(VietNamNet) - Ông quê gốc Hà Nội - cái làng nhỏ Vũ Thạch - nay đã thành phố Bà Triệu, và tuy ông sinh ở Luang Phabang (Lào), sống hết thời trai trẻ của mình ở chiến khu thì dòng máu hào hoa của một người Hà Nội vẫn luôn luôn rạo rực chảy trong người.
Mùa đông năm 1948, một trong những năm khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp, chỉ giáo, mác, tầm vông và khoai sắn thay cơm với những cơn sốt rét rừng vật vã, vẫn có những chàng trai, cô gái Hà Nội ôm đàn mandolin tự hào, da diết, tình tứ, hào hoa: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây - Đây lắng hồn núi sông ngàn năm - Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội...”. Đó là bài hát hay nhất của Nguyễn Đình Thi, cũng là một trong những tác phẩm nghệ thuật tạo nên Nguyễn Đình Thi - Giải thưởng Hồ Chí Minh hôm nay.
Những ai đã từng gặp Nguyễn Đình Thi, dù chỉ một lần, đều thừa nhận ông là người đa tài và quyến rũ. Trước hết đó là một Nguyễn Đình Thi - nhà triết học. Năm 1942, 18 tuổi, ông đã viết tác phẩm triết học đầu tiên về Kant, rồi sau đó về thuyết tiến hóa của Darwin, về chủ nghĩa dân chủ mới, về kinh tế nhiều thành phần (trên báo Độc lập ra bí mật). Ông nhớ lại: “Không phải thế hệ chúng tôi hồi đó giỏi dang đến thế đâu, mà hoàn cảnh lúc đó thúc dục chúng tôi. Nếu thế hệ trẻ hôm nay sống trong những ngày tháng ấy, họ cũng buộc phải hành động như vậy”.
Song song với Nguyễn Đình Thi - nhà triết học là một Nguyễn Đình Thi nhạc sĩ, với một cái ngoắc tay, giao hẹn “mỗi thằng viết một bài kêu gọi khởi nghĩa” vào mùa đông năm 1944, hè phố đầy người ăn xin chết đói, gió mùa đông bắc gào rú thê lương trên mỗi mái nhà, và tiếng gươm khua lách cách rợn người của hiến binh Nhật đi tuần, Văn Cao đã cho ra đời Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam, còn Nguyễn Đình Thi, chàng sinh viên luật 20 tuổi, đã viết nên khúc bi tráng quật khởi Diệt phát xít: “Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than/ dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang...”. 58 năm đã qua, thế hệ sau chỉ biết giai điệu ấy là nhạc hiệu của Đài tiếng nói Việt Nam, còn với thế hệ cha ông, nó là kỷ niệm, máu xương, là tuổi trẻ đáng tự hào của họ. Với người Hà nội, ông kể lại, “kháng chiến phải 7 năm nữa mới thành công, nhưng không hiểu tại sao trong đầu tôi đã hình dung ra tất cả, cả thời điểm, cả từng chi tiết: “Một ngày thu non sông chiến khu về/ đường vang tiếng hát rung lòng người/ đoàn quân Việt Nam đi/ Hà Nội say sưa chen đón cha về...” có lẽ là nhớ thương quá mà nên, hy vọng quá mà nên...”.
Hơn 40 năm Nguyễn Đình Thi là một trong những người lãnh đạo Văn nghệ Việt Nam, trong đó có đúng 30 năm là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (1958- 1988). ông được xếp hạng với nhiều tác phẩm văn xuôi, đặc biệt là bộ tiểu thuyết Vỡ bờ (2 tập) khá đồ sộ (so với mặt bằng tiểu thuyết Việt Nam). Nhưng được hỏi, cuối đời nhìn lại, ông chọn cái gì trong hành trang nặng trĩu của mình để mang theo thì ông lại nói: Thơ và Kịch. Những người hiểu Nguyễn Đình Thi cũng đều cho rằng Thơ và Kịch mới chính là đỉnh cao tài năng của ông, cũng là nơi thể hiện sâu sắc những mâu thuẫn phức tạp chồng chéo trong con người và cá tính sáng tạo của ông. Không ít người cho rằng trong Nguyễn Đình Thi có 2 con người: con người công dân và con người nghệ sĩ.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhìn thấy ông: “Ở hội nghị thì ngang tàng, ở nhà thì hết sức cô đơn”. Nhà nghiên cứu Văn Tâm thì nói: “Trong Nguyễn Đình Thi có con người cán bộ - con người duy lý và con người nghệ sĩ”. Là người lãnh đạo văn nghệ kháng chiến, ông cũng lại là người đầu tiên làm thơ không vần - thứ thơ ca bị coi là bí hiểm, tắc tị, xa rời ngôn ngữ quần chúng. Thơ không vần kiểu Nguyễn Đình Thi từng bị cấm ở khu 5 trong kháng chiến. Xuân Diệu, ông hoàng thơ tình, người được Hoài Thanh đánh giá “mới nhất trong các nhà thơ mới” mà cũng nghiệt ngã khi phán xét thơ không vần Nguyễn Đình Thi: “Nét thơ rất đẹp, nhưng rời rạc, tán loạn như trong một bức tranh siêu thực”. Họa sĩ Tô Ngọc Vân đương thời nhận xét: “Những tìm tòi, khám phá táo bạo cũng như “thái độ làm thơ” của Nguyễn Đình Thi “không có sự thân tình ủng hộ”. Nhưng lúc đó Nguyễn Đình Thi im lặng và... tiếp tục làm thơ không vần. Khi Tố Hữu hào hùng: “Quân đi điệp điệp trùng trùng/ ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan/ Dân công đỏ đuốc từng đoàn/ Bước chân nát đá muôn vàn lửa bay...”, thì Nguyễn Đình Thi vẫn âm thầm “Ta nghe ta hát một mình”. ông nói ông tự thấy rất tâm đắc với một luận điểm của Karl Marx: “Tự do của mỗi người là điều kiện tự do cho mọi người”. ông “đồng hóa” được chân lý: Nghệ thuật là sự thống nhất giữa tự do và tất yếu nên trong khi các bậc đàn anh thơ mới đi theo kháng chiến vất vả tự “lột xác”, có người treo tác phẩm lên cành cây, người cặm cụi viết lục bát, hò vè cho “gần gũi” quần chúng, người không viết nổi và chưa nhận đường xong thì Nguyễn Đình Thi lặng lẻ viết như ông thấy cần phải viết:
Mỗi giọt nước mắt Trên đám ướt lạnh dầm bùn Tỏa một khoảng ấm nhỏ run rẩy” (Cơn giông)
và: “Tôi nhớ những ngày thu đã xa Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội Những phố dài xao xác hơi may Người ra đi đầu không ngoảnh lại Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” (Đất nước)
Giọng thơ ấy theo ông đi mãi với thời gian: Gặp em Trên cao lộng gió Rừng lạ âo ào lá đỏ Em đứng bên đường Như quê hương Vai áo bạc quàng súng trường. (Lá đỏ)
Rất nhiều những bài thơ “lột xác”, phục vụ kịp thời quần chúng công nông binh đã bị quên lãng ngay sau khi viết ra, nhưng những gì nghệ sĩ sáng tạo bằng cả trái tim và lòng dũng cảm của mình thì vẫn còn lại. Thơ Nguyễn Đình Thi còn được bạn đọc hôm nay chấp nhận vì ông không chịu đánh mất mình, không tự hạ thấp con người nghệ sĩ của mình để làm “cách mạng” theo nghĩa thô thiển nhất. Theo ông, vai trò của trí thức trong cách mạng là phải làm cho quần chúng thấy được: không thể đồng nhất cách mạng với sự đổi ngôi: Từ “cái ác của kẻ mạnh, cái hèn của kẻ yếu, cái tham của kẻ thừa, cái thèm của kẻ thiếu” đến “cái hèn của kẻ mạnh, cái ác của kẻ yếu, cái tham của kẻ thiếu, cái thèm của kẻ thừa”. Cách mạng không bao giờ là sự “lộn ngược”. Chính vì nhận thức đó, không phải chỉ một lần ông nói về bi kịch của người trí thức. Đó cũng là lý do khiến cho suốt một thời gian dài, những vở kịch của Nguyễn Đình Thi luôn bị coi là “có vấn đề”: Con nai đen, Rừng trúc, Tiếng sóng, Nguyễn Trãi ở Đông Quan... ông nói: “Thực ra phản ứng của dư luận lúc đó cũng chỉ là dị ứng tức thời, bình tĩnh lại mọi người đều thấy cái bi kịch của trí thức trong kịch của tôi là bi kịch có thể giải quyết được. Nó không kinh khủng như bi kịch của trí thức Nga mà tôi từng chứng kiến từ cuối những năm 50. Khi viết Nguyễn Trãi ở Đông Quan tôi nhớ tới Galilee của Berton Brest và Khuất Nguyên của Quách Mạt Nhược. Cả Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi đều chê Khuất Nguyên vì trầm mình xuông sông La Mịch: “Chớ người trọc trọc chớ ta thanh”- không phải thiên hạ đều là phường ô trọc, chỉ có ta là thanh cao. Thái độ đúng đắn của người trí thức là dấn thân, chứ không phải quay lưng. Cho dù trên con đường dấn thân ấy ta có thể vấp ngã, sai lầm”.
Vâng, cái con người lạc quan buồn (như ông tự nhận) ấy đã đi theo con đường mình đã chọn, đã vấp váp và đã vượt lên, để hôm nay chúng ta có một nhà văn hóa - một Nguyễn Đình Thi đa tài và quyến rũ.
|