- Một đảng gắn bó, trung thành phục vụ dân, tin tưởng ở dân, hoạt động minh bạch... thì luôn có điều kiện cần và đủ để giương cao ngọn cờ dân chủ.
LTS: Hiện thực hóa những quan điểm của Đảng và Nhà nước về dân chủ là nhiệm vụ lớn, vừa có tính cơ bản, vừa có tính thời sự. Xung quanh vấn đề đã được đề cập rõ ràng trong các văn kiện của Đảng và pháp luật Nhà nước này, tưởng như mọi chuyện đã rõ về nhận thức. Vấn đề chỉ còn là tổ chức hành động. Nhưng thực tế chứng tỏ còn tồn tại nhiều vấn đề. Có vấn đề nhận thức chưa thống nhất; có vấn đề nhận thức và hành động không nhất quán.
VietNamNet giới thiệu loạt bài "Chống dân chủ hình thức, thực hiện đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước về dân chủ" của tác giả Bùi Đức Lại.
Bài 1: "Định vị" đúng vấn đề dân chủ
Dân chủ trước hết và cơ bản là vấn đề của chúng ta chứ không phải là vấn đề do ai tạo dựng ra và "gán ghép" từ bên ngoài.
Không cùng nhịp với cuộc sống
Trong nhiều văn kiện cơ bản, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định bản chất dân chủ của thể chế chính trị nước ta, trong đó quyền lực thuộc về nhân dân, dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng, Đảng lãnh đạo để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Đảng và Nhà nước cũng chỉ ra những khuyết điểm mất dân chủ xảy ra ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực; xem đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu của những khuyết điểm trong lãnh đạo và quản lý đất nước. Từ đó khẳng định yêu cầu thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong xã hội - một trong những biện pháp quan trọng nhất để phát huy sức mạnh toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khắc phục tham nhũng, quan liêu, suy thoái biến chất.
Phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hầu như không bao giờ quên nói rõ và nhấn mạnh yêu cầu "thực sự dân chủ" trong mọi hoạt động của Đảng và xã hội.
Từ đây có thể rút ra mấy kết luận:
Một là, dân chủ là vấn đề lớn của chúng ta, xuất phát từ mục tiêu, yêu cầu khách quan của đất nước và Đảng, là việc tự ta phải giải quyết vì lợi ích của đất nước, vì sự phát triển của Đảng.
Đảng và Nhà nước đã đề ra những quan điểm cơ bản về một nền dân chủ mà chúng ta muốn xây dựng và phát triển. Một nền dân chủ như vậy không thể thực hiện hoàn chỉnh ngay trong "một sớm một chiều", mà phải có những bước đi thích hợp. Điều này là khách quan, muốn hay không cũng không thể không thừa nhận.
Vấn đề cần làm rõ là trong thời điểm hiện nay, bước đi trong tiến trình dân chủ hóa đã tỏ ra không bắt kịp, không cùng nhịp với sự thay đổi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Biểu quyết thông qua nghị quyết đại hội đảng bộ xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM tháng 4/2010. Ảnh: Việt Dũng
Các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều nhấn mạnh yêu cầu mở rộng và thực hành dân chủ rộng rãi, xem đây là biện pháp cơ bản, thậm chí là điều kiện tiền đề để thực hiện mọi nhiệm vụ khác. Đó là bằng chứng không thể bác bỏ rằng: Mất dân chủ vẫn tiếp diễn, là cản trở lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc, đổi mới, chỉnh đốn Đảng; không phát huy dân chủ thì không thể thực hiện được mọi nhiệm vụ.
Nói cách khác, mở rộng và thực hành dân chủ luôn luôn và trước hết là vấn đề của chúng ta, là nhiệm vụ cơ bản và cấp bách do cuộc sống đặt ra, chứ không phải là vấn đề được áp đặt từ bên ngoài.
Làm thế nào để chống "lợi dụng dân chủ"?
Hai là, việc có những lực lượng âm mưu lợi dụng "dân chủ" (cũng như nhiều vấn đề khác) để chống đối chế độ cũng là một sự thực khách quan. Nhưng nếu chỉ xuất phát từ góc độ này (hoặc trước hết xuất phát từ góc độ này) để xem xét vấn đề dân chủ thì không tránh khỏi sai lầm lớn.
Cách nhìn đó dễ khiến người ta vội vàng chuyển vấn đề sang phạm trù "đấu tranh địch - ta", nhân danh "đề phòng địch lợi dụng" để biện hộ cho việc làm mất dân chủ và gán ghép cho đấu tranh thực hiện dân chủ là "mơ hồ", "mất cảnh giác"… Làm như vậy là quên đi hoặc bỏ qua yêu cầu dân chủ hóa cuộc sống của Đảng và đất nước. Cũng không quá lời nếu nói rằng như vậy là trái quan điểm của Đảng và Nhà nước về dân chủ.
Ba là, làm thế nào để chống "lợi dụng dân chủ"?
Thực tiễn đã chứng minh rằng một đảng cách mạng gắn bó, trung thành phục vụ nhân dân, tin tưởng ở nhân dân, hoạt động minh bạch, chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng đảng, thì luôn luôn có các điều kiện cần và đủ để nắm chắc và giương cao ngọn cờ dân chủ. Các thế lực chống đối dù nham hiểm đến đâu cũng không thể sang đoạt hay giả mạo ngọn cờ đó.
Trong điều kiện ngày nay, thiết tưởng không phải là khó khăn lắm việc vạch trần, vô hiệu hóa các thủ đoạn bịa đặt, vu cáo, xuyên tạc, mua chuộc… của các lực lượng chống đối.
Nhưng khó khăn hơn nhiều, nếu thế lực chống đối lợi dụng những sai lầm có thật của cán bộ (mất dân chủ, tham nhũng, quan liêu, xâm phạm lợi ích của nhân dân, trấn áp, bịt miệng người tố cáo…). Nói cách khác, thế lực chống đối chỉ có thể "lợi dụng dân chủ" nếu thực sự có mất dân chủ. Kiên quyết đấu tranh khắc phục những biểu hiện mất dân chủ là biện pháp có hiệu quả nhất chống lại việc "lợi dụng dân chủ".
Không thực hành dân chủ theo quan điểm của Đảng và Nhà nước chẳng những là xa rời một nhiệm vụ cơ bản, mà còn cản trở việc thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ xây dựng Đảng và Nhà nước. Thêm nữa, nó khách quan "tiếp tay" cho lực lượng chống đối thực hiện mưu đồ "lợi dụng dân chủ" để chống phá, dẫn đến nguy cơ bị chống phá cả từ hai phía. Rõ ràng, không kiên trì thực hành dân chủ thì không tránh khỏi nhiều tai họa lâu dài.
-
Bùi Đức Lại
Bài 2: Nhận diện bệnh dân chủ hình thức: Trong điều kiện ngày nay, khi đã có chủ trương, nghị quyết của Đảng, luật pháp, quy phạm nhà nước, khi các phương tiện thông tin đại chúng đã phát triển, không dễ gì nói và làm trái nghị quyết, công nhiên đi ngược lại xu thế mở rộng và thực hành dân chủ. Mất dân chủ có những biến tướng để né tránh, ẩn náu, tự vệ.
Dân chủ hình thức là một biến tướng như vậy.