Hấp dẫn và đời thường - chất men để vực dậy phim Việt Nam
13:25' 14/02/2003 (GMT+7)
Cảnh trong phim  ''Người Mỹ trầm lặng''

(VietNamNet) - Trong khi khán giả dường như vẫn còn say sưa với dư âm của những ngày tết thì các rạp chiếu phim đã bắt đầu khởi động và đang chạy đua để kéo về phía mình nhiều công chúng hơn. Một điều dù không còn mới nhưng lúc nào cũng nóng bỏng là tại sao khán giả lại không mặn mà cho lắm đối với những phim do Việt Nam sản xuất?

Dạo quanh một số rạp chiếu phim lớn ở Hà Nôi như: Trung tâm chiếu phim quốc gia (TTCPQG), Fafilm Cinema, rạp Dân Chủ, rạp Tháng Tám mới thấy hết được cái không khí sôi động mà nghệ thuật thứ bảy đã tạo ra. Song, khán giả đến đông không phải để xem phim Việt Nam mà là để thưởng thức một bộ phim Mỹ, Chuyện tình ở Manhattan (Maid in Manhattan).

Tại rạp Dân chủ, một bạn trẻ tên Thu Hương cho biết "đã đến xem ở rạp này nhiều lần nhưng chưa bao giờ xem phim Việt Nam cả, chủ yếu là phim Mỹ",  lý do đơn giản vì "Việt Nam không có phim hay".

Để có được câu trả lời thuyết phục hơn, tôi tìm đến Fafim Việt Nam và may mắn gặp được ông Nguyễn Bá Định, Phó Giám đốc Fafim. Qua lời giới thiệu của ông, tôi được biết, Fafim Cinema không chỉ là một đơn vị kinh doanh mà còn nghiên cứu thị hiếu khán giả. Vì thế, Fafilm đã thành lập CLB Khán giả điện ảnh tháng 7/2002 và hoạt động định kỳ vào 5 giờ chiều thứ bảy tuần đầu tiên trong tháng. Mục đích của CLB là thăm dò ý kiến các hội viên về chất lượng của phim mới. Không chỉ có vậy, CLB còn thường xuyên mời các đạo diễn, diễn viên Việt Nam đến giao lưu với các hội viên. Để thu hút được khán giả, Phòng Tuyên truyền Quảng cáo của Fafim thường xuyên liên lạc với VTV3 - THVN, Đài PT-TH Hà Nội để quảng bá cho những phim mới. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên hầu hết các rạp lớn tại Hà Nội chưa tổ chức được các hình thức khuyến mãi, tặng quà cho khán giả. Được biết, tất cả những hình thức tặng quà cho khán giả đều do chủ phim đảm nhận. Khán giả hiện có cảm tình với phim Mỹ hơn. Ngay cả khi các rạp đang công chiếu bộ phim hài Việt Nam Một giờ làm quan thì vẫn chủ yếu thu hút được lớp khán giả trung niên còn giới trẻ dường như vẫn đang say mê với những chuyện lãng mạn ở Manhattan. 

TTCPQG cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc quảng bá cho những phim mới với nhiều hình thức khác nhau, một việc mà không phải rạp nào cũng làm được bởi chi phí thực hiện rất lớn. Ngoài việc giới thiệu phim trên các phương tiện truyền thông đại chúng, TTCPQG còn tiến hành làm các băng rôn, in tờ rơi, tổ chức các buổi công chiếu giới thiệu phim mới, ra mắt các đoàn làm phim, tổ chức các cuộc giao lưu giữa đoàn làm phim, ví dụ đoàn Tết này ai đến xông nhà với khán giả... TTCPQG còn thành lập cả một đề án về tuyên truyền tiếp thị để kéo khán giả về phía mình vì "điện ảnh luôn cần công chúng".

Nguyên nhân khiến cho khán giả không có hứng thú với phim Việt Nam, theo đánh giá của ông Nguyễn Bá Định cũng như anh Nguyễn Mạnh Cường - Phó phòng chiếu phim TTCPQG, chủ yếu những vấn đề sau: Phim Việt Nam không được đầu tư đúng mức... Diễn viên hiện nay chủ yếu do lực lượng từ sân khấu đầu quân sang nên họ diễn thường "lên gân", có phần khô cứng và thiếu sự dung dị. Vấn đề thứ nữa không kém phần quan trong là kịch bản. Nguyên nhân cơ bản vẫn là vấn đề chất lượng của phim. Tại sao những bộ phim như: Mùa Ổi, Đời Cát, Bến không chồng, Tết này ai đến xông nhà... lại được người xem tiếp nhận nhiệt tình đến vây? Lý do không phải vì chúng đã đoạt giải hay quá cao siêu mà vì nó đẫ đề cập đến những vấn đề gần gũi với cuộc sống. Sau một thời gian hoành hành của những bộ phim "mì ăn liền" đầu những năm 90, người xem dường như vẫn còn ấn tượng không tốt, "khi nói đến phim Việt nam là người ta chán." 

Năm ngoái, phim "Tết này ai đến xông nhà" của đạo diễn Trần Lực đã thu được thành công hơn cả mong đợi với doanh số 700 triệu. Lợi thế của nó là chất hài và được công chiếu trong dịp tết. Không mấy khi mà các rạp lại có những buổi cháy vé, phải tăng buổi và tăng phòng chiếu. Khán giả Việt Nam đâu phải đã quay lưng lại với điện ảnh của nước mình. Đơn giản là vì chúng ta đã không có được những bộ phim hay và chưa đáp ứng được nhu cầu của khán giả. "Em xem phim Việt Nam ở rạp có một lần. Em cũng không thích phim Việt Nam lắm vì loại phim giải trí không nhiều." - Anh Tuấn (20 tuổi), cho biết. Những ý kiến như vậy chúng ta có thể gặp rất nhiều. 

Tuần tới, TTCPQG sẽ công chiếu bộ phim đang khá ăn khách tại TP.HCM - ''Gái nhảy'' (đạo diễn Lê Hoàng). Nếu ''Gái nhảy'' cũng ăn khách tại Hà Nội thì các hãng phim cũng có khí thế hơn trong các dự án sắp tới. 

  • Bích Hạnh

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
“Gái nhảy” - Cách đi mới trên lộ trình cũ! (13/02/2003)
Sức hút của hài hước và lãng mạn trong dịp Valentine (13/02/2003)
Đạo diễn hài Đỗ Thanh Hải: "Phía trước tôi là… trường thành" (11/02/2003)
''Vẻ đẹp và sự xảo trá'' (10/02/2003)
Chương trình Chào xuân 2003 (21/01/2003)
Kim Thư - cô diễn viên có cá tính mạnh mẽ (13/01/2003)
Thêm một sân chơi mới của VTV2: Nữ sinh và tương lai (07/01/2003)
Phim mới trên VTV3: Thời niên thiếu của siêu nhân (03/01/2003)
Vẫn không chệch bước... (02/01/2003)
Phim ''Người đàn bà mộng du'' sang giai đoạn mới (02/01/2003)
Truyền hình số Bình Dương: Mở rộng cửa đón người xem (02/01/2003)