221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1016242
Chính quyền đô thị không nên "đóng cửa" với dân nhập cư
1
Article
null
Chính quyền đô thị không nên 'đóng cửa' với dân nhập cư
,

(VietNamNet) - Số phận nông dân và bức tranh nông thôn Việt Nam sẽ ra sao trong vòng 10-20 năm tới, nhất là khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng? Nhiều nhà khoa học cho rằng, sự bất bình đẳng, phân hoá giàu nghèo gia tăng và làn sóng di cư khỏi nông thôn... là thực tế đang diễn ra mà Việt Nam vẫn loay hoay tìm hướng giải quyết.

>> Xây nền nông nghiệp giá trị cao, Việt Nam khó với?
>> WB: VN vẫn loay hoay với bài toán nông nghiệp, nông thôn
>> Việt Nam chưa dịch chuyển được cơ cấu lao động

Bất bình đẳng dịch chuyển bất lợi

Tại Hội thảo "Nông dân Việt Nam trong quá trình hội nhập", do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (ISPARD) tổ chức ngày 18/12 tại Hà Nội, TS. Đỗ Thiên Kính, Trưởng phòng Nông thôn, Viện Xã hội học (Viện KH-XH Việt Nam), đưa ra hai nhận xét đáng lưu ý về bất bình đẳng đang diễn ra ở Việt Nam. Sự bất bình đẳng này lớn hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nếu căn cứ vào các chỉ số về bất bình đẳng cơ hội. 

Độ giãn thu nhập giữa dân nông thôn và thành thị ngày càng lớn. (ảnh Tổng cục Du lịch)

Chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn - thành thị lên tới trên 6,9 lần (2004) chứ không phải con số 3,5 lần như vẫn nhắc đến. "Bất bình đẳng tăng sẽ làm cho sự gắn kết xã hội yếu đi và chứa đựng những tiềm ẩn của xung đột xã hội", ông Kính cảnh báo.  

Hơn nữa, ở Việt Nam đang diễn ra xu hướng dịch chuyển từ sự bất bình đẳng giữa nông thôn và đô thị (1993-1998) sang sự bất bình đẳng giữa người dân tộc thiểu số và người Kinh/Hoa (2004). Tức là, sự đói nghèo giờ chuyển sang vùng nông thôn miền núi và là nghèo đói của người dân tộc thiểu số.

Độ giãn giàu nghèo trên thực tế còn cao hơn nhiều nếu chúng ta tính đến tài sản của các bộ phận dân cư, mà nay mới chỉ dựa vào thu nhập. Ví như nông dân có mảnh đất 5-7ha nhưng không có quyền gì cả, trong khi người dân đô thị có quyền sở hữu nhà đất của mình - khối tài sản có giá trị.

Sự phân hoá còn thể hiện ở chỗ: người giàu rất dễ giàu thêm còn người nghèo lại nghèo càng nhanh. Thế của người nông dân rất bất lợi.  Điều tra của Viện KH-XH Việt Nam cho thấy, 51% nông dân khi gặp khó khăn kêu cứu thì chỉ 1/3 trong số đó nhận được sự giúp đỡ. Trong quá trình hội nhập, nông dân sẽ ra sao khi thua thiệt đủ đường?

TS. Vũ Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn (ISPARD), cho rằng, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng không hạn chế được khoảng cách này. Điển hình là thu nhập giữa nông thôn - thành thị ở ĐBSCL (vùng xuất khẩu gạo lớn nhất nước) không những chẳng tăng mà còn âm 9% (năm 2004 so với năm 2002). Quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá cũng chưa mang lại hiệu quả khi Bắc Ninh có nhiều KCN hơn, đô thị mạnh mẽ hơn nhưng số người nghèo vẫn đông hơn Nam Định - một tỉnh thuần nông. 

Chính vì vậy, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng khuyến cáo, nông thôn Việt Nam tưởng như đang rất bình lặng, nhưng tiềm ẩn nguy cơ biến động lớn. Lao động nhàn rỗi ở nông thôn nhiều, bộ máy lãnh đạo cơ sở đánh mất niềm tin ở nhân dân. Dân chủ cơ sở ở nhiều nơi có biểu hiện rất đáng lo ngại. Gần một năm nay, Việt Nam cũng mới nghiên cứu tương đối dày công về nông thôn, còn nông dân với các vấn đề đang phải đối mặt thì chưa có nghiên cứu thấu đáo. Nếu trong quá trình CNH, HĐH đất nước, nông dân vẫn nghèo thì sự nghiệp này sẽ khó thành công. 

Di dân là chiến lược sống?

Nguyên nhân chính dẫn tới việc di dân chính là sự khác biệt về mức sống giữa thành thị với nông thôn. Theo PGS.TS Đặng Nguyên Anh (Viện KH-XH Việt Nam), di dân đang đóng vai trò tích cực, được coi như là chiến lược sống của người dân nông thôn. Trên thực tế, 5 năm qua, cả nước có 486.500 người di cư, trong đó 57% di cư từ nông thôn ra thành thị. Riêng TP.HCM mỗi năm tiếp nhận thêm 240.000 người, còn Hà Nội tỷ lệ người nhập cư là 9-10% dân số.  

Mất đất và sự gia tăng dân số buộc người nông dân phải kiếm kế sinh nhai ở đô thị. Di dân cũng đáp ứng nhu cầu lao động ở thành thị, đồng thời giúp “điều chỉnh” sự chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị thông qua khối lượng tiền, hàng chuyển về nông thôn.
 

Bất bình đẳng về thu nhập giữa nông thôn - thành thị là nguyên nhân buộc lao động nông thôn di cư ra thành thị.


Theo TS. Anh, tiền lao động của người đi làm ăn xa gửi về nhà ở nông thôn chiếm tới 60% thu nhập, rót thẳng vào nền kinh tế nông thôn. Đây cũng chính là nguồn để người dân thoát nghèo, không rơi vào ngưỡng nghèo. Nó như một nguồn an sinh xã hội với người ở lại nông thôn, kích cầu hàng hoá. 

Tuy nhiên, TS. Đặng Nguyên Anh nhận xét, hệ thống pháp luật về cư trú vẫn là rào cản để người nông dân di cư hội nhập vào đô thị, chưa kể sự phân biệt đối xử về cung cấp dịch vụ giữa người đô thị và người nhập cư. Điều này dẫn tới tình trạng, người nghèo ở đô thị chính là nhóm người di cư từ nông thôn tới do chưa tiếp cận được hệ thống hiện nay và bị phân biệt đối xử. Toàn bộ sự quản lý của nhà nước đã gây khó khăn cho sự di cư, trong khi xu hướng này trong tương lai còn rất lớn. 

TS. Nguyễn Quang A cho rằng, quá trình di cư 50 năm qua ở các nước phát triển cũng như vậy. Đối với Việt Nam, để trở thành một nước công nghiệp, dân số nông thôn làm nông nghiệp phải giảm xuống còn 10-15% (hiện vẫn là 70%). Do vậy, việc nông dân di cư ra thành phố là nhu cầu bức xúc nhưng... đương nhiên, không nên dùng chính sách ngăn cản. Di cư rất có lợi cho sự phát triển, xoá đói giảm nghèo. 

Với nhiều người, ở thành thị có khổ, nhưng vẫn là “thiên đường” so với nông thôn. Nông dân có quyền tự chủ, quyết định cuộc sống của họ.

Ông Quang A kiến nghị Nhà nước cần có các chính sách để di cư một cách suôn sẻ, êm thấm không tai biến động xã hội và bất công lớn. Thay vì nghĩ ra những chính sách ngăn cản di cư, các cơ quan chức năng nên có chính sách khuyến khích và cùng nông dân đô thị hóa nông thôn. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng di dân vào những đô thị cụ thể. Quan điểm này được nhiều đại biểu ủng hộ. 

Nghiên cứu tại 8 tỉnh của ISPARD chỉ rõ, tỷ lệ dân di cư ra khỏi các địa phương lớn nhất là 40%. "Lao động nông thôn đi gần hết, nếu 10 năm nữa họ trở về đất không còn sẽ sống ra sao, trong khi chính quyền đô thị lại đóng cửa với họ?", TS. Vũ Trọng Bình đặt câu hỏi.

Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cũng đồng tình, không nên ngăn cản di dân, nhưng cần nhanh chóng đưa các KCN về nông thôn, dời đô thị về nông thôn, tạo việc làm tại chỗ. Việc xây dựng các thị tứ, thị xã ở nông thôn mới là rất cần thiết. Cơ cấu lao động lao động nông thôn theo tỷ lệ 30-40-30 là hợp lý, trong đó 30% làm nông nghiệp, 30% công nghiệp và 40% làm dịch vụ. Ngay trong ngành nông nghiệp cũng cần phải nghiên cứu xem xét, cơ cấu lại. Sản xuất nông nghiệp thì phải tích tụ ruộng đất, song chính sách hiện nay rõ ràng chưa đáp ứng được yêu cầu. 

Ông Hùng tiết lộ, nếu không có gì thay đổi, Hội nghị TƯ 7 (khóa X) diễn ra vào 6/2008 sẽ bàn rất sâu và căn bản về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bộ NN-PTNT cũng sẽ tổ chức các hội thảo lớn cấp vùng, với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, quản lý vĩ mô, các nhà khoa học nước ngoài am hiểu về Việt Nam để bàn về vấn đề "tam nông" này. 

  • Hà Yên
     
    Ý kiến của bạn đọc:
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,