221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1260655
Muốn dân chủ, phải lắng nghe ý kiến trái chiều
1
Article
null
Muốn dân chủ, phải lắng nghe ý kiến trái chiều
,

"Sự thừa nhận những ý kiến trái chiều đã “đóng dấu” trong điều lệ của Mặt trận. Phải biến điều đó thành hiện thực chứ đừng để nó thành “bánh vẽ”.

Giáo sư Tương Lai chia sẻ suy nghĩ với báo giới bên lề Hội nghị lần thứ 2 Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VII, tổ chức tại TP.HCM ngày 27 và 28/1.

GS.Tương Lai: Đừng giải khát bằng thuốc độc

Sự thừa nhận những ý kiến tuy trái chiều nhưng cùng chung mục tiêu xây dựng đất nước được thể hiện rõ trong Cương lĩnh của MTTQ Việt Nam: “Chân thành, đoàn kết, không phân biệt quá khứ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo và ý thức hệ. Chỉ cần tán thành công cuộc đổi mới và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ…”.

gs-tuonglai.jpg
Giáo sư Tương Lai (phải) trao đổi với nhà báo Đỗ Phượng và các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: Đ.Q

Những ý kiến trái chiều như vậy đã được “đóng dấu” trong điều lệ của Mặt trận. Phải biến nó thành hiện thực, đừng để nó thành “bánh vẽ”.

Tuy nhiên, tôi thấy những ý kiến trái chiều hiện nay chưa được đánh giá đúng. Có trường hợp, người có ý kiến trái chiều còn bị cho là “người gây rối”.

Thiết nghĩ, chức năng chính của Mặt trận là lắng nghe tâm trạng của quần chúng và phản ánh cho đúng cái tâm trạng ấy, đừng có khích người ta ăn theo, nói leo. Phải dám nói lên sự thật, nhưng sự thật thì bao giờ cũng khó nghe, nhất là với những người có quyền.

Không ít cán bộ chỉ muốn khi mình ra lệnh, người khác phải tuân phục. Đó là sai lầm. Cán bộ thích người khác tuân phục khi mình ra lệnh dù đúng hay sai chính là người tự giải khát bằng thuốc độc.

Nhà báo Đỗ Phượng: Không nên coi thường ý kiến trái chiều

Trong thời kỳ này, lãnh đạo Mặt trận nên coi trọng việc tìm hiểu, trao đổi, bàn bạc về những ý kiến mang quan điểm, tư tưởng trái chiều, khác biệt. Không nên coi thường việc này.

Trừ một số ít có tư tưởng chống phá đất nước, những ý kiến trái chiều khác chúng ta nên lắng nghe và nên ngồi lại trao đổi với nhau.

Tôi đi nhiều nơi, gặp những trí thức cách mạng, những trí thức yêu nước. Họ nói nhiều điều làm mình giật mình. Có người có thông tin chính xác, nhưng cũng có người không có đủ thông tin, thông tin không đúng nhưng không có ai trao đổi, không có ai cùng bàn bạc. Mà muốn trao đổi, bàn bạc với họ thì cần những người có trình độ, có kiến thức, có học vị tương đuơng.

"Xóa nghèo được là tốt, nhưng đã đến lúc phải huớng suy nghĩ này thành hành động giúp dân cụ thể chứ không phải chỉ làm từ thiện. Chỉ xây nhà và cho cái nhà không thì không phải là tốt. Phải tìm cách giúp dân, cho công ăn việc làm. Khẩu hiệu "ngày Vì người nghèo" đã được rồi, nhưng nếu có thêm "Ngày cho công ăn việc làm" thì lại càng tuyệt vời hơn". (Đỗ Phượng)

Phần lớn số người này là những người yêu nước. Khi không giải quyết được băn khoăn, họ thường cho rằng do nhà nước độc đoán, đất nước độc Đảng. Và từ đó phát sinh nhiều chuyện. Tôi thấy trong vấn đề này, Mặt trận nên có ý kiến.

Với những tư tưởng, những quan điểm, những ý kiến khác thì cần có những cuộc gặp gỡ bàn thảo để tìm ra được những câu trả lời cho những vấn đề của thời đại. Xin coi trọng chuyện này, có thể từ một ý thức rất muốn xây dựng nhưng không có người nghe, không có người bàn bạc thành ra lẫn lộn; từ đó, chuyển sang dạng “phản động” rất dễ.

Nhiệm kỳ này MTTQ nên chuyển hướng, mỗi kỳ họp nên tập trumg bàn 1 hay 2 việc cho thật hiệu quả.. Đồng thời nên chọn 1 chủ đề phản biện cụ thể cho mỗi kỳ họp theo nguyên tắc cái gì đáng phản biện thì phản biện có hiệu quả, cái gì đáng giám sát thì giám sát có hiệu quả.

Mặt trận cũng cần học phong phong cách của Bác Hồ gần dân, sát dân, nghe dân. Chúng ta ngày càng quan liêu, mỗi lần đến gặp dân đi cả đoàn, rồi xe lớn xe nhỏ hùng hậu thì làm sao gần dân, gặp dân và nghe dân nói được.

Vì sao lại có khiếu kiện, biểu tình, bãi công…? Không phải biểu tình là chống cách mạng mà chỉ đơn giản là vì những bức xúc lâu ngày không được giải quyết nên "bùng lên" thôi.

Thật ra, có nhiều vấn đề rất bình thường, nếu có người đủ quyền hạn lắng nghe, "dám nói, dám quyết" thì xong lâu rồi. Chỉ đến nghe lơ mơ rồi về, mọi việc đâu lại vào đó thì chỉ làm cho dân đã bức xúc lại càng bức xúc thêm.

GS. Nguyễn Lân Dũng: Đừng cho rằng chân lý chỉ có một

gs-nguyenlandung.jpg

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng "Chân lý không chỉ có một". Ảnh: Đ.Q

Tôi nghĩ, Mặt trận nên tôn trọng, lắng nghe những ý kiến trái chiều. Muốn bảo vệ được những cái ý kiến trái chiều như vậy thì nên học tập tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ngay từ những ngày đầu cách mạng, trong hoàn cảnh nghìn cân treo sợi tóc nhưng Bác dám tin cậy những trí thức ngoài Đảng. Thời điểm đó, Chính phủ có lúc có tới 10 bộ trưởng là người ngoài Đảng. Ví dụ như ông Nguyễn Văn Huyên, 3 thập kỷ làm Bộ trưởng GD, hay như ông Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Trần Đăng Khoa, Trần Đại Nghĩa… Hay như ông Tạ Quang Bửu, mới vừa vào Đảng một tháng nhưng đã làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thế nhưng bây giờ, 86 triệu dân mới chỉ có 3 triệu đảng viên, trong khi "chuẩn cán bộ" quy định từ cấp thôn trở lên phải là đảng viên.

Chúng ta đang lãng phí hơn 80 triệu dân. Người ta không vào Đảng vì lý do này, lý do khác, nhưng không phải là người ta không có tài.

Theo tôi, phải xem xét ý kiến trái chiều đó có trên tinh thần cầu tiến, xây dựng hay không. Nếu ý kiến đó là khoa học, là xây dựng thì nên chấp nhận. Đừng nên vội vàng cho rằng chân lý chỉ có một và nếu thật sự chỉ có một thì không phải ai cũng có thể độc quyền chân lý được.

Phải tìm ra chân lý. Muốn tìm ra chân lý thì phải dân chủ, mà muốn dân chủ thì phải lắng nghe những ý kiến trái chiều.

  • Đoàn Quý
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,