An toàn và công nghệ điện hạt nhân ở Việt Nam
22:33' 24/05/2004 (GMT+7)

An toàn và công nghệ đối với việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam là vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong buổi họp báo nhân Triển lãm công nghệ nhà máy điện hạt nhân diễn ra vào chiều nay (24/5) tại Hà Nội.

 
 
Tiến sĩ Vương Hữu Tấn phát biểu tại cuộc họp báo. (Ảnh: Minh Sơn)

An toàn là vấn đề gây ra những lo ngại sâu sắc, đặc biệt là sau tai nạn hạt nhân ở Chernobyl và một số sự cố hạt nhân khác trên thế giới. Tại cuộc họp báo, PGS TS Vương Hữu Tấn, viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam khẳng định: ''Không thể xảy ra vụ nổ nguyên tử như kiểu bom nguyên tử trong các nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) hiện nay, bởi để có vụ nổ nguyên tử cần phải có uran giàu U-325 trên 96% và với khối lượng đủ lớn được tập trung trong thời gian ngắn. Các điều kiện này không thể nào có được trong nhà máy ĐHN. Uran nhiên liệu của nhà máy ĐHN có độ giàu dưới 5%''.

Tại bốn triển lãm trước đây được tổ chức tại Hà Nội, Ninh Thuận, Phú Yên và TP.HCM, trong tổng số 18.000 phiếu thăm dò dư luận, có 80% người ủng hộ xây dựng nhà máy ĐHN ở Việt Nam. Kết quả thăm dò trên Internet cho thấy 71% trong tổng số 15.600 người ủng hộ.

Triển lãm công nghệ điện hạt nhân lần thứ năm sẽ diễn ra từ 26 đến 29/5 tại Cung Văn hoá Hữu nghị (Hà Nội), với sự tham gia của Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản và Việt Nam.

Trong khuôn khổ triển lãm, các hội thảo khoa học liên quan với sự tham gia của nhiều chuyên gia và IAEA sẽ làm rõ các vấn đề mà công chúng Việt Nam đang quan tâm như xu thế phát triển điện hạt nhân thế giới, vấn đề an toàn, thải phóng xạ, kinh tế, đầu tư...

Tai nạn Chernobyl là do những sai sót ngay trong thiết kế và vi phạm quy chế vận hành của con người. Hiện các lò thương mại trên thế giới đều có vỏ bọc bê tông cốt thép nên nếu sự cố xảy ra, các chất phóng xạ sẽ bị giữ lại trong đó. Các chuyên gia ĐHN đã khẳng định sẽ không xảy ra tai nạn hạt nhân nào kiểu như Chernobyl. Các lò phản ứng thương mại hiện đã đạt đến độ an toàn rất cao, xác suất xảy ra sự cố nghiêm trong là một phần triệu. Xét cho cùng thì lỗi của con người vẫn là quan trọng nhất, cụ thể là lỗi trong thiết kế, thi công, xây dựng, lắp đặt, vận hành, thanh tra và cấp phép.

Nước Số lò  Tỷ trọng điện hạt nhân 2002
Ấn Độ 14 3,68%
Hàn Quốc 18 38,62%
Nhật Bản 54 34,47%
Nga 30 16%
Pháp 59 78%

Để các cơ sở hạt nhân hoạt động an toàn, cần phải có đội ngũ cán bộ trình độ cao, có kỷ luật và hệ thống luật lệ đảm bảo tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn. Theo ông Tấn, hoạt động của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt trong 20 năm qua đã khẳng định trình độ của đội ngũ cán bộ Việt Nam trong quản lý, vận hành và bảo dưỡng lò - mô hình thu nhỏ của nhà máy ĐHN. Ông nói: ''Từ nay đến khi có nhà máy ĐHN ở Việt Nam, chúng ta còn khoảng 15 năm cho việc đào tạo và học hỏi kinh nghiệm thành công cũng như thất bại trên thế giới''.

Trung Quốc đang có kế hoạch đẩy mạnh chương trình phát triển ĐHN với bảy nhà máy đang hoạt động, bốn nhà máy đang xây dựng và sáu nhà máy đã có kế hoạch xây dựng. Đến năm 2010, dự kiến sản lượng ĐHN của nước này sẽ tăng gấp mười lần so với năm 1997. Việc xây dựng các nhà máy ĐHN ở phía Nam Trung Quốc thực sự đã đặt Việt Nam nằm trong phạm vi ảnh hưởng của nhà máy ĐHN, đặc biệt là miền Bắc Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc.

Do đó, xét về phương diện vùng địa lý thì việc xây dựng nhà máy ĐHN ở Việt Nam chỉ bổ sung thêm một phần nào đó vào lo ngại của công chúng về an toàn hạt nhân. Điều đó cho thấy vấn đề vận hành an toàn nhà máy ĐHN không còn giới hạn trong phạm vi quốc gia mà đã mang tính khu vực và quốc tế.

Lò phản ứng hạt nhân (Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt)
Việc chuyển giao công nghệ ĐHN phải được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và nhiều tổ chức quốc tế khác phê chuẩn, trong đó có vấn đề Luật An toàn Hạt nhân. Theo thống kê của IAEA, vào cuối năm 2002, toàn thế giới có 441 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động với sản lượng trong năm là 2.574 tỷ KWh. Các quốc gia xung quanh Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ đều có chương trình ĐHN rất phát triển. Trên thực tế, chúng hoạt động rất an toàn ở nhiều nước kể cả phát triển và đang phát triển với một vài sự cố.

Dự kiến Việt Nam sẽ có nhà máy ĐHN vào khoảng năm 2017-2020. Lò nước sôi, lò áp lực và lò candu là những công nghệ phổ biến nhất thế giới hiện nay. Việc lựa chọn công nghệ là vấn đề phức tạp, đang được đánh giá và tuỳ thuộc vào chính sách phát triển ĐHN của nước ta. Việt Nam có thể đi theo hướng sử dụng một công nghệ hoặc nhiều công nghệ. Nhà máy ĐHN ở Việt Nam có thể được xây dựng với công suất từ 2.000MW đến 4.000MW. Theo kết quả nghiên cứu tiền khả thi Dự án nhà máy ĐHN do Bộ Công nghiệp và Bộ Khoa học - Công nghệ thực hiện, tới năm 2015, Việt Nam sẽ thiếu 8 tỷ kwh, 36-65 tỷ kwh đến 2020.

  • Minh Sơn
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi