Lại "nóng" lạm thu đầu năm

Cập nhật lúc 18:25, 08/09/2010 (GMT+7)

- Năm học mới vừa "chạy" được 2 ngày cũng là thời điểm, thông tin lạm thu phủ rộng trên mặt báo. Dù có địa phương "nhìn trước" được thực trạng để ra quyết định mạnh tay, nhưng xem ra hiện tượng lạm thu đã lờn thuốc hay quản không nổi thì...kệ?

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

a
HS hào hứng vào năm học mới (Ảnh K.O)
Báo Tiền phong nhận định, cho đến nay, Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong cả nước cương quyết đối với việc quản lý hoạt động thu chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Ngày 1/9, thành phố này đã ban hành văn bản quy định việc vận động, quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Theo đó, mức tối đa để các ban đại diện vận động cha mẹ học sinh đóng góp tự nguyện từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/học sinh/năm học, tuỳ cấp học, tùy địa bàn sinh sống học tập của học sinh. Kèm theo khung này là một số nguyên tắc: phụ huynh tự nguyện đóng góp; không vận động thu với các trường hợp được miễn giảm học phí; không thu một mức cho toàn bộ cha mẹ học sinh...

Đặc biệt, một nguyên tắc chi được nhấn mạnh: Không sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh cho việc mua sắm hoặc hỗ trợ trang thiết bị, sửa chữa trường lớp.

Tuy nhiên, năm học mới "chạy" được 2 ngày thông tin một số trường ở Đà Nẵng vẫn ngang nhiên lạm thu được "phơi" trên mặt báo. Ngay lập tức, UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản chỉ đạo Tiểu học Trần Văn Ơn hoàn trả ngay khoản tiền phụ huynh học sinh đã đóng góp, và báo cáo kết quả về UBND thành phố trước ngày 10/9.

Báo Pháp luật TP hôm nay (7/9) chạy tít "Vấn nạn loạn thu tái diễn ở Thừa Thiên-Huế". Cụ thể, Trường Tiểu học Phú Thượng (huyện Phú Vang) đã thông qua các khoản thu (học kỳ 1) rất vô lý như tiền hỗ trợ học tập: 25.000 đồng; phí bảo vệ: 20.000 đồng; trả tiền cho giáo viên dạy thể dục ở trường: trên 20.000 đồng … Trường THPT Hai Bà Trưng cũng có các khoản thu như: quỹ vệ sinh, quỹ hoạt động thanh niên, quỹ chữ thập đỏ, quỹ hỗ trợ thư viện, quỹ hỗ trợ cơ sở vật chất và cả lương cho giám thị...

Sự việc rành rành nên Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế Lê Thư nói, hiện tượng lạm thu đã diễn ra ở nhiều trường với nhiều hình thức thu rất mới, ngoài quy định. Tới đây, sở sẽ đi kiểm tra một loạt trường được coi là điển hình về vấn nạn lạm thu đầu năm học để kịp thời chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng này.

Lý giải cho vấn đề lạm thu, nhiều lãnh đạo Sở GD-ĐT biện minh trên Tiền phong, trong việc thu chi liên quan tới nhà trường, vấn đề cần chấn chỉnh nhất là nguồn đóng góp từ các vị phụ huynh. Cụ thể ông Trần Thanh Đức, GĐ Sở GD-ĐT Tiền Giang nói thực tế “Nhiều trường nhờ ban đại diện cha mẹ học sinh tự định ra một số khoản, định mức thu. Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng lạm thu. Vì thế ngành GD-ĐT Tiền Giang chủ yếu điều chỉnh hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh”.

Thu - chi cần bàn tiếp

Trả lời báo chí đầu năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, việc chống lạm thu trong nhà trường cũng như việc đấu tranh chống tiêu cực không thể đạt kết quả nếu hành động đơn phương.

Bộ đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền có sự giúp đỡ, phối hợp hành động, giám sát, theo dõi sát sao, kịp thời hơn nữa.

Từ góc độ là phụ huynh có con đang theo học phổ thông - Bộ trưởng đề nghị, tất cả các bậc phụ huynh cùng ủng hộ chủ trương của ngành,chống lạm thu tiền trường sai quy định bằng việc cùng thống nhất mục tiêu, cách tiếp cận đối với các khoản thu.

Ghi nhận của chúng tôi, tình trạng lạm thu chủ yếu xảy ra ở các đô thị, các thành phố lớn. Song những nơi đã có quyết định về việc điều chỉnh chính sách thu chi trong năm học này lại thiếu vắng Hà Nội và TP.HCM.

Lý giải của Bộ GD-ĐT cho rằng, những nơi có điều chỉnh thu chi chủ yếu liên quan tới số đông học sinh được miễn giảm học phí, thậm chí được trợ cấp để học tập trên địa bàn mình. Việc điều chỉnh này liên quan tới quyền lợi được tăng định mức đầu tư cho giáo dục, đào tạo. Đồng thời, Bộ này cũng bao biện cho việc Hà Nội và TP.HCM chưa điều chỉnh mức thu chi học phí là do áp lực của dư luận đòi hỏi những nơi này khi đã điều chỉnh thu chi thì phải chấm dứt lạm thu.

Trả lời báo chí Giám đốc (GĐ) Sở GD-ĐT TP.HCM Huỳnh Công Minh cho biết, sở dĩ địa phương này chưa áp điều chỉnh mức thu học phí theo Nghị định 49 là còn chờ thông tư hướng dẫn. Trước mắt, học kỳ I năm học 2010 – 2011, thành phố vẫn áp dụng mức thu của năm ngoái. Về giải pháp chống lạm thu, ông Minh chỉ khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện nơi nào thu sai sẽ phải trả lại cho phụ huynh.

Về các khoản thu học phí, Nghị định 49 đã quy định quá rõ ràng: Với bậc học mầm non và phổ thông, mức thu đối với thành thị là từ 40.000 đồng đến 200.000 đồng/tháng/học sinh; nông thôn từ 20.000 đồng đến 80.000 đồng/tháng/học sinh; miền núi từ 5.000 đồng đến 40.000 đồng/tháng/học sinh.

Còn ông Trần Hữu Độ, GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội đã hoàn thiện đề án học phí mới, định trình HĐND trong kỳ họp tháng 8 vừa qua nhưng do không chắc đạt được sự ủng hộ cao nên rút về soạn thảo lại để trình vào kỳ họp tháng 12 tới. Về chấn chỉnh hoạt động thu chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh, ông Độ cho biết, việc thu chi cần bàn bạc tiếp.

  • N.H (tổng hợp)

Các tin khác