221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
450470
Đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam, góc nhìn châu Á
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam, góc nhìn châu Á
,

(VietNamNet) - Tại diễn đàn quốc tế về giáo dục ĐH lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, nhiều chuyên gia đến từ châu Á đã góp những bài học đổi mới giáo dục ĐH hiệu quả tại đất nước của họ.

Các đại biểu trao đổi ngoài hành lang diễn đàn. (Ảnh: Lưu Quang Phổ)

Diễn ra trong hai ngày 22 và 23/6, diễn đàn này là sự tiếp nối tiếp hội thảo về Giáo dục Đại học vào cuối tháng 3 vừa qua. Trong hai ngày, nhiều ý kiến của các học giả, nhà quản lý và nhà khoa học quốc tế đã làm sáng rõ thêm bối cảnh quốc tế và những thách thức đối với giáo dục ĐH Việt Nam.

Trung Quốc: Bí quyết ở... bốn từ

Theo GS Xie Weihe, Viện Giáo dục, ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc),  giáo dục ĐH của nước này đứng trước năm áp lực cơ bản. Những áp lực này khá giống Việt Nam hiện tại. Năm 2001, tỷ lệ nhập học ĐH chỉ có 13,3%, chứng tỏ nguồn nhân lực trình độ ĐH thiếu trầm trọng để đáp ứng nhu cầu phát triển. Cũng như Việt Nam, cơ cấu giáo dục ĐH Trung Quốc còn nhiều bất cập. Một áp lực khác, theo nhìn nhận của GS Xie, đó là việc đào tạo đội ngũ có trình độ chuyên môn cao chưa "với" tới tiêu chuẩn quốc tế bởi việc giảng dạy chỉ tập trung vào lý thuyết. Chậm chạp trong sáng tạo, cải tiến khoa học - công nghệ, các trường ĐH chỉ chiếm khoảng 8,6% sản phẩm nghiên cứu - đây cũng là một áp lực. Và áp lực cuối cùng, là các trường đào tạo nghề vẫn hoạt động theo mô hình cũ.

Trước những thách thức đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã xác định những nhân tố chính để đổi mới giáo dục ĐH Trung Quốc có thể tóm gọn ở bốn từ: củng cố, nâng cao, tăng cường và cải tiến.

Tháo gỡ những rào cản về cơ cấu giáo dục là một vấn đề sống còn của cải cách giáo dục ĐH của đất nước đông dân nhất thế giới này. Việc tăng cường cải cách hệ thống thể hiện ở những khía cạnh: Quản lý, đầu tư và mở trường địa phương, tư thục. Một loại hình ĐH địa phương khác, ĐH độc lập, đang được hình thành. Loại hình này do một trường công vận hành nhưng dựa trên mô hình mới. Những loại hình này là một cách hữu hiệu thu hút nguồn vốn xã hội cho giáo dục ĐH.

Việc điều chỉnh lại cơ cấu được thực hiện theo kim chỉ nam: Ba thích ứngMột đồng bộ, nghĩa là cơ sở giáo dục ĐH phải tự thích ứng được với thực trạng kinh tế xã hội, đáp ứng được cơ sở vật chất cần thiết và đạt được mức đầu tư tương xứng, đồng nhất hóa với quá trình phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, các dự án chất lượng giáo dục ĐH cũng đang được ráo riết thực hiện, mà quan trọng là các dự án "đổi mới chương trình", "đổi mới hệ thống đánh giá giáo dục ĐH" và "nâng cao chất lượng tổng thể giáo viên ĐH". Lựa chọn số ít các trường ĐH có nền tảng tốt để thu hút người tài, bồi dưỡng đội ngũ này thành chuyên gia hàng đầu về khoa học - công nghệ, nhà lãnh đạo giỏi trong một số lĩnh vực và những nhà quản lý ở trình độ cao.

ĐH Singapore: Biến mình thành trung tâm dịch vụ giáo dục chất lượng

Tới từ Singapore, GS S. Gopinathan, Trung tâm Nghiên cứu Chương trình và Thực hành, Viện Giáo dục quốc gia, ĐH Bách khoa Nanyang đưa ra "bí quyết" trở thành "cái nôi giáo dục" của đảo quốc nhỏ bé này.

Theo ông Gopinathan, các cuộc cải cách giáo dục ĐH của Singapore bắt nguồn từ đầu những năm năm 1990 khi chính phủ thành lâp Quỹ ủng hộ các trường để thu hút tài trợ. Nhằm tăng tính cạnh tranh và phát triển nước này thành cái nôi của giáo dục, chính phủ nước này đề xướng kế hoạch thu hút mười trường ĐH tầm cỡ trên thế giới. Hiện nhiều trường ĐH hàng đầu của Mỹ như MIT, ĐH John Hopkins… đã thành lập trung tâm đào tạo tại Singapore. "Nhưng chúng tôi tập trung trước tiên không phải vào việc mở cửa tiếp cận với các trường ĐH nước ngoài, mà biến mình trở thành trung tâm của các dịch vụ giáo dục chất lượng." - GS Gopinathan nói - "Kể từ những năm 1980, nhiều trường ĐH nước ngoài khác đã liên kết với các cơ sở đào tạo của Singapore để thực hiện các chương trình liên kết đào tạo và cấp bằng".

Trong năm 2004, nhịp độ cải cách giáo dục ĐH của Singapore tăng lên cùng với tuyên bố của chính phủ trao nhiều quyền hơn cho các trường ĐH trong việc quyết định các quy định tuyển chọn, đề ra mức học phí và sử dụng nguồn đầu tư của chính phủ. Các trường ĐH của Singapore đã và đang trở thành những trường ĐH quốc tế với gần một nửa số người học bậc sau ĐH là người nước ngoài, và SV theo học các trường ĐH Singapore ngày càng được tham gia nhiều hơn vào các chương trình đào tạo, thực tập tại các trường ĐH liên kết ở nhiều quốc gia khác như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc.

Hồng Kông: "Đổ tiền" vào số ít

Đến từ Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục So sánh, Khoa Sư phạm, trường ĐH Hồng Kông, PGS TS Mark Mason không đưa ra bài học Hồng Kông mà viện dẫn những nghiên cứu để chứng minh cho hai đề xuất hữu hiệu để đảm bảo giáo dục ĐH có chất lượng. Thứ nhất: "Chất lượng giáo viên và chất lượng giảng dạy". Thứ hai: "Giáo dục ĐH chất lượng cao bằng cách tập trung nguồn lực để duy trì động lực thay đổi". Ông Mason cho hay: Các cơ quan giáo dục của lãnh thổ sẽ lựa chọn và phân phối nguồn lực cho một số ít các trường ĐH để phát triển thành trung tâm nổi trội. Việt Nam có thể không có các nguồn lực để tạo và duy trì các trình độ xuất sắc quốc tế tại tất cả các cơ sở giáo dục ĐH của mình. Việc dàn trải các nguồn lực quá mỏng sẽ làm tiêu tan các tác động của bất kỳ sự đổi mới nào và có thể sẽ dẫn tới thất bại ở phần lớn các cuộc cải cách.

"Việt Nam nên tận dụng những chính sách như kiểm tra quá trình chất lượng dạy và học đã được áp dụng ở Hồng Kông và các quốc gia khác, đồng thời tập trung vào các chương trình phát triển đội ngũ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy." - PGS Mason đề xuất.

Đề án: Đổi mới, hay một cuộc... cải cách?

Khác với nhiều hội nghị, hội thảo thường có kết luận không rõ ràng, chiều 23/6, tại phiên bế mạc diễn đàn, bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển đã trình bày khá súc tích những định hướng cơ bản (xem chi tiết: bấm vào đây) của một cuộc cải cách giáo dục sẽ diễn ra (được gọi nhẹ nhàng hơn là xây dựng "Đề án Đổi mới Giáo dục ĐH").

Ông Hiển nhấn mạnh đến hai nội dung mà giáo dục ĐH Việt Nam cần thực hiện, đó là: Giải bài toán giữa quy mô với chất lượng, đồng thời cải tiến hệ thống quản lý giáo dục ĐH.

Theo ông Hiển, quá trình xây dựng đề án Đổi mới Giáo dục ĐH cần triển khai theo hai chiều, từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên, kết hợp với việc xây dựng các kế hoạch chiến lược của từng trường ĐH và CĐ và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Đây là một hoạt động có tầm bao quát rộng rãi, không chỉ bó hẹp trong ngành giáo dục.

  • Hạ Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,