221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
712816
Năm 2006, VN thí điểm chương trình đào tạo ĐH tiên tiến
1
Article
null
Năm 2006, VN thí điểm chương trình đào tạo ĐH tiên tiến
,

(VietNamNet) - Đưa vào thí điểm đào tạo một số chương trình, giáo trình tiên tiến được coi là "bước đi" đầu tiên trong lộ trình thực hiện Đề án đổi mới Giáo dục (GD) ĐH Việt Nam 2006 - 2020. Đây cũng là khâu đột phá để GD ĐH Việt Nam hội nhập với GD ĐH các nước trong khu vực và thế giới.

Những trường ĐH nào sẽ đào tạo thí điểm chương trình này? Cách thức tuyển sinh ra sao? Kinh phí triển khai chương trình tiên tiến sẽ lấy nguồn từ đâu?... Phó Vụ trưởng Vụ ĐH & sau ĐH (Bộ GD - ĐT) Ngô Kim Khôi đã trao đổi với VietNamNet xung quanh những vấn đề đặt ra.

Soạn: AM 567545 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Phó Vụ trưởng Vụ ĐH & Sau ĐH (Bộ GD - ĐT) Ngô Kim Khôi.

 Ông Khôi cho biết: Căn cứ hướng dẫn tổ chức triển khai thí điểm đào tạo theo chương trình, giáo trình tiên tiến sắp ban hành, năm 2006 các trường được Bộ giao nhiệm vụ đào tạo thí điểm sẽ tổ chức tuyển sinh.

3 khối ngành được thí điểm đào tạo theo chương trình tiên tiến là: Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật công nghệ và Quản lý Kinh tế. Căn cứ điều kiện thực hiện, trước mắt sẽ tập trung thí điểm ở 14 trường ĐH trọng điểm quốc gia. 

Thời gian qua, Bộ GD - ĐT đã có chỉ đạo 14 trường ĐH này xây dựng đề án thí điểm đào tạo chương trình tiên tiến của những chương trình cụ thể. Tinh thần thí điểm tập trung vào 3 khối ngành và một số lĩnh vực mũi nhọn có thế mạnh ở Việt Nam như: Công nghệ Sinh học, Vật liệu mới, Công nghệ Nanô...

Những chương trình tiên tiến đưa thí điểm là những chương trình tiên tiến, hiện đại đang được giảng dạy ở các trường ĐH nước ngoài phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Chương trình: "Nhập khẩu" từ các trường danh tiếng trên thế giới

-  Như vậy, sẽ có 14 trường ĐH trọng điểm triển khai thí điểm đào tạo chương trình tiên tiến?

- 14 trường là phạm vi chúng tôi giới hạn những trường có điều kiện có thể triển khai thí điểm chương trình tiên tiến. Nếu trường nào có nguyện vọng đào tạo thí điểm chương trình tiên tiến thì các trường phải xây dựng đề án. Hiện nay, chúng tôi đã nhận được hơn 20 đề án thí điểm đào tạo chương trình, giáo trình tiên tiến của: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thái Nguyên, ĐH Cần Thơ, trường ĐH Bách khoa (Đà Nẵng)...

Trên cơ sở đề án các trường gửi lên, Bộ phải xem xét, lựa chọn; đồng thời, ban hành hướng dẫn để các trường thực hiện chủ trương này. Căn cứ hướng dẫn, các trường hoàn thiện đề án thì mới có quyết định giao nhiệm vụ cho trường nào đào tạo thí điểm chương trình gì. Việc tham gia đào tạo thí điểm chương trình, giáo trình tiên tiến là hoàn toàn do các trường tự nguyện và Bộ không ép. Vấn đề đặt ra là các trường có chuẩn bị đủ các điều kiện để tiếp nhận chương trình tiên tiến hay không.

- Những điều kiện nào sẽ là cơ sở cho Bộ GD-ĐT ban hành quyết định giao nhiệm vụ được đào tạo thí điểm và các trường phải đáp ứng, thưa ông?

- Mỗi đề án gửi lên sẽ tập trung vào một ngành hay một chương trình đào tạo. Trong đề án phải thuyết minh đủ tất cả các thông tin cần thiết cho việc xin đào tạo chương trình tiên tiến. Cụ thể như: tên ngành, nguồn gốc xuất xứ, tiếng sử dụng đào tạo; đồng thời mô tả chương trình đó về cấu trúc các học phần, đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất... tương thích với chương trình đào tạo "nhập khẩu" của các nước.

Những chương trình thí điểm sắp tới đây là những chương trình tiên tiến đang được giảng dạy ở các trường danh tiếng và có truyền thống trên thế giới. Ví dụ như ĐH Harvard (Mỹ), các trường ĐH nổi tiếng của Úc, Anh, Canada...

- Quá trình tìm hiểu đưa chương trình tiên tiến vào giảng dạy ở các trường ĐH Việt Nam được đặt ra từ bao giờ và thông số nào nói lên những chương trình đó phù hợp với điều kiện Việt Nam?

- Vấn đề tìm hiểu là do các trường triển khai thí điểm thuyết trình trong đề án. Bộ GD - ĐT chỉ ban hành hướng dẫn và những quy định cụ thể. Căn cứ Đề án các trường trình Bộ sẽ xem xét chấm điểm. Nếu có điều chỉnh sẽ yêu cầu các trường sửa chữa đảm bảo đúng quy định sau đó mới xác định trường nào được thí điểm đào tạo chương trình tiên tiến nào. Các bước triển khai là như vậy.

Bốn tiêu chí về đội ngũ giảng viên đặt ra đối với các trường:

- Có đủ số lượng cán bộ có năng lực và trình độ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ để tham gia giảng dạy.

- Có ít nhất 30% giảng viên trẻ (dưới 40 tuổi) được đào tạo ở nước ngoài (ưu tiên khối tiếng Anh) trong tổng số giáo viên tham gia gảng dạy.

- Có 100% giảng viên có khả năng sử dụng các phương tiện hiện đại. Nếu giảng dạy bằng tiếng nước ngoài thì phải đủ lực lượng giváo iên có khả năng giảng dạy bằng tiếng nước ngoài.

- Ưu tiên chọn chương trình có giảng viên là người nước ngoài hoặc Việt kiều tham gia giảng dạy....

(Trích Hướng dẫn tạm thời về tổ chức triển khai thí điểm đào tạo theo chương trình, giáo trình tiên tiến - Bộ GD - ĐT)

Dự thảo hướng dẫn tổ chức triển khai thí điểm đào tạo theo chương trình, giáo trình tiên tiến đã cơ bản hoàn tất. Vấn đề đặt ra sau khi có hướng dẫn là cơ chế thực hiện như thế nào. Cụ thể là kinh phí triển khai sẽ lấy từ đâu? Trong chương trình tiên tiến có yêu cầu mời giáo viên nước ngoài giảng dạy thì chế độ như thế nào; sinh viên theo học các lớp này thì học phí ra sao, tiêu chuẩn đầu vào thế nào, trình độ ngoại ngữ... Tất cả những vấn đề đó đều phải nghiên cứu rất kỹ.

Phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam ở đây nó có rất nhiều ý. Thứ nhất: về phía các trường phải đảm bảo các điều kiện chất lượng. Ví dụ: nếu "nhập" chương trình Công nghệ Sinh học của Úc chẳng hạn, nhưng trong điều kiện của trường triển khai không đáp ứng đủ trang thiết bị, cán bộ giảng dạy... thì không thể giao nhiệm đào tạo vụ được.

Thứ hai,  ngành học đó, chương trình học đó có đào tạo được nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của thực tiễn đất nước hay không. Nếu đào tạo một ngành mà xã hội chẳng cần thì sản phẩm ra trường sẽ đi về đâu?. Do đó, những chương trình tiên tiến thí điểm phải đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cần.

Thứ ba, phù hợp với người học về điều kiện kinh tế, sức học và nhu cầu của sinh...

Như vậy, việc đưa thí điểm đào tạo chương trình, giáo trình tiên tiến phải đáp ứng điều kiện đặt ra ở cả 3 phía nhà trường - xã hội và sinh viên. Trong đề án các trường phải thuyết minh rõ: điều kiện tuyển sinh, điều kiện ràng buộc trong quá trình học, tương thích với chương trình khung GD ĐH Việt Nam...

Học phí sẽ cao?

- Sự tương thích giữa chương trình tiên tiến của các nước với Chương trình khung ĐH, CĐ Việt Nam cụ thể như thế nào thưa ông? 

- Trên nguyên tắc, những chương trình tiên tiến thí điểm đào tạo phải đảm bảo cấu trúc và theo mẫu mã đã được quy định; đồng thời, phải có thuyết minh các học phần. Ví dụ môn Toán học của chương trình tiên tiến là gì; môn Sinh học là gì... đều phải có mô tả ngắn gọn trong thuyết minh của đề án.

Còn lại, đối với những môn ở các nước không có như: môn học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục thể chất quốc phòng,... thì chúng tôi đề nghị các trường tổ chức giảng vào năm thứ nhất cùng với môn ngoại ngữ. Tất cả gói vào 1 năm và có thể coi đó là năm đầu tiên đào tạo dự bị. Thời gian 3 năm còn lại là học chuyên môn của chương trình tiên tiến. Về cơ bản quỹ thời gian vẫn giữ 4 năm.

- Quy trình tuyển sinh chương trình, giáo trình tiên tiến khác so với quy trình tuyển sinh ĐH, CĐ thông thường. Làm thế nào để thí sinh có thể biết và tham gia để chuẩn bị những điều kiện học tập?

- Cách thức tuyển sinh thì thí sinh vẫn tham gia thi 3 chung bình thường. Sau khi trúng tuyển thì nhà trường sẽ thông báo có tuyển sinh đào tạo theo chương trình tiên tiến, kèm theo những tiên chí, điều kiện để sinh viên đăng ký. Những tiêu chí cụ thể gồm: ngoại ngữ, điểm thi đầu vào, kinh phí... Hoặc, đối với các trường được Bộ giao nhiệm vụ thì trong cuốn "Những điều cần biết" nhà trường sẽ thông báo tuyển sinh chương trình đào tạo tiên tiến ngành nào, chỉ tiêu, điều kiện... để thí sinh tham khảo. 

Tất nhiên, thông tin sẽ được thông báo trước để sinh viên đăng ký học một cách tự nguyện. Tham gia chương trình này sẽ tốn kém hơn nhưng sinh viên sẽ có quyền lợi: được học chương trình tiên tiến tương đương với các chương trình nước ngoài; được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở các nước khác, hay quá trình học được các GS nước ngoài, Việt kiều nước ngoài về giảng dạy và học toàn bộ bằng tiếng Anh... 

Sinh viên ĐH RMIT trong ngày tốt nghiệp - Ảnh: (RMIT)

- Mức học phí cho sinh viên tham gia học chương trình tiên tiến là bao nhiêu? Dự trù trong kế hoạch sẽ thu học phí cao để đảm bảo chi phí đào tạo chương trình tiên tiến của các trường có nằm trong Đề án tăng học phí áp dụng thời gian tới?

- Có thể sẽ phải cao hơn học phí dành cho sinh viên học chương trình bình thường. Vấn đề này các trường sẽ phải tính toán, cân đối cụ thể trên nguyên tắc lấy thu đủ bù chi.

Kinh phí đào tạo các trường có thể lấy từ nhiều nguồn: học phí, Nhà nước cấp hàng năm (1 sinh viên/5,9 triệu đồng/năm), kinh phí từ các chương trình hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học... nhà trường sẽ hỗ trợ đào tạo cho những chương trình này. 

Thực ra, một trường ĐH không thể đào tạo nhiều chương trình tiên tiến được mà chỉ thí điểm đào tạo 1 ngành thôi, 1 chương trình thôi thì họ sẽ tập trung tạo thành mũi nhọn.

- Như ông nói, các trường phải tính toán các điều kiện, chi phí đảm bảo thu đủ bù chi... Để tránh tình trạng các trường sẽ "kêu" điều kiện cần cho đảm bảo chất lượng đào tạo chương trình tiên tiến Bộ phải hỗ trợ kinh phí khi duyệt đề án không đồng bộ. Khoản dự trù hỗ trợ từ Bộ sẽ trích từ đâu và được phân bổ cho từng chương trình đào tạo là bao nhiêu? 

- Ngoài ngân sách Nhà nước cấp thì Bộ sẽ hỗ trợ một phần từ khoản kinh phí xây dựng chương trình khung; hỗ trợ trong việc mua giáo trình, tài liệu... Còn chủ yếu là các trường, Bộ chỉ ban hành các cơ chế thực hiện. 

Khoản hỗ trợ tính trên chương trình cụ thể là bao nhiêu thì chưa tính toán cụ thể. Tuy nhiên, Bộ khẳng định sẽ có hỗ trợ ban đầu để các trường "nhập khẩu" chương trình đó, xây dựng chương trình đó. Và chuẩn bị những điều kiện cần thiết khi đưa chương trình đó vào đào tạo thí điểm, chứ không phải hỗ trợ toàn bộ.

- Băn khoăn đặt ra, khâu quản lý được đánh giá còn lỏng lẻo, chưa đồng bộ là nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục hiện nay còn nhiều vấn đề nổi cộm chưa giải quyết triệt để. Liệu việc để các trường một mặt phải đảm bảo chất lượng đào chương trình tiên tiến, một mặt phải tính toán "lấy thu bù chi" đối với các trường có quá sức?

- Thực ra, theo Đề án đổi mới GD ĐH Việt Nam thì việc đưa các chương trình, giáo trình tiên tiến vào thí điểm đào tạo tại Việt Nam là một trong những nội dung cơ bản để tiến tới hội nhập với khu vực và thế giới về GD ĐH. Một trong những giải pháp có đề cập thực hiện là tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường... Như vậy, các trường phải tự chủ và tự chịu trách nhiệm với xã hội sau khi Bộ đã cho phép đào tạo những chương trình tiên tiến trên cơ sở đề án của các trường trình.

Về phía Bộ sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và đánh giá cho việc thực hiện thí điểm đào tạo những chương trình này.  

- Việc đưa chương trình tiên tiến vào giảng dạy nhằm thúc đẩy nâng chất lượng đào tạo hay tạo ra một cơ chế thị trường giáo dục ĐH nhằm cạnh tranh với các mô hình giáo dục đa dạng của các nước?

- Nó bao hàm cả hai vấn đề đặt ra. Việc thí điểm đào tạo chương trình giáo trình tiên tiến này là chủ trương của Chỉnh phủ và theo tinh thần của công văn 1269 (ngày 6/9/2004) của Thủ tướng. Đồng thời, nhằm đáp ứng các mục tiêu để tiếp cận với khoa học thế giới. Thứ hai là để hội nhập với GD ĐH Khu vực và thế giới. Cùng với đó, tạo động lực thúc đẩy và cạnh tranh lành mạnh trong đào tạo.

- Dự kiến, năm 2006 khóa tuyển sinh đào tạo thí điểm của mỗi chương trình tiên tiến khoảng bao nhiêu sinh viên?

- Có thể chỉ 30 sinh viên/1 chương trình chẳng hạn... Vấn đề tuyển sinh các trường sẽ phải xây dựng đề án cụ thể. Trong đó phải cân đối nguồn học phí, cân đối nguồn thu chi để họ có thể khẳng định 1 chương trình đào  tạo khoảng bao nhiêu sinh viên...

Giảng dạy chương trình tiên tiến = Du học tại chỗ?

- Tham gia chương trình tiên tiến, người học được thụ hưởng những quyền lợi cụ thể?

- Một là, được miễn thi ngoại ngữ khi tham gia tuyển sinh nước ngoài để đào tạo sau ĐH vì trong quá trình học đã học bằng tiếng Anh. Chẳng hạn như tốt nghiệp chương trình tiên tiến, khi đi học cao học nước ngoài thì được miễn thi ngoại ngữ - đây mới là dự kiến vì chưa có văn bản chính thức.

Hai là, được liên kết và chuyển đổi với các trường nước ngoài. Ví dụ như đã học chương trình tiên tiến của Harvard thì sẽ được chuyển đổi tương ứng; Ba là, những sinh viên tham gia học chương trình này có khả năng được đi giao lưu, tiếp xúc học tập ở nước ngoài.  

Tất nhiên là còn có những quyền lợi khác nữa. Và đó là điều kiện tốt hơn so với những sinh viên học không theo học chương trình này vì họ phải đóng học phí cao hơn, họ đòi hỏi cao hơn nên họ phải có những quyền lợi nhất định. 

- Thông tin Đề án học phí mới sẽ điều chỉnh tăng lên đã gây xôn xao dư luận. Vấn đề đặt ra là ngay từ đầu phải cân đối thu chi như thế nào để đáp ứng điều kiện sinh viên theo học chương trình tiên tiến chi phí hợp lý mà các khoản thu của các trường lại không sai với quy định?

- Như tôi đã nói thì các trường phải hoàn toàn tự chủ tất cả các khâu sau khi đã được Bộ quyết định giao nhiệm vụ đào tạo thí điểm chương trình tiên tiến. Do đó các trường phải cân đối thu chi phù hợp. Tất nhiên là không thể thu học phí quá cao được mà trên nguyên tắc lấy thu bù chi.

Đúng là Đề án học phí sắp tới sẽ nâng mức học phí lên nhưng đối với những sinh viên theo học các chương trình tiên tiến cũng không thể thu mỗi tháng quá nhiều được, mà phải bằng các nguồn thu khác để hỗ trợ. Việc học phải trên nguyên tắc tự nguyện chứ không thể bắt buộc. 

Do đó, nếu gia đình nào có điều kiện, đáng ra cho con đi học nước ngoài nhưng trong nước cũng có đào tạo chương trình và họ cho con tham gia. Như vậy, một mặt sinh viên không phải ra nước ngoài học tập thì sẽ không bị chảy máu chất xám, không bị chảy máu ngoại tệ. Sau tốt nghiệp có thể thi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài...

- Thông thường các trường được bao cấp kinh phí đào tạo. Như ông nói, khi Bộ giao nhiệm vụ cho các trường đào tạo thí điểm chương trình tiên tiến sẽ phải tự chủ trong vấn đề kinh phí đào tạo thì liệu có các trường quá xa đà trong việc tìm nguồn thu sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo?

- Trong mỗi đề án đều có cam kết thực hiện chương trình tiên tiến chứ không thể nói vì mục tiêu kinh phí, vì điều kiện kinh tế... mà "mang con bỏ chợ" được! Mặt khác, phải khẳng định rằng: các trường không phải làm dịch vụ từ việc này mà khi đăng ký thực hiện thí điểm chương trình, giáo trình tiên tiến vào giảng dạy chủ yếu để khẳng định thương hiệu là chính; đồng thời, có thêm quan hệ hợp tác quốc tế.

- Vấn đề băn khoăn cuối cùng, để thực hiện một chương trình tiên tiến đòi hỏi các trường phải có giáo viên, giáo sư người nước ngoài; thiết bị thí nghiệm đầy đủ, trao đổi trực tiếp với đối tác, thực tập thực hành cũng phải đi nước ngoài... Có nghĩa là chi phí cho một chương trình tiên tiến rất lớn. Liệu một chương trình chỉ tuyển sinh, đào tạo vài chục sinh viên thì có tưng xứng với mức đầu tư?

- Vài chục chỉ tiêu đấy là tôi nghĩ thế. Việc đưa chương trình tiên tiến vào giảng dạy cũng là một hình thức như thức du học tại chỗ. Nhưng có điều, "mình" nhập khẩu các chương trình tiên tiến của nước ngoài về,  và các trường được chủ động trong tuyển sinh, đào tạo, mời giảng viên... 

- Xin cảm ơn ông!

  • Kiều Oanh (thực hiện)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,