Điện hạt nhân: Rẻ, an toàn, chỉ nhân lực là... chưa ổn!
(VietNamNet)-Giá điện hạt nhân rẻ chưa tới 4 cent/kwh lại an toàn (lò phản ứng sẽ đóng kín khi có sự cố không cho phát tán phóng xạ). Tuy nhiên, nhân lực cho điện hạt nhân ở VN còn đang phải tính. Trao đổi giữa phóng viên VietNamNet với PGS-TS Vương Hữu Tấn.
PGS.TS Vương Hữu Tấn - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam: Hiện nay, sự chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt để có thể huy động sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp điện hạt nhân |
Nhân "Triển lãm và hội thảo quốc tế Điện hạt nhân 2006" vừa diễn ra tại Hà Nội (16-19/5), phóng viên VietNamNet đã có buổi trao đổi với PGS-TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam xung quanh vấn đề phát triển điện hạt nhân ở VN.
Điện hạt nhân: An toàn
- Tại cuộc họp báo gần đây, hai Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Viện Năng lượng cho biết, các nhà chuyên môn đã đề xuất chọn Ninh Thuận làm địa điểm xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân và hiện đang chờ Chính phủ phê duyệt... Sau công bố này, ông có nhận được ý kiến phản hồi từ người dân và chính quyền địa phương?
- PGS-TS Vương Hữu Tấn: Chúng tôi đã nhận được những phản ứng rất tốt. Ngay từ năm 2002, khi chúng tôi tổ chức một cuộc triển lãm Ứng dụng năng lượng nguyên tử vì hoà bình ở Ninh Thuận để giới thiệu về ứng dụng năng lượng nguyên tử cũng như thăm dò dư luận về vấn đề này. Chúng tôi đã nhận được ủng hộ của quần chúng và các nhà quản lý địa phương.
- Vì sao Ninh Thuận lại được chọn là một trong những địa điểm đề xuất xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta mà lại không phải là nơi nào khác?
- Ninh Thuận được đánh giá và đề xuất là có địa hình thuận lợi nhất, gần biển có thể xây dựng cảng, vận chuyển nguyên vật liệu, nước cung cấp xây dựng nhà máy và nước làm mát lò. Ngoài ra, các tỉnh phía Nam có nhu cầu tiêu thụ điện lớn và thiếu các nhà máy sản xuất điện. Ngoài Bắc, sau khi hoàn thành công trình Thuỷ điện Sơn La có thể đảm bảo đáp ứng khá tốt nhu cầu tiêu thụ điện của khu vực phía Bắc. Do vậy, xây dựng Nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận sẽ thuận lợi cho việc cung cấp điện ở phía Nam giảm thiểu tiêu hao điện.
- Thế nhưng khi chọn Ninh Thuận làm nơi đặt Nhà máy điện hạt nhân, các ông đã có lường trước nguy cơ sự cố mà các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới từng gặp phải, ví dụ như nổ lò phản ứng, sự tán phát tia phóng xạ...?
Một cụ già 80 tuổi đang chăm chú xem mô hình nhà máy điện hạt nhân tại Triển lãm Quốc tế Điện hạt nhân 2006 tổ chức tại Hà Nội (16-19/5). Ảnh: Ngọc Huyền |
- Theo sự chỉ đạo phát triển điện hạt nhân trong Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020 do Thủ tướng ký ngày 3/1/2006, chúng ta sẽ chọn những công nghệ hiện đại đã được kiểm chứng để đảm bảo độ an toàn. Với loại công nghệ này thì xác xuất xảy ra sự cố nghiêm trọng làm hỏng vùng hoạt động của lò phản ứng là rất nhỏ (từ 10-5 –10-6).
Hơn nữa, nếu có sự cố xảy ra thì tất cả các chất phóng xạ sẽ bị giam hãm trong nhà lò phản ứng không phát tán ra bên ngoài. Trong điều kiện vận hành bình thường thì không ảnh hưởng đến con người và môi trường. Còn vấn đề xử lý chất thải phóng xạ sẽ áp dụng công nghệ hiện đại của nước ngoài, được nhập đồng bộ trong hợp đồng xây dựng Nhà máy điện hạt nhân.
- Theo tìm hiểu riêng của chúng tôi, các nước hiện đang sử dụng phổ biến ba loại lò phản ứng hạt nhân là lò áp lực PWR (chiếm 60% tổng số lò phản ứng hạt nhân đang sử dụng trên thế giới), lò nước sôi BWR (chiếm 21%) và lò nước nặng PHWR ( CANDU, chiếm 8%) Dư luận cũng đang quan tâm Việt Nam sẽ chọn lựa loại công nghệ lò hạt nhân nào... ?
- Chúng tôi đã xem xét tất cả 3 loại công nghệ phổ biến này. Cả ba loại công nghệ này đều có thể đáp ứng được các yêu cầu về an toàn và cạnh tranh kinh tế đối với đất nước ta. Tuy nhiên, hiện nay Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, do vậy, việc lựa chọn loại công nghệ nào và đối tác nào còn đang phải tiếp tục nghiên cứu. Đây là trách nhiệm của cơ quan chuyên môn trong việc tư vấn cho Chính phủ trong thời gian tới.
... Và rẻ: Chưa đến 4 cent/kwh
- Nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư điện hạt nhân rất tốn kém...?
- Để so sánh về tính kinh tế khi xây dựng điện hạt nhân ở Việt Nam, các loại hình phát điện sau đã được đưa vào so sánh với điện hạt nhân với các nhà máy chạy khí (tua bin khí hỗn hợp, nhiệt điện khí), nhiệt điện than (nội địa và than nhập). Trong trường hợp hệ số chiết khấu 10%, với suất đầu tư 1690 USD/kwe thì điện hạt nhân có thể cạnh tranh với tất cả các loại hình phát điện khác.
Điện hạt nhân ngày càng an toàn, khi xảy ra sự cố, lò phản ứng hạt nhân bên trong nhà máy sẽ tự động đóng kín, không cho phát tán phóng xạ. Trong ảnh: Mô hình cắt ngang một nhà máy điện hạt nhân. (Ảnh minh hoạ từ http://www.climatetechnology.gov) |
Trong báo cáo dự án tiền khả thi giá điện được tính như sau: Với suất đầu tư 1676 USD/kwe thì giá của điện hạt nhân là 3,52 cent/kwh, điện than nhập 4,28 cent/kwh, điện khí hoá lỏng nhập 5,0 cent/kwh, điện khí nhập 4,23 cent/kwh và điện khí nội địa 4,0 cent/kwh. Do vậy, giá điện hạt nhân rẻ và càng rẻ hơn khi chúng ta xây dựng nhiều tổ máy trên cùng một địa điểm (Từ 4- 6 tổ máy).
-- Thế nhưng, chúng ta cứ nhất thiết phải xây dựng Nhà máy điện hạt nhân trong khi trên thế giới, có những nước phản ứng với điện hạt nhân. Một số nước như Đức và Thuỵ Điển đã có kế hoạch đóng cửa các nhà máy sản xuất điện hạt nhân... - Chúng tôi cho rằng, các phong trào phản đối điện hạt nhân ở một số nước châu Âu sau tai nạn Chernobyl, các lo sợ về quản lý và xử lý các chất thải phóng xạ và vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân gắn với phát triển điện hạt nhân cũng làm khó khăn thêm cho việc phát triển điện hạt nhân trên thế giới. Tuy nhiên, những thông tin gần đây cho thấy độ tích cực của công chúng với điện hạt nhân thực ra tốt hơn những gì mà người ta thường gán cho trong cuộc tranh luận. 2/3 người dân Mỹ ủng hộ sử dụng điện hạt nhân, 80% người dân Thuỵ Điển ý thức được về vấn đề bảo vệ môi trường muốn duy trì hoặc mở rộng Nhà máy sản xuất điện hạt nhân, gần 3/4 người dân Nhật Bản nhận thức được giá trị năng lượng hạt nhân. - Và Việt Nam cũng đi theo phong trào điện hạt nhân? - Đối với Việt Nam, chúng ta phát triển ngành năng lượng hạt nhân theo Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành ngày 3/1/2006. Ngoài ra, trước tình hình nguồn nhiên liệu dùng cho sản xuất điện hiện nay đang cạn kiệt dần, chúng ta phát triển điện hạt nhân là để phục vụ một phần thiếu hụt cho chính nhu cầu của chúng ta. Chúng ta cần phải xây dựng không chỉ một mà nhiều nhà máy điện hạt nhân. Theo tính toán trong nghiên cứu tiền khả thi, đến năm 2020 chúng ta sẽ có khoảng từ 2.000 MW đến 4.000 MW điện hạt nhân. Khi đó sản lượng điện hạt nhân sẽ chiếm tỷ trọng từ 7-9 % trong tổng sản lượng điện năng lượng của Việt Nam. Nhân lực: Cần quyết liệt phối hợp đào tạo nhân lực
- Thưa ông, theo lập luận của ông, VN cần phải xây dựng không chỉ một mà nhiều nhà máy điện hạt nhân... Nhưng theo hướng dẩn của IAEA, chỉ một nhà máy điện hạt nhân thôi đã cần tới 3.000 - 4.000 người (chuyên viên, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật). Trong khi đó, các trường đại học ở ta chỉ có mấy chục người tốt nghiệp ngành hạt nhân mỗi năm. Có người đã tính, nếu mỗi năm, Việt Nam đào tạo được 70-100 người thì phải sau 12 đến 15 năm nữa mới có đủ số cán bộ chuyên môn phục vụ các nhà máy điện hạt nhân. Ông có cho rằng, đây là một bài toán đố cho ngành điện hạt nhân VN? - Số lượng chuyên gia cho một dự án điện hạt nhân khoảng 500 người, số nhân lực còn lại là kỹ thuật viên và công nhân kỹ thuật. Chúng ta có một nguồn nhân lực đáng kể từ các dự án công nghiệp. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học-Công nghệ, Bộ Công nghiệp và Tổ công tác chỉ đạo nghiên cứu phát triển điện hạt nhân, các cơ quan chuyên môn đang xây dựng kế hoạch tổng thể về đào tạo cán bộ cho chương trình phát triển điện hạt nhân. Trên cơ sở 2 bản đề án đã được làm trong những năm vừa qua là Đề án đào tạo chuyên gia cho chương trình phát triển điện hạt nhân do Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam thực hiện và Đề án đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên do Viện Năng lượng thực hiện. Chúng tôi đang phối hợp triển khai xây dựng một đề án tổng thể đào tạo cán bộ cho chương trình phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay sự chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt để có thể huy động sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan. Các trường đại học cũng đang trong quá trình khởi động, chưa có những đề án về đổi mới về chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, chưa có các dự án đầu tư lớn nhằm tăng cường năng lực đào tạo công nghệ hạt nhân trong các trường, chưa có các chính sách ưu tiên ưu đãi để có thể có được các sinh viên giỏi theo học ngành hạt nhân. Vì vậy, theo chúng tôi, cần sớm thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển nguồn nhân lực cho Nhà máy điện hạt nhân như đã đựơc nêu trong Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020. - Nhưng không chắc chỉ có bài toán về nhân lực nếu muốn phát triển điện hạt nhân ở VN? - Đúng là Việt Nam cũng có những khó khăn riêng khi phát triển điện hạt nhân. Trước hết là vấn đề nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm còn thiếu. Thứ hai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và luật pháp còn thấp của chúng ta. Thứ ba, năng lực tài chính hạn chế. Thứ tư, sự chấp thuận của công chúng còn chưa có các nghiên cứu đầy đủ, đôi khi vẫn còn những thông tin phản đối của một số dân chúng. Thứ năm, ý thức chấp hành kỷ cương và văn hoá an toàn nói chung còn chưa cao. - Xin cảm ơn ông!
Ý kiến của Bạn: |