,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
523432
Câu chuyện về sổ hộ khẩu
1
Article
null
,

Câu chuyện về sổ hộ khẩu

Cập nhật lúc 21:20, Thứ Tư, 06/10/2004 (GMT+7)
,

Không phải cho đến bây giờ người ta mới nhận ra hàng loạt phi lý từ chuyện hộ khẩu. Buồn thay, hộ khẩu hiện nay vô hình trung tạo nên một rào cản cho sự phát triển về giáo dục - kinh tế cũng như xã hội… 

Với vợ chồng anh hàng xóm nhà tôi, hộ khẩu luôn là nỗi ám ảnh buồn trong chục rưỡi năm trở lại đây - kể từ khi họ thành hôn. Không có hộ khẩu thành phố không xin được việc ở Đài phát thanh anh đành ra ngoài bán săm lốp xe đạp. Thế là đành bỏ quên cái bằng Đại học Ngữ văn! Rồi chạy đôn chạy đáo cũng được cái “mác” KT3 để cho con vào tiểu học, trung học cơ sở. Ngày con anh học hết cấp hai, lại một lần nữa anh “vắt giò lên cổ" chạy cho con vào trường bán công - trường vốn dành cho những đứa trẻ có hộ khẩu mà không đủ điểm vào trường công. Trường hợp như con anh muốn học trường công phải tốt nghiệp loại khá, giỏi lại còn phải nộp thêm tiền trái tuyến. Điều đó, không biết vô tình hay hữu ý tạo nên trong con trẻ một cảm giác phân biệt đối xử. Ngẫm lại, thấy có vẻ như chúng ta mất nhiều hơn được khi sự phân biệt này ngày càng quá rạch ròi.

 

Sổ hộ khẩu không chỉ cản trở bước đi con trẻ mà còn gây tổn thất khá lớn cho những công ty, cơ quan, doanh nghiệp vì phải “núp bóng” tuyển người có hộ khẩu thành phố. Thực tế, dân tỉnh lẻ nhập cư cống hiến cho thành phố rất nhiều nhưng vẫn phải ngậm ngùi với hai chữ nhập cư… Và cũng chỉ hai chữ nhập cư ấy mà được hưởng những “ưu đãi” đến đáng ngại như giá điện nước bao giờ cũng phải trả theo “dịch vụ” cao hơn nhiều lần so với người có hộ khẩu, muốn mua xe máy phải nhờ đến người quen có hộ khẩu thành phố đứng tên...

 

Rào cản từ sổ hộ khẩu không chỉ dừng lại ở mức tạm cho phép như thế! Thực tế, còn rất nhiều biến tướng phía sau mà có mấy ai hiểu đến thấu đáo tận cùng. Để có hộ khẩu xin vào một công ty hay cơ quan nào đó, nhiều người có thể bất chấp luật pháp để “dựng” lên một tờ hôn thú chỉ mong sớm mai kia bỗng thấy mình là dân tỉnh lẻ… lên đời. Dĩ nhiên là tờ hôn thú ấy sẽ được đôi bên giải quyết ổn thỏa theo quy trình… đôi bên cùng có lợi, tờ hôn thú phi pháp kia tất cả cũng vì mưu sinh chứ chẳng phải thứ tình yêu gì. (Có chăng cũng chỉ yêu cái “mác "Hộ khẩu thành phố")

 

“Đất lành chim đậu”. Sự thật ấy đúng cho những ai bỏ quê lên phố lập nghiệp một cách chân chính đã đành, các băng nhóm tội phạm cũng góp phần làm tăng dân số thành thị theo kiểu “nước chảy chỗ trũng”. Các nhà quản lý xã hội đặt ra những tiêu chí khắt khe quanh việc nhập khẩu để hạn chế việc tăng dân số ở các thành phố lớn, mục đích vẫn là để an ninh xã hội được tốt hơn.

 

Nhưng trên thực tế, thường có chuyện "muốn vậy mà không được vậy": Người dân tốt góp phần xây dựng thành phố chỉ vì chưa có hộ khẩu mà phải “chạy cửa sau” để mong có việc làm. Còn bao nhiêu băng nhóm tội phạm đang tung hoành ngang dọc ở những thành phố lớn  - hiển nhiên không phải trong đó đều không có hộ khẩu. Thế thì, hộ khẩu có phải là chế tài mạnh để hạn chế bọn tội phạm?!

 

Sổ hộ khẩu không phải là con đẻ của thời cận, hiện đại mà có nguồn gốc từ thời Trung Hoa cổ đại. Viên Pháp thị tên Thương Ưởng đời nhà Tần nghĩ ra cách quản lý xã hội Trung Hoa thời bấy giờ tốt hơn trong đó có sổ hộ khẩu (và có không ít người dân đương thời và sử sách đời sau giận ông vì kiểu quản lý này).

 

Vào thời điểm hiện tại, khá nhiều thành phố trên cái nôi sinh ra “sổ hộ khẩu” - Trung Hoa -  đã lãng quên cách quản lý đầu người trên sổ hộ khẩu và câu chuyện về hộ khẩu. Nhưng còn ở ta, chỉ là nơi “chủ nghĩa hộ khẩu” du nhập và tiếp biến thôi, thế mà câu chuyện về sổ hộ khẩu lại đang có vẻ như rất khó bị "quên"...

 

 Và dân nhập cư - những người đang bị phiền toái vì cái sổ hộ khẩu nhiều nhất lại là những người mong ước những nhà quản lý lãng quên "câu chuyện" về cái sổ hộ khẩu càng nhanh càng tốt vì những phiền toái vây bọc họ. Những phiền toái đó, vô hình trung lại đang là một trong những rào cản cho sự phát triển. 

 

  • Công Khanh

Ý kiến của bạn về chuyện hộ khẩu ra sao, hãy bày tỏ tại đây:

Ý KIẾN BẠN ĐỌC:

 

Nguyễn Đình Phiên, 70 Trần Hưng Đạo, Bình Định, Email: Phientchq@yahoo.com
Nên thay sổ hộ khẩu bằng thẻ công dân, trong đó chứa đựng thông tin không chỉ về hộ khẩu mà còn nhiều thông tin khác về: Nghề nghiệp, sức khoẻ, bảo hiểm, nhóm máu, tài khoản, giấy phép lái xe... Riêng trẻ em dưới 14 hoặc dưới 18, hoặc dưới 25 (tuổi sinh viên) sẽ có thẻ riêng. Đối tượng này được hưởng ưu đãi xã hội của trẻ em hoặc sinh viên. Đối tượng bị tước quyền công dân sẽ bị tịch thu thẻ.

Tuan Anh, Ha Noi
Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, vậy mà nhiều em nhỏ chỉ vì không có hộ khẩu Hà Nội mà phải vào các trường học bán công. Dù trường bán công không phải là không tốt, nhưng nếu các em thi và học đúng theo lực học của mình thì trình độ tư duy của các em sẽ tiến xa rất nhiều. Mong rằng các em có được sự quan tâm để tự tin học hành.

Dương Văn Lý, Sở Công nghiệp Quảng Nam,Email: duonglyqn@vnn.vn
Tôi nghĩ rằng việc quản lý người dân qua sổ hộ khẩu là đúng. Điều đó giúp cơ quan nhà nước quản lý được dân số và qua đó là một số lĩnh vực khác như an ninh, trật tự xã hội... Tuy nhiên cần phải cải cách phương pháp quản lý hộ khẩu hiện nay. Việc đăng ký hộ khẩu nếu khó khăn quá sẽ dẫn đến một số hệ quả như bạn Công Khanh đã nêu trong bài báo. Hơn thế nữa sẽ dẫn đến tình trạng một số người dân sống tại đô thị mà không có hộ khẩu, điều này vô hình trung lại phản tác dụng trong quản lý xã hội, cơ quan nhà nước sẽ không quản lý được số người này. Đây sẽ là một trong các yếu tố làm phức tạp thêm vấn đề an ninh, trật tự xã hội. Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ nên đơn giản hoá việc cấp hộ khẩu. Bởi vì dù muốn hay không, người ta vẫn phải sinh sống tại nơi đã quyết định sống, cho dù không có hộ khẩu, do đó Nhà nước cần phải quản lý họ, dưới hình thức sổ hộ khẩu.

Nguyen Tien Cuong, 6b Lang Ha- Ba Dinh- Hanoi, Email: tiencuongrtn@hotmail.com
Cảm ơn anh Công Khanh. Tôi hoàn toàn ủng hộ anh. Tôi tin chắc rằng nếu chúng ta áp dụng quản lý nhân khẩu bằng cách mã hoá (tức là mọi con người sinh ra trên đất nước đều được gắn với một ký hiệu mã số nhất định) vậy thì bất kể người này đi đâu, làm gì và ở đâu thì các nhà quản lý đều có thể tìm ra và thu thập thông tin một cách đầy đủ, nhanh chóng và chính xác nhất... Tôi xin đưa ra một ý kiến nhỏ thế thôi, chứ còn để mà đưa ra bàn luận chắc còn rất nhiều điều cần phải nói. Chúc anh sức khoẻ và công tác tốt.

Nguyễn Thế Yên, 75 Yên Ninh - Ba Ðình - Hà Nội, Email: yentraphaco@yahoo.com    Có lẽ rất nhiều người có ý kiến giống tôi về vấn đề hộ khẩu hiện nay, theo tôi Nhà nước cần tạo cơ chế thông thoáng hơn về vấn đề này. Hoàn cảnh của tôi hiện nay cũng không biết phải làm thế nào khi mà tôi đã có vợ và con, công việc ổn định tại Hà Nội. Song về chuyện hộ khẩu của tôi, vợ tôi hiện giờ vẫn mỗi người một nơi, con tôi chưa biết khai sinh ở đâu. Thực tế, tôi chưa bao giờ có ý định đưa con về quê sống vì chúng tôi đã ổn định về công việc, cũng như điều kiện sống. Tôi đã đi học, ra trường, đi làm tại Hà Nội đã 11 năm (từ1993) nhưng chưa bao giờ được thực hiện nghĩa vụ của người công dân bình thường, ví dụ như đi bỏ phiếu chẳng hạn.

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,