Học sinh "học cách học" bằng bản đồ tư duy

Cập nhật lúc 16:52, 05/11/2010 (GMT+7)

Thay vì việc học sinh còn lệ thuộc nhiều vào giáo viên, vào sách giáo khoa và học tập một cách thụ động, sau nhiều năm nghiên cứu, Dự án phát triển giáo dục THCS II vừa “trình làng” một công cụ hiệu quả giúp thầy cô giáo hướng dẫn học sinh tự tìm tòi, lĩnh hội và hệ thống hóa kiến thức.

Đây là cách làm khả thi có thể góp phần giải quyết tận gốc hiện tượng “đọc chép”mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo khắc phục.

Mô tả ảnh.
Học sinh truờng THCS Gia An - Tánh Linh- Bình Thuận hào hứng trước tác phẩm "kiến thức, hội họa" từ hoạt động nhóm của mình

Nhóm nghiên cứu của Dự án phát triển giáo dục THCS II giới thiệu cách ghi chép, cách học theo ý tưởng thiết kế bản đồ tư duy (nhà khoa học người Anh Tony Buzan là người tiên phong).

Với việc thiết kế bản đồ tư duy (BĐTD), hầu hết HS hào hứng chăm chú lắng nghe thầy cô giáo giảng bài, nghiên cứu kỹ sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, vận dụng cả về quan sát thực tế cuộc sống, sử dụng đến bố cục màu sắc, đường nét, các nhánh, sắp xếp các ý sao cho vừa súc tích, trực quan, dễ hiểu và dễ tiếp thu.... Từ đó góp phần giúp các em phát triển khả năng thẩm mỹ, sắp xếp ý tưởng một cách khoa học, hệ thống.

Mô tả ảnh.
Học sinh trường THCS Yên Mỹ - Lạng Giang - Bắc Giang tự hình thành kiến thức mới bài "hình thoi" bằng BĐTD ngay tại lớp dưới sự hướng dẫn của cô giáo.

TS Trần Đình Châu, Vụ trưởng, Giám đốc Dự án Phát triển giáo dục THCSII, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Xây dựng THTTHSTC”, Bộ GD&ĐT cho biết: Quan sát qua dự giờ cho thấy, thiết kế bản đồ tư duy kết hợp với các phương pháp dạy học tích cực, vấn đáp gợi mở… sẽ đem lại hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh. Sau khi các em vẽ xong rất nhanh “tác phẩm kiến thức, hội họa” và trình bày lại cho cả nhóm hoặc cả lớp nghe một cách rất hào hứng, nên các em một lần nữa ghi nhớ rất sâu kiến thức và rèn tính tự tin, khả năng thuyết trình... là những điểm còn yếu của học sinh hiện nay.

Mô tả ảnh.
Sản phẩm học nhóm bằng BĐTD về lịch sử các nước Đông Nam Á của 2 em học sinh lớp 9 trường Vĩnh Hưng - Hoàng Mai - Hà Nội

Từ thực tế đó, ông Châu cho rằng: “ Lâu nay giáo viên mới chú trọng cung cấp kiến thức chính xác và đầy đủ theo SGK mà chưa chú ý hướng dẫn phương pháp “học cách học” nên hiệu quả ghi nhớ kiến thức của học sinh chưa cao.Vì một số học sinh còn “học vẹt”, “đọc chép” nên không nhớ kiến thức sâu sắc, do vậy, là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “quay cóp” khi thi cử. Còn với việc học theo phương pháp thiết kế BĐTD, kết quả nghiên cứu cho thấy đa số học sinh, kể cả học sinh trung bình do ghi nhớ rất sâu kiến thức khi thi sẽ “lôi” kiến thức trong đầu rất nhanh, cũng dễ dàng làm bài được 5-6 điểm, không cần “quay cóp” nữa”, học sinh khá giỏi sẽ đạt kết quả học tập cao, lại được tập dượt nghiên cứu khoa học và hình thành dần cách vận dụng tốt kiến thức được học qua sách vở vào cuộc sống sau này”.

Với kì vọng của nhóm nghiên cứu dự án THCSII là thiết kế BĐTD hỗ trợ dạy học trong nhà trường, góp phần mình vào sự nghiệp chung của ngành giáo dục, mới đây, BĐTD là một trong các nội dung tập huấn được triển khai trong phạm vi Dự án cho 35 trường THCS thụ hưởng Dự án THCS II thuộc 3 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Bắc Cạn được tổ chức tại Lào Cai.
Mô tả ảnh.
Giáo viên các trường tham gia dự án 3 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Bắc Cạn thực hành và sáng tạo BĐTD

Phiếu thống kê 155/161 ý kiến thu về sau đợt tập huấn này cho thấy nhận định chung của các thầy cô tham gia tập huấn cho rằng có thể đưa BĐTD vào sử dụng rộng rãi trong dạy học và áp dụng được ở các mức độ khác nhau ở dạy tiết bài mới, luyện tập, ôn tập với hầu hết học sinh là cách làm hay, góp phần khắc phục được hiện tượng “đọc chép” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo khắc phục.

Thầy Long, giáo viên trường THCS Pắc Nặm - Bắc Kạn cho biết: “Với BĐTD, thầy cô đóng vai trò là người thuyết trình, gợi mở còn học sinh là người áp dụng, tự tóm lược hình thành kiến thức mới trên BĐTD và củng cố ôn tập theo bản đồ này. Như vậy, thầy cô đỡ vất vả trong việc biên soạn bài giảng, mà học sinh chủ động nắm bắt kiến thức, học tập theo phương pháp tích cực.”

Cô giáo Đào Thị Thu - trường THCS thị trấn Sìn Hồ, Lai Châu chia sẻ: “Tôi thấy BĐTD rất có ích cho việc học bài mới, ôn tập, tóm lược và khái quát kiến thức. Mặt khác, tuy tại vùng cao, điều kiện cơ sở vật chất còn có khó khăn nhưng BĐTD lại không yêu cầu bất cứ điều kiện đặc biệt nào. Nếu không có phần mềm, bút màu, giấy vẽ đi chăng nữa, học sinh vẫn có thể sử dụng mực các màu, bút chì, bút bi kết hợp để làm BĐTD.”

Trong buổi tổng kết đợt tập huấn, Ban tổ chức đã trao phần thưởng cho 35 thầy cô đã tự thiết kế BĐTD sáng tạo. Ông Nguyễn Anh Ninh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai cho biết:“Muốn xây dựng được trường học thân thiện, học sinh tích cực thì đội ngũ giáo viên phải là trung tâm. Đội ngũ giáo viên được tập huấn trong đợt này sẽ là nòng cốt giúp các trường đổi mới phương pháp dạy học thực hiện nội dung quan trọng dạy học có hiệu quả trong phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.”
  •  Diệu Minh

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác