|
Nhà văn Sơn Nam. |
"Tôi không ngờ đời mình cũng có giá như vậy", nhà văn Sơn Nam xúc động nói trong hôm ký hợp đồng với NXB Trẻ. Báo giới vừa có cuộc trò chuyện với bà Quách Thu Nguyệt - Phó giám đốc NXB Trẻ và nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - biên tập viên.
- Vì sao NXB Trẻ lại chọn nhà văn Sơn Nam để mua toàn bộ tác quyền?
- Nhà văn Sơn Nam vốn có nhiều tác phẩm in từ trước năm 1975. Vào thời điểm kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM, khi một loạt tác phẩm của ông được tái bản, mọi người nhận ra rằng ông là một cây bút đặc biệt viết về mảnh đất Nam Bộ. Chính điều này thúc đẩy chúng tôi - những người làm công tác xuất bản - muốn tập hợp tất cả các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam lại dưới logo của NXB Trẻ. Nhà văn Sơn Nam cũng bày tỏ thiện ý sẵn sàng gửi những tác phẩm của mình cho chúng tôi.
- Và công việc đầu tiên của NXB Trẻ...?
- Đầu tháng 3/2003, NXB Trẻ ký với nhà văn Sơn Nam một hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ tác quyền của ông. Đây là dấu mốc quan trọng đầu tiên. Hiện nay, chúng tôi đã thống kê được 39 tựa sách, đã đưa ra công chứng hợp đồng và làm xong thủ tục bảo hộ tác quyền. Để đánh dấu sự kiện này, chúng tôi đã tập hợp một số tác phẩm của ông như Hương rừng Cà Mau (3 tập), Bà chúa Hòn... in lại với hình thức một loại ấn phẩm chất lượng cao để làm dấu ấn cho ngày đầu tiên công bố việc mua tác quyền này.
- Vậy giá mua toàn bộ tác quyền này là bao nhiêu, dưới góc độ kinh doanh và góc độ văn hoá, NXB Trẻ được gì qua ''thương vụ'' này?
- Vì lý do yêu cầu từ phía nhà văn, chúng tôi không cung cấp thông tin về giá cả toàn bộ tác quyền mà NXB Trẻ đã mua. Còn nói về cái được thì ban đầu NXB Trẻ chỉ có ý nghĩ về việc muốn tập hợp tác phẩm của nhà văn Sơn Nam lại thôi. Vì đã có một thời gian sách của ông ở nhà bị đem đi bán ve chai. Và khi NXB Trẻ cần tái bản, chính ông cũng không còn giữ bản nào. Chính vì vậy, việc tập hợp này theo chúng tôi là quan trọng và cần thiết hơn nhiều so với cái nhìn kinh doanh. Tuy nhiên, cái lợi của chúng tôi là việc một NXB mua được toàn bộ tác quyền của một tác giả, hơn nữa là một tác giả lớn sẽ nâng uy tín và giá trị của NXB đó lên một mức nhất định. Điều này có giá trị vô hình. Ngoài ra, nó tạo nên tiền lệ cho việc tái bản sách ở nước ta. Ngay như những tác phẩm của cụ Vương Hồng Sển được nhiều người in lại nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP. HCM nhưng bị lờ đi, không trả tác quyền cho ngưòi thừa kế. Chính vì vậy, tôi nghĩ mình làm được điều gì cho người đang sống vẫn tốt hơn là sự tôn vinh chỉ diễn ra với người đã khuất.
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: ''Khi tập hợp sách của nhà văn Sơn Nam để ký hợp đồng mua tác quyền, các biên tập viên NXB đã vào thư viện để tìm sách và những truyện ngắn đăng tải trên các báo. Vừa rồi, NXB Trẻ mới tìm được 30 truyện ngắn của ông đăng trong một tạp chí. Và các tác phẩm của ông còn rải rác khắp nơi, chúng tôi vẫn đang còn tập hợp và muốn kêu gọi bạn đọc cung cấp nếu biết được".
(Theo Tuổi Trẻ) |