221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
722138
Học phí đô la, chất lượng có quốc tế?
1
Article
null
Học phí đô la, chất lượng có quốc tế?
,

(VieNamNet) - Đưa các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài vào trường ĐH VN là một tín hiệu tích cực trong sự hội nhập về giáo dục. "Của ngoại" đã tìm về rồi, sử dụng sao đây để thực sự hữu ích ở giảng đường Việt Nam?

Soạn: AM 603527 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Với chương trình tiên tiến, SV sẽ không phải lên lớp với giảng đường hàng trăm người (Ảnh: N.V)

Tiền đâu để học?

Ông Bùi Duy Cam, Hiệu phó trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, việc thí điểm chương trình, giáo trình tiên tiến chắc chắn sẽ phải đổi mới mạnh cách dạy và học. Do đó, muốn làm được, Nhà nước phải hỗ trợ kinh phí. Nếu không, chỉ có cách người học phải đóng góp.

Chi phí ban đầu để đào tạo hiệu quả gồm: hỗ trợ cho cán bộ đi thực tập ở nước ngoài để tìm hiểu về cách dạy, cách học, cách viết giáo trình và viết bài giảng, nghe GS giảng cho SV nước ngoài; kinh phí để mua các giáo trình tiếng Anh của họ và tổ chức biên tập. Cuối cùng là kinh phí tăng cường học liệu cơ sở cho SV gồm tài liệu đọc và tài liệu lưu trữ. Đó là chưa kể các khoản đầu tư đầu tư cho các ngành khoa học công nghệ thực hành, thực tập...

Theo tính toán của khoa Kinh tế (ĐHQG TP.HCM), kinh phí cơ sở vật chất (phòng học, phương tiện hỗ trợ giảng dạy…)  vào khoảng 30.000 USD; xây dựng thư viện 15.000 USD; biên dịch tài liệu và biên soạn giáo trình: 40.000 USD; hỗ trợ giảng dạy và nghiên cứu khoa học là trên 17.000 USD

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã đề xuất Bộ GD - ĐT xem xét mức học phí tính cho mỗi sinh viên hàng năm vào khoảng 2.000 USD. Đây là mức thấp  và trường chỉ đảm bảo được 1/2 và cơ sở vật chất đã có. Còn lại, Bộ phải hỗ trợ.

Còn ở ĐH Công nghệ, mức phí đề xuất vào khoảng 3.000 USD, dự kiến tuyển sinh mỗi lớp 30/SV.

Mức học phí này thuộc diện "chót vót". ĐH Quốc tế TP.HCM hiện đang thu mức phí 1.200 USD. Các chương trình liên kết mà ĐH Bác khoa Hà Nội đang thực hiện có mức học phí tối thiểu 70 USD/tháng. Tuy nhiên, cũng sẽ có một bộ phận sẵn sàng chi trả, nếu quả thực, chương trình tiên tiến đúng là tiên tiến.

Vấn đề là ở chỗ, như GS Nguyễn Hữu Đức băn khoăn, làm sao tạo cơ hội mới cho những người giỏi được học chương trình hiện đại. Bởi lẽ, "những người có đủ tiền chưa hẳn đã là những người có đủ "trí tuệ" để theo học. Chương trình PFIEV, với hỗ trợ tài chính của Pháp, đều có đầu vào chất lượng cao (SV xuất sắc nhất trong số các SV trúng tuyển vào trường).

Ông Đức đề xuất giải pháp, hiện nay có một số khoa, trường đang làm chương trình du học tại chỗ. Nên chăng, phải trích ra bao nhiêu % lợi nhuận đạt được của chương trình này để dành học bổng cho những em thủ khoa của những ngành học chương trình tiên tiến. Như vậy, những SV nghèo học giỏi vẫn được học bổng vào học chương trình này; đồng thời, xóa đi ý nghĩ cho rằng chương trình du học tại chỗ rất là " phọt phẹt" hiện nay...

Soạn: AM 603529 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thay vào đó, mỗi lớp học sẽ được bố trí khoảng 30 SV (Ảnh: H.A)

Thầy đâu để dạy?

Tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên, thiết bị phòng thí nghiệm đã được một số dự án của nước ngoài hỗ trợ. Hệ thống phòng học chuẩn: có điều hòa, rèm, cửa từ, máy tính,  máy chiếu đặt sẵn...được trang bị đầy đủ.

Vấn đề là phải có người biết sử dụng thiết bị hiện đại. Thầy giáo giảng dạy chương trình tiên tiên phải là những nguời giỏi, có trình độ. Bởi vậy, phương án mà trường đặt ra là có thể mời ở những đơn vị khác như các Viện nghiên cứu...

Sau nhiều phen cất công lựa chọn, ĐH Công nghệ quyết định chọn 3 chương trình. Tuy nhiên, không phải cứ lấy chương trình và sách về giảng dạy là được, nên trường đã lùi kế hoạch triển khai sang năm tới.

Giai đoạn đầu, cần thiết phải có người nước ngoài cùng hỗ trợ giảng dạy, cùng thiết kế bài thực hành...Cùng với đó, từng chương trình phải có cam kết với một trường nước ngoài bằng văn bản giúp xây dựng chương trình, giáo trình... và thoả thuận đưa từ 30 – 40% của trường liên kết sang giảng dạy.

"Phải có những thẩy giáo  "thổi hồn" từng bài giảng, làm sống động con chữ trong giáo trình để kiến thức có thể ứng dụng trong cuộc sống. Chứ cách giảng của ta hiện nay vẫn là nhìn chép, rất ít GS lên lớp có thể hùng biện được" .GS Nguyễn Hữu Đức cho hay.

Trực tiếp quản lý và giảng dạy chương trình đào tạo Kỹ sư Chất lượng cao, chị Đỗ Phương Liên, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo Tài năng và Chất lượng cao (trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: Dạy chương trình này giáo viên rất vất vả. Ngoài nắm vững kiến thức, còn phải đọc nhiều tài liệu nước ngoài để có phương pháp dạy phong phú.

Ông Đinh Quang Báo, hiệu trưởng trường ĐH Sư  phạm Hà Nội thẳng thắn: "Xét tiềm lực giáo viên  của trường chưa đáp ứng cả về ngoại ngữ lẫn tư duy khoa học nếu nhập nguyên đai nguyên kiện chương trình của nước ngoài v".. Đó cũng là lý do trường đang cử giáo viên các khoa đi khảo sát nội dung và phương pháp giảng dạy ở một số trường của Australia để triển khai mua giáo trình điện tử, dự kiến giảng dạy thí điểm năm tới. Ông Báo nói, để giảng dạy theo chương trình của nước ngoài khó khăn lớn nhất là phải thay đổi tổ chức quản lý đào tạo. 

Tiến sĩ Đỗ Hưng, giảng viên Trung tâm quốc tế (CIM VietNam) cho biết, khó khăn lớn nhất đối với việc “nhập khẩu” chương trình, giáo trình tiên tiến là phương pháp giảng dạy. Giảng viên nước ngoài đều là những người có nhiều năm nghiên cứu khoa học, tư vấn cho các doanh nghiệp... Họ có bề dày kiến thức và kinh nghiệm phong phú. Bài giảng cũng vì thế mà sinh động và đầy ắp thông tin. Đây là trở ngại lớn vì các giảng viên trong nước phải vượt qua chính mình. Nhiều người vì không tham gia các hoạt động kinh tế, nên ngay trong bài giảng họ cũng chỉ thuần tuý chuyển tải kiến thức một chiều, đem toàn lý thuyết ra giảng dạy...

Soạn: AM 603531 gửi đến 996 để nhận ảnh này
SV có điều kiện tiếp cận trang thiết bị học tập tiên tiến (Ảnh: H.A)

Anh ngữ hay là Việt ngữ đây?

Một thực tế hiện nay, giảng bài bằng tiếng Anh cho SV không phải chuyện đơn giản. Một giảng viên tiếng Anh trường ĐH kỹ thuật lớn ở Hà Nội nêu thực tế: các bộ môn chuyên ngành có nhờ giảng viên của khoa Anh giảng dạy bằng tiếng Anh với 60 tiết. Giảng viên tiếng Anh không nắm được chuyên môn của ngành đó, nhưng vẫn dạy và cuối khóa, sẽ chứng nhận "cho xong" là SV đã hoàn thành môn học với chừng ấy thời lượng. Khi lên lớp, chủ yếu giáo viên dạy theo kiểu "phiên dịch" từ sách thuật ngữ ra cho SV hiểu, thầy và trò lúc nào cũng phải kè kè cuốn sách tiếng Việt ở bên.

Và liệu, khi có thầy tiếng Anh rồi, sinh viên có đủ năng lực theo học?

Kết quả khảo sát của trường ĐH Quốc tế (thuộc ĐHQG TP.HCM) khóa tuyển sinh năm học 2004 - 2005  cho thấy, trong số 215 SV, có 27 em nộp chứng chỉ TOEFL hoặc IELTS đúng yêu cầu (500 điểm TOEFL).

Một SV tốt nghiệp loại khá của khoa khoa Quản trị kinh doanh - Quốc tế học và Du lịch của trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội cho hay, với những SV đầu vào TOEFL 450 trở lên, việc học gặp không ít khó khăn.  Ở trên lớp, nếu giáo viên chỉ giảng bằng tiếng Anh thì chỉ có khoảng 20% SV hiểu được nội dung bài giảng, 80% còn lại không thể hiểu giảng viên nói gì.

Tại trường Khoa học Tự nhiên, khi bàn đến việc này, cũng có ý kiến: 6 tháng đầu, chỉ cho SV học tiếng Anh. Vì mục tiêu của chương trình đặt ra là mời các thầy ở nước ngoài đến dạy. Có thể đến năm thứ 3 một số môn cho SV nghe giảng bằng tiếng Anh. Phần cơ bản thì thầy Việt Nam đảm nhận, nhưng đến phần chuyên sâu thì có thể mời GV nước ngoài dạy bằng tiếng Anh.

Trong kế hoạch của mình, Bộ GD-ĐT đề xuất, năm thứ nhất sẽ dành để các trường giải quyết "các môn học bắt buộc" của giáo dục ĐH VN và môn ngoại ngữ.Thời gian 3 năm còn lại là học chuyên môn của chương trình tiên tiến.

6 tháng hay 1 năm, thật khó mà trang bị đủ cho SV đủ vốn ngoại ngữ với mục đích "nghe giảng hoàn toàn bằng tiếng Anh".

Bởi vậy, trong nỗ lực "nhập khẩu" giáo trình ngoại vào giảng đường Việt Nam, cần sự hội nhập mạnh mẽ của giáo dục phổ thông. Chừng nào, món ngoại ngữ của học sinh đủ để bắt nhịp, thì sự hội nhập của giáo dục ĐH mới thực sự hiệu quả.

  • Kiều Oanh - Hạ Anh

- - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Ý kiến bạn đọc: 

Họ tên: Nguyễn Tiến Dũng
Email:
dzungnt@...

Chúng ta đã giảng dạy cho sinh viên những kiến thức quá cũ. Việc đưa một giáo trình mới (phải nói đúng hơn là kiến thức mới) là một điều tốt.

Tuy nhiên, tôi không hy vọng nhiều vào động thái này lắm. Lý do là kiến thức phải là của người thày truyền lại cho SV (kiến thức của mình và biết cách truyền lại).

Lấy việc dạy tiéng Anh làm thí dụ. Tại sao SV VN học xong tiếng Anh không đủ khả năng viết một bài luận? Trong khi đó phải chăng 'khoa học' tiếng anh có nhiều kiến thức mới và chúng ta cần phải có giáo trình hay kiến thức mới về ngôn ngữ này?

Không phải là cứ có gì mới thì lại gièm pha chê bai (tôi ủng hộ động thái này). Tuy nhiên, cần cải tiến rất nhiều về quản lý trong các trường ĐH của ta, cần có cơ chế tuyển chọn, loại thải giáo viên và cần rất nhiều thứ khác nữa. Nếu không, việc lấy giáo trình mới để áp dụng sẽ đem lại ít hiệu quả.

Kiến thức có đầy trên các thư viện và hiện nay là trên Internet. Giảng viên ĐH phải biết tìm kiếm, tổng hợp, hướng dẫn SV cùng tìm kiếm kiến thức. Đó mới là cách hay.

Họ tên: Nguyễn Vũ Hùng Quang
Địa chỉ: Thanh Xuân, Hà Nội
Email:
cntthn84@...

Đây là một cải tiến rất mới và tiến bộ. Tôi đang là SV năm thứ tư một trường ĐH kĩ thuật thuộc loại lớn nhất VN, ngành học của tôi là CNTT,  một ngành thịnh hành hiện nay. Nhưng, điều đáng nói là hầu như suốt cả 2 năm đầu, chúng tôi không được học chút chuyên ngành nào (phải học cả những môn truyền thống như: Cơ khí đại cương, kĩ thuật nhiệt, cơ lí thuyết , chưa kể đến một khối lượng rất lớn những môn chính trị (xấp xỉ 30 trình)…).

Đến những năm học chuyên ngành thứ ba, thứ tư, thứ năm, do khối lượng kiến thức nhiều nên phải học rất nặng. Tôi nghĩ, có thể gộp 2 năm đầu vào 1 năm học thôi để những năm sau rải ra học chuyên ngành. Nhưng SV lạikhông hề có một sự lựa chọn nào khác là hoàn toàn tuân theo chương trình đào tạo hàn lâm của trường. Do đó, tôi ủng hộ ý tưởng"‘nhìn ra bên ngoài"  để học tập.  Đồng thời, mong các bác cán bộ, các thầy lắng nghe ý kiến của SV, của người học. Bởi đây mới chính là đối tượng của giáo dục, đào tạo.

Họ tên: Trần Quang Chính
Địa chỉ: Tổng Công ty Viễn thông Quân đội
Email:
chinhtq72@...

Tôi nghĩ rằng nếu giáo trình ngoại phù hợp với trình độ của SV Việt Nam thì nên đưa vào giảng dạy để tạo hội nhập quốc tế; giúp SV khi ra trường có khả năng tốt hơn để làm việc trên thị trường lao động quốc tế.

Ý kiến của bạn:


 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,