Có nên theo nghề toán?

Cập nhật lúc 06:20, 01/09/2010 (GMT+7)

- Ở Mỹ, nghề làm toán đang được coi là nghề tốt nhất trong số 200 ngành nghề khác nhau. Ở Việt Nam, vào thời điểm hiện tại, hầu hết những người làm toán tức là làm việc trong giới hàn lâm. Nghề làm khoa học và giảng dạy đại học ở Việt Nam nói chung và nghề làm toán nói riêng có thu nhập rất thấp so với các nghề lao động trí óc khác.

LOẠT BÀI VIẾT: "TOÁN HAY LÀ KHÔNG TOÁN?"

Phần 2: Có nên theo nghề toán?

Ai cho ta làm toán? - Chí Phèo đời mới

Ở Mỹ, nghề làm toán đang được coi là nghề tốt nhất trong số 200 ngành nghề khác nhau (xem http://www.careercast.com/jobs/content/JobsRated_Top200Jobs). Thu nhập trung bình của nghề toán, ở mức 94.000 USD một năm, thuộc loại khá cao tuy không phải cao nhất trong các nghề, và môi trường làm việc của nghề toán dễ chịu hơn hẳn so với nhiều nghề khác.

Tuy nhiên, cần biết rằng, trong số những người được tính là làm toán ở Mỹ, chỉ có khoảng 15% là làm việc ở trong giới hàn lâm (các đại học hoặc viện nghiên cứu toán), còn lại là làm phát triển ứng dụng toán học trong các cơ quan và doanh nghiệp khác nhau, ví dụ như NASA, Hewlett-Packard, hay Goldman-Sachs. Trong số những người làm toán trong môi trường hàn lâm, thì cũng chỉ có một phần nhỏ là nghiên toán lý thuyết thuần túy, phần lớn hơn là nghiên cứu những thứ gần với ứng dụng.

Đó là ở Mỹ. Còn ở Việt Nam thì khác. Vào thời điểm hiện tại, hầu hết những người làm toán tức là làm việc trong giới hàn lâm. Nghề làm khoa học và giảng dạy đại học ở Việt Nam nói chung và nghề làm toán nói riêng có thu nhập rất thấp so với các nghề lao động trí óc khác, trừ những ai có thêm thu nhập từ những nguồn khác, hoặc "sống nhờ vào Tây" (thỉnh thoảng được mời làm việc ở nước ngoài).

Mô tả ảnh.
Thí sinh dự thi ĐH năm 2010. Mùa tuyển sinh năm nay, nhóm ngành kinh tế vẫn là sự lựa chọn của số đông học sinh. Ảnh: Phạm Hải

Phần lớn mọi người phải "bán cháo phổi" và lo kiếm sống quá nhiều, không có thời gian và tâm trí cho nghiên cứu, và cũng không có môi trường làm việc thuận lợi để mà nghiên cứu. Bức tranh nghề nghiệp hiện tại ít sáng sủa như vậy, nên cũng dễ hiểu khi mà số lượng học sinh có năng khiếu về khoa học ngày nay thích đi theo khoa học nói chung và toán học nói riêng khá ít, thậm chí không đủ nhu cầu cho việc đào tạo giảng viên đại học, chứ chưa nói đến nghiên cứu. Trong tương lai, điều kiện ở Việt Nam sẽ tốt dần lên, nhưng phải mất nhiều thập kỷ nữa mới có thể nói chuyện đuổi kịp thế giới.

Nếu bạn rất yêu toán, thì đi theo nghề toán là một trong những chọn lựa hợp lý, vì hạnh phúc là khi được làm cái mình thích. Nhưng đừng nên theo nghề toán chỉ vì nghĩ rằng "nghề toán mới là nghề cao quí". Có những người thiên vị toán và kiêu ngạo đến mức ví toán như là "ông hoàng bà chúa". Thế nhưng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, để cho cái đồng hồ chạy được, thì các bộ phận của nó đều phải hoạt động, chứ không thể nói bộ phận này quan trọng hơn bộ phận kia. Không thể coi toán học danh giá (hay kém danh giá) hơn các ngành khác, hay coi toán lý thuyết quan trọng (hay kém quan trọng) hơn toán ứng dụng.

Có thể ví toán học như là con ngựa của bác nông dân. Một con ngựa vô cùng có ích, dùng để kéo cầy, kéo xe, dạo chơi, chạy đua, v.v. Ai cũng có thể sắm cho mình một con ngựa toán học. Giá nó không rẻ nhưng nó sẽ làm việc bù lại cho

Có thể ví toán học như là con ngựa của bác nông dân. Một con ngựa vô cùng có ích, dùng để kéo cầy, kéo xe, dạo chơi, chạy đua, v.v. Ai cũng có thể sắm cho mình một con ngựa toán học. Giá nó không rẻ nhưng nó sẽ làm việc bù lại cho. Có ngựa thì phải chăm sóc, ngựa có tốt mà bị bỏ đói thì cũng gầy còm ốm yếu rồi trở nên vô dụng. Khi làm ngành toán, thì như là "làm con ngựa có ích cho đời", dù là ngựa thồ hay ngựa đua, nhưng không phải là làm chúa thiên hạ. Những kiểu "tranh luận" như "ngựa mới là quí, giống chó kia có ra gì", "ngựa thồ mới có ích, ngựa đua chỉ ăn hại", hay "ngựa đua mới đáng gọi là ngựa" nói chung là vô nghĩa.

Để thành công trong toán học cũng như trong nhiều ngành khác, khả năng ban đầu chỉ là một phần, điều kiện môi trường và sự bền bỉ về sau là điều vô cùng quan trọng.

Tôi trước có một sinh viên cao học người Pháp, học lực rất trung bình khi học cao học và làm nghiên cứu sinh, nhưng sau khi được làm post-doc thêm 5 năm ở một nơi khá tốt và say mê làm việc, bây giờ đã có được những công trình toán lý thuyết tầm cỡ quốc tế rất có ý nghĩa.

Nhưng không phải ai cũng được may mắn như vậy. Tỷ lệ thất bại trong toán lý thuyết khá cao. Có đến 90% các công trình toán lý thuyết trên thế giới là "chìm vào quên lãng" không có sự phát triển tiếp theo và cũng không ai dùng đến.

Bất hạnh của nhiều nhà toán học lý thuyết là bị tắc nghẽn trong nghiên cứu, do thiếu điều kiện hoặc chưa đủ khả năng vượt qua khó khăn.

Chưa kể đến chuyện tỷ lệ bị "dở người" vì làm toán lý thuyết cao hơn là trong các ngành khác. Và kể cả khi thành công, thì thu nhập trong ngành toán lý thuyết cũng khiêm tốn so với nếu thành công trong các lĩnh vực khác. Bù lại, những định lý toán học có thể đem lại sự thỏa mãn tột cùng về mặt tinh thần cho các tác giả của nó.

Khi bạn rất thích toán, thì không nhất thiết phải đi theo toán lý thuyết, mà có thể đi theo toán ứng dụng, học toán để mà ứng dụng. Hầu hết những vấn đề lớn của toán lý thuyết cũng là từ nhu cầu ứng dụng mà ra.

Để thành công trong toán ứng dụng, cần vừa học về toán vừa học về ngành mà mình muốn ứng dụng toán vào đó, chứ không phải chỉ học mỗi toán
Nếu Việt Nam đi theo thế giới, thì ngành toán ứng dụng cũng sẽ trở thành một ngành phổ biến, được ưa chuộng, và có thu nhập cao, trong các ngành.

Để thành công trong toán ứng dụng, cần vừa học về toán vừa học về ngành mà mình muốn ứng dụng toán vào đó, chứ không phải chỉ học mỗi toán rồi lầm tưởng mình biết tất "cứ thế là phán", thì mới ứng dụng được hiệu quả và tìm được đúng các công cụ toán học cần thiết.

Khi giỏi thì không nhất thiết phải làm lý thuyết mới ra được kết quả lớn, mà làm ứng dụng cũng có thể đem lại những thành tựu rất lớn.

Alan Turing từng nói "tầm nhìn của ta còn rất hạn hẹp mà đã thấy có bao nhiêu việc để làm". Nhìn xung quanh ta có thể thấy đầy những vấn đề cần đến ứng dụng của toán. Và cũng có thể làm giầu vì toán. Ví dụ tiêu biểu là nhà toán học James Simons, trở thành một trong những đại tỷ phú nổi tiếng nhất thế giới, nhờ áp dụng toán học vào thị trường tài chính.

Toulouse, 26/08/2010

  • Nguyễn Tiến Dũng

Phần tiếp theo: Từ lý thuyết đến thực tế

Ý kiến của bạn

Các tin khác