221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1267669
Dân chủ hóa công tác nhân sự: Thay đổi một quy trình
1
Article
null
Dân chủ hóa công tác nhân sự: Thay đổi một quy trình
,

- Dân chủ hóa công tác nhân sự là việc tất yếu phải làm để có một thế hệ lãnh đạo, quản lý đất nước ngang tầm với sự nghiệp chấn hưng và phát triển bền vững của đất nước. Để thực hành dân chủ, cần bắt đầu từ thay đổi cách lãnh đạo và thay đổi một quy trình.

Then chốt của sự phát triển bền vững đất nước là xây dựng Đảng nhưng mấu chốt của công tác xây dựng Đảng là gì? Phải bắt đầu từ đâu và tiến hành theo những quy trình và một lộ trình như thế nào?

Đây là việc rất khó. Mặc dầu Trung ương đã có nhiều chủ trương, nghị quyết trong đó những quan điểm cơ bản có thể nói là rất đổi mới, rất cơ bản và đúng đắn, nhưng trong thực tiễn vẫn còn nhiều việc đang gặp không ít khó khăn, trở ngại. Một trong những vấn đề đó là công tác nhân sự.

"Bao nhiêu quyền hạn đều của dân"

Hầu như mỗi lần đại hội ở tất cả các cấp, các ngành thì việc bận tâm nhất vẫn là vấn đề nhân sự và cũng nên nói thật rằng không ít nơi khi kết thúc đại hội tuy đánh giá là "thành công tốt đẹp" nhưng câu chuyện nhân sự vẫn còn dư âm kéo dài, xôn xao bàn tán cả trong nội bộ lẫn trong quần chúng.

Vẫn liên hoan mừng thắng lợi đấy nhưng "vui là vui vậy kẻo mà" thôi, tình trạng "không nói trước mặt chỉ nói sau lưng", "trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm", "sinh ra thói thậm thà thậm thụt" như Hồ Chủ tịch đã chỉ ra trong cuốn Sửa đổi lối làm việc thì không phải là cá biệt.

Mô tả ảnh.
Đảng bộ phường Dịch Vọng, Hà Nội trực tiếp bầu bí thư. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chả lẽ trong Đảng ta lại không có sáng kiến và lòng hăng hái để khắc phục tình trang đó hay sao? Hoàn toàn không phải như vậy, mà là do hai nguyên nhân.

"Cách lãnh đạo của ta không được dân chủ, cách công tác của ta không được tích cực", như Bác Hồ từng viết. Như vậy vấn đề ở đây không phải là do quan điểm, không phải là tệ độc đoán chuyên quyền, mà là do phương pháp, do cách làm, cách lãnh đạo và cách công tác...

Tình trạng lãnh đạo mất dân chủ trong công tác nhân sự khá phổ biến nhưng ít nơi,ít người dám tự nhận là cách lãnh đạo và cách công tác của mình đã không thực hành dân chủ ."Nếu có ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế".

Để mở rộng dân chủ trong công tác nhân sự, gần đây TƯ đã có chủ trương tiến hành thí điểm đại hội Đảng trực tiếp bầu bí thư và về mặt Nhà nước thì chủ trương bí thư sẽ kiêm chủ tịch UBND.

Tuy nhiên, để cho vấn đề dân chủ hóa công tác nhân sự đi vào đời sống chính trị của xã hội một cách thiết thực, có hiệu quả cao, qua đó mấu chốt của việc đổi mới xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền có chuyển biến tích cực, nên chú ý lời dạy sau đây của Hồ Chí Minh, lấy đó làm cơ sở lý luận cho việc thay đổi một quy trình làm việc nhằm hiện thực hóa chủ trương dân chủ hóa công tác nhân sự:

"Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân
.............
Chính quyền từ xã đến chính phủ TƯ do dân cử ra
Đoàn thể (Đảng - NV) từ TƯ đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân"

Đảng Cộng sản Việt Nam không có mục đích tự thân, không vì lợi ích của một nhóm, một giai cấp, tầng lớp nào mà vì lợi ích của nhân dân, dân tộc. Hồ Chí Minh đã từng nói Đảng không phải là một tổ chức để tranh giành tước lộc, "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng".

Do đó, về lý thuyết, chỉ có một đảng chính trị như thế mới thực sự tin dân, mới dám dũng cảm trao quyền cho dân chúng số đông nắm giữ sau khi mình đã có công đầu trong việc lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền (Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong bối cảnh phức tạp năm 1946 và việc thành lập chính phủ liên hiệp kháng chiến sau cuộc tổng tuyển cử đó đã chứng minh bản lĩnh cách mạng chân chính của Đảng cộng sản Việt Nam dưới sự dẫn dắt thiên tài của Hồ Chí Minh).

Trưng cầu ý dân ở từng cấp trước đại hội

Trở lại vấn đề bầu cử cấp ủy Đảng. Đây là việc nội bộ của Đảng. Đảng không phải là Nhà nước nên nhân dân không có tư cách bầu cấp ủy Đảng. Nhưng Đảng ta là đảng cầm quyền, mà một điều hiển nhiên là bất cứ đảng cầm quyền nào cũng đều cử những người tiêu biểu của mình ra nắm giữ các chức vụ chính quyền.

Vì vậy, bất cứ đại hội Đảng ở cấp nào, khi bầu cấp ủy, cũng đều quan hệ mật thiết đến vận mệnh của dân chúng. Để cho việc lựa chọn của đại hội đảm bảo độ chính xác cao, Đảng nên tổ chức cuộc trưng cầu ý dân ở từng cấp trước khi khai mạc Đại hội.

Không cần dự kiến danh sách cấp ủy mới để thăm dò mà nên nêu rõ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đảng bộ địa phương trong thời gian tới và tiêu chuẩn cụ thể về đức, tài, về khả năng đảm trách công việc , uy tín với dân chúng... để nhân dân tham gia góp ý kiến, đề xuất về nhân sự.

Đây không phải là cuộc bầu cử mà là một hình thức điều tra xã hội học. Phiếu điều tra nên phát rộng rãi, càng nhiều càng tốt, không chọn lọc đối tượng phát phiếu, nên chú trọng đến thanh niên, những cán bộ đảng viên đương chức.

Phiếu điều tra và cách thức điều tra nên tiến hành tựa như những lần bầu cử hội đồng nhân dân, có địa điểm thuận tiện để người dân trực tiếp đến bỏ phiếu kín, không bắt buộc người dân phải có nghĩa vụ đi bỏ phiếu, nghĩa là tạo ra một bầu không khí tự nguyện, tự giác, ai có tinh thần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, có ý thức với tình hình và nhiệm vụ ở địa phương, đất nước thì tham gia bỏ phiếu.

Việc lãnh đạo tổ chức thăm dò và kiểm phiếu phải thật dân chủ và công khai, minh bạch. Nên coi đây là một khâu quan trọng của việc chuẩn bị tổ chức đại hội, là biểu thị tinh thần cầu thị của Đảng để tạo ra sự gắn bó giữa tổ chức của Đảng với nhân dân, làm cho uy tín của Đảng được nâng cao, hiện thực hóa thêm một mức cao chưa từng có mà nhân dân gọi một cách thân gần: "Đảng ta".

Tuyệt nhiên không coi kết quả cuộc điều tra, thăm dò là một việc làm thay thế cho việc bầu cử, ứng cử trong Đảng nhưng nó có giá trị tư vấn cho lãnh đạo suy nghĩ bàn bạc khi dự kiến nhân sự, cho mỗi đại biểu suy nghĩ khi ứng cử, bầu cử cấp ủy.

Việc điều tra, thăm dò này là trái với Điều lệ Đảng và cách làm truyền thống nhưng như Lênin đã từng nói, nguyên tắc là do con người tạo ra và nguyên tắc chỉ đúng khi nó phù hợp với quy luật của đời sống thực tiễn. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động cao nhất của Đảng và Nhà nước ta như Hồ Chủ tịch đã căn dặn ngay từ ngày đầu có chính quyền là: Sao cho hợp lòng dân, là ý Đảng và cũng là lòng dân.

Bầu bí thư và cấp ủy viên là công việc nội bộ của Đảng, nhưng nhân sự chính quyền là công việc của dân. Đảng chủ trương bí thư kiêm chủ tịch UBND thì rõ ràng việc thăm dò ý kiến nhân dân trước khi đại hội bầu bí thư là việc không những nên mà còn rất cần làm, để khi người bí thư được giao đảm nhiệm chức vụ chính quyền, họ không những là bí thư của đảng bộ mà còn đích thị là chủ tịch của chính quyền nhân dân, do nhân dân.

Mặt khác, người bí thư - chủ tịch ấy khi nhận nhiệm vụ đã có được một thông điệp quan trọng là uy tín của mình đối với nhân dân ở mức độ nào để tự ý thức được việc tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân, phát huy ưu điểm và khắc phục khuyết, nhược điểm.

Dân chủ hóa công tác nhân sự là việc tất yếu phải làm để có một thế hệ lãnh đạo, quản lý đất nước ngang tầm với sự nghiệp trấn hưng và phát triển bền vững của đất nước. Nhưng để thực hành dân chủ, cần bắt đầu từ thay đổi cách lãnh đạo và thay đổi một quy trình.

  • Trần Đình Huỳnh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,