Con tôi phải học Toán

Cập nhật lúc 07:16, 31/08/2010 (GMT+7)

- GS ĐH Toulouse (Pháp) Nguyễn Tiến Dũng vừa gửi tới VietNamNet bài viết "Toán hay là không toán". Dưới đây, VietNamNet giới thiệu nguyên văn bài viết của tác giả.

TIN LIÊN QUAN

TOÁN HAY LÀ KHÔNG TOÁN?

To math or not to math ? - Hamlet đời mới

Phần 1: Con tôi phải học toán

I must study politics and war, that our sons may have liberty to study mathematics and philosophy - John Adams

John Adams (1735-1826), vị tổng thống thứ hai của nước Mỹ, có câu nổi tiếng sau (lược dịch): "Tôi phải học chính trị và quân sự, để con tôi được thảnh thơi học toán và triết. Con tôi phải học toán, triết, kinh tế, và các môn khoa học kỹ thuật khác, để cháu tôi có quyền học các môn nghệ thuật". Từ cách đây hơn 2 thế kỷ, Adams đã nhận thấy rằng, sau khi nước Mỹ giành được độc lập và xây dựng được một thể chế tiến bộ (là việc của những người thuộc thế hệ ông ta), thì đến thế hệ tiếp sau phải học toán để có thể trở nên giàu có, tạo ra điều kiện để cho văn hóa nghệ thuật có thể phát triển. Toán học mà Adams nói đến là toán học "vị nhân sinh", gắn liền với kinh tế, kỹ thuật, v.v. Cũng theo lời của Adams, các thế hệ sau cần phải học không những chỉ có toán, mà nhiều môn khác nữa, nếu muốn trở nên văn minh.

Mô tả ảnh.
Học sinh trường song ngữ Hà Nội Academy trong ngày khai giảng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thế giới ngày nay đã thay đổi nhiều so với cách đây 2 thế kỷ, nhưng câu nói của Adams vẫn luôn đúng. Sẽ không có những công ty như Google nếu không có các thuật toán tìm kiếm và khai thác thông tin sử dụng những lý thuyết toán học hiện đại nằm sau nó, sẽ không có dự báo thời tiết nếu không có các phương trình toán học và phương pháp tính đi kèm, sẽ không có điện thoại di động nếu không có lý thuyết toán học về truyền sóng và phân tích sóng, sẽ không có mua bán trên mạng nếu không có lý thuyết bảo mật toán học, sẽ không có vệ tinh nhân tạo nếu thiếu hình học vi phân, v.v. Mọi thành quả về công nghệ mà mắt trần chúng ta thấy được, đều có toán học nằm trong đó. Nhiều người được giải Nobel về kinh tế là do đưa được vào kinh tế những mô hình toán học mới hữu hiệu. Và cũng nhờ có những lý thuyết toán học như lý thuyết trò chơi mà chúng ta có thể hiểu hơn các vấn đề xã hội và chính trị.

Hãy tưởng tượng những nhà quản lý phải đưa ra các chính sách về kinh tế, giáo dục, y tế, v.v., mà dựa trên các tính toán sai lầm, vì không hiểu rõ bản chất của các khái niệm, sử dụng số liệu cọc cạch, v.v., thì nguy hại biết bao cho đất nước. Giám đốc tài chính mà yếu về toán tài chính, ôm vào quá nhiều rủi ro cho doanh nghiệp mà cứ tưởng như thế là hay, thì có nguy cơ làm phá sản doanh nghiệp. Kiến trúc sư mà tính toán thiết kế sai thì cầu có thể vừa xây đã sập, v.v.

Bởi vậy, con tôi cần học toán. Nhưng bên cạnh đó, nó cần học thêm các thứ khác nữa. Nó sẽ chọn ngành mà nó thích, nhưng chọn ngành nào thì nó cũng sẽ cần vận dụng tư duy toán học, và tìm ra các công cụ toán cần thiết để sử dụng trong ngành của nó. Việc học toán không những cần thiết ở bậc phổ thông, mà còn ở bậc đại học và sau đại học, cho hầu hết mọi sinh viên . Điều đó không có nghĩa là phải học theo ngành toán, mà có nghĩa là cần học toán cho cẩn thận, bất kể là học theo ngành gì. Phải hiểu đúng được bản chất các khái niệm toán học mà mình học, để có thể sử dụng được chúng, chứ không phải là học thuộc các định lý và giải đúng các đáp án như con vẹt.

Trong năm vừa qua, tôi có làm thí nghiệm hỏi khá nhiều bạn sinh viên Việt Nam loại giỏi một số bài tập cơ bản về xác suất, chỉ cần dùng mấy phép tính cộng trừ nhân chia. Và thật đáng lo là, phần lớn họ giải sai! Không phải là vì họ kém thông minh, cũng không phải là vì các bài đó khó khăn gì về toán học, mà là vì họ hiểu chưa đúng các khái niệm của xác suất. Đó là do kiểu học của ta còn nặng về hình thức, ít đi vào bản chất và công dụng của các khái niệm. Không chỉ trong xác suất, mà trong nhiều môn.

Có một ví dụ sau, về sự thiếu kiến thức toán cơ bản dẫn đến kết luận thống kê vội vàng. Trong "Dự thảo chiến lược giáo dục" của Bộ GĐ-ĐT Việt Nam vào cuối năm 2008 có câu mở đầu bảng thành tích như sau: “Năm học 2007-2008 cả nước có gần 23 triệu học sinh, sinh viên, tăng 2,86% so với năm học 2000-2001, ...”. Vấn đề nằm ở đâu ? Nó nằm ở chỗ, báo cáo thành tích này không hề nhắc đến tăng trưởng dân số và số trẻ em ở độ tuổi đi học. Dân số Việt Nam năm 2000 là gần 78 triệu dân, đến năm 2007 là 85 triệu dân, tăng hơn 10%. Để biết chuyện số học sinh sinh viên tăng 2,86% có phải là bước tiến bộ hay không, còn cần phải biết tổng cộng số trẻ em ở độ tuổi đến trường thay đổi ra sao. Thú thực, là khi tôi đọc bản dự thảo chiến lược giáo dục, tôi tự hỏi sao lại để những người trình độ còn yếu đi soạn thảo chiến lược, trong khi những người tài năng hơn để đi đâu không dùng đến họ. Phải chăng đó là do cơ chế? Bản thân toán học cũng có thể được dùng để mô hình hóa và so sánh hiệu quả của các cơ chế khác nhau!

Toulouse, 26/08/2010

  • Nguyễn Tiến Dũng

Phần tiếp theo: Có nên theo nghề toán?

Những bài khác cùng tác giả:

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Đỗ Thành Trung, Singapore, 15:48, 02/09/2010

anh Dũng nói rất đúng. Chúng ta hay chọn nhà thầu với giá thành rẽ mà quên rằng nếu máy móc kém chất lượng, công trình chậm chạp, xác xuất đội giá thành cao thì chi phí thực sự lại rất cao.

Một ví dụ đơn giản, nếu giá cuối cùng đội khoãng 10%, chất lương công trình kém thì ta phải bảo trì thêm một khoang 10%, công trình chậm chạp làm chúng ta phải chi phí thêm 10%, thì giá trị thực mà chủ công trình phải trả la 130% của giá trị ban đầu rồi.

Chỉ cần áp dụng bài toán đơn giản trên là giá phải trả cho từng nhà thầu có thể dể dàng được tính. Ta sẽ biết ngay là nhà thầu nào thực sự cho ta một cái giá rẽ nhất trong một công trình. Cách tính đó mới thực sự là chính xác hơn là xem chỉ mỗi cái giá bỏ thầu.

Khuê Trịnh, TP HCM, 12:05, 02/09/2010

Theo tôi bạn Trang từ TP.HCM nói thế là đúng.

Bài viết của tác giả Nguyễn Tiến Dũng, không vượt ra khỏi phạm vi "phong trào học toán" sau khi GS Ngô Bảo Châu giành giải thưởng Fields. Tôi hoàn toàn kính phục công trình nghiên cứu và tài năng của GS Châu.

Điều tôi muốn nói đến hiện nay chính là sự thổi phồng quá mức của các phương tiện thông tin đại chúng.

Thậm chí đời tư của những người xung quanh anh Châu cũng được đưa ra làm đề tài. Thông tin tràn ngập các mặt báo về chuyện đời, chuyện bên lề... nhưng chưa thấy có bài báo nào giải thích một các cụ thể và dễ hiểu cho người đọc hiểu rằng cái công trình nghiên cứu kia thực sự là cái gì và có ý nghĩa lớn lao như thế nào với nhân dân VN cũng như nhân loại trên thế giới. Chỉ có một hoặc hai bài có đề cập đến đề tài của GS Châu nhưng cũng không giải thích cho người (có trình độ phổ thông) hiểu được vị GS này đã làm được cái gì.

Vậy thì, chúng ta, những độc giả mang gọng kính tầm thường đại chúng đang ngưỡng mộ 1 điều mà chúng không thực sự biết chăng? Hay đây là 1 phong trào mới, người người làm toán, nhà nhà làm toán?

Quan điểm của tác giả "Con tôi cần học toán, và cần học những thứ khác nữa" vô tình đem toán làm điều kiện cần. Đành rằng toán là môn cơ bản và được dùng trong rất nhiều môn khác, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi sẽ bắt con tôi phải học toán và xem như đó là 1 tất yếu của người cha phải hi sinh cho việc bảo vệ và xây dựng đất nước. Không có toán, thống kê, suy luận logic... thì có đánh thắng ngoại xâm được chăng?

Tóm lại, toán học, bản thân nó đã hiện diện trong tất cả chúng ta, đào sâu nó như thế nào là tùy theo năng khiếu và đam mê của mỗi con người, không thể bỏ con vào cái thùng toán học và để nó lớn lên trong đó được.

Minh Tú, Ha Noi, 21:18, 31/08/2010

Năm 2000 qua cũng lâu rồi. Phân tích mổ xẻ thì cũng làm mãi rồi,cải cách giáo dục thì cũng cải cách cả trăm lần rồi,đến tư tưởng cũng hô hào nhau thay đổi quanh năm rồi. Nhưng cái tâm lí bầy đàn và phong cách sống, làm việc quá nhiều "hứng" theo kiểu nghệ sĩ mãi vẫn không bỏ được. Rồi tất cả cũng chỉ ứng vào một nhận định cũ "Rằng thì các cá nhân kiệt xuất đúng là rất kiệt xuất,toàn kiệt xuất tầm cỡ thế giới,nhưng nhìn lại cái mặt bằng chung thì vẫn chỉ là bầy đàn không thoát được khỏi cái lũy tre làng mà thôi".

Lê Dũng, TPHCM, 19:37, 31/08/2010

Bạn Trang từ TPHCM hiểu sai ý của giáo sư Dũng rồi.
Ý giáo sư không phải thế đâu.
Tôi thì hoàn toàn đồng ý với quan điểm của giáo sư.
Cũng có thể hiểu:
Chính trị, quân sự là quan trọng số 1. Rồi mới đến Toán học và các ngành khác.
Ông bố ước ao lao vào Toán hay nghệ thuật nhưng ông phải chọn con đường chính trị và quân sự để trước hết có thể bảo vệ nền độc lập dân tộc và tồn vong cho quốc gia. Ông phải hy sinh mọi thứ để làm chính trị với mong muốn các thế hệ sau sẽ phát triển. Sau khi đã làm chính trị và quân sự thành công rồi, việc đầu tiên là cũng cố các ngành khoa học cơ bản. Nó quan trọng hơn là đầu tư cho các bộ môn nghệ thuật và các ngành khác. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là chỉ đầu tư cho khoa học cơ bản.
Hiểu theo nghĩa này thì quan điểm của giáo sư là hoàn toàn thuyết phục và rất tích cực

TOÁN HAY KHÔNG TOÁN, 16:19, 31/08/2010

Ở thời điểm hiện tại, con em chúng ta đến trường là để được giáo dục và được học những kiến thức cơ bản phục vụ cho cuộc sống. Kiến thức đó là gì? Toán, lý, hoá, sinh vật, văn, sử, địa...
Hãy quan sát một chút về chương trình giáo dục phổ thông:
Toán liên quan đến tất cả các môn tự nhiên. Do đó, muốn học tự nhiên giỏi thì đừng bỏ qua toán. Bất cứ bài toán nào, hiểu được nó đều có giá trị bất biến. Điều đáng lưu ý là, ở mỗi giai đoạn khác nhau thì nhà trường cung cấp cho con bạn các mức độ khác nhau về kiến thức về toán. Chúng sẽ không có nhiều cơ hội để học lại mà chỉ có lấy kiến thức đã học làm nền tảng để học toán ở trình độ cao hơn.
Còn lại, những kiến thức về văn, sử, địa, ngoại ngữ... về cơ bản cũng được nhà trường dạy các em đi từ dễ đến khó. Tuy nhiên, có thể nói bất kể lúc nào, trong điều kiện nào cũng có thể học được những môn này. Đó là chưa kể đến kiến thức về những lĩnh vực đó được biên soạn trong sách giáo khoa đã chính xác và hoàn chỉnh hay chưa. Thêm nữa, trong mỗi hoàn cảnh, trong quan điểm của mỗi người dậy thì kiến thức này cũng thể hiện giá trị rất khác nhau. Do đó, văn, sử, địa, ngoại ngữ, âm nhạc v.v nên được trẻ hấp thụ từ từ... tuỳ thuộc vào khả năng nhận thức và ham muốn của chúng.
Tóm lại, nên để con bạn quan tâm đến toán và học toán nếu có thể.

sonata, TP Hồ Chí Minh, 15:54, 31/08/2010

Bài viết của giáo sư thật sâu sắc. Mọi người đều cần đến toán học, chúng ta thường xuyên sử dụng nhưng ít để ý đấy thôi. Không cần phải là lĩnh vực tầm cỡ như GS Ngô Bảo Châu, chỉ cần ứng dụng tốt số học, hình học… là hữu dụng rồi, còn nếu biết về xác suất thống kê thì càng tốt cho nghiên cứu, quản lý… Những người bán hàng ngoài chợ chưa chắc học vấn cao nhưng họ tính nhẩm, tính lời lỗ rất nhanh đấy, và còn không ít minh chứng xung quanh chúng ta hằng ngày. Khoa học cơ bản này luôn ở xung quanh và trong mỗi chúng ta.

Trang, TP.HCM, 14:58, 31/08/2010

Tôi không đồng ý với quan điểm của tác giả.

1/. Đời sống vật chất và đời sống tinh thần cần phải được coi trọng như nhau. Quân sự, kinh tế, nghệ thuật mỗi cái đều có vai trò nhất định trong việc phát triển toàn diện của con người. Một người cha chỉ biết quân sự, chính trị có sinh ra được đứa con ham mê học toán và triết học không ? Rồi người cha chỉ biết đến toán, chỉ biết đến triết đó có sinh ra được đứa con đam mê nghệ thuật không ? Thật là khó phải không ạ ? vì tình yêu và đam mê không thể dạy được.

Vì vậy " con tôi " không chỉ " phải " học toán không thôi mà còn " phải " học nhạc, học văn, học sinh, học hoá ... học những gì có thể học và quan trọng nhất là học những gì chúng đam mê.

2/ Theo ý kiến chủ quan của tôi, có lẽ bài viết này cũng nhằm vào " phong trào học toán " của Việt Nam sau khi anh Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields, nhưng theo tôi chúng ta cần hướng tới thực học, hãy để con trẻ được phát triển theo thiên hướng tự nhiên của chúng và hỗ trợ để những tài năng ấy được phát triển đến đỉnh cao của nhân loại.

Nguyễn Văn Xiêm, 24 Đào Cam Mộc, F4,Q8, 13:45, 31/08/2010

Hầu như ở mọi lĩnh vực của cuộc sống đều có hình bóng của toán học. Thế nhưng ở VN người ta dạy toán cho học sinh và sinh viên là để họ hoàn tất chương trình soạn sẵn của Bộ GD-ĐT về môn toán, chứ không ai dạy bạn phải áp dụng nó trong cuộc sống ra làm sao. Bạn phải tự sáng tạo chứ, phải sáng tạo như anh nông dân chế tạo máy bay ở Tây Ninh mấy năm trước vậy!

Trong "Dự thảo chiến lược giáo dục" của Bộ GĐ-ĐT người ta viết:"“Năm học 2007-2008 cả nước có gần 23 triệu học sinh, sinh viên, tăng 2,86% so với năm học 2000-2001, ...” không phải người ta soạn sai hay không rõ ràng, mà người ta muốn mọi chuyện nó mờ mờ ảo ảo để báo cáo thành tích. Chứ nếu thống kê, báo cáo đúng, đủ và chính xác thì bạn sẽ thấy nền giáo dục VN quá ê chề, kiếm đâu ra thành tích, huy chương,...
Cái quan trọng nhất là chúng ta cần nhiều nhà khoa học thực nghiệm, các nhà kinh doanh để họ chuyển giao và áp dụng các thành tựu khoa học và kỹ thuật của thế giới vào VN nhằm nhanh chóng phát triển kinh tế, chứ chúng ta chưa cần các nhà khoa học lý thuyết.
Gần đây, có dự án đào tạo 20.000 tiến sĩ giai đoạn 2010-2020 (hình như đã được thông qua). Không biết mấy người viết dự án nghĩ sao, chứ riêng tôi thì tôi không tin nó sẽ thành công. Vì sao? Bạn nhớ dùm: làm tiến sĩ là làm khoa học, chứ không phải chỉ học để lấy tri thức như học ở đại học hay cao học.Bạn có tiền, nhưng không có hoài bão, không có đam mê khoa học thì làm khoa học như thế nào? Dự án này cũng giống y như bạn có tiền, bạn cho con bạn đi buôn, nhưng ngặt nổi nó không mê đi buôn mà mê chơi nên thế nào rồi bạn cũng trắng tay cho mà xem.
Nền giáo dục VN ngày nay nó rối như mớ bòng bong, không biết có thiên tài nào xuất hiện để gỡ rối hay không.
TS. Nguyễn Văn Xiêm.

Lê Anh Dũng, Hà Nội, 13:18, 31/08/2010

Bài viết rất hay xin cảm ơn Giáo sư.

Tuan Dat, Japan, 11:31, 31/08/2010

Cảm ơn tác giả bài viết. Tôi cũng nghĩ toán học rất quan trọng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên, nói cần “phải học thật giỏi toán” thì thật khó và khổ cho trẻ. Tôi không bao giờ khuyên giới trẻ “phải học thật giỏi toán” mà thay vì thế tôi sẽ dạy chúng cách tư duy theo lối tư duy khi làm toán để xử lý công việc.

Quach Can, 09:22, 31/08/2010

Bài viết rất hay, súc tích, dễ hiểu, thông điệp thật rõ ràng. Cảm ơn Giáo sư

Các tin khác