221
5103
Thị trường
thitruong
/kinhte/thitruong/
829780
Khi nông dân làm ăn “lớn”
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Khi nông dân làm ăn “lớn”
,

Một số nhà nông ở TP.HCM đang tập làm ăn lớn bằng cách phấn đấu trở thành những đối tác của các siêu thị.

Không tham bát bỏ mâm

Gian hàng bán rau sạch của một số hộ nông dân Hóc Môn tại siêu thị Metro - Ảnh: H.Đ

Đầu tháng 8-2006, khi giá các loại rau trên thị trường tăng mạnh, một số hộ trồng rau trong tổ rau an toàn (RAT) Bình Chánh đã “xì xào” về mức giá rau mà tổ này đã thỏa thuận trước đó với một siêu thị. Trong khi giá thị trường của loại rau cải bẹ xanh lên đến 3.500 đồng/kg, có thời điểm giá lên tới 4.000 đồng/kg thì tổ RAT Bình Chánh vẫn phải giao một số lượng khá lớn loại rau này cho siêu thị với giá chỉ khoảng 3.300 đồng/kg.

Giá sản phẩm đưa vào bán ở siêu thị có thể  thấp hơn  bán cho thương lái bên ngoài. Thế nhưng cái được lớn nhất ở đây là quảng bá được thương hiệu và bước đầu tìm kiếm sự ổn định đầu ra cho sản phẩm.

“Vạn sự khởi đầu nan, nhưng có lẽ mọi chuyện sẽ tốt hơn trong thời gian tới. Chị Loan - cơ sở nấm HSC (Hóc Môn) - nói.

Đã có một số hộ tỏ thái độ không vui, muốn giữ hàng bán ra ngoài với giá cao. Tuy nhiên, sau khi nghe ông Nguyễn Văn Sướng - tổ trưởng tổ RAT, cùng nhiều hộ khác phân tích lợi hại, hiện tượng “tham bát bỏ mâm” đã không xảy ra, hằng ngày tổ rau này vẫn cung cấp đủ số lượng rau theo đơn đặt hàng của siêu thị. “Khi được chúng tôi phân tích rằng làm ăn phải giữ chữ tín, mọi thành viên trong tổ đều hiểu và vui vẻ. Dù có thiệt hại một ít nhưng giá hàng nông sản có lúc này lúc khác, đâu phải đứng ở mức cao mãi...” - ông Sướng nói.

Ông Nguyễn Quốc Toản - chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) RAT Tân Phú Trung - cho biết kể từ sau khi đơn vị này ký được hợp đồng tiêu thụ với siêu thị Metro, nhiều xã viên trồng rau trong HTX đã thở phào do đã có kênh tiêu thụ ổn định.

Hiện nay, các loại RAT của HTX này như rau muống, mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, dền... có sản lượng khoảng 1-1,2 tấn/ngày, trong đó hơn 70% được cung cấp cho Metro và một số nhà trẻ. “Sản phẩm rau của tất cả xã viên trong HTX đều đảm bảo đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, vì bản thân các xã viên ý thức phải đảm bảo qui trình sản xuất để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó sản phẩm còn được kiểm tra thường xuyên của các cơ quan chuyên môn. Tại các buổi làm việc trong HTX, một nội dung luôn được các thành viên nhắc nhở nhau là phải giữ uy tín và đảm bảo chất lượng, những yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của nghề trồng RAT” - ông Toản nói.

Làm ăn lớn

Anh Lê Quốc Sử (Nhà Bè) cho biết mặc dù sản phẩm nấm bào ngư đang rất hút hàng trên thị trường, nhưng việc đưa sản phẩm này vào siêu thị Metro mới đây được xem là một bước ngoặt cho hoạt động sản xuất của mình. Ngoài việc đầu tư cho một số hộ khác trồng nấm để nâng sản lượng lên gấp đôi trong thời gian tới, anh Sử cũng đang có kế hoạch đưa hàng vào nhiều siêu thị khác.

Với cách làm tương tự, mặt hàng nấm bào ngư Nhật với thương hiệu nấm HSC của chị Loan (Hóc Môn) đã có mặt ở nhiều siêu thị như Metro, Big C, Maximark... Đưa hàng vào siêu thị, nấm được đóng gói, có đầy đủ thông tin về chất lượng, nơi sản xuất sản phẩm... để khách hàng dễ dàng lựa chọn.

Trường hợp của anh Quách Vĩnh Tấn (Bình Tân) cũng nhờ làm ăn với siêu thị mà sản phẩm “kỹ thuật cao” của anh đã có được thị trường tiêu thụ. Sau một thời gian dài mày mò trồng thử nghiệm loại rau mầm, anh Tấn đã thành công trong việc sản xuất loại sản phẩm này theo tiêu chuẩn sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Hiện nay trại sản xuất của anh Tấn đã có một số loại rau mầm khá phong phú như củ cải trắng, các loại rau đậu... Tuy nhiên, sản xuất chỉ khó một thì tìm đầu ra lại khó đến mười vì sản phẩm khá mới với người tiêu dùng. Được Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp, Sở NN&PTNT TP.HCM giới thiệu vào danh sách cung cấp hàng thử nghiệm cho Metro, anh Tấn mừng như “bắt được của”, nhờ vậy người tiêu dùng mới biết đến rau mầm. Giờ đây anh đang lên kế hoạch đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị khác trên địa bàn như Co-op Mart, Maximark...

Tương tự, Công ty Gino vẫn kiên trì với kế hoạch phát triển 500ha chanh không hạt Limca (giống của Mỹ). Theo bà Nguyễn Thị Đào - giám đốc Công ty Gino, phải đưa hàng vào siêu thị, xây dựng thương hiệu, càng nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm, cũng là cơ hội để mở rộng diện tích trồng loại chanh này.

Còn hiện nay, mặc dù thị trường chuộng loại chanh này nhưng người nông dân vẫn chưa mặn vì e ngại sản phẩm không có thị trường tiêu thụ. “Đưa các mặt hàng nông sản mới vào siêu thị phải trải qua nhiều thủ tục, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn vệ sinh của sản phẩm. Đổi lại nhà sản xuất có điều kiện tốt để tiếp cận người tiêu dùng...” - bà Đào nói.                  

(Theo Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,