“Gái nhảy” - Cách đi mới trên lộ trình cũ!
13:01' 13/02/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Nếu tôi là gái nhảy, cave (nói trắng ra là gái điếm), chắc tôi sẽ suy nghĩ nhiều lắm khi xem xong bộ phim này. Tuy thế,  kết cục của phim có đủ sự thức tỉnh để tôi… bỏ nghề hay không thì chưa chắc!. Nhưng không nghi ngờ gì, bộ phim đủ để tạo ra những cuộc nói chuyện nghiêm túc về đời và ‘’nghề’’ giữa các các cô gái nhảy, cave thực sự và lấy đi ít nhiều nước mắt của người xem.

Một cảnh trong phim ''Gái nhảy''

Chỉ nguyên tên phim đã rất gây tò mò, lại thêm chuyện “sốt vé'' tại đa số các rạp ở TP.HCM suốt từ mùng 8 Tết đến nay. Hay hơn nữa là đối tượng khán giả “hùng hậu” nhất lại chính là cave, gái nhảy (họ đến để xem nghề của mình bị ‘’bóc” đến đâu). Bấy nhiêu thôi đã đủ để bộ phim truyện mới nhất của đạo diễn Lê Hoàng - ‘’Gái nhảy” kéo khán giả đến rạp ngày một đông. Vé ‘’Gái nhảy’’ bán ra “đánh bại” số lượng khiêm tốn của “Người Mỹ trầm lặng” hay “Một giờ làm quan”, “Hà Nội 12 ngày đêm”…

Cái kết của phim là cảnh rất khó thấy ngoài đời (nhưng mà rất xúc động): ‘’Trên diễn đàn về căn bệnh thế kỷ, Hạnh (Minh Thư đóng) mặc một bộ đồ cũn cỡn, hở hang, chân đi nạng và nói, khẩn khoản và đôi khi gào thét những điều cả bộ phim muốn nói: ‘’Hãy ngăn chặn căn bệnh thế kỷ, hãy cứu lấy các cô gái lầm lỡ đừng nói nhiều mà hãy hiểu và làm đi, muộn rồi đấy!’’. Cho tới lúc chuẩn bị cho cái chết, cô gái ấy mới nói thật rằng mình không biết HIV là cái gì mà chỉ thấm thía nỗi khổ nhục khi phải ngủ dưới lề đường, cống rãnh và chịu sự ghẻ lạnh của người đời. Cũng cho tới lúc cái chết gần kề, cô mới nghĩ đến chuyện đi tìm mẹ và lấy chồng…

Cảnh trong phim chủ yếu được quay trong vũ trường, thực trạng của nó cũng được đưa lên màn hình khá thật, nói như nhận xét của đạo diễn Đặng Nhật Minh: “Phim đã phơi bày cho ta một mảng hiện thực trần trụi (đúng nghĩa đen của nó) mà không phải ai cũng biết được nếu không phải là dân chơi sành điệu và trong túi có thừa mứa đô la... ‘’. Phía sau những ánh đèn chớp lóa rực rỡ là một thế giới khác của ‘’luật rừng”, các vũ nữ tranh khách, kiệt sức, vật vã, say xỉn... Phim gây xúc động cũng còn vì nó đã hướng người xem nhìn kỹ và sâu hơn vào cuộc sống thường nhật - một cuộc sống trái ngược với phấn son, mông ngực, rượu bia hay hút chích của các cô gái nhảy. Phía sau những cuộc chơi thác loạn, những ly rượu đắt tiền và những bộ trang phục sexy (đi thuê) là cơm, là áo, là mẹ, là con, lại có cả tình nghĩa bạn bè và “đồng nghiệp”…Và sâu xa hơn nữa là những số phận bất hạnh, nghèo hèn và cả sự thừa thãi vật chất nhưng thiếu thốn tình cảm và sự dạy dỗ đến nơi đến chốn…

Nhân vật nhà báo Thu (Bích Hằng đóng) là một cách để khai thác các vấn đề cốt lõi của cuộc sống nói trên. Không nhận xét về diễn xuất nhưng có một vài chi tiết chưa được hợp lý lắm (như cảnh đi xe máy tìm các cô gái nhảy, đã không tiếc gì vứt xe giữa đường để nhảy lên xe ôm - chuyện này hiếm - nhất là ở TP.HCM thì càng hiếm hơn).

Poster quảng cáo phim

Ekip diễn viên và diễn xuất thể hiện khá thật, không gây cảm giác ‘’sượng’’ dù diễn được giống như nghiện, ‘’vật’’ hay nhảy như... gái nhảy thật chẳng dễ dàng gì. Đây là thành công của Mỹ Duyên, Minh Thư, Bằng Lăng, Anh Vũ. Phim nói về đề tài hiện đại hoàn toàn, có những cảnh quay khá…bạo tay, diễn viên ăn mặc cũng rất …bạo dạn. Nhưng ‘’có thế mới thể hiện được cuộc sống của giới ‘’ăn chơi’’ một cách chân thực được’’ – như ý kiến của anh Trần Quốc Phương, khán giả xem ‘’Gái nhảy’’ tại Diamon Plaza.

Hoàn cảnh đưa đẩy, các cô gái phải làm cái nghề cặn bã của xã hội, cuối cùng là sự ăn năn và hiểu ra được những ý nghĩa cao đẹp hơn trong cuộc sống…những nội dung như thế đã thấy ở nhiều bộ phim rồi. Nhưng ‘’Gái nhảy’’ thu hút khán giả nhờ một cách thể hiện khác sống động hơn, “đời” hơn và sâu sắc hơn. Có nhiều khán giả - thành công ban đầu của "Gái nhảy" là rất đáng mừng, nó đã nhen nhóm lên hy vọng từ các nghệ sĩ, các nhà sản xuất và phát hành về cuộc cạnh tranh giành lại thị trường nội địa của phim Việt Nam lâu nay bị phim Mỹ, Hàn Quốc ‘’lộng hành’’

Tóm lại, ‘’Gái nhảy” là một bộ phim đạt được hiệu quả cả về diễn xuất, đạo diễn, ‘’hấp dẫn’’ và có tính giáo dục với giới trẻ.

  • Nhật Mai

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sức hút của hài hước và lãng mạn trong dịp Valentine (13/02/2003)
Đạo diễn hài Đỗ Thanh Hải: "Phía trước tôi là… trường thành" (11/02/2003)
''Vẻ đẹp và sự xảo trá'' (10/02/2003)
Chương trình Chào xuân 2003 (21/01/2003)
Kim Thư - cô diễn viên có cá tính mạnh mẽ (13/01/2003)
Thêm một sân chơi mới của VTV2: Nữ sinh và tương lai (07/01/2003)
Phim mới trên VTV3: Thời niên thiếu của siêu nhân (03/01/2003)
Vẫn không chệch bước... (02/01/2003)
Phim ''Người đàn bà mộng du'' sang giai đoạn mới (02/01/2003)
Truyền hình số Bình Dương: Mở rộng cửa đón người xem (02/01/2003)