221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
885968
Tạo 20.000 tiến sĩ: 2 phương án không hợp lý
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Tạo 20.000 tiến sĩ: 2 phương án không hợp lý
,

(VietNamNet) - Để hoàn thành chỉ tiêu 2 vạn tiến sĩ, Bộ GD-ĐT có thể sẽ phải thúc đẩy bất thường số lượng nghiên cứu sinh trong nước và tăng số lượng SV được đưa đi nước ngoài. Cả hai phương án trên đều không hợp lí ở thời điểm hiện nay. 

Bạn đọc Trần Đình Nguyên, nghiên cứu sinh ngành khoa học máy tính tại ĐH New York (Mỹ) bày tỏ ý kiến về chủ trương "tạo 2 vạn tiến sĩ trong 10 năm".

>>Mong Bộ trưởng “nói không” với bằng tiến sĩ rởm
>>20.000 tiến sĩ- Vẫn khả thi! 
 

 

Nhận bằng thạc sĩ của một chương trình đào tạo liên kết giữa Việt Nam và Mỹ. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tỉ lệ tiến sĩ trong trường ĐH rất quan trọng  (25% vẫn còn chưa đủ). Trường ĐH VN không thể sản sinh ra nhiều SV giỏi nếu vẫn còn tình trạng "cử nhân dạy cử nhân". Tuy nhiên, tôi không đồng tình với Bộ trưởng về chỉ tiêu "2 vạn tiến sĩ trong 10 năm".  

Thay vào đó, Bộ GD-ĐT chỉ nên dừng lại ở việc tăng chế độ đãi ngộ cho người có học vị tiến sĩ ở các trường ĐH  để khuyến khích những SV xuất sắc có khả năng nghiên cứu chọn con đường nghiên cứu sinh. 

Việc này, chẳng những không lãng phí nhân tài mà còn tăng số lượng tiến sĩ một cách tự nhiên nhất.

Làm tiến sĩ là một con đường gian nan, đòi hỏi khả năng, niềm đam mê và lòng quyết tâm. Bộ GD-ĐT chỉ có thể tác động đến một cách gián tiếp. Đặt chỉ tiêu quá lớn về số lượng dễ nảy sinh tiêu cục.  

Để hoàn thành chỉ tiêu 2 vạn tiến sĩ, Bộ GD-ĐT có thể sẽ phải thúc đẩy bất thường số lượng nghiên cứu sinh trong nước và tăng số lượng SV được đưa đi nước ngoài học tập. Cả hai phương án này đềy không hợp lí ở thời điểm hiện nay. 

Thúc đẩy số lượng tiến sĩ trong nước: Không nên! 

Hiện nay, chất lượng đào tạo tiến sĩ ở VN (không xét đến vấn nạn làm bằng, mua bằng) rất thấp. Ngay một nước có nền giáo dục hàng đầu ở châu Á và khu vực như Singapore vẫn chưa tự tin vào chất lượng đào tạo tiến sĩ của chính họ.  

Thử nhìn vào các giáo sư đang giảng dạy ở các trường ĐH nổi tiếng ở Singapore như NUS và NTU xem có bao nhiều người có bằng tiến sĩ trong nước? 

Đa số họ đều làm tiến sĩ ở những trường ĐH nổi tiếng thế giới (chủ yếu là Mỹ). Singapore sử dụng những giáo sư/tiến sĩ đạt đẳng cấp thế giới để làm một cuộc cách mạng về chất lượng giáo dục ĐH khoảng 20-30 năm về trước, mặc dù họ không trực tiếp đào tạo những vị tiến sĩ đó. 

Thiết nghĩ, chúng ta cũng nên học hỏi trong vấn đề này. Thay vì tự tay đào tạo, chúng ta nên tận dụng đầu ra của các trường ĐH nổi tiếng trên thế giới. 

Đưa SV làm tiến sĩ ở nước ngoài: Cẩn thận! 

Trong ngành khoa hoc máy tính, các trường ĐH nằm trong top 50 của Mỹ chỉ nhận 15-25 SV vào làm tiến sĩ mỗi năm.

Các SV này được chọn lọc từ hàng ngàn hồ sơ được gủi từ khắp nơi trên thế giới. 90%-100% sẽ được trường miễn học phí mà chu cấp tiền sinh hoạt dưới dạng trợ giảng, trợ lý nghiên cứu....trong thời gian làm nghiên cứu sinh.  

Như vậy, vấn đề không nằm ở chỗ tiền bạc mà là các SV Việt Nam có đủ năng lực để được lựa chọn hay không. Nếu đã thuộc về năng lực thì Bộ GD-ĐT có thể giúp gì nhiều trong vấn đề này? Tránh trường hợp dồn tiền đưa thêm quá nhiều SV ra nước ngoài để có thêm nhiều "tiến sĩ". Điều này dễ dẫn đến trường hợp truờng ĐH nhận SV vì khoản tiền mà Bộ bỏ ra hơn là khả năng thật sự của SV đó. 

Nói tóm lại, Bộ GD-ĐT không nên tốn nhiều công sức và tiền bạc để đào tạo lực lượng tiến sĩ.

Sau khi có bằng tiến sĩ, chế độ đãi ngộ, lương bổng mới chính là điều quyết định để giứ chân họ làm việc ở các trường ĐH VN.  

Nguồn tiến sĩ có sẵn ở đây bao gồm những tiến sĩ trong nước, người VN tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài và cả tiến sĩ người ngoại quốc. 

Nếu lực lượng tiến sĩ người VN không đủ, không thích hợp thì nên mạnh dạn thuê giáo sư/tiến sĩ nước ngoài. Ở trường ĐH quốc gia Singapore (NUS), trưởng khoa máy tính mang quốc tịch Australia. 

Nếu chúng ta làm được như vậy, tự khắc sẽ có nhiều SV theo đuổi con đường tiến sĩ một cách chân chính với mong muốn được làm việc ở một trường ĐH danh tiếng ở VN.

Ở các trường ĐH nổi tiếng ở Mỹ và Singapore, một khoa có khoảng 20-40 giáo sư có trình độ tiến sĩ. Đầu tư thuê mướn 20-40 vị giáo sư với trình độ thật sư cao để sản sinh ra vài trăm SV giỏi cho xã hội mỗi năm là sự đầu tư hợp lý. Cho nên, tranh thủ thuê tiến sĩ tốt nghiệp ở những trường ĐH hàng đầu thế giới (trong đó có nhiều người VN) là một giải pháp cần lưu ý. 

Hoàn thiện "văn hoá bằng cấp" 

Tại sao ở các nước tiên tiến trên thế giới không phải đau đầu với vấn nạn tiến sĩ giấy, chạy bằng tiến sĩ như ở VN, mặc dù cũng có nhiều trường bán bằng? 

Nhiều người cho rằng, bởi vì ở VN quá chú trọng bằng cấp. Tôi nghĩ không đúng. Ở nhiều nước tiên tiến, như Mỹ chẳng hạn, cũng rất chú trong bằng cấp, có khi còn hơn cả VN. Một người có bằng khoa học ở MIT, kinh tế ở Harvard hoặc y học ở Yale đều được ngưỡng mộ và trọng dụng. 

Nhưng tại sao họ lại không nhức nhối về vấn đề chạy bằng mà VN lại gặp? Theo tôi, lý do là bởi vì người VN coi trọng bằng cấp một cách thiếu kiến thức, chỉ coi trọng học vị mà xem nhẹ danh tiếng của trường ĐH.  

Ở VN, tôi thường nghe nói "anh/chị này có bằng đại học ở nước ngoài" (Úc, Mỹ, Singapore...) thay vì nên nói "bằng cấp đó ở trường nào, ngành nào". 

Một người có bằng kỹ sư, thạc sĩ ngay cả tiến sĩ ở Mỹ cũng chẳng nói lên điều gì nếu không biết bằng cấp đó lấy được ở trường nào. Điều này bởi vì chất lượng giáo dục ở Mỹ thượng vàng hạ cám đều có đủ. 

Vì vậy, nên hướng tới nhận thức về tầm quan trọng của danh tiếng một trường ĐH thì nhiều vấn đề sẽ được giải quyết, trong đó, có vấn nạn chạy bằng. 

Báo chí thường phản ánh về chuyện chạy bằng nhưng không thấy chỉ ra trường/khoa nào để cho chạy bằng, hội đồng giáo sư nào thông qua một luận văn sao chép... Nếu những thông tin đó được công bố rộng rãi, về lâu dài, sẽ giải quyết được vấn đề.

Trần Đình Nguyên (nghiên cứu sinh ngành khoa học máy tính, Trường ĐH New York - Mỹ) 

***********************

Ý kiến của bạn:

TS. Lê Anh Mỹ, ĐH Mỏ - Địa chất

Để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ, theo tôi, ngoài những ý kiến như của các tác giả nêu trên VietNamNet, còn cần có thêm một số biện pháp cơ bản sau:

Một là, số chỉ tiêu đào tạo tiến sỹ hằng năm của các trường cần giảm bớt sao cho số lượng thí sinh phải nhiều hơn chỉ tiêu tuyển chọn để các thí sinh thực sự thi đấu lẫn nhau. Muốn vậy, không nên giao chỉ tiêu cố định trước mà chỉ nên đặt ra nguyên tắc là số chỉ tiêu tuyển chọn nên nhiều nhất là bằng 50-60% số thi sinh dự thi tuyển hằng năm.

Hai là, các NCS muốn bảo vệ lấy bằng tiến sỹ phải có công trình nghiên cứu có ý nghĩa thực sự về mặt lý thuyết cũng như thực tế sản xuất (nếu là đề tài áp dụng trong thực tế sản xuất). Trước khi bảo vệ luận án, phải có ít nhất một cơ sở sản xuất chứng nhận là công trình của NCS đã được áp dụng vào thực tế sản xuất hoặc ít nhất là có tính khả thi và cam kết là sẽ được đưa vào áp dụng trong sản xuất của đơn vị mình. Luận án để đạt loại xuất sắc nhất thiết phải có bài báo khoa học (trong nội dung của luận án) đã được đăng trên các tạp chí chuyên ngành của thế giới hoặc của khu vực và đã được áp dụng vào trong thực tế sản xuất và có hiệu qủa kinh tế - xã hội thực sự.

Ba là, Hội đồng chấm luận án ít nhất là 15 thành viên có cùng chuyên môn liên quan tới luận án, trong đó, hạn chế số lượng các thành viên là người cùng cơ quan và của cơ sở đào tạo NCS. Các thành viên đều phải tự đọc nhận xét luận án. Luận án, tóm tắt luận án và tiền đọc nhận xét phải là người của cơ sở đào tạo chuyển cho các thành viên trong Hội đồng và những người khác, mà tuyệt đối NCS không được trực tiếp chuyển luận án và tóm tắt luận án cho các thành viên Hội đồng (Hiện nay chủ yếu là do NCS chuyển luận án, tóm tắt và kèm theo bản nhận xét luôn cho người đọc, người đọc chỉ sửa qua loa và hợp thức hoá mà thôi). Chi phí đọc nhận xét luận án và tóm tắt luận án tính vào kinh phí đào tạo tiến sỹ. Và chi phí đào tạo do NCS tự lo 100%.

Bốn là, tất cả các chức vụ về quản lý trong các cơ quan, đơn vị sản xuất đều phải được tiêu chuẩn hóa và phải thông qua các kỳ thi tuyển. Không những thi về năng lực quản lý, mà còn phải thi cả về trình độ chuyên môn trong lĩnh vực đó.

Năm là, các tiến sỹ sau khi bảo vệ thành công sẽ được nâng từ 1-2 bậc lương (loại đạt thì nâng 1 bậc, loại xuất sắc thì nâng 2 bậc). Nhưng trong vòng 3 năm (kể cả được đào tạo trong hay ngoài nước) mà không có công trình khoa học, không có các sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất thì bị hạ từ 2-3 bậc lương. (Điều này cũng được áp dụng đối với các tiến sỹ đã bảo vệ từ các năm trước, nhưng điều kiện đủ là thông qua các công trình khoa học và sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong những năm gần đây).

Làm tốt những vấn đề trên, tôi tin rằng sẽ giảm bớt được số lượng “tiến sỹ giấy” và nâng cao được chất lượng học vị tiến sỹ, góp phần thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước.

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin liên quan

,
,
,
,