Hamlet Toán

Cập nhật lúc 06:15, 03/09/2010 (GMT+7)

- Giải Fields thì vô cùng đáng mừng, nhưng nếu so với một nền khoa học thì nó như là một bông hoa rất đẹp trong một vườn hoa chứ không làm thay đổi cả cái vườn, còn xu hướng quá chú trọng vào phát triển toán lý thuyết thì lại đáng lo.

TOÁN HAY LÀ KHÔNG TOÁN?

Phần 4: Phát triển toán theo hướng nào?

A chain is only as strong as its weakest link - ngụ ngôn

Một vài đồng nghiệp ở Việt Nam gần đây phấn chấn phát biểu rằng, cùng với giải Fields của Ngô Bảo Châu, Việt Nam sẽ chú trọng phát triển toán lý thuyết, và sẽ có nhiều bạn trẻ "noi gương GS Châu" đi học toán lý thuyết. Giải Fields thì vô cùng đáng mừng, nhưng nếu so với một nền khoa học thì nó như là một bông hoa rất đẹp trong một vườn hoa chứ không làm thay đổi cả cái vườn, còn xu hướng quá chú trọng vào phát triển toán lý thuyết thì lại đáng lo.

Mô tả ảnh.
Ảnh: Lê Anh Dũng

Mảng ứng dụng toán học ở Việt Nam đang còn quá yếu so với mảng lý thuyết, nên nếu chỉ tiếp tục chú trọng toán lý thuyết, với lý do "chúng ta giỏi nó", thì mãi vẫn không có ứng dụng lớn nào của toán ở Việt Nam, không đáp ứng được các nhu cầu của xã hội. Tôi đã nhiều lần tranh luận với GS Lê Dũng Tráng ở nước ngoài, cũng như với nhiều đồng nghiệp trong nước về vấn đề này. Cái gì ta đang cần nhất, thiếu nhất, thì phải chú trọng vào nhất, vì đó là nơi mà hiệu quả đầu tư sẽ cao nhất. Không phải vì tôi làm toán lý thuyết, mà phải khăng khăng bảo vệ quyền lợi cục bộ cho toán lý thuyết, nếu như điều đó đi trái ngược lại với quyền lợi chung của toàn dân tộc.

Việt Nam hiện đang là một nước có hiệu quả đầu tư thấp so với thế giới, với chỉ số ICOR bằng 5, tức là cứ bỏ thêm 5 đồng đầu tư mới tăng sản lượng hàng năm lên được 1 đồng, trong khi các nơi như Đài Loan, Hàn Quốc trong giai đoạn phát triển tương tự có ICOR dưới 3.

Điều này góp phần giải thích vì sao chúng ta phát triển mỗi năm chậm hơn Trung Quốc vài phần trăm, và cho đến nay vẫn đang là nước lạc hậu. (Xem chi tiết tại: http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=114&News=2614&CategoryID=7). Đầu tư kém hiệu quả một phần là do tham nhũng cao, nhưng một phần cũng là do chiến lược kém. Một trong các sứ mệnh của giới khoa học Việt Nam, là phải làm tăng hiệu quả đầu tư ở Việt Nam lên, chứ không phải là làm giảm nó đi.

Vậy ở Việt Nam, về mặt toán, những mảng nào đang cần thiết nhất mà lại yếu, cần được chú trọng đầu tư nhất?

Tôi thấy có hai mảng sau đập vào mắt, và hy vọng rằng, trong số 650 tỷ mà nhà nước vừa phê duyệt cho chương trình trọng điểm phát triển toán học (ngành toán không được ưu ái gì hơn các ngành khác; nhiều ngành khác đã có chương trình trọng điểm từ lâu, đến năm nay ngành toán mới được nhà nước phê duyệt), một phần đáng kể sẽ được sử dụng trong hai mảng này:

Mô tả ảnh.
Học sinh Hà Nội trong ngày khai giảng. Ảnh: Lê Anh Dũng

1) Các khoa toán ứng dụng, hay các trung tâm/ viện nghiên cứu toán ứng dụng, cần được phát triển trên cả nước, với các cố gắng đặc biệt để tạo ra được các ứng dụng của lý thuyết thay vì chỉ dừng lại ở mức lý thuyết của ứng dụng.

2) Chương trình đào tạo toán học tất cả các cấp, từ vỡ lòng cho đến sau đại học, đặc biệt là hệ thống sách giáo khoa, và việc sử dụng máy tính và internet trong giảng dạy và học tập, cần được hiện đại hóa.

Về mảng thứ nhất, tôi hơi buồn khi thấy trong chiến lược xây dựng trường HUST (Hanoi Univ. of Science and Tech.) do nhà nước mới thành lập năm 2009 với dự kiến đầu tư 200 triệu USD vay nước ngoài với tham vọng thành trường "đẳng cấp quốc tế", không có bộ phận toán học trong đó.

Một trường đẳng cấp quốc tế mà đi mượn giáo viên toán ở ngoài vào dạy chứ bản thân trường không có nhà toán học nào, muốn làm các nghiên cứu mũi nhọn về sinh vật, tin học, v.v. mà không nghĩ đến sự tham gia của nhà toán học ứng dụng nào, thì "chỉ có ở Việt Nam". Không chỉ HUST, mà nhiều đại học khác ở Việt Nam, tự nhận mình là vươn lên đẳng cấp này nọ, cũng có thái độ như vậy với toán học.

Về mảng thứ hai, theo tôi đây là một mảng cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các thế hệ học sinh sinh viên Việt Nam hiện tại, và các thế hệ công dân Việt Nam trong tương lai.

Chỉ cần thay đổi làm sao cho việc học toán của mỗi con người được thuận lợi thêm một chút, hiểu đúng bản chất của các khái niệm toán học và học được cách tư duy toán học, thì gía trị về mặt kinh tế của điều đó đối với đất nước 90 triệu người có thể tính theo đơn vị tỷ đô la.

Nếu có bỏ vào đó hàng chục triệu đô la cộng với công sức của hàng loạt chuyên gia hàng đầu về toán học, giáo dục học, kỹ sư máy tính, v.v. trong vòng hàng năm trời thì đây vẫn sẽ là đầu tư hiệu quả vô cùng cao, 1 ăn 100. Thế nhưng phải làm thật đàng hoàng, đầu tư thật xứng đáng, và sử dụng những người ưu tú nhất có thể, bởi vì "một lần không tốn bốn mươi bốn lần không xong".

Tất nhiên, vấn đề chương trình giáo dục là vấn đề nổi cộm không chỉ về môn toán, mà về nhiều môn. Tôi có đọc thử các sách cuối cấp phổ thông trung học về sinh vật hay hóa học mà ngất luôn, quá nhiều kiến thức phải học theo kiểu «nhồi sọ» thuộc lòng, tôi mà phải thi tốt nghiệp phổ thông có khi thi trượt.

Một ví dụ nhỏ sau về sách giáo khoa toán: Sách đại số lớp 7 định nghĩa số vô tỷ là số viết dưới dạng số thập phân vô hạn không tuần hoàn (!) Tôi nghĩ có đến «thần đồng» mà học mãi với những định nghĩa kiểu như vậy thì cũng thành «sắt gỉ».

Hy vọng hệ thống sách giáo khoa, cũng như tài liệu, bài giảng trên mạng, v.v., sẽ là vấn đề được nhận thức là vô cùng quan trọng, và sẽ có sự tham gia của giới làm khoa học chuyên nghiệp, để có thể giải thích cho học sinh sinh viên mọi thứ một cách thật trực giác, dễ hiểu, đúng bản chất, phân biệt được cái nào quan trọng cái nào không, không để tình trạng sách rắm rối khó hiểu hình thức giáo điều kéo dài nữa.

Toulouse, 26/08/2010

  • Nguyễn Tiến Dũng

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Hoàng Diệp, Đống Đa, Hà Nội, 20:07, 06/09/2010

Bài viết hay, sáng tạo, mang nhiều ý nghĩa! Điều tôi mừng nhất, ngoài việc GS đoạt giải Fields thì còn một điều: chúng ta quan tâm đến toán hơn!
Đơn giản là vậy, tôi không hiểu và thích toán như nhiều người khác, nhưng việc nhiều người yêu toán và quan tâm đến nó thì giá trị của giải thưởng của GS cũng như vấn đề đào tạo toán hiện nay sẽ được cải thiện!
PS: Tôi đọc hết comment và đồng ý với số đông, tôi không quá giỏi tiếng Việt, nhưng hình như chị Minh Minh - viết rất hay nhưng sai chính tả!

Minh Dao, Nam Định, 13:57, 06/09/2010

Hôm qua, 5/9/2010, chương trình Đường lên đỉnh Ô-lim-pi-a phát sóng trên VTV3 có câu hỏi: Giải thưởng lớn nhất của toán học là gì? Câu trả lời là: Giải thưởng Fields. Câu trả lời này được tính là đúng và được điểm.

Xin toà soan trả lời: Đáp án này có chính xác không?

Hong Nhat, 08:35, 06/09/2010

Từ trước đến nay người ta đã được chứng kiến quá nhiều cảnh “không ai làm” và “không ai dám làm”. Bây giờ không phải là quá sớm để tìm kiếm mở đường cho khoa học phát triển nữa rồi. Phải đầu tư thôi. Toán lý thuyết phục hưng ắt sẽ tạo cơ hội để toán ứng dụng phát triển. Toán lý ứng dụng phát triển sẽ kéo theo các lĩnh vực khác đi lên.
Tôi thấy đầu tư xây dựng Viện NCCCT là cần thiết vì với cách quản lý mới, điều hành mới sẽ mở ra cho tất cả các ngành khoa học một hướng đi. Nếu vẫn cứ nâng lên đặt xuống mãi thì ta vẫn cứ luẩn quẩn thế này thôi. Hãy tin họ, tin vào những nhà khoa học dám đi tiên phong này và không nên bàn gì thêm nữa.

Pham Van An, Xuan Dinh, 08:59, 05/09/2010

Việc đầu tư 650 tỉ tôi nghĩ rằng là cho nghiên cứu toán lý thuyết gì đó.
Khoản này sẽ là quá nhiều nếu biết huy động của những nhà tài trợ. Mà nhà tài trợ họ lại yêu cầu kết quả, tôi nghĩ cái này khó nếu trong tình hình hiện nay ở VN. Chúng ta lại loay hoay bài toán thiếu kinh phí!

Đào tạo và giáo dục là 2 lĩnh vực khác, không nên có trong danh mục đầu tư như tác giả nói. Việc cải thiện môn toán và môn học khác, tôi cũng tán thành như tác giả đề cập. Tôi có một ví dụ nhỏ, thằng cháu tôi học xong lớp 9 và vừa thi vào học cấp 3. Sau đó cháu chuyển sang sống cùng bố bên Newzealand, khi xin học ở bên đó họ nói với trình độ của cháu thì đã học hết trình độ toán cấp 3 (lớp 13 bên đó) rồi, choáng!
Nhưng ở đây mình thử hỏi về toán học thì thành tựu của chúng ta có thể so sánh với các nước phát triển hay không? tất nhiên là không rồi, ở cả toán học và các môn khoa học khác.

Vì vậy ở đây có một câu hỏi: chúng ta đang làm lẫn lộn giữa giáo dục và đào tạo? đẩy các môn học ở bậc đào tạo thành môn trong giáo dục. Cuối cùng là chẳng làm nổi cái gì cho ra hồn. Đấy là điều chúng ta cần suy nghĩ..

Minh Minh, Từ Liêm ,Hà nội., 15:15, 04/09/2010

Có mấy vấn đề tôi muốn tham gia như sau:
1-Khi phân tích về chiến lược phát triển cần làm rõ 3 thứ :a-Kế sách ,b-Kế hoạch,b-Kế toán.(Đó là cách nghĩ kiểu Tôn Tử.)

Nếu " kế toán" không ổn thì phải xem lại a,b .Vì sao lại như vậy :a,b là" lý " (logic) còn c chính là "do" (Điều kiện hoàn cảnh) và đôi khi ngược lại.Nếu chỉ có "lý" mà không rõ về "do" thì là "duy lý ".

2-Theo 1 thì chúng ta thấy toán ứng dung quan trọng như thế nào trong gần như mọi mặt của đời sống.Nếu muốn rõ hơn về điều này hãy đọc cuốn "Niềm vui toán học" của Theoni Papas ( NXB Kim Đồng -2010 ).

3-Tôi đồng ý với GS Dũng về tỷ lệ giữa toán lý thuyết và toán ứng dụng .

4-Trong các bài phát biểu của các GS Châu và Dũng có nói qua nhưng chưa rõ lắm về viêc phát triển Văn hoá của ngành Toán ở VN.

Đây là điểm yếu nhất và là thứ cần phải làm từ bây giờ thì sau 5-10 năm nữa mới có kết quả.Không có đẳng cấp Văn hoá của các ngành nghề trong đó có ngành toán thì làm sao mà có sự đam mê dài hơi được .Lấy ví dụ:Bà Papas mà tôi nêu ở mục 2 chỉ sống bằng vài cuốn sách về các vấn đề của toán (Lịch sử ,Văn hoa,đời sống...) và thú vị hơn nữ là áo phông,cốc chén ,..có các ảnh của các nhà toán học lớn.Mặc dù là Master của Stanford nhưng bà ấy không làm toán ứng dụng hay lý thuyết mà làm công việc thú vị và rất ra tiền là phát triển văn hoá để nuôi dưỡng niềm đam mê của những người yêu toán.
5-Văn hoá cũng có cấu trúc gồm 3 thành phần :a-Vật thiêng b-Hạt nhân c-Lý luận.Theo cách tiếp cận này thì ngành toán của chúng ta càng ngày càng có cơ hôi vì giá trị văn hoá trực tiếp mà GS Châu đem về là rất lớn .Chúng ta cần phải làm cho toán ngày càng "thiêng " với mỗi người VN ,phải có nhiều hạt nhân văn hoá toán học như các GS Châu ,Dũng...và cuối cùng phải cóp nhặt và đúc kết các lý luận dần dần có bản sắc VN (Ví dụ :Ngành toán cụ thể là các khối A0 như thầy Dương ,thầy Điều.. nuôi dạy học sinh vô tư như thế nào khi ở nơi sơ tán trên Thái nguyên để có những học sinh như các GS Nhung ,Thi ...để rồi thế hệ trẻ hơn lại vô tư dạy Ngô bảo Châu).
6-Trong những ngày qua tôi thấy các nhà toán học VN đã cố gắng hết những gì có thể để PR cho toán ,thu hút đầu tư cho toán,... nhưng cũng thẳng thắn nhìn thấy có cái gì đó chưa thật sự gắn kết ,mục tiêu chưa thật rõ .Hy vọng GS Châu và các đồng nghiệp của anh sẽ sớm khắc phục được tình trạng này.
7-Tôi biết GS Dũng đã 25 năm nhưng lâu rồi không gặp và thật sự trân trọng những gì anh đang làm.Có vật thiêng là khoa học ,có đội ngũ đồng nghiệp giỏi,có lý luận cho khoa học ,kinh tế ,đặc biệt là toán -Đó chính là ví dụ về đẳng cấp Văn hoá ngành của một con người .
8-Trong sách "Đai học " có nêu lý do con người phải học đó là :a-Minh đức b-Tân dân c-Chí thiện..(Đức sáng -Đổi mới xã hội -Làm cho điều tốt bền vững ).
9-Nhiều tín thì ít lễ .Nếu có gì tôi viết chưa đúng thì mong GS Dũng và mọi người thông cảm bỏ quá cho.Cảm ơn tất cả những ai yêu toán .

Đỗ Đức Hạnh, NCS Khoa Toán, Đại Học California, Berkeley, USA, 11:11, 04/09/2010

Là một NCS về toán lý thuyết, tôi tuyệt đối đồng ý với phân tích của GS Dũng:"cần tạo được các ứng dụng của lý thuyết thay vì chỉ dừng lại ở mức lý thuyết của ứng dụng." Đó là một thực tế đáng buồn, làm lý thuyết của toán ứng dụng như hiện nay ở Việt Nam thì có khác gì làm toán lý thuyết thuần túy, mà tiếng vang trong giới KH vì thế cũng không bằng.
Chúng ta cần một chiến lược phát triển xen kẽ cả hai lãnh vực vốn liên hệ chặt chẽ và không thể tách rời nhau này, và cách giải quyết tốt nhất là mời những nhà KH Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào đội ngũ cố vấn chiến lược cho sự phát triển KH cơ bản ở Việt Nam.

phongdoanh, ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQGHN, 09:10, 04/09/2010

Tôi hoàn toàn nhất trí vơi hai ý kiến trên đây, đặc biệt là ý kiến về SGK. Hiện tại SGK ở ta nặng về kĩ năng giai toan chư không phải là khơi dây khả năng ứng dụng toán ở mọi cấp độ.

Quoc Hoan, 13:06, 03/09/2010

Đúng rồi bác Nguyễn Uông ạ. Xã hội đang rất cần những chiến lược phù hợp cho nền giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học cho nước nhà hơn là làm thế nào để giải các bài toán lớn. Vì những chiến lược xưa nay vẫn còn nguyên giá trị ở trong tủ nên người ta phải tìm kiếm bước đột phá. Viện nghiên cứu cao cấp về toán chưa đặt nặng những kết quả cụ thể cụ để ứng dụng vào sản xuất và đời sống mà có lẽ họ đang hướng tới việc chứng minh, khẳng định làm thế nào để cởi trói, thúc đẩy khoa học ở Việt Nam nói chung phát triển. Qua đó, có thể những nhà chiến lược (có tâm và có tầm) mới được phát hiện và phát huy. Hiện tại, người ta đã quá chán về việc nêu ra ý tưởng xong để đấy rồi.

Thu Hà, USA, 12:51, 03/09/2010

Anh Dũng phân tích rất hay, rất đúng. Nhưng vấn đề được đặt ra là ai sẽ là người triển khai ý tưởng như anh nói? Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để cải cách chương trình giáo dục, đào tạo. Kết quả của nó đến đâu thì ai cũng biết rồi. Nói là như vậy nhưng triển khai như thế nào luôn là những câu hỏi để ngỏ, thiếu câu trả lời thuyết phục.

Tôi muốn nói lại, 650 tỷ là rất lớn nhưng cũng chẳng là gì đối với một quốc gia.

Tôi tin rằng, nếu có một nhà khoa học nào đó, một tổ chức nghiên cứu khoa học nào đó dám tiên phong làm cách mạng về môi trường nghiên cứu khoa học mà mình có liên quan thì Chính phủ cũng đầu tư ngay thôi. Vì vậy, hãy xem đây là một nghiên cứu thử nghiệm (cho cả nền khoa học) hơn là một sự đầu tư cho toán học.

Với Viện NGCCT ra đời, tôi hy vọng điều đó sẽ mang lại hiệu ứng tích cực đối với nền khoa học nước nhà nói chung.

Nguyễn Uông, Sydney, 08:52, 03/09/2010

Thiếu thời, tôi thích đọc cuốn sách Cuộc sống và Sự Nghiệp. Khi đọc đến câu chuyện nhà toán học Acximét của Hy Lạp bị hai tên lính La Mã giết chết khi ông vẫn đang mải mê với toán học. Tôi đã phản ứng giận giữ và muốn lên án hai tên lính kia.....Nhưng bây giờ khi đã lớn, đã lăn lộn với đời và đã phần nào hiểu thêm cuộc sống và nhận thấy rằng để đem thịnh vượng, vững mạnh cho một quốc gia người ta cần nhiều những chiến lược gia hơn là những nhà toán học.

Nhà toán học cũng như những nghệ nhân vậy mà nghệ nhân ta có thể mượn lời của Trương Lương năm xưa khi khuyên Hán Cao Tổ rằng "Nếu cần người giỏi võ tôi có thể tìm cho ngài hàng xe....nhưng để có chiến lược gia như Hàn Tín dưới chướng thì quả là hiếm".

Tôi không nói chúng ta không vinh danhngười Việt độc đáo như giáo sư Ngô Bảo Châu. Chính phủ cần biết trọng dụng nhân tài. Nhưng nhớ rằng người Hy Lạp với cái tài của Ácximét không đẩy lui thế lực La Mã.

Lê Văn Dụy, 54 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, 07:14, 03/09/2010

Tôi cũng là người tốt nghiệp đại học tổng hợp toán. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của anh Dũng.

Toán lý thuyết rất quan trọng, vì vậy không được vì khó khăn về kinh tế mà bỏ rơi nó.

Nó là nền tảng của tất cả các môn toán ứng dụng khác.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tiếp cận được nó, vì vậy rất cần khuyến khích các tài năng đi sâu vào nghiên cứu nó để xây dựng một nền toán học vững chãi cho nước nhà.

Hiện nay toán ứng dụng chưa được coi trọng nhiều lắm. Một trong những môn toán ứng dụng cần được quan tâm là thống kê tóan.

Thống kê toán có ứng dụng trong tất cả các ngành kinh tế, xã hội và tự nhiên, nhưng theo tôi am hiểu và ứng dụng nó hiện nay vẫn còn rất hạn chế ở nước ta.

Các tin khác