/03/2003)
Bài 2: Kịch bản - Khi nức nở! Khi chũm choẹ! (12/03/2003)
Quang Hải và những dự định mới (23/02/2003)
''Phim hay không chỉ phụ thuộc vào kinh phí'' (21/02/2003)
''Phim tài liệu đã bám chắc vào hiện thực hơn'' (20/02/2003)
"Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" đã hoàn thành phần quay tại Việt Nam (19/02/2003)
Chủ bút Hello! xin lỗi gia đình gia đình Michael Douglas (18/02/2003)
Phim mới: ''Chuyện dưới tán lá rợp'' (18/02/2003)
LHP Berlin lần thứ 53 - đề tài chính trị lên ngôi (17/02/2003)
Hấp dẫn và đời thường - chất men để vực dậy phim Việt Nam (14/02/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang