221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1226608
Sinh viên Trung Quốc tự tử vì thất nghiệp
0
Article
null
Sinh viên Trung Quốc tự tử vì thất nghiệp
,

 

 - Năm nay, Trung Quốc có thêm hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học. Trong số đó, có đến 1/3 số sinh viên sẽ lâm vào tình trạng thất nghiệp, và số sinh viên tự tử vì không tìm được việc ngày càng tăng.

Tháng 7 được xem là mốc đánh dấu sự bắt đầu một cuộc đời mới của Liu Wei.

Cùng với hơn 6 triệu sinh viên khác ở Trung Quốc, cô gái 21 tuổi này sẽ tốt nghiệp đại học trong tháng này.

Mô tả ảnh.
Liu Wei lúc còn đi học (Ảnh: Telegraph)

Đối với Liu, con gái của một gia đình nông dân nghèo, tấm bằng giống như một tấm hộ chiếu giúp cô thoát khỏi cuộc đời nghèo khó, một cách duy nhất để thoát khỏi công việc đồng áng hay đi lao động ở một công ty xa xôi miền Nam Trung Quốc.

Nhưng giấc mơ đó của cô sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Quá thất vọng và xấu hổ khi không tìm được việc làm, Liu đã chọn cách kết thúc tất cả bằng cách gieo mình xuống dòng nước giá lạnh.

“Nó đã làm như thế vì quá lo lắng rằng sẽ không tìm được việc và không báo đáp được chúng tôi” - người cha đã kiệt sức vì đau buồn của Liu, ông Liu Shangyun nói với tờ The Sunday Telegraph. Mắt ông cúi xuống khi nhớ lại lần cuối cùng nhìn thấy con - chỉ hai tuần trước khi cái chết thương tâm xảy ra.

“Tôi đã dẫn nó quay trở lại trường đại học. Nó vẫn bình thường và đã gửi một tin nhắn cho tôi, nói rằng: “Bố đừng lo cho con, con ổn mà”, ông Liu kể lại. Nhưng lần tiếp theo gặp lại là lúc ông được gọi để nhận diện xác con mình.

Hành động của Liu là tiêu cực nhưng không phải là hiếm. Theo một bản báo cáo hồi tháng 4 của Ủy Ban Giáo dục Thượng Hải, tự tử là nguyên nhân chính dẫn đến những cái chết đau lòng của các sinh viên. Và theo số liệu mà Bộ Giáo dục Trung Quốc đưa ra, cứ 3 sinh viên tốt nghiệp trong năm nay thì có một người không tìm được việc làm, hầu hết sinh viên đều có tâm trạng giống với Liu Wei.

“Tôi sợ thất nghiệp lắm” - Chen Meijun, sinh viên sắp tốt nghiệp khoa Thương mại điện tử Trường Kinh tế thương mại Bắc Kinh nói.

“Có quá nhiều áp lực bởi gia đình tôi cũng sẽ rất lo lắng. Họ đã cố gắng và an ủi tôi nhưng sức ép chính lại xuất phát từ phía tôi. Tôi nghĩ rằng mình sẽ phải tìm được việc sau 4 năm học hành chứ”.

 

Mô tả ảnh.
Hàng ngàn sinh viên sắp hàng ở hội chợ việc làm Chengdu, tỉnh Sichuan, Trung Quốc (Ảnh: Telegraph)

Trung Quốc đang phải đối mặt với một lượng sinh viên tốt nghiệp thừa thãi. Với 1,5 triệu sinh viên từ năm ngoái vẫn chưa có việc làm, đơn giản là vì không có đủ chỗ cho tất cả mọi người và vấn đề càng thêm trầm trọng dưới tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ở một đất nước coi trọng bằng cấp như Trung Quốc thì một tấm bằng đại học được xem là yếu tố chủ chốt quyết định cho những thành công trong tương lai. Đối với con cái của 700 triệu người nông dân Trung Quốc như Liu Wei, đó là con đường duy nhất giúp chúng thoát ra khỏi công việc lao động lam lũ để đến với công việc có lương ổn định.

Cha mẹ của Liu biết vậy, và họ luôn khuyến khích con gái theo đuổi giấc mơ của mình. “Con bé luôn muốn học đại học. Nó không biết nó muốn làm gì trong tương lai, nhưng nó muốn được học” - mẹ của Liu, bà Wang Shuxian nói. “Tôi không biết đọc, không biết viết, nên tôi muốn con gái tôi được đi học. Tôi nghĩ học sẽ làm thay đổi cuộc đời nó. Tôi nghĩ học sẽ giúp con bé thoát khỏi cuộc sống của một nông dân”.

Từ khi con gái qua đời, bà Wang nằm ốm liệt giường. Bà cứ khóc ròng. Nhà của Liu ở làng Liu Hebei, cách thành phố Bắc Kinh 200 dặm về phía Nam. Đây là ngôi làng điển hình của nông thôn Trung Quốc với những ngôi nhà xây bằng gạch đơn giản, nối với những con đường bụi bẩn, nhỏ hẹp, không lát đá thuộc tỉnh Hebei phía Nam Trung Quốc.

Cũng như những nông dân khác, ông Liu tự dựng nhà cho gia đình mình. Ngôi nhà nằm gần những cánh đồng trồng bông của gia đình ông, nó chỉ có 4 phòng đơn giản quanh một cái sân nhỏ. Trừ một số đồ đạc rẻ tiền ra thì một chiếc vô tuyến và đầu máy DVD cũ là những tài sản chính trong nhà. Đồ trang trí duy nhất là một quyển lịch Mickey Mouse đã cũ.

Vợ ông quá đau buồn nên không nói nhiều được. Ông Liu với khuôn mặt đen sạm và đôi bàn tay của người lao động ngoài trời, cầm quyển nhật ký của con gái, một vài tấm ảnh và một số chứng chỉ của cô. Tất cả những thứ này gợi cho vợ chồng ông nhớ đến con gái xấu số của mình.

“Con bé là một sinh viên xuất sắc. Với số điểm cao, nó dành được học bổng vào những trường danh tiếng nhất trong tỉnh này. Đó là một niềm vinh dự lớn cho gia đình tôi”, ông Liu nói. Trong bức ảnh tốt nghiệp trung học, Liu Wei đứng ở hàng thứ 3, một cô gái trông rất nghiêm túc trong chiếc áo sơ mi màu đỏ. Cô bé có vẻ khép kín, độc lập. “Nó không thích nói nhiều nhưng luôn viết nhiều trong nhật kí”, mẹ Liu nói.

Đi học ngành công nghệ máy tính ở trường Shijiazhuang, Liu là một ngoại lệ trong ngôi làng này. “Nhiều người ghen tị khi nó được đi học đại học”, bà Wang nói. “Hầu hết các cô gái quanh đây đều đã kết hôn hoặc đi làm công nhân khi mới 20 tuổi”.

Bố mẹ cô biết rằng cho con gái đi học đại học thì họ sẽ rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Chính phủ Trung Quốc đã ước tính trước được số lượng sinh viên học đại học sẽ tăng gấp 4 lần, từ 6,2 triệu sinh viên năm 1998 đến dưới 24 triệu vào năm 2008. Chỉ 23% học sinh tốt nghiệp trung học hiện tại được học đại học và cao đẳng, Bắc Kinh cũng không có chính sách vay vốn cho sinh viên nghèo. Gia đình ông bà Liu phải tự kiếm số tiền 9000 tệ (800 pound) học phí một năm cộng với số tiền chi tiêu hàng ngày chu cấp cho con.

Với công việc làm nông, mỗi năm thu nhập nhiều nhất của gia đình cũng chỉ 15.000 NDT (1340 pound), ông Liu đã quyết định cho con trai nghỉ học, rồi cả hai cha con lên Thượng Hải làm thuê cho một công trường xây dựng, kiếm thêm tiền. Vợ ông ở nhà lo việc đồng áng. “Chúng tôi không thể chu cấp cho cả hai đứa con đi học cả phổ thông và đại học” - ông Liu nói.

 

Mô tả ảnh.
“Mình phải học hành chăm chỉ, phải tìm được một công việc tốt và nuôi cả nhà. Nếu không thể làm được những việc đó, thì mình sẽ không có một cuộc sống tốt đẹp được” (Ảnh: Telegraph)

Từ lúc mới bắt đầu đi học đại học, Liu Wei đã ý thức được sự hi sinh của cả gia đình vì cô. Trong một trang nhật kí hồi năm thứ nhất, cô đã thể hiện mong muốn được đền đáp công ơn của mọi người trong gia đình. “Mình phải học hành chăm chỉ, phải tìm được một công việc tốt và nuôi cả nhà. Nếu không thể làm được những việc đó, thì mình sẽ không có một cuộc sống tốt đẹp được”, cô viết.

Kết thúc năm thứ 2, cô đã bắt đầu “săn việc”. Cũng như nhiều sinh viên khác, cô tham gia những hội chợ việc làm thường diễn ra giữa tháng 2 và tháng 6. Đó là những dịp làm cô chán nản.

“Số lượng sinh viên đi xin việc gấp 10 lần số mà các công ty cần tuyển”, cô viết. “Sau khi chen lấn khỏi đám đông, cuối cùng mình cũng có cơ hội nói chuyện với một vị giám đốc quản lý nhân sự. Nhưng những gì ông ấy muốn là một nhân viên kinh doanh và quảng cáo, những vị trí chẳng phù hợp với mình. Mình lại trở về nhà và cảm thấy khủng hoảng vô cùng”.

Thất bại đó khiến cho cô vô cùng chán nản. “Mình là một sinh viên đại học nhưng lại không tìm được việc làm. Mình sẽ xấu hổ lắm nếu trở về làng sau khi tốt nghiệp”, Liu viết hôm 9/10/2008. “Mình cảm thấy quá mệt mỏi. Mình muốn ngủ và không bao giờ phải tỉnh dậy nữa”.

Chín ngày sau, những dòng nhật kí cuối cùng của cô chỉ vỏn vẹn có 3 từ: “Sao khó vậy?”

Tháng 12/2008, các bạn cùng lớp rất lo lắng cho cô đến nỗi họ đã gọi cho ông Liu. Khi ông đến thăm con, ông đã rất sốc khi nhìn thấy sức khỏe và tinh thần con gái quá giảm sút. “Con bé rất gầy, nó gần như chẳng ăn gì cả”, ông nói. “Chí sau đó tôi mới hiểu nó bị áp lực nặng nề như thế nào”.

Cô về nhà nghỉ một thời gian ngắn, dường như chuyến đi đó đem lại sức sống mới cho cô, mặc dù bình thường cô vẫn sống yên lặng quanh bố mẹ. “Nó chỉ nói, “đừng lo lắng cho con, con ổn mà”, ông Liu kể.

Nhưng sau đó, một vài ngày sau khi quay lại trường, Liu đã biến mất. Vào ngày 23/1, còn mấy ngày nữa là đến năm mới, cô đã gieo mình xuống con mương gần một trạm xe buýt đường dài.

Chính phủ đã cố gắng dập tắt hành động nguy hiểm của những sinh viên sắp tốt nghiệp bằng cách tạo ra việc làm cho họ như nghề và nhân viên chính phủ bậc thấp ở nông thôn. Nhưng hầu hết sinh viên dường như không thích quay trở lại nông thôn vì họ cho rằng quay về là bằng cấp của họ không còn giá trị.

“Rất nhiều nghề của chính phủ giống với công việc tình nguyện hơn là công việc thực sự. Lương quá thấp, chả khác gì tiền trợ cấp”, Chen Meijun nói.

Nhiều sinh viên cảm thấy các nhà chức trách đã không giúp họ bằng những cách thực tế hơn. “Chính phủ nên hành động nhiều hơn nữa, đặc biệt là trong năm nay, trong tình trạng khủng hoảng kinh tế”, Zhang Haigang, sinh viên sắp tốt nghiệp khoa học máy tính trường đại học công nghiệp Harbin nói.

“Họ nên tạo nhiều cơ hội hơn cho chúng tôi để tích lũy kinh nghiệm trong công việc. Kinh nghiệm là những gì mà các công ty tuyển dụng mong muốn”.

Mặc dù ông Liu đổ lỗi cho các giáo viên ở trường Shijiazhuang đã không nhận ra những hành động khác thường con gái ông, nhưng ông từ chối chỉ trích các nhà chức trách. Nhưng Liu Weizhang, một người bạn lâu năm của gia đình thẳng thắn nói:

“Đất nước có nên chịu trách nhiệm về cái chết của Liu Wei? Tôi không thể nói rằng họ không phải liên đới gì, vì nếu cô ấy được sinh ra trong một gia đình tầng lớp trung lưu thì học phí học đại học không còn là một gánh nặng nữa”- ông nói. “Một đứa trẻ xuất thân trong một gia đình nông dân đi học đại học thật khó khăn”.

  • Nhật Anh (Theo Telegraph)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,