,
221
7322
Kết nối bạn đọc
ketnoi
/blogviet/ketnoi/
1152181
Bếp lửa và nồi bánh chưng
1
Article
7021
Blog Việt
blogviet
/blogviet/
,

Bếp lửa và nồi bánh chưng

Cập nhật lúc 11:01, Thứ Tư, 28/01/2009 (GMT+7)
,

Kết Nối Blog - Ký ức tuổi thơ của tôi không có nồi bánh chưng Tết, vì bố tôi không biết gói bánh chưng! Nhưng năm nào bánh chưng nhà tôi cũng ăn qua mùng 10 chưa hết. Các bác ở quê ngoại biết nhà tôi không gói nên mỗi nhà cho một cặp. Các chú bác ở nơi sơ tán cũ cũng thơm thảo quà quê, 30 Tết lên cho các cháu cặp bánh. Mấy ngày Tết đi chơi chạy vội về, làm miếng bánh chưng xanh với cá trắm kho nhừ của mẹ rồi vội vã chạy đi. Ngày phải đi học, buổi sáng ấm bụng miếng bánh chưng rán béo giòn của mẹ…

Đi lấy chồng, tôi mới được tham dự gói bánh chưng. Ngày Tết, quan trọng nhất với mẹ chồng tôi là nồi bánh. Bố chồng và các con đi làm xa, sau Tết phải có cặp bánh mang đi. Gạo nếp cái hoa vàng đong từ trước, từng hạt mẩy tròn căng, bà cặm cụi nhặt hết những hạt gạo tẻ lẫn vào. Đậu xanh lòng vàng. Thịt lợn tươi rói khổ dày. Hạt tiêu rang thơm nức. Cẩn thận nhất là lá dong. Làm sao chọn được lá xanh, to, lành lặn và bánh tẻ. (Phần vì ngại chú hay cằn nhằn, vì chú là dân sở tại hay phải làm nên có quyền càu nhàu).

Ảnh minh họa: Blog REALlife™

Trời rét mướt cóng cả tay, bao nhiêu việc phải làm chuẩn bị gói bánh: Vo hơn chục ký gạo nếp; đỗ xanh thì ngâm, đãi sạch vỏ rồi đồ chín, giã nhuyễn, nắm lại từng nắm. Thịt thái từng miếng khổ lớn, sao cho vừa đủ với số lượng bánh, vài miếng dư để gói bánh con, ướp sẵn. Bóc hành. Riêng khoản lá cũng kỳ công: rửa sạch (đỏ lựng cả tay), lau khô, cắt cuộng, bóc sống lá, phân loại lớn nhỏ! Lạt giang phải dài, dẻo, mẹ mua rồi nhờ ông ngoại chẻ hộ… Nhà chồng tôi, đàn ông ai cũng biết gói bánh. Các con còn bé thì bố gói. Sau này chuyển giao thế hệ: chồng tôi, chú đảm nhiệm.

Có một Tết, bố không về sớm được, chồng tôi ở lại trực không về. Năm ấy gói nhiều, phải bốn chục chiếc bánh. Ở nhà không bao giờ gói khuôn vì gói tay mới thể hiện “đẳng cấp” gói bánh và bánh chặt tay hơn. Một mình chú gò lưng, sắp rên rẩm (gọi là “chú” nhưng “chú nó” hơn chị dâu một tuổi). Tôi loanh quanh phục vụ xung quanh, sốt ruột: “Nào, chú chỉ, chị gói thử xem nào!”.  Bày thêm mâm ra. Chị chọn hai cái lá to đẹp, gấp mép một chút, đặt ngược nhau, mặt ngửa lên trời của tấm lá xuống dưới. Lá tiếp đặt ngang, lá sau nữa đặt dọc, ngửa mặt lá lên. Rồi, một bát gạo đầy, dàn nhẹ tay. Nửa nắm đỗ, bóp nhẹ, dàn đều. Xếp thịt ngay ngắn. Rải hành tím chẻ đôi vào. Lượt đỗ nữa. Một bát gạo phủ lên. Rồi gói! Ái chà, công đoạn này mới thấy e sợ. Làm sao giờ! Chị trông em làm này! Túm cuống và đầu lá đặt dọc trong cùng lên, vừa phải lựa theo kích thước bánh, gấp mép. Tay phải dằn nhẹ mép lá, tay kia lật mép lá bên trái, chuyển đồng thời giữ mép lá dọc luôn, để tay phải buông ra gấp mép bên phải. Lật lá ngoài cùng lên, bẻ góc, đặt lạt…Nói lằng nhằng thế nhưng các động tác phải hết sức nhịp nhàng, chính xác, mạnh dạn. Ngập ngừng một chút tòe loe ngay, gạo đỗ lộn xộn, khóc dở mếu dở…May mắn làm sao, chiếc bánh đầu tiên tôi gói trong đời không gặp phải trục trặc nào. Duy chỉ hơi chữ nhật và không đủ tám góc như yêu cầu thành phẩm. Chú động viên: chiếc đầu tiên chị gói đẹp hơn em rồi, chỉ tại tay chị yếu nên không bẻ cao thành bánh được. (Chiếc này sau được gửi lên cho chồng ở cơ quan để “báo cáo thành tích”). Thừa thắng xốc tới, chị cùng chú gói đến xong! Bao giờ cũng đếm đầu cháu để không thiếu một chiếc bánh cóc nào, cả những đứa không về sẽ gửi sau.

Ảnh minh họa: amthuc365.vn

Những năm sau, việc gói bánh không phụ thuộc vào người ở xa về nữa, tôi đảm nhiệm từ A đến Z. Nhưng “oai” hơn, ngồi giữa ngổn ngang thúng gạo, chậu thịt, nồi đỗ, bát hành, muối, nước,…tôi được quyền sai phái mọi người chạy tung tóe. Kinh sợ nhất là quên xóc muối vào gạo hay đậu, bánh nhạt hoét vô duyên. Năm gần đây về ăn Tết, gói được một nửa tôi mới phát hiện ra từ đầu chỉ rải một lần đậu! Chỉ sửa sai được với những chiếc gói sau và chỉ thì thầm kể lại với chồng!

Chập tối đặt nồi, nổi lửa luộc bánh. Mẹ chuẩn bị sẵn củi gộc và bao trấu. Bánh phải nấu đủ 12 tiếng mới dền. Nhớ làm sao những đêm luộc bánh ngày nào. Vào ngày ấy, nhà họ hàng xung quanh: ông ngoại, cậu, dì nấu bánh. Lúc chưa khuya lắm, lang thang đi vòng vòng từng nhà vun thêm mẻ trấu, gác thêm một cái gốc chắc. Trời tối om, lạnh lạnh, gió hun hút, sang bếp nhà cậu, một chút thấy thằng em nhà dì cũng lò dò sang. Bên nồi bánh sôi lục bục, câu chuyện của ông, của chú, của cậu bao giờ cũng thú vị đầm ấm. Chuyện Tết xa xưa nữa, chuyện kẻ trộm đêm củ mật...Khuya, mỗi nhà cắt phiên nhau, và đây là lúc để gọi nhau xì xụp nồi cháo nóng hay củ khoai lùi bếp trấu nóng thơm…

Thấp thỏm chiều 30, khi chiếc bánh đầu tiên được bóc đặt lên bàn thờ. Chiếc bánh vuông vắn trên đĩa sứ trắng, màu bánh xanh ngắt mịn màng. Bố động viên: “Phải ngon chứ, mẹ với chị vất vả thế mà”.

Ảnh minh họa: Blog Meagan Nhien Nguyen

Tết 1992, bố gửi vào Nam cho cặp bánh chưng nhà. Vài tháng sau, bố không còn nữa. Những năm đầu vào đây, tôi cũng gói bánh chưng cho đỡ nhớ nhà. Vì thế, Trang, Hưng hâm và Mai ròm còn nhớ tối nấu bánh chưng hồi mới 8, 9 tuổi. Ba đứa trải chiếu thức cả đêm náo nức và sáng hôm sau mỗi đứa xách tòng teng một chiếc bánh cóc…

Vài năm cả nhà tôi về Bắc ăn Tết. Mẹ chồng tôi yếu rồi nhưng vẫn chuẩn bị sẵn như xưa và cùng tôi làm đầy đủ tất cả mọi công đoạn của Tết năm nào. Trang, Thu được thức đêm trông nồi bánh chưng. Chập tối tôi lại bá vai chồng lần mò trong đêm sang nhà dì, nhà cậu hóng chuyện. Chú em chiều 30 đưa vợ con về, khoanh tay đi một lượt trên nhà dưới bếp, ngắm chồng bánh chưng xếp ngay ngắn trong buồng, lọ hoa trên bàn thờ, cành đào cây quất...rồi buông một câu: “Chuẩn! Đúng là có chị dâu trưởng vế” (Mẹ chồng tôi vẫn nói nó khó tính và da diết hơn cả mẹ chồng!). Chiều qua, vợ nó mới gọi điện. Nói bọn em định kế hoạch Tết thế này. Chồng em vẫn kể về những Tết xưa khi bố còn sống và anh chị còn ở nhà…

Nhất định, sang năm chị sẽ cố về nhà ăn Tết…

  • Gửi từ email Trang Thu                                                                       

Ho ten: Thutrang
Dia chi: HaNo
Tieu de: Que huong oi
Noi dung: Sau những bộn bề của một năm vất vả, ngày Tết người ta như mới có thời gian giành cho nhau hồi ức về những kỷ niệm xưa. Có lẽ bây giờ có rất ít nhà ở thành phố gói bánh chưng, bởi vì tất cả đã có sẵn ra chợ hay siêu thị là có thể mua được ngay, ai kỹ tính hơn thì chọn hàng tin tưởng đặt trước, nhưng riêng nhà tôi dù cũng được tiếng là ở giữa Thủ đô nhưng năm nào cũng gói bánh, trong nhà phải có vại dưa hành muối cách chừng nửa tháng trước. Có lẽ vui nhất lại là những ngày giáp Tết, bận rộn, vất vả nhưng vẫn thấy hạnh phúc vô cùng. Đọc xong bài bạn viết tôi thấy mình có thêm một "đồng minh", không trở thành "cổ hủ, lạc hậu " như có những người vẫn chê tôi nữa. Rất mong năm tới bạn về quê để được trở về " tuổi thơ tôi"...

Chùm bài Tết trên Blog Việt:

Tết không đâu sánh bằng một giây phút ở gia đình!

Năm giọt mưa xuân hạnh phúc

Chùm ảnh: Giấc mộng hồng đào

 Tết Bắc rất lạnh mà thật đầm ấm!

Tết Việt Online cùng cư dân mạng

Blog Radio 63: Nỗi nhớ bên kia đại dương

Viết bên thềm năm mới, tất tả và xôn xao

Cho tôi về quê nội ăn Tết thuở xưa…

Tết này chị là con nhà khác…

Năm mới gửi mẹ hiền nơi miền quê xa!

Ký ức buồn của ngày Tết tuổi thơ

Tết và bố

Trồng cây nêu, dựng lều đón Tết

Tết này con sẽ về!

Chùm ảnh: Những góc phố chưa vội đón Tết

Ngõ có treo đèn lồng đỏ

Blog Radio 62: Đời phiếm!

Cảm nhận về bài viết mời bạn gửi theo mẫu sau hoặc gửi bài viết, đường link blog muốn chia sẻ về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn (vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu để phản hồi của bạn sớm được đăng)

 

 

Chép link sau vào chương trình đọc Feed (RSS) để cập nhật những bài viết mới nhất của Blog Việt ngay tại Blog của bạn: /rss/vnn_blogviet.rss

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,