,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
648196
Thiếu điện: "Không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ"
1
Article
null
,

Thiếu điện: 'Không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ'

Cập nhật lúc 14:53, Thứ Hai, 23/05/2005 (GMT+7)
,

Phải đa dạng hóa nguồn cung cấp và biết phân tán rủi ro, ngành điện  phải công khai cho người tiêu dùng biết khả năng cung ứng...

Phía làng quốc tế Thăng Long: điện sáng trưng, bên khu tập thể Nghĩa Tân: tối thui do cắt điện (Ảnh chụp 20h30 ngày 22/5). Lệ Hà

Chuyên gia Phan Thế Hải: Hiện tượng mới, bài học cũ

Trong mấy ngày gần đây, những tin tức về mực nước hồ Hòa Bình xuống thấp dường như chiếm lĩnh hầu hết vị trí trang nhất các phương tiện truyền thông, bởi nỗi lo cắt điện đang rình rập ở mọi căn nhà, ngõ phố.

Thiếu mưa đồng nghĩa với thiếu nước, thiếu nước đồng nghĩa với thiếu điện, thiếu điện đồng nghĩa với cắt điện luân phiên và đồng nghĩa cả với máy lạnh, quạt điện chỉ là đống sắt vụn. Công sở ngừng hoạt động và ngay cả báo chí cũng có nguy cơ ngừng xuất bản khi nhà in thiếu điện. Nhiều bệnh nhân có nguy cơ tử vong khi các thiết bị y tế ngưng trệ vì không có điện... Điện cần thiết đến như vậy mà phụ thuộc vào sự “đỏng đảnh” của thời tiết quả là một thảm họa.

Ông cha ta  từng khuyên: “Không bỏ trứng vào một rọ”. Nguyên lý này đã được James Tobin (1918–2002), một giáo sư người Mỹ (Yale University) tổng kết thành học thuyết, công trình từng được trao giải thưởng Nobel về kinh tế năm 1982. Nhưng có những điều không nhắc e bị lãng quên. Vì thế, đối với nguồn năng lượng chiến lược như điện, không nên chỉ trông chờ vào mt nguồn là thủy điện. Khi "anh" này đỏng đảnh, ta có thể sử dụng "thằng" khác.

Không phải ngẫu nhiên ở xứ người, những nước có tiềm năng thủy điện dồi dào như Na Uy, Thụy Điển... , người ta phải xây hàng trăm nhà máy nhiệt điện, thêm vào đó là điện sức gió, điện nguyên tử song song với thủy điện theo một cơ cấu an tn, bền vững. Chẳng thế mà nhiệt điện hay điện nguyên tử đắt hơn thủy điện nhiều lần vẫn không nước nào dám bỏ qua.

Cách đây dăm năm, khi Miền Bắc còn thừa điện, một số chuyên gia năng lượng nước ngoài đã tư vấn cho chúng ta phải bổ sung nguồn năng lượng chạy than bằng cách mở rộng nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Uông bí; xây mới nhà máy nhiệt điện Na Dương (Lạng Sơn) Cao Ngạn (Thái Nguyên)... Một số ý kiến cho rằng, với tiềm năng thủy điện dồi dào, giá thành rẻ, đầu tư vào nhiệt điện là chưa cần thiết và kém hiệu quả kinh tế. Vì những ý kiến như vậy, cùng với những lý do khác, việc mở rộng và xây mới này không đạt được tiến độ như mong muốn.

Theo Tổng công ty Điện lực (EVN), hiện Việt Nam thiếu đến 2000 MW; Nhu cầu điện năng tăng 13%/ năm. Với đà tăng trưởng này, chúng ta phải nhập khẩu điện trực tiếp hoặc phải mua than, khí, dầu hỏa... nhằm vận hành các nhà máy nhiệt điện.  Việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử đã được tính đến. Vấn đề ở đây là phải chọn địa điểm đặt nhà máy, chọn công nghệ sao cho phù hợp với túi tiền lại vừa đảm bảo an toàn. Song, còn nhiều ý kiến bày tỏ những lo ngại về tính an toàn cũng như tác động đối với môi trường của các chất thải nên chương trình điện hạt nhân vẫn liên tục bị trì hoãn. Và tất nhiên, do thủy điện chiếm tỷ trọng quá lớn nên nguồn điện Việt Nam đang lệ thuộc nặng nề vào thủy điện.

Miền Bắc 10 năm trước là khu vực thừa điện. Đường dây 500 KV nhằm mục đích chia sẻ nguồn năng lượng cho miền Nam. Nhưng rồi, khi hàng loạt các dự án nhiệt điện và khí điện được xây dựng, miền Nam lại trở thành địa phương ổn định hơn về nguồn cung cấp điện và thay vì trông chờ điện từ miền Bắc, miền Nam đang trở thành nơi chi viện nguồn điện cho miền Bắc trong cơn khốn khó.

Khi chúng ta đang cuống cuồng lên vì chuyện thiếu điện thì việc mở rộng Nhà máy nhiệt điện Uông Bí được “xem như” một tín hiệu khả quan. Theo đó, dự án Nhiệt điện Uông Bí giai đoạn 2 sẽ có công suất 300 MWA đang trong giai đoạn khẩn trương hoàn tất. Hiện 54% tổng khối lượng công trình đã được hoàn thành, phấn đấu đến tháng 10/2005 đốt lò, hòa lưới quốc gia vào cuối năm nay và bàn giao sử dụng vào 2006. Có điều, đó là câu chuyện của mùa nóng ... năm sau...

Thiếu điện - hiện tượng mới, bài học cũ. Tất cả vẫn còn nguyên giá trị: Phải đa dạng hóa nguồn cung cấp và biết phân tán rủi ro.

Ông Phan Chánh Dưỡng, Tổng Giám đốc tập đoàn Tân Thuận: Ngành điện cần luôn luôn công khai khả năng cung ứng điện

Không phải cứ thiếu điện là cắt điện luân phiên chỗ này chỗ khác, vì ảnh hưởng rất lớn đến người dân, thiệt hại nhiều cho đầu tư. Đứng ở góc độ kế hoạch và trách nhiệm phải lo cho năng lượng của cả quốc gia, việc làm này là không thể chấp nhận.

Kinh nghiệm của riêng tôi khi chuẩn bị xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận, may mắn vì ngành điện đã "nói thật" việc không thể đảm bảo cung cấp điện cho khu chế xuất, may mắn hơn vì những người phụ trách điện của TPHCM đã làm văn bản xác nhận điều này, nên chúng tôi có phương pháp xử lý: xin (và được cho phép) xây dựng nhà máy phát điện đủ cung cấp cho cả vùng phát triển, gồm khu chế xuất Tân Thuận, khu công nghiệp Hiệp Phước, khu đô thị Nam Sài Gòn. Đó là nhà máy nhiệt điện Hiệp Phước với 100% vốn đầu tư nước ngoài (Đài Loan). Nhà máy công suất không lớn (khoảng 300 MW, nếu tôi không nhầm) nhưng đủ cho cả vùng, còn góp một chút cho mạng lưới điện quốc gia.

Ngành điện cần công khai thông tin về khả năng cung cấp điện, mỗi năm tăng trưởng bao nhiêu, vùng nào không đủ khả năng - kể cả nói không đủ khả năng vẫn rất cần thiết - là tính trách nhiệm và thông suốt trong chủ trương chính sách, không để xảy ra tình trạng thiếu điện như hiện nay. Chúng ta phải dự trù lượng điện rất lớn (mức tăng gấp đôi, gấp ba GDP) vì khi sản xuất tăng, nền kinh tế phát triển một thì lượng điện sử dụng sẽ tăng nhiều lần. Phải công khai thì mới có biện pháp tháo gỡ, cùng lo với ngành điện. Còn không công khai, người dân không biết bao giờ bị cắt điện, các nhà đầu tư lúc nào cũng lo lắng. Ngành điện dựa vào ông trời (thời tiết), nhà đầu tư dựa vào ngành điện như hiện nay thì không thể được.

  • VietNamNet nhận định

Sự kiện qua các báo:

Tuổi trẻ: Khi thủ đô... thiếu điện

Tuổi trẻ: Ngày 24-5: Miền Bắc sẽ có điện “giải nguy”

Tuổi trẻ: Nước hồ Hòa Bình đã xuống dưới mực nước chết

Tiền phong: Hà Nội: Ngột ngạt vì mất điện

Tiền phong: Mất điện, cuộc sống người dân Hà Nội đảo lộn

Lao động: Miền Bắc khổ vì thiếu điện

Lao động: Đấu nối thành công đường dây 500kV mạch 2: Mở "đường máu" mang điện ra Bắc

Người lao động: Hồ thủy điện Hoà Bình ngóng lũ

Người lao động: Dân Hà Nội “trốn” nóng!

,
,