221
448
Sức khoẻ
suckhoe
/suckhoe/
999564
Công bố dịch tiêu chảy, cấm mắm tôm, mắm tép
1
Article
null
Công bố dịch tiêu chảy, cấm mắm tôm, mắm tép
,

(VietNamNet) - Trong khi chưa xác định được nguyên nhân chính gây ra hàng loạt ca tiêu chảy cấp, Sở Y tế Hà Nội quyết định tạm thời cấm sử dụng mắm tôm, mắm tép trên địa bàn thành phố.

bn
Ai dám chắc những món ăn thế này đảm bảo vệ sinh.
Trước tình trạng bệnh nhân tiêu chảy cấp tăng lên bất thường, sáng 30/10, Sở Y tế Hà Nội đã có cuộc họp khẩn cấp về vấn đề này. PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Hiện chưa xác định được loại vi khuẩn gây nên tình trạng trên nên chưa xác định được đây là bệnh tả, bệnh lị hay thương hàn… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch tiêu chảy cấp như thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thời tiết thay đổi bất thường…

Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo lên Bộ Y tế tình hình dịch bệnh. Trong khi chờ đợi các cơ quan chuyên môn xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm này, Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đã quyết định đình chỉ sử dụng mắm tôm, mắm tép trong chế biến, kinh doanh của các cửa hàng ăn, siêu thị và dịch vụ thức ăn đường phố.

Công bố dịch tiêu chảy cấp

Tại cuộc họp khẩn chiều 30/10, Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn cho biết, tổng cộng đã có 36 bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy cấp trong đó Hà Nội có 30 trường hợp, Vĩnh Phúc 2 trường hợp và Hà Tây 4 trường hợp được đưa đến các bệnh viện như ở Viện Nhiệt đới và các bệnh truyền nhiễm Quốc gia, Bệnh viện Quốc Oai (Hà Tây), Bệnh viện 19/8...

Các bệnh nhân vào viện với các triệu chứng về tiêu hóa như tiêu chảy nhiều, nôn, mất nước. Phần lớn trong số họ đã điều trị ở phòng khám tư nhân hoặc y tế địa phương. Sau đó khi được chuyển lên tuyến trung ương, họ mới được chẩn đoán là mắc bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Các trường hợp mắc bệnh sau khi nhập viện đã được truyền nước, điện giải, thậm chí có trường hợp phải truyền đến 10-15 lít nước, đa số bệnh nhân đã phục hồi tốt.

Ngay sau khi xảy ra các trường hợp mắc bệnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giám sát chặt chẽ ổ dịch, xử lý triệt để khu vực nguồn nước và môi trường xung quanh nhà bệnh nhân bằng Chloramine B 5%. Những người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cũng được điều trị dự phòng bằng kháng sinh. Nhân viên y tế trực dịch 24/24h.

Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn cảnh báo, vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy khiến bệnh nhân đi ngoài và nôn liên tục, gây mất nước và điện giải nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, 40-50% số bệnh nhân có thể tử vong do trụy tim mạch.

Đề phòng dịch lây ra diện rộng, Bộ Y tế cũng đã lập Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, tiến hành tổng kiểm tra thực phẩm, trước hết là ở các tỉnh phía Bắc. Bộ yêu cầu các tỉnh miền Trung thường cung cấp mắm tôm cho phía Bắc như Thanh Hóa, Nghệ An ngừng vận chuyển mặt hàng này. Ngày 31/10, Bộ cũng sẽ tổ chức 4 đoàn kiểm tra thực phẩm đi đến các tỉnh như Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hoá… tập trung vào hải sản và thức ăn tươi sống.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân các tỉnh phía Bắc không ăn các thực phẩm chưa nấu chín, đặc biệt là mắm tôm, mắm tép, hải sản tươi sống, gỏi cá, nem...

Đây là bệnh lây lan nhanh và dễ tử vong, song có thể phòng tránh được. Do đó, Cục Y tế dự phòng đã có công điện khẩn gửi Sở Y tế Hà Nội về các biện pháp phòng chống bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Theo đó, mọi người dân nên thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường: rửa tay bằng xà phòng, tránh tập trung ăn uống đông người, hạn chế người ra, vào vùng đang có dịch, gia đình có người bị bệnh phải tiến hành sát khuẩn nhà tiêu bằng vôi bột hoặc Cloramin B. Mọi nhà thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn rau sống, uống nước lã và các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi, tiết canh, nem chua...

  • Lệ Hà
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,